Cách chữa đi tiểu dắt ở trẻ nhỏ

Chào bạn! Xin cám ơn những thông tin bạn đã chia sẻ về tình trạng của con bạn.
Tiểu lắt nhắt được định nghĩa là trẻ đi tiểu rất nhiều lần, khoảng cách giữa các lần rất ngắn có khi cứ vài phút trẻ lại đòi đi tiểu một lần, nhưng mỗi lần chỉ một chút nước tiểu. Thông thường trẻ đi trên 7 lần/ ngày.
Các nguyên nhân của tiểu lắt nhắt:
1/ Nhiễm trùng tiểu:
Thường gặp ở bé gái nhiều hơn bé trai. Ngoài triệu chứng tiểu lắt nhắt các bé thường hay than phiền nóng rát hay đau. Nhiều khi đau đến nỗi khóc thét khi đi tiểu hoặc nín tiểu, lấy tay bóp chỗ kín vì đau. Có thể kèm theo thay đổi tính chất nước tiểu: có máu [đỏ] hay mủ [đục].
Nguyên nhân nhiễm trùng tiểu thường là do vi khuẩn từ đường ruột xâm nhập ngược trở lại đường niệu. Ở trẻ trai thì có liên quan tới vệ sinh đầu dương vật kém, hay gặp ở các bé hẹp hay dài da bao quy đầu.
2/ Táo bón:
Là tình trạng khá phổ biến, khi có ứ đọng phân khối phân trong trực tràng có thể đè vào bàng quang khiến trẻ có cảm giác mót tiểu thường xuyên. Táo bón cũng làm tăng nguy cơ nhiễm trùng tiểu ở trẻ nhỏ. Điều trị tháo phân và kiểm soát táo bón cho tốt làm hết hiện tượng này.
3/ Đi tiểu không hết do ám ảnh tâm lý:
Tình trạng này khá thường gặp ở trẻ em. Đây có thể coi là một rối loạn hành vi liên quan tới tâm lí nhiều hơn là bệnh tật y khoa.
Trẻ có thể có cảm nghĩ mình đã dành quá ít thời gian cho việc đi vệ sinh, và việc đó khiến mình bỏ lỡ điều gì đó rất quan trọng, do đó trẻ thường xuyên đi tiểu, nhưng mỗi lần đi lại không làm trống hết bàng quang và dần dần hình thành thói quen tiểu rất nhiều lần mỗi lần một ít. Lâu ngày các cơ thắt cổ bàng quang trở nên nhạy cảm quá mức và khó làm được chức năng giữ nước tiểu đầy đủ như bình thường.
Điều trị tình trạng này chủ yếu là hướng dẫn trẻ thực hành thói quen đi tiểu tốt, khuyến khích trẻ đi tiểu hết mỗi lần, và lên lịch đi tiểu mỗi 2-4 giờ.
4/ Tiểu lắt nhắt vô căn:
Sự co bóp bàng quang cũng phụ thuộc rất lớn vào tình trạng tâm lí: khi bị hồi hộp, stress. Trẻ rất dễ có cảm giác mót tiểu dù rằng trong bàng quang chưa đủ lượng nước. Việc này có thể kéo dài hình hành thói quen tiểu nhiều lần mà không hề có bệnh thực thể nào. Tình trạng này cũng có thể tự biến mất sau 3 tháng.

Giải tỏa stress, huấn luyện hành vi nín tiểu, đánh lạc hướng để bàng quang tích đủ lượng nước tiểu rồi mới đi tiểu là điều trị đầu tiên. Sau 3 tháng nếu nếu không cải thiện 1 số thuốc có thể giúp ích cho việc điều hòa lại co bóp bàng quang.

Do tình hình dịch bệnh bạn không thể đưa con đến khám ngay được thì với những nguyên nhân vừa kể trên, bạn xem con mình ngoài việc tiểu lắt nhắt thì bé có kèm các dấu hiệu khác như bị táo bón, sốt, nước tiểu có máu, bé có đang gặp stress tâm lý Và nếu việc tiểu lắt nhắt không quá ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày của bé thì bạn có thể trì hoãn việc đưa bé đi khám, tìm hiểu những nguyên nhân có thể gây cho con bạn tiểu lắt nhắt, giải quyết nguyên nhân nếu được.
Khi tình hình dịch bệnh ổn định, bạn nên sớm đưa bé đến bệnh viện thăm khám để được bác sĩ thăm khám, làm các xét nghiệm cần thiết tìm ra nguyên nhân tình trạng tiểu lắt nhắt của bé.

Chúc bạn sức khỏe! Nếu có thêm bất cứ thắc mắc nào, bạn có thể gửi câu hỏi về cho chương trình, hoặc liên hệ tổng đài của Hệ thống bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, tại Hà Nội: 1800 6858 và tại TP.HCM: 0287 102 6789 để được hỗ trợ đặt lịch khám, tư vấn với các chuyên gia của chúng tôi. Trân trọng!

Video liên quan

Chủ Đề