Chiến lược tiếng Anh là gì

I. Đặt vấn đề
Khi học tiếng Anh, người Việt chúng ta nhất là giai đoạn mới học không thể tránh được việc dịch từ, cụm từ từ tiếng Anh sang tiếng Việt. Và để học nghĩa hay kiểm tra nghĩa của từ thì việc dùng từ điển Anh-Việt đương nhiên người học không thể không làm. Đối với từ strategy, trong Từ điển Anh-Việt của Viện Ngôn ngữ học xuất bản năm 1993 từ này có 3 nghĩa: 1/ [nghệ thuật] vạch kế hoạch và chỉ huy một cuộc hành quân trong chiến tranh hoặc chiến dịch, chiến lược, 2/ [tài năng] vạch kế hoạch hoặc quản lý một doanh nghiệp, điều hành một công việc tốt; 3/ Kế hoạch hoặc chính sách nhằm một mục đích nhất định, chiến lược [tr.1694], Trong Từ điển Việt-Anh của Viện Ngôn ngữ [2007, tr.213] từ tiếng Anh có nghĩa tương đương chiến lược là strategy và strategy dường như không được sử dụng ở mục từ nào khác nữa. Nói cách khác, trong hai cuốn từ điển đó strategy hầu như chỉ mang nghĩa chiến lược. Tuy nhiên, có một thực tế, trong khi học và dịch tiếng Anh chúng ta gặp rất nhiều cụm từ có từ strategy, ví dụ: the strategy to win a game, reading strategies, cooking strategy, babysitting strategies,v.v. người học cảm thấy bối rối, không biết nên hiểu và dịch thế nào sang tiếng Việt nghĩa của những cụm từ đó cho đúng. Bởi lẽ, người Việt chúng ta chắc hẳn không ai nói, chẳng hạn, *chiến lược nấu ăn [cooking strategy] hay *chiến lược trông trẻ [babysitting strategies].

II. Từ strategy trong tiếng Anh và nghĩa tương đương trong tiếng Việt
Từ điển Dictionary of Contemporary English for Advanced Learners [2010, tr.1742] giải thích nghĩa từ strategy: 1] a planned series of actions for achieving something, 2] the skill of planning the movements of armies in a war, 3] skilful planning.
Theo Từ điển Oxford Advanced Learners Dictionary [1995, tr.1179], strategy có 2 nghĩa: 1.a] a plan designed for a particular purpose, b] the process of planning something or carrying out a plan in a skilful way, 2] the art of planning and directing military activity in a battle or war.
Qua hai cuốn từ điển Anh-Anh nêu trên, chúng ta có thể thấy ý nghĩa chủ đạo của từ strategy là plan hoặc planning [kế hoạch, việc lập kế hoạch].
Tuy nhiên, Từ điển Longman Dictionary of the English Language [1988, tr.1481] strategy có một số nghĩa sau: 1a1] the science and art of employing all the resources of a nation or group of nations to carry out agreed policies in peace or war, 2] the science and art of military command exercised to meet the enemy in combat under dangerous conditions >< tactics, b] a variety of or instance of the use of strategy, 2a] a careful plan or method, b] the art of devising or employing plans towards achieving a goal. Như vậy, trong từ điển này từ strategy có nghĩa thứ 2 là method [2a]. Nét nghĩa này được khẳng định lại, bởi lẽ, từ plan, cũng trong từ điển này, được định nghĩa là: a set of actions for achieving something in the future, especially a set of actions that has been considered carefully and in detail [tr.1321]. Như vậy, có thể suy ra rằng nghĩa thứ 2 [2a] của strategy về cơ bản giống với nghĩa giải thích của từ way trong mục Thesaurus [tr.1100] của từ điển Dictionary of Contemporary English for Advanced Learners xuất bản năm 2010 [way: a set of actions that you use in order to do something].
Hơn nữa, Từ điển đồng nghĩa, trái nghĩa Rogets International Thesaurus edited by Robert L. Chapman [1992, tr.304] mục 382 khi nói về từ plan, chỉ ra rằng plan có thể đồng nghĩa với method, way hoặc procedure. Đặc biệt, cũng trong từ điển Dictionary of Contemporary English for Advanced Learners [2010, tr.1742], trong mục thesaurus gồm 8 từ đồng nghĩa, strategy được so sánh với method, way, means, approach, technique, tactics, mode, [tr.1100], trong đó từ way [cách làm việc gì đó] là từ không trang trọng thường được dùng trong lối nói hàng ngày, từ mehod [phương pháp làm việc gì đó] trang trọng hơn: a way of doing something, especially one that is well-known and often used, ví dụ: experimental method [phương pháp thực nghiệm] và từ strategy: a set of carefully planned methods for achieving something that is difficult and may take a long time.
Qua những dẫn chứng nêu trên, có thể thấy rằng từ strategy có nhiều nghĩa nhưng một số nét nghĩa chính. Đó là:
1. Là một kế hoạch bao gồm một loạt các công viêc thực hiện nhằm đạt được kết quả,
2. Chiến lược: kỹ năng/khoa học/nghệ thuật lập kế hoạch để huy động nhiều nguồn lực nhằm thực hiện các chính sách.
3. Cách/phương pháp làm một việc gì đó.
Sau đây là một số ví dụ về những nét nghĩa chính của từ strategy:
debt payoff strategies [kế hoạch trả nợ], production strategies [chiến lược sản xuất], greeting strategies [cách thức/nghi thức chào hỏi], thinking strategies [phương pháp tư duy], management strategies [phương thức quản lý], scoring strategies [chiến thuật/kỹ thuật ghi điểm/giành điểm], 10 strategies for making a good impression: [10 cách tạo ấn tượng tốt], learning strategies [cách thức / phương pháp học tập], 7 thinking strategies [7 cách phát triển tư duy].
III. Sự khác biệt về nghĩa phương pháp/cách của từ strategy và method
Theo chúng tôi, khi dịch sang tiếng Việt mặc dù strategy và method đều mang nghĩa phương pháp nhưng chúng có một số nét nghĩa không giống nhau. Từ method [phương pháp] chỉ phương pháp KHI bạn làm một việc gì đó, cách làm. Ví dụ, phương pháp giao tiếp [communicative method], đây là phương pháp/cách học ngoại ngữ, KHI bạn thực hành các hoạt động giao tiếp trong các tình huống khác nhau bằng ngoại ngữ [chủ yếu là nói hoặc viết], bạn sẽ học được ngoại ngữ đó. Tuy nhiên, strategy [phương pháp] là phương pháp NẾU bạn muốn hay có kế hoạch làm việc gì đó, công việc này thường khó khăn, phải tiến hành trong thời gian dài, gồm các bước khởi đầu và kết quả cuối cùng / kế hoạch. Ví dụ, communication strategies là phương pháp/kế hoạch NẾU bạn muốn phát triển kỹ năng giao tiếp, theo đó bạn phải luyện tập, thực hành một loạt các hoạt động giao tiếp thì mới đạt được mục đích
Nói cách khác, phương pháp [method], mang tính kinh nghiệm thực tế, khái quát, nói tới cách thức làm việc đã được kiểm nghiệm. Trái lại, phương pháp [strategy] lại mang tính kế hoạch, cụ thể, có thể mới với người nghe hoặc đọc. Đây là cách làm mang tính cân nhắc, hướng dẫn cách thực hiện một số việc trong hoàn cảnh nhất định để đạt được mục đích công việc. Theo đó, nếu bạn MUỐN / CÓ KẾ HOẠCH làm việc nào đó thì bạn phải thực hiện những hoạt động kèm theo, có như vậy mới đạt được kết quả. Với nét nghĩa này, từ strategy có thể dùng ở dạng số nhiều mang nghĩa chung chung, hoặc có thể dùng với số đếm khi mang nghĩa cụ thể [cách, kỹ thuật, phương thức, chiến thuật,v,v,].
IV. Kết luận
Tư duy con người giữa các dân tộc là giống nhau tuy nhiên ngôn ngữ và văn hóa lại khác nhau. Do vậy, khi dịch tiếng Anh sang tiếng Việt [Anh-Việt] nói chung và dịch từ strategy nói riêng, người dịch phải hiểu được ý muốn nói của người nói hoặc viết, còn dịch là gì và dịch như thế nào lại phải dựa vào ngôn từ, văn hóa của người Việt, cố gắng sao cho người Việt dùng từ thế nào chúng ta dịch như thế. Cho nên, nếu strategy trong tiếng Anh được dùng tương đương với nghĩa chiến lược trong tiếng Việt thì chúng ta hãy dùng nghĩa đó còn nếu không thì tùy tình huống cụ thể, dựa vào tiếng mẹ đẻ, chúng ta có thể dùng các nghĩa tương đương một cách linh hoạt: cách, phương pháp, chiến thuật, phương thức,v.v. Bởi lẽ, mục đích chúng ta dịch là để cho người Việt không biết tiếng Anh hiểu chứ không phải cho người Việt biết tiếng Anh hay người Anh học tiếng Việt!
Tài liệu tham khảo
1. Dictionary of Contemporary English for Advanced Learners [2010], Pearson Education Limited, 3th impression
2.Longman Dictionary of the English Language [1988], Longman Group, UK
3.Oxford Advanced Learners Dictionary [1995], Oxford University Press
4.Robert L. Chapman [Ed.].[1992], Rogets International Thesaurus, HarperCollins Publishers, NY
5.Viện Ngôn ngữ học, [2007], Từ điển Việt-Anh, Nhà xb TP HCM
6.Viện Ngôn ngữ học, [2007], Từ điển Việt-Anh, Nhà xb Từ điển Bách khoa

TS. Đặng Ngọc Hướng Khoa Ngoại ngữ

Video liên quan

Chủ Đề