Chính sách liên kết chuỗi giá trị

“Điều tôi trăn trở là sự bất cân xứng thông tin thị trường, kết nối cung - cầu chưa chặt. Thời gian qua, chúng ta làm tốt được một phần là liên kết giữa người sản xuất, hợp tác xã thông qua việc ký kết các hợp đồng để đưa nông sản ra thị trường. Nhưng để bền vững hơn, tránh rủi ro mùa vụ hơn, phải chuyển từ chuỗi liên kết sang chuỗi giá trị, phải định hình tư duy nông nghiệp là ngành kinh tế”. Đó là chia sẻ của Bộ trưởng Lê Minh Hoan khi ông bắt đầu đảm nhận trọng trách mới là "tư lệnh" ngành nông nghiệp.

Sản xuất nông nghiệp theo chuỗi liên kết từ trồng, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhằm tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Theo Bộ trưởng, với chuỗi liên kết, nông sản từ ruộng vườn ra thị trường thì khi có chuỗi giá trị, nông sản được phân loại, sơ chế, chế biến một phần rồi mới cung ứng đến thị trường giúp giảm thiểu rủi ro mùa vụ. Lý thuyết là vậy nhưng làm sao người nông dân, các hợp tác xã nắm bắt thông tin, tiếp cận công nghệ, chính sách hỗ trợ để đảm trách được việc này? Làm sao để người nông dân không bị đứng ngoài cuộc?

Thực tế, phát triển các chuỗi liên kết nông sản vẫn luôn là nút thắt của ngành nông nghiệp, nhất là khi tình trạng được mùa, mất giá liên tiếp xảy ra trong những năm qua. Cuối tháng 2 vừa qua, nông sản Mê Linh [Hà Nội] ùn ứ, hạ giá 1.000 đồng/kg rau củ vẫn chẳng ai mua, hàng trăm tấn củ cải, su hào, cà chua vẫn đang phải đổ bỏ. Nhưng đến giữa tháng 3, nông dân nơi đây lại tiếp tục chuẩn bị cho một vụ mùa mới. Dường như người dân không cần biết thị trường mùa vụ tiếp theo sẽ ra sao, trông chờ vào may rủi. Vì chạy theo sản lượng, nên nếu được giá là do “ăn may”, chẳng may rớt giá thì trông chờ “giải cứu”, nếu “giải cứu” mà cũng không hết thì đổ bỏ.

Ngoài những doanh nghiệp lớn có kho bãi lớn, kho lạnh bảo quản, có nhà máy chế biến thì còn hàng chục triệu nông dân, hàng chục nghìn hợp tác xã đang phải tự “bơi” giữa cơ chế thị trường, mất phương hướng trong sản xuất, bị thương lái ép giá, thường xuyên rơi vào cảnh được mùa mất giá. Bởi sản xuất quy mô nhỏ và cá thể, nên họ không đủ năng lực để liên kết với doanh nghiệp, không bán được giá cao bởi những đòi hỏi về nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa, hồ sơ, chứng từ cũng như các thủ tục pháp nhân để giao dịch, mua bán... Càng hội nhập sâu rộng thì sản xuất ở quy mô nhỏ lẻ càng khó cạnh tranh.

Liên kết giữa người sản xuất và doanh nghiệp được xem là yếu tố sống còn vì nông dân không thể nào đi vào sản xuất mà không biết thị trường ở đâu, cần bao nhiêu, cần sản phẩm với quy chuẩn, tiêu chuẩn như thế nào. Những điều này doanh nghiệp lại rất am tường thông qua các kênh đàm phán, nắm bắt thông tin. Vậy nhưng, hiện trên cả nước mới có 11-14% sản lượng nông nghiệp tiêu thụ thông qua liên kết. Mối liên kết giữa doanh nghiệp, hộ nông dân, hợp tác xã chưa gắn kết lợi ích và trách nhiệm của các chủ thể với nhau, hợp đồng bao tiêu nông sản thể hiện tính pháp lý thấp, chưa ràng buộc rõ ràng giữa người bán và người mua, mức độ tiêu thụ nông sản cho người dân còn thấp, giá cả lên xuống bấp bênh, không ổn định…

Có thể nói, câu chuyện thời sự muôn thuở "được giá mất mùa, được mùa mất giá" khiến người nông dân điêu đứng quy về căn nguyên vẫn là do thiếu sự liên kết chặt chẽ, thậm chí là đứt mạch trong mô hình “4 nhà”, lợi ích và trách nhiệm giữa các bên không gắn kết. Vì vậy, chỉ khi nào nút thắt đó được bền chặt, có sự tương tác, hỗ trợ nhau thực sự hiệu quả từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ sản phẩm, lúc đó ngành nông nghiệp Việt Nam mới có thể phát triển bền vững và đời sống nông dân hết bấp bênh.

Để phát triển chuỗi liên kết bền vững, giải pháp quan trọng là nâng cao trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, đơn vị liên quan. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan thừa nhận rằng, lâu nay chính ngành nông nghiệp cũng quan niệm đầu ra thuộc trách nhiệm một đơn vị khác, một ngành khác, ví dụ như công thương, trung tâm xúc tiến thương mại... Điều này sẽ phải thay đổi, trong bảng kế hoạch phát triển một ngành hàng, mọi khâu phải nhất quán, xuyên suốt, giải pháp thị trường phải được đặt ra ngay trong kế hoạch, quy hoạch từ đầu. Với mục tiêu đặt ra cho ngành cụ thể như vậy, người dân kỳ vọng tân Bộ trưởng Lê Minh Hoan sẽ giải được bài toán được mùa mất giá, bắt đầu từ việc thay đổi và định hình tư duy nông nghiệp là ngành kinh tế chứ không chỉ là ngành sản xuất, kỹ thuật với chăn nuôi, trồng trọt đơn thuần.

Duy Anh

Sản phẩm của HTX Thịt chua Thanh Sơn đã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn OCCOP cấp tỉnh năm 2020

Đa dạng các mô hình

Thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp, một số loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, phù hợp với thổ nhưỡng đã được nhiều địa phương ưu tiên mở rộng. Trong đó hình thành các vùng chuyên canh, cánh đồng lớn, chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp như trồng lúa chất lượng cao, sản xuất chè xanh, sản xuất bưởi, trồng rau an toàn; nuôi lợn, nuôi thủy sản tập trung… Đồng thời hình thành một số chuỗi giá trị có hiệu quả gồm: Chuỗi sản xuất gà thương phẩm Thanh Ba; chuỗi gà thịt an toàn tại Phù Ninh; sản xuất chuối xuất khẩu ở Tam Nông; rau an toàn ở Lâm Thao; liên kết bao tiêu sản phẩm bưởi Diễn, ổi với Vineco tại Thanh Thủy; chuỗi chế biến nông sản an toàn Làng Dòng, chuỗi chế biến thịt chua tại Thanh Sơn, liên kết sản xuất thủy sản theo chuỗi giá trị đảm bảo an toàn thực phẩm gắn với xây dựng thương hiệu cá Sông Đà tại huyện Thanh Thủy, Thanh Sơn. Một số mô hình liên kết đã áp dụng công nghệ phun thuốc bảo vệ thực vật bằng thiết bị bay không người lái; liên kết, tiêu thụ giống lúa J02 quy mô 100ha tại xã Cao Xá [huyện Lâm Thao]…

Mô hình trồng ớt xanh xuất khẩu của HTX Nông nghiệp Thượng Nông [xã Dân Quyền, huyện Tam Nông]

Hợp tác xã [HTX] Nông nghiệp Thượng Nông, xã Thượng Nông [nay là xã Dân Quyền, huyện Tam Nông] chuyển đổi theo Luật HTX kiểu mới từ tháng 7/2013. Hiện nay, HTX đang liên kết với Công ty xuất nhập khẩu nông sản Hưng Yên thực hiện dự án trồng 25ha chuối Tây Thái Lan cho hiệu quả cao. Ngoài ra, HTX chủ động liên kết với Công ty Giống cây trồng Trung ương tổ chức sản xuất 60ha lúa giống và hằng năm bao tiêu 120 - 125 tấn giống lúa chất lượng cao. Liên kết với Công ty TNHH chế biến nông sản Vĩnh Phúc mở ra các mô hình trồng đu đủ, ớt… tăng thu nhập cho các hội viên cao gấp 3 - 4 lần so với lúa.

Ông Nguyễn Mạnh Thắng - Giám đốc HTX Nông nghiệp Thượng Nông cho biết: Với lợi thế đất phù sa ven sông, chuối Tây Thái Lan sinh trưởng ở mật độ 75 cây/sào, mỗi cây cho lãi khoảng 50.000 đồng/buồng. Như vậy, sau 1,5 năm đầu tiên, trừ hết chi phí [khoảng 100.000 đồng/cây], HTX có lãi 5 triệu đồng/sào, các năm tiếp theo lãi tăng 7 triệu đồng/sào.

“Thời gian tới, HTX tiếp tục đẩy mạnh liên kết sản xuất, chủ động tìm kiếm thị trường, phát triển thêm các dịch vụ để nâng cao thu nhập cho các thành viên trong HTX và các xã lân cận” - ông Thắng chia sẻ.

Chuối Tây Thái Lan sinh trưởng ở mật độ 75 cây/sào, mỗi cây cho lãi khoảng 50.000 đồng/buồng

Hay gia đình anh Nguyễn Văn Tuấn ở khu 6, xã Tân Phương [huyện Thanh Thủy] là 1 trong 20 hộ tham gia mô hình liên kết sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giữa HTX chăn nuôi gà xã Tân Phương với các doanh nghiệp cung cấp con giống và bao tiêu sản phẩm. Anh tham gia liên kết với Công ty Dabaco - Bắc Ninh thực hiện nuôi gà ri thả vườn với 5.000 con/lứa, thời gian nuôi 105 ngày. Đây là giống gà dễ nuôi, ít bệnh tật, thịt ngon, phù hợp với thị hiếu, nhu cầu thị trường. 

Bền vững trong liên kết

“Để các mô hình, chuỗi liên kết không bị manh mún, đứt gãy, thay vì xây dựng các chuỗi giá trị thông thường, các doanh nghiệp, HTX cần chú trọng xây dựng chuỗi giá trị theo hướng chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. Các khâu từ sản xuất ban đầu đến thu gom chế biến và phân phối tiêu thụ đều được kiểm soát theo hợp đồng nhằm tạo sản phẩm an toàn cho sức khỏe người dùng, có truy xuất nguồn gốc. Các đơn vị, địa phương cần tổ chức đánh giá lại tính hiệu quả của từng mô hình liên kết, các dự án quy mô nhỏ, không hiệu quả hoặc không còn phù hợp thì đưa ra khỏi quy hoạch, từ đó mới đảm bảo tính bền vững trong liên kết” - Ông Trần Tú Anh - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết.

Việc đẩy mạnh liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm tạo ra những chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn là cần thiết để hướng đến nền sản xuất hàng hóa hiện đại mang lại giá trị tăng cao. Khi tham gia vào chuỗi liên kết, người nông dân được tiêu thụ sản phẩm với giá cả ổn định, an toàn, ít rủi ro; được doanh nghiệp đầu tư giống, vật tư nông nghiệp để yên tâm sản xuất. Đồng thời, doanh nghiệp cũng chủ động được nguồn cung sản phẩm, chất lượng được quản lý. Bên cạnh những lợi ích đó, việc phát triển sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị còn góp phần quan trọng trong việc giải bài toán về chất lượng nông sản, nâng cao được giá trị gia tăng và phát triển nông nghiệp một cách bền vững trước những biến động của thị trường.

HTX chè an toàn Long Cốc - xã Long Cốc, huyện Tân Sơn liên kết với các hộ sản xuất để thu mua và tiêu thụ sản phẩm chè xanh

Thời gian qua, tỉnh đã cụ thể hóa các chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước qua việc khuyến khích liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, phát triển HTX, xây dựng cánh đồng lớn… đáp ứng được yêu cầu thực tiễn đời sống, trong đó cụ thể hóa Nghị định số 98/2018/NĐ-CP của Chính phủ về khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp mà các bên đối tác đều được hưởng lợi, trực tiếp là nông dân. Khi tham gia liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, nhà nước sẽ  hỗ trợ xây dựng hệ thống hạ tầng, tập huấn kỹ thuật, vốn cho nông dân, doanh nghiệp, tăng năng suất, chất lượng và sản phẩm nông sản của nông dân, đời sống được nâng lên.

Hiện nay, toàn tỉnh có 33 HTX, 115 trang trại, gia trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng trọt quy mô lớn đã liên kết sản xuất tiêu thụ theo chuỗi với hơn 40 doanh nghiệp. Trong đó, nhiều cơ sở, doanh nghiệp liên kết đưa sản phẩm vào hệ thống các siêu thị trên địa bàn như Big C, Coop mart, Vinmart... góp phần tạo chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, đảm bảo cho điều tiết cung cầu thị trường và truy xuất nguồn gốc sản phẩm thực phẩm.

Tuy nhiên, một trong những khó khăn trong việc xây dựng và phát triển số lượng các chuỗi liên kết trên địa bàn tỉnh là tình trạng sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh phần nhiều còn mang tính nhỏ lẻ, có sự tham gia của nhiều hộ. Việc tuân thủ theo quy trình kỹ thuật đồng nhất còn gặp khó khăn. Thêm vào đó là tính liên kết giữa người dân và doanh nghiệp chưa chặt chẽ. Nhận thức một bộ phận nông dân còn hạn chế, chưa thật sự tuân thủ những ràng buộc trách nhiệm với doanh nghiệp, vẫn có tâm lý bán hàng ra ngoài, phá vỡ cam kết khi giá thị trường lên cao.

“Thời gian tới, ngành Nông nghiệp sẽ tiếp tục tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương tập trung thực hiện dồn đổi, tích tụ ruộng đất, liên kết đất đai trong sản xuất nông nghiệp, hình thành các vùng chuyên canh, sản xuất hàng hóa tập trung. Khuyến khích và tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, ưu tiên các doanh nghiệp có tiềm lực, có công nghệ cao; đẩy mạnh đổi mới và phát triển các HTX nông nghiệp, phát triển trang trại theo hướng chú trọng hơn tới việc tổ chức sản xuất hàng hóa quy mô lớn, chất lượng cao; phát triển các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị, kết nối với hệ thống tiêu thụ toàn cầu. Đồng thời xây dựng các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ nông sản cho nông dân và HTX; xây dựng phát triển các chuỗi cung ứng rau, củ, quả, thịt lợn đảm bảo an toàn thực phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân” - ông Trần Tú Anh cho biết thêm.

Nguyễn Liên

Video liên quan

Chủ Đề