Coulrophobia là gì

Hội chứng sợ hề là nỗi sợ đối với những chú hề. Đó là một loại hội chứng ám ảnh cụ thể, hay còn nói là nỗi sợ hãi đối với một tình huống hoặc đối tượng cụ thể. Điều cần đặc biệt lưu ý là tuy có nhiều người cảm thấy không thoải mái với hề nhưng những cảm giác đó chưa hẳn là biểu hiện của hội chứng ám ảnh.

Những chú hề có từ thời những gã pha trò hay kẻ ngốc xuất hiện vào thời cổ đại. Dần sau đó, gã pha trò này biến thành kẻ thủ đoạn, một nhân vật có vẻ nham hiểm hơn nhiều so với những định kiến ban đầu.

Đến những năm 1980, hội chứng sợ hề đã lên đến đỉnh điểm. Những tin đồn về việc lạm dụng nghi lễ lên trẻ em lan đi khắp nơi, và những chú hề thường xuyên bị gắn liền với những câu chuyện ấy. Trẻ em trên cả nước tự phát báo cáo về sự quấy rối của chú hề. Ngay cả những truyền thuyết thành thị cũng bắt đầu dồn sự chú ý vào những tên hề sát thủ núp lùm đợi những người trông trẻ không may mắn.

Tác giả truyện kinh dị Stephen King đã đánh vào tâm thức người dân với tác phẩm viễn tưởng về tên hề giết người không khoan nhượng: It [xuất bản lần đầu vào năm 1986].

Triệu chứng

Những người mắc phải hội chứng sợ hề có các triệu chứng là cực kỳ sợ hãi và khó chịu khi gặp những chú hề. Điều này có thể bao gồm việc họ gặp hề ở ngoài đời thực, và còn có thể là nhìn thấy hề ở trên phim hoặc báo in. Các triệu chứng có thể bao gồm:

- Lo lắng

- Khóc lóc

- Khó thở

- Khô miệng

- Cảm giác như sắp chết

- Buồn nôn

- Hoảng loạn

- Tim đập loạn nhịp

- Đổ mồ hôi

- Run sợ

Trong một vài trường hợp, người ta còn có thể bị hoảng sợ khi nhìn thấy một chú hề. Các cơn hoảng loạn gồm cảm giác kinh hãi đột ngột và đi kèm với các triệu chứng khác có thể bao gồm tức ngực, ớn lạnh, rối loạn giải thể nhân cách, sợ chết, chóng mặt và rân rân như có kiến bò trên cơ thể.

Chẩn đoán

Chứng sợ hề không được công nhận là một loại tình trạng riêng biệt trong "Sổ tay chẩn đoán và thống kê các loại rối loạn tâm thần, tái bản lần thứ Năm" [DSM-5]. Thay vào đó, việc chẩn đoán mắc hội chứng ám ảnh cụ thể phải dựa vào việc các triệu chứng phải đáp ứng tiêu chuẩn chẩn đoán nhất định, bao gồm:

- Sợ hãi vô cùng và đến mức vô lý khi đối mặt với tác nhân

- Lập tức cảm thấy lo âu quá mức so với độ nguy hiểm thực tế

- Cực kỳ sợ hãi hoặc cố gắng tránh xa tác nhân

- Gây hạn chế đến cuộc sống bình thường của một người về các mặt sinh hoạt hàng ngày, trường học, công việc và các mối quan hệ

Các triệu chứng này phải xuất hiện ít nhất từ sáu tháng trở đi và không bắt nguồn từ bất kỳ tình trạng sức khỏe tinh thần nào khác.

Nguyên nhân

Tại sao người ta lại có thể ghét hoặc sợ những chú hề? Giống như các loại hội chứng ám ảnh cụ thể khác, có một vài yếu tố khác nhau dẫn đến tình trạng này.

- Tiền sử gia đình: Một vài nghiên cứu đã phát hiện ra rằng việc có người thân mắc hội chứng ám ảnh hoặc những loại rối loạn lo âu khác có thể khiến người ta dễ mắc các hội chứng sợ hãi hơn. Điều này cho thấy rằng những hội chứng ám ảnh có thể là do gen di truyền và người ta còn có thể bị ảnh hưởng bởi các hành vi đối với nỗi sợ của các thành viên khác trong gia đình.

- Trải nghiệm tiêu cực: Những trải nghiệm cá nhân không được tốt lắm với chú hề khi còn nhỏ cũng có thể góp phần vào sự phát triển của chứng ám ảnh này.

- Hình ảnh của chú hề trên các phương tiện truyền thông: Một giả thuyết khác cho rằng truyền thông đại chúng đã cường điệu lên câu chuyện xoay quanh những chú hề xấu xa. Đến mức ngay cả những đứa trẻ chưa từng được tiếp xúc trực tiếp với chú hề cũng bị dạy dỗ để sợ hãi và ghét bỏ họ. Một nghiên cứu còn cho thấy rằng những bức chân dung về các nhân vật hề quái dị cũng làm gia tăng nỗi sợ hãi và ám ảnh về những chú hề.

Ảnh hưởng

Hội chứng sợ hề có thể ảnh hưởng đến khả năng hoạt động bình thường của bạn trong nhiều mặt khác nhau trong cuộc sống. Nó có thể khiến bạn tránh những tình huống hoặc tình cảnh cụ thể để bạn không gặp phải tác nhân gây nên nỗi sợ.

Nỗi sợ hề có thể ảnh hưởng đến việc sử dụng dịch vụ chú hề mua vui trong y tế mà thường được thấy ở các bệnh viện nhi để giải tỏa sự căng thẳng của trẻ nhỏ. Một nghiên cứu ở Mỹ cho thấy tỷ lệ sợ chú hề xuất hiện ở bệnh nhi là 1,2%, trong đó hơn 85% là các bé gái. Chỉ nghĩ tới việc sẽ có chú hề ghé thăm thôi cũng làm các em cảm thấy sợ hãi.

Một cuộc khảo sát do Đại học Sheffield thực hiện tại các bệnh viện ở Anh được công bố vào năm 2008 đã cho thấy tất cả 250 trẻ em [tuổi từ 4 đến 16] được theo dõi đều bày tỏ sự sợ hãi hoặc không thích chú hề. Những nghiên cứu khác tuy nhiên lại cho thấy những mặt rất tích cực của việc sử dụng dịch vụ chú hề mua vui trong y tế.

Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng 4 trong số 14 bác sĩ nhi khoa và người ở trong nhi khoa được thăm dò ý kiến cũng thừa nhận rằng họ sợ những chú hề.

Phương pháp điều trị

May mắn thay, các chuyên gia sức khỏe tâm lý có thể điều trị hội chứng sợ chú hề, cũng như bất kỳ hội chứng ám ảnh nào khác, mà không cần tìm hiểu nguyên nhân chính xác cho sự xuất hiện của nó. Giống như các hội chứng ám ảnh khác, chứng sợ hề sẽ thường được điều trị bằng liệu pháp tâm lý. Trong một số trường hợp, bác sĩ cũng sẽ kê đơn thuốc để giúp kiểm soát một số triệu chứng của hội chứng này.

Tâm lý trị liệu

Phương pháp điều trị bậc nhất cho hội chứng ám ảnh sợ hãi là một loại liệu pháp tâm lý có tên là liệu pháp phơi nhiễm. Liệu pháp này là cho bệnh nhân dần dần tiếp xúc với tác nhân gây nỗi sợ hãi của họ khi đang ở trong một môi trường an toàn. Bệnh nhân có thể thực hiện các kỹ thuật thư giãn trong thời gian tiếp xúc này để giúp họ dần cảm thấy bớt sợ hơn.

Liệu pháp nhận thức-hành vi [CBT] cũng là một cách hữu dụng khác. Liệu pháp nhận thức-hành vi tập trung vào việc giúp bệnh nhân xác định và thay đổi những suy nghĩ tiêu cực gây nên cảm giác sợ hãi của họ.

Dược phẩm

Thuốc chống trầm cảm và thuốc chống lo âu đôi khi được sử dụng để giúp người bệnh chống lại các triệu chứng mà họ gặp phải. Các loại thuốc như vậy cũng có thể được sử dụng để điều trị các vấn đề xảy ra cùng lúc.

Cách giải quyết

Tìm cách đối phó với cảm giác lo sợ của bạn với chú hề cũng rất hữu ích. Một số chiến lược đối phó hữu ích dành cho bạn bao gồm:

- Các kỹ thuật thư giãn: Có một số chiến lược thư giãn hữu ích có thể giúp bạn làm dịu phản ứng của cơ thể trước nỗi sợ hãi. Hít thở sâu là một trong những kỹ thuật đặc biệt hữu dụng để xoa dịu sự lo âu.

- Luyện tập chánh niệm: Kỹ thuật này là tập trung tâm trí của bạn vào thời điểm hiện tại hơn là quá khứ hay tương lai. Nó có thể giúp bạn tập trung hơn vào bản thân trong thời điểm hiện tại và cảm thấy hòa hợp hơn với phản ứng của cơ thể.

- Viết nhật ký: Viết ra những cảm xúc trong lòng cũng là một chiến lược hữu ích khi bạn đang phải đối mặt với cảm giác lo âu.

Lời khuyên từ Verywell

Hội chứng sợ hề không hề là hiếm gặp. Trong một cuộc khảo sát vào năm 2016, 7,8% người trưởng thành đã được hỏi và họ thừa nhận rằng họ sợ những chú hề.

Mặc dù nhiều người tỏ ra rằng họ cảm thấy không thích hoặc khó chịu khi ở cạnh những chú hề, nhưng đó không có nghĩa là họ mắc hội chứng sợ hề. Nếu các triệu chứng của bạn đang gây ra cho bạn rất nhiều áp lực và ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của bạn, hãy đến gặp bác sĩ tư vấn ngay.

Các phương pháp điều trị hội chứng ám ảnh cụ thể như hội chứng sợ hề khá là có hiệu quả. Bạn tìm kiếm sự giúp đỡ càng sớm thì bạn càng có thể giảm bớt cảm giác sợ hãi và lo lắng của mình sớm hơn. 

Chủ Đề