Đánh giá chứng về công tác phát hiện chuyển vụ việc có dấu hiệu tội phạm

   Một số khó khăn, vướng mắc và kiến nghị, đề xuất trong công tác kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố.

 
Theo quy định tại khoản 1 Điều 107 Hiến pháp năm 2013, Viện kiểm sát có chức năng "Thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp". Để làm tốt chức năng đó thì khâu công tác kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo tội phạm và kiến nghị khởi tố là một trong những khâu công tác thực hiện chức năng đặc biệt quan trọng. Làm tốt khâu công tác này sẽ hạn chế đến mức thấp nhất việc làm oan người vô tội, bỏ lọt tội phạm và người phạm tội, là sự khởi đầu cho một quá trình tố tụng, là "đầu vào" của một vụ án.

 
Tuy nhiên trong thực tiễn đã nảy sinh một số khó khăn, vướng mắc như sau:
 
1. Phân định các khái niệm về tố giác, tin báo tội phạm và hành vi vi phạm hành chính.
 
Điều 144 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định về Tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố:
 
“1. Tố giác về tội phạm là việc cá nhân phát hiện và tố cáo hành vi có dấu hiệu tội phạm với cơ quan có thẩm quyền.
 
2. Tin báo về tội phạm là thông tin về vụ việc có dấu hiệu tội phạm do cơ quan, tổ chức, cá nhân thông báo với cơ quan có thẩm quyền hoặc thông tin về tội phạm trên phương tiện thông tin đại chúng.
 
3. Kiến nghị khởi tố là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiến nghị bằng văn bản và gửi kèm theo chứng cứ, tài liệu liên quan cho Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát có thẩm quyền xem xét, xử lý vụ việc có dấu hiệu tội phạm.
 
4. Tố giác, tin báo về tội phạm có thể bằng lời hoặc bằng văn bản.
 
5. Người nào cố ý tố giác, báo tin về tội phạm sai sự thật thì tuỳ tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của luật”.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Luật Xử lý vi phạm hành chính:

 
“Điều 2. Giải thích từ ngữ
 
Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
 
1. Vi phạm hành chính là hành vi có lỗi do cá nhân, tổ chức thực hiện, vi phạm quy định của pháp luật về quản lý nhà nước mà không phải là tội phạm và theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt vi phạm hành chính.
 
…”.
 
Từ quy định trên đây có thế hiểu, những vi phạm do pháp luật quy định trong các lĩnh vực quản lý nhà nước nhưng chưa đến mức bị xử lý hình sự theo quy định của pháp luật hình sự thì được coi là vi phạm hành chính.
 
Trong khi Viện kiểm sát chỉ thực hiện chức năng kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố thì trong lĩnh vực xử lý vi phạm hành chính Viện kiểm sát không có chức năng kiểm sát. Chính vì vậy mà trong thời gian qua có nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc xác định hành vi giữa tố giác, tin báo tội phạm và thuộc đối tượng kiểm sát của Viện kiểm sát hay là hành vi vi phạm hành chính và Viện kiểm sát không có chức năng kiểm sát đối với các quyết định xử phạt hành chính.
 
Ví dụ: Vào ngày 15/01/2021 qua tin báo của quần chúng nhân dân, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện tiến hành kiểm tra và lập biên bản vi phạm hành chính đối với Nguyễn Văn A, Trần Văn B, Lù Đình L, Trịnh Cao K về hành vi đánh bạc, thu giữ trên chiếu bạc số tiền 4.505.000 đồng. Tại thời điểm này chưa xác định được A, B, L, K đã có tiền án, tiền sự về tội Đánh bạc, tội Tổ chức đánh bạc hoặc Gá bạc.
 
Quan điểm 1: Trong vụ việc này đó là tin báo tội phạm, cơ quan điều tra cần phải lập biên bản sự việc, vào thụ lý tin báo về tội phạm và tiến hành điều tra xác minh nhân thân, tiền án, tiền sự của các đối tượng. Trên cơ sở các tài liệu thu thập được để ra quyết định giải quyết tin báo [Khởi tố vụ án hoặc không khởi tố vụ án] theo quy định tại Điều 154 hoặc theo Điều 157 Bộ luật Tố tụng hình sự.
 
Quan điểm 2: Cho rằng đó chỉ là hành vi vi phạm hành chính, do vậy chỉ tiến hành lập biên bản đối với người có hành vi vi phạm hành chính, sau đó xác minh theo thủ tục hành chính, làm rõ về nhân thân của các đối tượng, nếu các đối tượng không có tiền án, tiền sự về tội Đánh bạc, tội Tổ chức đánh bạc hoặc Gá bạc thì ra quyết định xử phạt hành chính. Nếu một trong các đối tượng có tiền án, tiền sự về tội Đánh bạc, tội Tổ chức đánh bạc hoặc Gá bạc thì làm thủ tục chuyển hồ sơ vụ vi phạm có dấu hiệu tội phạm để truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 62 Luật Xử lý vi phạm hành chính và Viện kiểm sát sẽ kiểm sát theo quy định.
 
Tương tự như các tội xác định tiền án, tiền sự là căn cứ để khởi tố vụ án như: Tội Trộm cắp tài sản, Lừa đảo chiếm đoạt tài sản… Do đó sẽ ảnh hưởng đến việc kiểm sát mọi nguồn tin về tội phạm ngay từ khi thụ lý của Viện kiểm sát nhân dân.
 
* Kiến nghị, đề xuất: Cần phải có sự hướng dẫn cụ thể để áp dụng cho thống nhất tránh những quan điểm khác nhau gây khó khăn trong công tác phối hợp.
 
2. Về kiểm sát việc thu thập các tài liệu trong quá trình điều tra được quy định tại Điều 160 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định về Nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát trong việc tiếp nhận và kiểm sát việc giải quyết nguồn tin về tội phạm.
 
Theo quy định tại Điều 160 Bộ luật Tố tụng hình sự: Khi được phân công kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm hoặc kiến nghị khởi tố, Kiểm sát viên có quyền: Kiểm sát việc kiểm tra, xác minh nguồn tin của Cơ quan điều tra theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự; kiểm sát việc lập hồ sơ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm hoặc kiến nghị khởi tố... Tuy nhiên Bộ luật Tố tụng hình sự lại không quy định trong quá trình điều tra, xác minh Cơ quan điều tra thu thập được chứng cứ, tài liệu gì phải kịp thời trao đổi hoặc chuyển toàn bộ các chứng cứ, tài liệu đó cho kiểm sát viên để kiểm sát việc giải quyết, dẫn đến sau khi nhận được Hồ sơ giải quyết tin báo, Kiểm sát viên đã không "chủ động" và phải mất thời gian nghiên cứu dẫn đến khi có phát hiện ra những vi phạm trong quá trình điều tra, xác minh [nếu có] cũng khó có thể khắc phục [vật chứng không được thu giữ kịp thời, các dấu vết tại hiện trường không được phản ảnh đầy đủ...].
 
* Kiến nghị, đề xuất: Bổ sung thêm khoản 5 Điều 88 Bộ luật Tố tụng hình sự “5. Trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày lập biên bản về hoạt động điều tra, thu thập, nhận được tài liệu liên quan đến nguồn tin về tội phạm và vụ án mà Kiểm sát viên không trực tiếp kiểm sát theo quy định của Bộ luật này thì Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có trách nhiệm chuyển biên bản, tài liệu này cho Viện kiểm sát để kiểm sát việc lập hồ sơ vụ án. Trường hợp do trở ngại khách quan thì thời hạn này có thể kéo dài nhưng không quá 15 ngày. Trong thời hạn 03 ngày, Viện kiểm sát đóng dấu bút lục và sao lưu biên bản, tài liệu lưu hồ sơ kiểm sát và bàn giao nguyên trạng tài liệu, biên bản đó cho Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra. Việc giao, nhận tài liệu, biên bản được lập biên bản theo quy định tại Điều 133 của Bộ luật này”.
 
3. Về kiểm sát tin báo, tố giác tội phạm tại Công an Xã, Phường, Thị trấn:
 
Theo quy định tại Điều 1 thông tư liên tịch Thông tư liên tịch số 01/2021/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNNPTNT-VKSNDTC ngày 29/11/2021
 
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung khoản 5 Điều 8 Thông tư liên tịch số 01/2017/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNNPTNT-VKSNDTC ngày 29 tháng 12 năm 2017 quy định việc phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền trong việc thực hiện một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố như sau:

“5. Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an, Trạm Công an khi tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm thì thực hiện như sau:

b] Đối với tố giác, tin báo về tội phạm không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản này thì Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an lập biên bản tiếp nhận, lấy lời khai của người tố giác, báo tin về tội phạm, lấy lời khai người bị tố giác, người bị hại, người làm chứng và những người có liên quan; có mặt kiểm tra, xác định nơi xảy ra vụ việc, vẽ sơ đồ nơi xảy ra vụ việc, bảo vệ hiện trường; xác minh, làm rõ nhân thân, lai lịch của người bị tố giác, bị hại và những người có liên quan; xác minh sơ bộ thông tin về hậu quả thiệt hại; phát hiện, tạm giữ, bảo quản tài liệu, đồ vật có liên quan đến hành vi có dấu hiệu tội phạm và chuyển ngay tố giác, tin báo về tội phạm kèm theo tài liệu, đồ vật có liên quan cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền. Thời hạn kể từ khi tiếp nhận đến khi chuyển tố giác, tin báo về tội phạm kèm theo tài liệu, đồ vật có liên quan cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền không quá 07 ngày.

 
Trong quá trình xử lý tố giác, tin báo về tội phạm quy định tại điểm này mà có căn cứ xác định tố giác, tin báo về tội phạm thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản này thì Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an thực hiện theo quy định tại điểm a khoản này;
 
…”.
 
Như vậy Công an xã, phường, thị trấn sau khi tiếp nhận nguồn tin về tội phạm thì thực hiện lập biên bản tiếp nhận, lấy lời khai của người tố giác, báo tin về tội phạm, lấy lời khai người bị tố giác, người bị hại, người làm chứng và những người có liên quan; có mặt kiểm tra, xác định nơi xảy ra vụ việc, vẽ sơ đồ nơi xảy ra vụ việc, bảo vệ hiện trường; xác minh, làm rõ nhân thân, lai lịch của người bị tố giác, bị hại và những người có liên quan; xác minh sơ bộ thông tin về hậu quả thiệt hại; phát hiện, tạm giữ, bảo quản tài liệu, đồ vật có liên quan đến hành vi có dấu hiệu tội phạm, sau chuyển đến Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp huyện trong thời hạn 07 ngày. Tuy nhiên chưa quy định việc Công an xã, phường, thị trấn sau khi tiếp nhận nguồn tin về tội phạm phải gửi thông báo cho Viện kiểm sát để Viện kiểm sát thực hiện chức năng kiểm sát việc thụ lý nguồn tin về tội phạm.
 
* Kiến nghị, đề xuất: Ngoài việc quy định Viện kiểm sát có thẩm quyền kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết của Cơ quan điều tra, các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra như hiện nay, cần quy định thêm viện kiểm sát có thẩm quyền kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết đối với các tố giác, tin báo tội phạm tại các đơn vị xã, phường tạo cơ sở pháp lý để Viện kiểm sát thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình.
 
Trên đây là một số khó khăn, vướng mắc và kiến nghị, đề xuất trong công tác kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố.
 
Rất mong sự tham gia ý kiến, trao đổi của các đồng chí, đồng nghiệp.
 

Phạm Việt Hùng - VKSND huyện Sơn Dương

Video liên quan

Chủ Đề