Doanh nghiệp khó tiếp cận vốn ngân hàng

Sau thành công của số đầu tiên Talkshow Tiền của tôi - chuyên đề Thẻ Xanh Tài Chính, VnExpress cùng đối tác chuyên môn là Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam [MSB] tiếp tục thực hiện tọa đàm số thứ hai với chủ đề "Doanh nghiệp siêu nhỏ vay vốn như thế nào trong đại dịch Covid-19?".

Tọa đàm phát sóng trực tiếp vào 14h30, thứ Tư, ngày 1/12 trên báo điện tử VnExpress và Fanpage VnExpress.net.

Độc giả đặt câu hỏi tại đây.

Doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm tỷ lệ lớn trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam với trên 97%, sử dụng gần một nửa tổng số lao động và đóng góp đáng kể trong khoảng trên 40% GDP hàng năm. Theo kết quả khảo sát tình hình sức khỏe tài chính của doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch Covid-19 do VnExpress và Ban nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân thực hiện năm 2021, trong số 21.517 đơn vị tham gia, với hơn 93% là các doanh nghiệp siêu nhỏ, hộ kinh doanh có doanh thu dưới 3 tỷ đồng [chiếm gần 39%], và có doanh thu từ 3 - 200 tỷ đồng [chiếm 54%]. Chỉ 16% trong số này có thể duy trì sản xuất, còn đa số phải dừng kinh doanh hoặc giải thể. Dòng tiền để các doanh nghiệp này tiếp tục hoạt động trên 6 tháng chỉ chiếm 17%.

Vấn đề nguồn vốn để tiếp tục phát triển, vượt khó và tái đầu tư từ các doanh nghiệp là rất lớn. Ngoài các phương thức quản trị nội bộ, nguồn bên ngoài để các doanh nghiệp có thể giải quyết khó khăn về dòng tiền là đi vay. Vay từ ngân hàng thương mại trở thành hình thức phổ biến với các tổ chức này. Tuy nhiên, các chuyên gia đều đánh giá, việc tiếp cận nguồn vốn ngân hàng với các doanh nghiệp vừa và nhỏ còn nhiều hạn chế.

Thời gian qua, nhiều ngân hàng tuyên bố hạ lãi vay song rất ít doanh nghiệp sản xuất kinh doanh tiếp cận được. Ông Hữu Kính, Tổng giám đốc một công ty chuyên về đồ gỗ ở Bắc Ninh cho biết, tuy là doanh nghiệp sản xuất nhưng đơn vị ông chưa vay được đồng vốn nào với lãi suất thấp mà các ngân hàng đưa ra.

"Với gói vay lãi suất 7% một năm, khi xét duyệt, ngân hàng có nhiều điều kiện như yêu cầu chứng minh dòng tiền, phương án kinh doanh khả quan thời gian tới... Những điều này rất khó đáp ứng khi dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp", ông nói.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, ngân hàng cũng là đơn vị kinh doanh nên cũng phải cân nhắc kỹ lưỡng trước khi quyết định cho doanh nghiệp vay để tránh rủi ro. Vậy, doanh nghiệp cần có chiến lược tái đầu tư như thế nào, huy động nguồn vốn đầu tư ra sao? Đâu là giải pháp tiếp cận nguồn vốn hợp lý cho doanh nghiệp hiện nay? Những câu hỏi này sẽ được cùng thảo luận tại tọa đàm "Doanh nghiệp siêu nhỏ vay vốn như thế nào trong đại dịch Covid-19?"

Tọa đàm gồm hai phần. Phần một, các chuyên gia chia sẻ tình hình quản trị tài chính của các doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh chịu nhiều tác động từ dịch bệnh. Phần hai, khách mời sẽ kiến nghị những giải pháp mà doanh nghiệp có thể tận dụng để phát triển, cách thức "thấy cơ trong nguy".

Tiến sĩ Lê Duy Bình và bà Vũ Thị Phương sẽ cùng tham gia chia sẻ tại tọa đàm.

Tham gia tọa đàm lần này có chuyên gia kinh tế Tiến sĩ Lê Duy Bình- Giám đốc điều hành Economica Vietnam. Ông từng là chuyên gia kinh tế và cố vấn chính sách cấp cao tại Tổ chức Hợp tác Kỹ thuật Đức [GIZ], nghiên cứu viên tại Đại học Kinh tế Quốc dân [NEU] và là chuyên viên phân tích tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Chuyên gia tích cực tham gia vào các sáng kiến của Chính phủ về cải cách khung pháp lý cho doanh nghiệp, đầu tư, tăng cường quản trị kinh tế và năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường kinh doanh. Ông cũng là cố vấn cho một số tổ chức quốc tế như ADB, Ban thư ký APEC, AusAID, GIZ, ILO, OECD, WB, ADB, UNDP, USAID... về phát triển hiệp hội doanh nghiệp, quản trị kinh tế, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, cải cách hành chính, cải cách cấp phép kinh doanh và tái cơ cấu nền kinh tế.

Ông cũng là cố vấn cho Chính phủ Myanmar, Ban thư ký ASEAN về cải cách môi trường kinh doanh cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại một số quốc gia thành viên ASEAN, cho sáng kiến OECD-ASEAN về phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy đầu tư và nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ tại các nước ASEAN, Ban thư ký APEC về các vấn đề phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, quản trị công và chính sách cạnh tranh. Một số công trình nghiên cứu của ông đã được xuất bản ở Việt Nam, quốc tế và được trình bày tại các hội thảo trong và ngoài nước.

Cùng thảo luận các vấn đề với Tiến sĩ Lê Duy Bình là bà Vũ Thị Phương - Giám đốc Phân khúc khách hàng doanh nghiệp SSE Ngân hàng MSB. Là đại diện đến từ phía ngân hàng, bà Phương sẽ phân tích những vấn đề doanh nghiệp hay gặp phải khi tiến hành thủ tục vay vốn, đồng thời, chia sẻ gói sản phẩm phù hợp với điều kiện của doanh nghiệp nhỏ hiện nay.

Chuyên đề số thứ 2 trong chuỗi Talkshow Tiền của tôi - chuyên đề Thẻ Xanh Tài Chính được kỳ vọng mang lại những tư vấn chuyên môn hữu ích từ chuyên gia. Qua đó, các tổ chức kinh doanh có thể đưa ra những quyết định đầu tư, chuẩn bị công cụ, thông tin cần thiết trong việc huy động nguồn vốn chính xác, hiệu quả hơn.

Huyền Anh

[Ảnh minh họa. Nguyên Linh/TTXVN]

Sau hơn 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, các doanh nghiệp đang rất cần sự hỗ trợ về nguồn vốn để phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Ngân hàng Nhà nước đã vào cuộc rất sớm trong việc hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 bằng nhiều biện pháp cụ thể như hỗ trợ lãi suất, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ…, song doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận nguồn vốn.

Theo kết quả điều tra Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh [PCI] 2021 vừa được Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam [VCCI] công bố, dịch COVID-19 đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động doanh nghiệp với mức độ ảnh hưởng khác nhau.

Ông Đậu Anh Tuấn, Giám đốc Dự án PCI, Trưởng Ban Pháp chế [VCCI], cho biết một trong những khó khăn lớn của doanh nghiệp hiện nay là thiếu hụt dòng vốn, song khả năng tiếp cận vốn lại có hạn.

Kết quả nghiên cứu PCI cho thấy có tới 47% số doanh nghiệp được hỏi cho biết họ gặp khó khăn trong tiếp cận vốn. Để giải quyết thiếu hụt vốn, 4% doanh nghiệp được hỏi đã buộc phải tìm đến tín dụng đen.

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa Cao Tiến Đoan cũng cho biết hiện tỉnh này có hơn 27.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập; trong đó có hơn 15.000 doanh nghiệp đang hoạt động. Nhưng một tỷ lệ lớn doanh nghiệp hiện nay chỉ có thể tiếp cận được những khoản vay ngắn hạn, còn tiếp cận được khoản vay trung và dài hạn còn hạn chế.

Ông Nguyễn Ngọc An, Giám đốc Công ty Vận tải tại Hà Nội, chia sẻ hiện nay công ty đang vay vốn ngân hàng với lãi suất khoảng 10%/năm, theo hình thức thế chấp tài sản với lãi suất thị trường, chưa dễ tiếp cận được các gói vay ưu đãi, do đó mong muốn được tiếp cận các gói vay vốn với lãi suất thấp hơn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh trong thời gian tới.

Thẳng thắn hơn, một giám đốc công ty chuyên về may mặc tại Hà Nội cho biết để tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi hay lãi suất thấp hiện vẫn dựa vào những thương lượng giữa doanh nghiệp với ngân hàng. Công ty này đang hoạt động, phục hồi trở lại trong giai đoạn hậu COVID-19, nhưng việc tiếp cận nguồn vốn khá khó khăn bởi cần phải đáp ứng nhiều điều kiện của ngân hàng đưa ra.

Theo các chuyên gia kinh tế, có một số nguyên nhân khiến cho các doanh nghiệp gặp khó khi tiếp cận nguồn vốn. Đó là việc xem xét cấp tín dụng của các chi nhánh ngân hàng còn phụ thuộc nhiều vào trụ sở chính về mức cho vay và các điều kiện tín dụng khác, hay quy định về các điều kiện cấp tín dụng…

Chuyên gia ngân hàng, Tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu cho rằng doanh nghiệp thường gặp khó trong việc tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng, do không có tài sản bảo đảm, trong khi đó, nhiều ngân hàng lại chỉ chú trọng đến tài sản bảo đảm khi cho vay khách hàng đã làm cản trở khả năng tiếp cận vốn để phục hồi sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Do đó, theo Tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu, ngân hàng cần chuyển hướng sang cho vay tín chấp nhiều hơn, khi mà các khách hàng đáp ứng được những điều kiện, đặc biệt sau giai đoạn hậu COVID-19.

[Khơi thông nguồn vốn, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất]

Ở một khía cạnh khác, Tiến sỹ Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, cho biết các đối tượng khách hàng bị ảnh hưởng bởi COVID-19 gặp khó khăn thực sự chắc chắn sẽ được ngân hàng hỗ trợ, tạo điều kiện, vì doanh nghiệp chết thì ngân hàng cũng khó tồn tại. Do đó, hầu như các ngân hàng khó có thể từ chối hỗ trợ khách hàng nếu gặp khó khăn thực sự bởi dịch bệnh.

Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, năm 2022, tăng trưởng tín dụng dự kiến khoảng 14%. Tín dụng đã tăng tốc đáng kể trong tháng 3 và tháng 4 và đến ngày 25/4 đạt 6,75% so với cuối năm 2021, cho thấy nhu cầu tín dụng rất lớn của nền kinh tế trong bối cảnh phục hồi mạnh mẽ.

Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã có rất nhiều giải pháp cụ thể để đưa nguồn vốn tín dụng đến với doanh nghiệp góp phần phục hồi kinh tế. Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết với phương châm chia sẻ khó khăn và đồng hành cùng người dân và doanh nghiệp bằng chính nguồn lực của ngành ngân hàng, các giải pháp được triển khai trong thời gian qua, đặc biệt là giải pháp cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ giúp giảm áp lực cho doanh nghiệp trong trả nợ vay ngân hàng và tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp tục vay mới khôi phục, ổn định sản xuất, kinh doanh.

Bà Nguyễn Thị Hồng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. [Ảnh: Thống Nhất/TTXVN]

Theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, ngoài các giải pháp về lãi suất, tín dụng, ngành ngân hàng đã tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng trên cơ sở rà soát, đơn giản hóa và rút ngắn quy trình, thủ tục... đi đôi với việc tuân thủ đúng các quy định của pháp luật, không nới lỏng các điều kiện cấp tín dụng và kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng triển khai thiết thực, hiệu quả các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp; khuyến khích các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí hoạt động để tiếp tục giảm lãi suất cho vay, đảm bảo cung ứng đầy đủ, kịp thời vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh.

Các tổ chức tín dụng tiếp tục rà soát cơ chế, thủ tục cho vay phù hợp hơn với thực tiễn thị trường và tình hình mới, nhưng vẫn đảm bảo chất lượng tín dụng, an toàn hệ thống để hỗ trợ các doanh nghiệp được vay vốn ngân hàng thuận lợi.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cũng nhấn mạnh, mục tiêu xuyên suốt và nhất quán của chính sách tiền tệ là phải đảm bảo kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ và an toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng. Bởi vậy, việc quy định các điều kiện cấp tín dụng là cần thiết để đảm bảo chất lượng tín dụng, kiểm soát nợ xấu phát sinh và cần cân nhắc hết sức kỹ lưỡng việc nới lỏng các điều kiện này.

Do vậy, để tăng khả năng tiếp cận vốn, ngoài những giải pháp từ ngành ngân hàng, Thống đốc cũng đề nghị cần có sự phối hợp đồng bộ từ các chính sách khác về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh theo chủ trương của Quốc hội, Chính phủ. Khi hoạt động sản xuất kinh doanh được khơi thông, phương án kinh doanh khả thi, sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn.

Đặc biệt, Chính phủ vừa ban hành Nghị định 31/2022/NĐ-CP về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, với mức hỗ trợ lãi suất 2% một năm dành cho một số doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh đến hết năm 2023. Chính sách này sẽ giúp doanh nghiệp được tiếp cận nguồn vốn ngân hàng với chi phí lãi suất rẻ hơn, từ đó giúp giảm bớt chi phí kinh doanh, tăng hiệu quả hoạt động, tạo nền tảng và động lực phát triển nền kinh tế.

Theo đánh giá của các chuyên gia, gói hỗ trợ lãi suất được kỳ vọng có thể sẽ tác động tích cực lên nền kinh tế nhờ sự khơi thông dòng vốn tín dụng. Đặc biệt, với mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14%, gói hỗ trợ lãi suất trên sẽ có tác động tích cực lên tăng trưởng tín dụng./.

Thùy Dương [TTXVN/Vietnam+]

Video liên quan

Chủ Đề