Đối với sản xuất giống cây trồng thụ phấn chéo, ở vụ thứ nhất, mỗi ô chọn bao nhiêu cây đúng giống

Tin tức - Sự kiện

Nâng cao hiệu quả quản lý giống cây trồng

29/09/2021 09:00
Xem cỡ chữ
Print
PhuthoPortal - Trên địa bàn tỉnh hiện có gần 300 cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây trồng nông nghiệp do cơ quan nhà nước quản lý. Nhiều giống cây trồng mới, chất lượng cao được đưa vào sản xuất, góp phần tăng năng suất, sản lượng và hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp. Song, bên cạnh đó vẫn còn tồn tại những loại giống cây trồng không rõ nguồn gốc xuất xứ, kém chất lượng. Từ đó, đòi hỏi công tác quản lý nhà nước về giống cây trồng cần được siết chặt hơn nữa để đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Hộ ông Kiều Văn Thông ở khu Chùa 2, thị trấn Yên Lập thường xuyên phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông nghiệp huyện Yên Lập kiểm tra đánh giá chất lượng giống phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh

Đảm bảo nguồn cung chất lượng

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, tổng diện tích gieo trồng toàn tỉnh đạt gần 110.000ha; diện tích cây lâu năm là 31.000ha; diện tích cây chè đạt trên 17.000ha; diện tích cây bưởi gần 5.000ha; hiện có 34 vùng rau an toàn với tổng diện tích 375ha

Với diện tích cây trồng trên thì nhu cầu về nguồn giống, đặc biệt là giống chất lượng cao là rất lớn. Ước tính trung bình 1 năm các đơn vị đã sản xuất 2 giống lúa với tổng khối lượng khoảng 2.250 tấn/năm; 7 giống chè với công suất trên 130 vạn cây/năm; 3 giống bưởi với công suất khoảng 17,2 vạn cây/năm; 1 giống cây sơn đỏ với công suất 35 vạn cây/năm.

Công nhân ở vườn ươm của hộ ông Kiều Văn Thông chăm sóc cây giống

Là một trong những địa phương trong tỉnh có nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây trồng, trên địa bàn huyện Yên Lập hiện có 85 hợp tác xã, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh cây giống.

Ông Kiều Văn Thông - chủ cơ sở sản xuất giống cây lâm nghiệp tại khu Chùa 2, thị trấn Yên Lập cho biết: Với diện tích 1,5ha, tôi trồng trên 1.200 vạn cây giống chủ yếu là keo, bạch đàn, quế, bồ đề, lim xanh. Mỗi năm, cung ứng ra thị trường trên 900 vạn cây giống, trong đó, trên 50% là cây quế; thu nhập bình quân trên 400 triệu đồng/năm. Các lô cây giống đều có sổ nhật ký theo dõi, tạo thuận lợi cho lực lượng chức năng quản lý, giám sát và cấp giấy chứng nhận nguồn gốc giống. Cùng với đó, chúng tôi tiến hành đảo bầu theo đúng quy trình để cây giống đạt chất lượng về kích cỡ, tiêu chuẩn, đảm bảo tỷ lệ sống cao. Đồng thời lựa chọn các đơn vị cung cấp hạt giống uy tín, có thương hiệu Thường xuyên phối hợp với huyện, tỉnh lấy mẫu kiểm nghiệm đánh giá chất lượng giống, tích cực tham gia các lớp tập huấn để có thêm kiến thức phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình.

Thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu với UBND tỉnh và chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tăng cường công tác quản lý giống cây trồng bằng nhiều hình thức. Trong đó, thường xuyên công bố danh sách và cập nhật thông tin các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây trồng nông nghiệp, lâm nghiệp đủ điều kiện; danh sách cây đầu dòng, vườn cây đầu dòng cây công nghiệp, cây ăn quả lâu năm; danh mục giống cây nông nghiệp, lâm nghiệp được cấp có thẩm quyền quyết định công nhận, công nhận lại hoặc bị hủy bỏ hiệu lực công nhận trên địa bàn tỉnh để người dân có nhu cầu về giống biết và có thêm thông tin trong việc lựa chọn, sử dụng giống cây trồng đảm bảo chất lượng.

Cán bộ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh kiểm tra vườn nhân giống các dòng chè chọn lọc tại Viện khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc

Ông Phan Văn Đạo - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết: Để công tác quản lý chất lượng giống cây trồng trên địa bàn tỉnh đạt hiệu quả, Chi cục tham mưu cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tăng cường tuyên truyền, tập huấn, khuyến cáo người dân, nhất là bà con ở các xã vùng sâu, vùng xa cần mua giống ở các cơ sở có địa điểm, nguồn gốc rõ ràng; giấy phép kinh doanh hợp pháp. Đồng thời tăng cường thanh tra, kiểm tra đột xuất và xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm; tổ chức các lớp tập huấn, phổ biến các quy định của pháp luật liên quan đến các đơn vị cung ứng, sản xuất giống cây trồng và tiến hành lấy mẫu trên thị trường để đánh giá thực trạng chất lượng giống cây trồng một cách khách quan, sát thực tế.

Tăng cường hiệu quả quản lý

Từ thực tế cho thấy, công tác quản lý giống cây trồng của tỉnh đã góp phần không nhỏ trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp. Hiệu quả kinh tế được thể hiện rõ nét qua năng suất, sản lượng, chất lượng sản phẩm ngày một tăng, đời sống của người dân ngày một cải thiện, nâng cao, nhất là ở khu vực nông thôn. Sự tăng trưởng của ngành nông lâm nghiệp đã có tác động lớn tới việc đảm bảo an sinh xã hội. Tính riêng 6 tháng đầu năm 2021, ngành nông lâm nghiệp, thủy sản của tỉnh tăng 3,78%.

Cây giống trước khi xuất bán phải đảm bảo khỏe mạnh, chất lượng tốt

Tuy nhiên, trong công tác quản lý sản xuất, kinh doanh giống cây trồng trên địa bàn tỉnh hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn do lực lượng đội ngũ quản lý còn mỏng nên công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của Nhà nước về quản lý chất lượng giống cây trồng nông nghiệp, lâm nghiệp chưa được sâu rộng. Một số tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh chưa thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về điều kiện sản xuất, kinh doanh giống cây trồng nông nghiệp, lâm nghiệp. Đặc biệt tình trạng sản xuất, buôn bán giống cây ăn quả, cây lâm nghiệp không rõ nguồn gốc xuất xứ, không công bố tiêu chuẩn chất lượng được bày bán khá phổ biến.

Cán bộ Công ty Cổ phần giống - vật tư nông nghiệp công nghệ cao Việt Nam kiểm tra chất lượng lô giống lúa do công ty sản xuất

Ngày 26/7/2021, UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 9/CT-UBND về việc tăng cường công tác quản lý giống cây trồng nông, lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh, trong đó giao nhiệm vụ cụ thể cho từng sở, ngành, UBND các huyện, thành, thị. Theo đó, UBND các huyện, thành, thị chỉ đạo các xã, thị trấn; các phòng, ban chuyên môn tăng cường công tác quản lý Nhà nước về hoạt động sản xuất, kinh doanh giống cây trồng. Giống cây trồng đưa vào sản xuất phải đảm bảo chất lượng, rõ nguồn gốc, theo đúng quy định của pháp luật hiện hành, đặc biệt đối với những giống cây ăn quả và các cây trồng khác đưa vào trồng mới phải đảm bảo lấy từ nguồn giống được cơ quan có thẩm quyền công nhận.

Ông Nguyễn Văn Cường ở khu Chùa 2, thị trấn Yên Lập điều chỉnh hệ thống nước tưới của vườn ươm

Theo ông Trần Tú Anh - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Xác định công tác quản lý giống còn phải đối mặt với những khó khăn, thời gian tới, ngành Nông nghiệp sẽ tiếp tục tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương kiểm tra, đánh giá, phân loại các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây trồng chính, qua đó công bố danh sách và cập nhật thông tin các đơn vị sản xuất, kinh doanh giống cây trồng trên địa bàn trên trang thông tin điện tử, các phương tiện truyền thông để các tổ chức, cá nhân biết, lựa chọn sử dụng giống cây trồng tốt. Đồng thời khuyến khích, hỗ trợ cho các hợp tác xã, tổ hợp tác đầu tư sản xuất, kinh doanh các loại giống cây ăn quả, giống cây trồng chủ lực có cây đầu dòng, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, từ đó tạo đà phát triển nông, lâm nghiệp hàng hóa, nhất là các sản phẩm chủ lực, đặc sản gắn với khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương.

Liên Linh

Video liên quan

Chủ Đề