Giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư nước ngoài

Công ty Quản lý quỹ Capital Asset Mangement [CAM] đang sở hữu danh mục đầu tư vào các doanh nghiệp niêm yết trên TTCK Việt Nam với giá trị 300 triệu USD.

Chủ tịch CAM, ông Toshifumi Sugimoto đang nóng lòng chờ thị trường Việt Nam triển khai các sản phẩm, nghiệp vụ mới, cũng như xây dựng cơ chế mới thuận lợi hơn để tăng lượng vốn giải ngân.

Hàng ngày, CAM và nhiều tổ chức đầu tư nước ngoài khác đều dõi theo các động thái chính sách của Việt Nam liên quan đến hành lang pháp lý mới cho TTCK, đặc biệt là cơ chế, chính sách tạo thuận lợi cho hoạt động giao dịch của nhà đầu tư, trong đó có nhà đầu tư nước ngoài như giao dịch mua bán chứng khoán trong ngày [T+0]; bán chứng khoán chờ về; không bắt buộc nhà đầu tư phải có 100% tiền, chứng khoán trong tài khoản tại thời điểm đặt lệnh mua - bán; lộ trình triển khai chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết [NVDR]…

Đặt trong mối tương quan so sánh với các thị trường quốc tế và khu vực, một trong những điểm hạn chế khiến nhà đầu tư ngoại chưa mạnh tay đổ vốn vào TTCK Việt Nam là cơ chế giao dịch T+3 chưa được rút ngắn.

Với T+3, nhà đầu tư phải đối mặt với nhiều rủi ro vì tính chất biến động nhanh của thị trường trong bối cảnh tình hình trong nước và quốc tế có những diễn biến khó lường.

Mặt khác, kể từ ngày bán cổ phiếu cho đến T+3, nhà đầu tư không được sử dụng số tiền thu về từ lệnh đã bán. Nhà đầu tư tổ chức quản lý số vốn đầu tư lớn nên lượng tiền bị “ngâm” do cơ chế T+3 là không nhỏ.

Điều này khiến các tổ chức không thể chớp cơ hội giải ngân trong thời gian chờ, tác động tiêu cực đến thanh khoản của thị trường, cũng như khiến TTCK Việt Nam bị “mất điểm” trong con mắt của nhà đầu tư ngoại.

Nhà đầu tư trông đợi hệ thống hạ tầng công nghệ mới cho toàn TTCK Việt Nam sớm được đưa vào vận hành, mở đường cho triển khai giao dịch trong ngày, bán chứng khoán chờ về…, nhất là khi Bộ Tài chính vừa công bố lấy ý kiến góp ý dự thảo Thông tư hướng dẫn về giao dịch trên TTCK, thay thế Thông tư 203/2015/TT-BTC.

Nhà đầu tư ngoại cũng rất quan tâm đến các sản phẩm, cơ chế mới đang được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xây dựng như NVDR, giảm tỷ lệ ký quỹ tiền khi mua chứng khoán tiến đến không cần có tiền tại thời điểm mua chứng khoán, cho vay chứng khoán để bán [bán khống]…

CAM đã dịch sang tiếng Nhật các dự kiến sửa đổi chính sách của Việt Nam và cập nhật đến công chúng đầu tư ở đất nước mặt trời mọc, đồng thời lên phương án thu hút thêm vốn để tăng cường giải ngân vào TTCK Việt Nam khi có cơ hội.

Tổng giám đốc [CEO] AFC Asia Frontier Fund, ông Thomas Hugger thì cho rằng, mối quan tâm của các nhà đầu tư quốc tế đối với thị trường Việt Nam là rất lớn và Chính phủ nên có động thái mạnh hơn trong việc cho phép nhà đầu tư nước ngoài được tham gia sâu hơn vào thị trường, nâng cao tỷ lệ sở hữu cổ phiếu, giảm bớt các mức phí trung gian, nên tách biệt một sàn giao dịch dành cho các cổ phiếu không chịu giới hạn sở hữu nước ngoài.

Theo ông Thomas, TTCK Việt Nam có triển vọng tốt trong dài hạn với tầm nhìn 3-5 năm tới khi dần chuyển đổi thành trung tâm sản xuất của khu vực.

Từ góc nhìn của một công ty quản lý quỹ nội địa, ông Nguyễn Phan Dũng, Phó tổng giám đốc SSIAM đánh giá, Việt Nam luôn được cho là địa chỉ đầu tư hấp dẫn đối với các nhà đầu tư.

Mức độ gia tăng hội nhập và các cam kết liên thông quốc tế theo cơ số hiệp định đa phương mà Chính phủ tích cực tham gia cho thấy, các định hướng tương lai là rất rõ ràng.

Sự vươn lên mạnh mẽ của khối tư nhân, với tỷ trọng đóng góp tăng trưởng cao trên GDP là minh chứng cho việc môi trường kinh doanh đã tốt hơn nhiều so với các thời kỳ trước, khi nguồn lực bị phân bổ bất xứng vào các doanh nghiệp nhà nước.

Tuy nhiên, môi trường pháp lý để cạnh tranh thu hút vốn quốc tế vẫn cần phải cải thiện nhiều, đặc biệt là ở việc các chính sách/quy định pháp luật cần minh bạch, nhất quán, và thuận lợi cho các thành phần đầu tư.

Giới hạn sở hữu khối ngoại rõ ràng và các chính sách thuế không còn tình trạng thuế chồng thuế là những điểm cần cải tổ mạnh mẽ. “Nếu có các giải pháp, chính sách hợp lý hơn, Việt Nam có thể thu hút mạnh mẽ hơn các nguồn vốn của các nhà đầu tư nước ngoài”, ông Dũng nói.

Nếu như trước đây, TTCK Việt Nam từng ghi nhận giá trị danh mục đầu tư của vốn ngoại 35-36 tỷ USD, thì hiện nay, con số này chỉ còn quanh mức 30 tỷ USD.

Vốn ngoại vào TTCK giảm và thiếu ổn định, đòi hỏi việc cải cách cơ chế cũng như tiến độ triển khai các sản phẩm, nghiệp vụ mới cho thị trường cần được thúc đẩy nhanh hơn, nhất là khi dòng vốn đầu tư toàn cầu đang tìm kiếm cơ hội ở những TTCK ít chịu tác động bởi đại dịch Covid-19 và nền kinh tế Việt Nam duy trì được tốc độ tăng trưởng khả quan.

Khách hàng giao dịch tại Hội sở chứng khoán Bảo Việt [ảnh tư liệu]. [Ảnh: TTXVN]

“Trong 9 tháng, nhà đầu tư nước ngoài đã rút ròng ra khỏi Việt Nam khoảng 444 triệu USD. Con số này là rất thấp so với mức rút ròng ở các nước trong khu vực và chưa có dấu hiệu rút vốn đột biến, nên việc rút ròng này chưa đáng quan ngại.”

Đây là chia sẻ của Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, ông Trần Văn Dũng với báo chí về vấn đề khối ngoại bán ròng trên thị trường chứng khoán.

Dù nhà đầu tư nước ngoài có rút vốn ra khỏi Việt Nam, nhưng giá trị rút vốn lũy kế từ đầu năm 2021 đến nay chỉ chiếm 0,8% tổng giá trị danh mục của nhà đầu tư nước ngoài và thấp hơn giá trị bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán.

Điều này cho thấy, hoạt động bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài phần nào để tái cơ cấu danh mục, không phải hoàn toàn rút vốn.

Theo Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Trần Văn Dũng, từ đầu năm 2021 đến nay, do tác động của đại dịch COVID-19, tâm lý chung của nhà đầu tư khá thận trọng khi đầu tư trên các thị trường cận biên và mới nổi, trong đó có Việt Nam.

Từ đầu năm đến hết tháng 9/2021, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 30.196 tỷ đồng [khoảng 1,3 tỷ USD] trên thị trường chứng khoán Việt Nam; trong đó, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 40.309 tỷ đồng cổ phiếu [khoảng 1,7 tỷ USD] và mua ròng 10.113 tỷ đồng trái phiếu [khoảng 0,4 tỷ USD].

Xét về giá trị bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường quốc tế, thị trường chứng khoán Việt Nam cũng theo xu hướng chung nhưng thấp hơn so với các nước trong khu vực.

Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, việc nhà đầu tư nước ngoài bán ròng là do một số yếu tố như tác động của đại dịch COVID-19, đặc biệt là hiện thực hóa khoản lợi nhuận trong danh mục đầu tư đã thực hiện giải ngân vào năm 2019 và 2020, sau khi thị giá cổ phiếu đã tăng cao để chờ đợi các cơ hội đầu tư mới.

Nhà đầu tư nước ngoài rút ròng trên thị trường cổ phiếu, nhưng có xu hướng mua trái phiếu và giữ lại tiền mặt đề chờ đầu tư tiếp.

Số liệu thống kê cũng cho thấy, tỷ trọng tiền mặt trong tổng giá trị danh mục của nhà đầu tư nước ngoài vẫn tương đối ổn định ở mức cao từ đầu năm đến nay.

Có thể thấy, mặc dù nhà đầu tư nước ngoài có rút vốn ra khỏi Việt Nam, nhưng giá trị rút vốn lũy kế từ đầu năm 2021 đến nay chỉ chiếm 0,8% tổng giá trị danh mục của nhà đầu tư nước ngoài và thấp hơn giá trị bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán.

Điều này cho thấy, hoạt động bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài phần nào để tái cơ cấu danh mục, không phải hoàn toàn để rút vốn.

Số lượng nhà đầu tư nước ngoài đăng ký cấp mới mã số giao dịch chứng khoán và mở mới tài khoản giao dịch tăng đều qua các tháng. Tổng số lượng nhà đầu tư nước ngoài đăng ký mã số giao dịch chứng khoán trong 9 tháng vừa qua là 3.235 tài khoản, bằng hơn 80% của năm 2020, nâng tổng số tài khoản nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường đạt 38.306 tài khoản.

Đây là những chỉ báo cho thấy, nhà đầu tư nước ngoài vẫn tin tưởng vào thị trường chứng khoán Việt Nam.

[Vốn đầu tư rút ròng trên thị trường chứng khoán mạnh nhất hai năm qua]

Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Trần Văn Dũng cho rằng, môi trường pháp lý, kinh doanh đã và đang được cải thiện đáng kể. Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Chứng khoán có hiệu lực từ năm 2021 đã giúp môi trường đầu tư, kinh doanh minh bạch và hoàn thiện hơn.

Trong lĩnh vực chứng khoán, nhiều quy định mới liên quan đến nâng chuẩn hàng hóa trên thị trường chứng khoán, tăng cường công bố thông tin, nâng cao điều kiện về phát hành, niêm yết chứng khoán, quản trị công ty đã giúp thị trường phát triển bền vững, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư hiệu quả hơn, mở ra nhiều cơ hội phát triển cho các doanh nghiệp.

Việt Nam là điểm đầu tư an toàn, hấp dẫn cho các nhà đầu tư nước ngoài với các chính sách kinh tế vĩ mô ổn định.

Trước khi đại dịch diễn ra, kinh tế Việt Nam tăng trưởng tốt và trước đợt bùng phát đợt dịch lần thứ 4, nhiều tổ chức tài chính quốc tế như Tổ chức Tiền tệ Quốc tệ [IMF], Ngân hàng Thế giới [World Bank] đều dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2021 có thể đạt từ 6-6,5%.

Do tác động của đợt bùng phát dịch bệnh thứ 4, kịch bản tăng trưởng này sẽ rất khó đạt được, thậm chí mức tăng trưởng năm nay sẽ thấp hơn nhiều.

Tuy vậy, toàn hệ thống chính trị đã và đang rất quyết tâm chống dịch hiệu quả. Khi kiểm soát sớm đợt dịch này, kinh tế Việt Nam sẽ hồi phục và có tiềm năng tăng trưởng tốt, thu hút sự tham gia của các nhà đầu tư quốc tế.

Ảnh minh họa. [Nguồn: Vietnam+]

Hiện nay, hai tổ chức MSCI và FTSE-Russell đều đang xếp hạng Việt Nam là thị trường cận biên; trong đó, FTSE đang đưa Việt Nam vào danh sách theo dõi nâng hạng.

Các cổ phiếu của Việt Nam chiếm tỷ trọng lớn nhất trong các chỉ số thị trường cận biên [khoảng 27%] của FTSE. Do còn là thị trường cận biên nên nhiều quỹ đầu tư lớn có uy tin trên thế giới chưa quan tâm đầu tư hoặc đầu tư ở mức rất hạn chế.

Nếu được nâng hạng, nguồn vốn từ các quỹ này sẽ vào nhiều hơn, và lúc đó dòng tiền đầu tư từ nước ngoài mới tăng về số lượng và chất lượng.

Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận rằng việc nâng hạng thị trường cũng giống như nâng định mức tính nhiệm quốc gia, phụ thuộc vào nhiều yếu tố từ tiềm năng phát triển đến các hệ thống chính sách thực thi đồng bộ.

Do vậy, để thị trường chứng khoán Việt Nam nâng hạng cần sự nỗ lực và vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất là từ Chính phủ và các bộ, ngành có liên quan để ổn định kinh tế vĩ mô, xây dựng kịch bản tăng trưởng sau khi đại dịch và phối hợp chính sách để cải thiện môi trường đầu tư.

Cơ quan quản lý ngành chứng khoán sẽ xây dựng, phát triển thị trường chứng khoán với các sản phẩm, dịch vụ phụ trợ tương ứng với các thông lệ ở thị trường chứng khoán mới nổi, tạo ra sự công bằng cho nhà đầu tư nước ngoài khi gia nhập thị trường chứng khoán Việt Nam.

Điều đáng mừng là câu chuyện về phát triển kinh tế tư nhân, thúc đẩy cổ phần hóa và kiên định xây dựng Chính phủ kiến tạo, đảm bảo môi trường đầu tư minh bạch đã được đề cập trong các văn bản cấp Nghị quyết của Đảng, Chính phủ.

Ngành chứng khoán đã và sẽ tiếp tục nỗ lực cho những bước tiến của thị trường. “Chúng tôi mong rằng, vấn đề nâng hạng cần được nhìn rộng hơn câu chuyện của một ngành, mới có thể bước vững đến mốc nâng hạng và quan trọng hơn là bền vững sau nâng hạng để nhận được những giá trị tích cực từ diễn biến này,” ông Dũng cho biết./.

Văn Giáp [TTXVN/Vietnam+]

Video liên quan

Chủ Đề