Hướng dẫn 77 ngày 20 4 2022

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Đẩy mạnh tuyên truyền trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân chấp hành tốt chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến công tác biên giới trên đất liền nhằm xây dựng tuyến biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển. Trong đó, đặc biệt chú trọng các nội dung của Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Nhà nước về công tác biên giới trên đất liền.

- Nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, địa phương và các tầng lớp nhân dân về tầm quan trọng của công tác tuyên truyền về biên giới lãnh thổ; ý nghĩa, tầm quan trọng của việc xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển với các nước láng giềng, góp phần củng cố môi trường hòa bình, ổn định phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2022.

- Thúc đẩy tăng cường hoạt động đối ngoại nhân dân của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và cùng phát triển với các nước láng giềng.

- Đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thông tin xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị.

2. Yêu cầu

- Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động gắn công tác biên giới trên đất liền, tuyên truyền biển, đảo, thông tin đối ngoại vào các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động và các nội dung hoạt động khác của công tác Mặt trận; chú trọng trao đổi kinh nghiệm và phối hợp với các lực lượng tham gia tuyên truyền khác.

- Quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng và Nhà nước về công tác biên giới lãnh thổ quốc gia trong tình hình mới, nhất là theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và các văn bản liên quan nhằm nâng cao nhận thức và tạo sự thống nhất trong cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác biên giới trên đất liền cũng như tầm quan trọng của công tác thông tin, tuyên truyền đối với công tác biên giới trên đất liền; công tác thông tin bảo vệ chủ quyền biên giới, lãnh thổ quốc gia trong giai đoạn mới.

-  Nội dung tuyên truyền kịp thời, chính xác, hiệu quả trong định hướng thông tin, nhất là đối với những vấn đề mới phát sinh; vận dụng linh hoạt, hiệu quả các hình thức tuyên truyền phù hợp với đặc thù các tuyến biên giới đất liền, phát huy các phương thức truyền thông mới. Phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo của các lực lượng tuyên truyền, nhất là các lực lượng ở cơ sở nhằm thường xuyên đổi mới các nội dung, hình thức, phương thức tuyên truyền, coi trọng chất lượng, hiệu quả và sự phù hợp với đối tượng, địa bàn tuyến biên giới khác nhau và trong bối cảnh, tình hình cụ thể.

II. NỘI DUNG TUYÊN TRUYỀN

1. Đối với tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc

- Tiếp tục tuyên truyền về nội dung, ý nghĩa, kết quả thực hiện Hiệp ước biên giới trên đất liền giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa [ký ngày 30/12/1999]; 03 văn kiện pháp lý: Nghị định thư về phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền Việt Nam – Trung Quốc [ký ngày 18/11/2009], Hiệp định về quy chế quản lý biên giới trên đất liền Việt Nam – Trung Quốc [ký ngày 18/11/2009], Hiệp định về cửa khẩu và quy chế quản lý cửa khẩu biên giới trên đất liền Việt Nam – Trung Quốc [ký ngày 18/11/2009].

- Tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên và nhân dân vùng biên giới thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về biên giới trên đất liền, tham gia tự quản đường biên, cột mốc biên giới. Tuyên truyền, vận động nhân dân đấu tranh chống các hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm các quy định về quản lý biên giới như: vượt biên, xuất cảnh trái phép, truyền đạo trái pháp luật, di cư tự do qua các vùng biên giới; tuyên truyền về trách nhiệm, nghĩa vụ của người dân trong công tác quản lý, bảo vệ đường biên, mốc giới và quy định trong phòng chống dịch Covid -19. Kịp thời định hướng tuyên truyền về các hành vi lợi dụng công tác phòng chống dịch Covid – 19 vi phạm các thỏa thuận giữa hai nước liên quan biên giới.

- Tuyên truyền về quan hệ hữu nghị, hợp tác lâu đời giữa các cấp chính quyền và nhân dân hai nước; các hoạt động hợp tác, trao đổi, giao lưu hữu nghị, nhất là các hoạt động hợp tác, trao đổi, giao lưu văn hóa – xã hội của các cấp chính quyền và nhân dân khu vực biên giới hai nước; các hoạt động, hiệu quả của mô hình kết nghĩa giữa các địa phương, cụm dân cư, bản - bản và đồn biên phòng giữa hai nước; những đóng góp, thành quả của việc quản lý tuyến biên giới đất liền hòa bình, hợp tác, hữu nghị, ổn định cùng phát triển với sự phát triển của mỗi nước cũng như khu vực; về quyết tâm và nỗ lực giải quyết các vấn đề biên giới theo phương châm “hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển” đến với nhân dân hai bên biên giới.

- Chú trọng tuyên truyền, thông tin đối ngoại về kết quả hợp tác phát triển kinh tế - xã hội khu vực biên giới hai nước, quảng bá tiềm năng, thế mạnh của các địa phương khu vực biên giới trong hợp tác phát triển kinh tế, đầu tư, du lịch ở khu vực biên giới của hai nước; các hoạt động trao đổi, giao thương, hợp tác kinh tế của nhân dân khu vực biên giới; những kết quả và nỗ lực của Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp nhằm nâng cao chất lượng đời sống nhân dân khu vực biên giới, gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh khu vực biên giới cũng như bảo đảm các biện pháp phòng, chống dịch an toàn, hiệu quả.  

- Tuyên truyền nhân rộng các tấm gương điển hình tiên tiến trong công tác giữ gìn, bảo vệ đường biên, cột mốc, giữ gìn an ninh trật tự và phát triển kinh tế - xã hội khu vực biên giới; nắm bắt tình hình tư tưởng, dư luận xã hội, kịp thời xử lý các vấn đề mới phát sinh. Tuyên truyền đấu tranh, phản bác các quan điểm, tư tưởng sai trái, thù địch, xuyên tạc, lợi dụng các vấn đề dân tộc, tôn giáo, chủ quyền biên giới quốc gia nhằm kích động, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chia rẽ quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa hai nước.

2. Đối với tuyến biên giới Việt Nam - Lào

- Tiếp tục tuyên truyền quan điểm của Việt Nam về vấn đề biên giới trên đất liền, việc thực hiện các Tuyên bố chung và Thỏa thuận của Lãnh đạo cấp cao; tuyên truyền về các văn bản pháp lý quan trọng liên quan đến biên giới Việt Nam – Lào, trong đó có “Nghị định thư về đường biên giới và mốc quốc giới giữa nước CHXHCN Việt Nam và nước CHDCND Lào” và “Hiệp định về Quy chế quản lý biên giới và cửa khẩu biên giới trên đất liền giữa Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và Chính phủ nước CHDCND Lào”; các thỏa thuận giữa các bộ, ngành, địa phương hai nước; các hoạt động kỷ niệm 60 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Lào [05/9/1962 – 05/9/2022], 45 năm Ngày ký hiệp ước hữu nghị hợp tác Việt Nam – Lào [18/7/1977 – 18/7/2022], đồng thời tuyên truyền sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân về các hoạt động chào mừng "Năm đoàn kết hữu nghị Việt Nam – Lào" 2022.

- Tiếp tục tuyên truyền về tầm quan trọng, ý nghĩa lịch sử, lợi ích của việc xây dựng và quản lý hiệu quả tuyến biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định cùng phát triển; việc thực thi có hiệu quả các văn bản pháp lý liên quan đến công tác biên giới giữa hai nước như Nghị định thư về đường biên giới và mốc quốc giới; Hiệp định về Quy chế quản lý biên giới và cửa khẩu biên giới trên đất liền; Hiệp định Thương mại song phương; Hiệp định Thương mại biên giới... và các tuyên bố chung, thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao hai nước. Tuyên truyền thực hiện nghiêm túc Thỏa thuận giữa Chính phủ hai nước về việc giải quyết vấn đề di cư tự do và kết hôn không giá thú.

- Tăng cường tuyên truyền về quan hệ hữu nghị, truyền thống tốt đẹp giữa hai dân tộc Việt Nam và Lào; các hoạt động hợp tác, trao đổi, giao lưu văn hóa – xã hội của các cấp chính quyền và nhân dân khu vực biên giới hai nước; các mô hình kết nghĩa giữa các địa phương, cụm dân cư, bản – bản và đồn biên phòng giữa hai nước; những thành quả đạt được, đóng góp của việc xây dựng và quản lý hiệu quả tuyến biên giới theo phương châm “hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển” đối với sự phát triển của mỗi quốc gia cũng như khu vực đến với nhân dân hai bên biên giới và nhân dân thế giới. Chú trọng tuyên truyền việc thực hiện các nội dung Bản Ghi nhớ Chương trình hợp tác giữa Mặt trận Đoàn kết Phát triển Tổ quốc Campuchia và Mặt trận Lào xây dựng đất nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giai đoạn 2020 - 2023; Giao ước thi đua giữa các tỉnh có chung đường biên giới Việt Nam - Lào giai đoạn 2017 – 2020; Hội nghị quốc tế xây dựng đường biên giới Việt Nam – Lào hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển giai đoạn 2017 – 2020 [dự kiến tổ chức tại Lào vào quý II/2022 và ký Thông cáo chung giai đoạn 2022 – 2025].

 - Tuyên truyền, thông tin đối ngoại về tinh thần đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau giữa cư dân hai bên biên giới trong phòng, chống đại dịch Covid – 19; hợp tác phát triển kinh tế - xã hội khu vực biên giới Việt Nam – Lào. Tăng cường phổ biến cơ chế, chính sách ưu đãi trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực biên giới của các địa phương của hai nước đến các doanh nghiệp, người dân hai nước; cũng như các hoạt động giao thương gắn với các biện pháp bảo đảm an toàn trong phòng, chống dịch Covid – 19.

- Tuyên truyền, động viên người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số tích cực tham gia các hoạt động bảo vệ đường biên, cột mốc, an ninh trật tự khu vực biên giới; tuyên truyền nhân rộng các tấm gương điển hình tiên tiến trong công tác giữ gìn, bảo vệ đường biên, cột mốc, giữ gìn an ninh trật tự và phát triển kinh tế - xã hội khu vực biên giới; đấu tranh với các hoạt động buôn lậu, nhập cảnh trái phép, hiện tượng di cư tự do và kết hôn không giá thú. Đồng thời nắm bắt tình hình tư tưởng, dư luận xã hội, kịp thời xử lý các vấn đề mới phát sinh.

3. Đối với tuyến biên giới Việt Nam – Campuchia

          - Tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong việc giải quyết vấn đề biên giới Việt Nam – Campuchia trên cơ sở quan hệ láng giềng, đoàn kết, hữu nghị, phù hợp với luật pháp và thông lệ quốc tế. Tập trung tuyên truyền ý nghĩa, tầm quan trọng của việc ký kết các văn bản pháp lý, công nhận thành quả 84% công tác phân giới, cắm mốc trên thực địa và công tác quản lý tuyến biên giới theo các văn bản đã ký kết. Trong đó, nổi bật là thắng lợi của nhân dân hai nước đạt được trong quá trình triển khai các văn bản pháp lý, góp phần tạo sự đồng thuận, nhất trí của cán bộ, đảng viên và nhân dân hai nước đối với các hoạt động bảo vệ đường biên, cột mốc biên giới, đặc biệt là tạo thuận lợi cho công tác phân giới, cắm mốc 16% đoạn biên giới còn lại.

          - Tiếp tục tuyên truyền các văn bản pháp lý về việc giải quyết biên giới Việt Nam – Campuchia, trong đó có các hiệp định, hiệp ước về biên giới giữa hai nước như: Hiệp ước hòa bình, hữu nghị và hợp tác giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa Nhân dân Campuchia [ký ngày 18/2/1979]; Hiệp ước về vùng nước lịch sử giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa Nhân dân Campuchia [ký ngày 07/7/1982]; Hiệp ước về nguyên tắc giải quyết vấn đề biên giới giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa Nhân dân Campuchia [ký ngày 20/7/1983]; Hiệp ước về quy chế biên giới quốc gia giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa Nhân dân Campuchia [ký ngày 20/7/1983]; Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa Nhân dân Campuchia [ký ngày 27/12/1985]; Hiệp ước giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Vương quốc Campuchia bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia năm 1985 [ký ngày 10/10/2005]; Các hoạt động kỷ niệm 55 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Campuchia [24/6/1967 – 24/6/2022]... Bên cạnh đó, tuyên truyền việc thực hiện các nội dung Bản Ghi nhớ Chương trình hợp tác giữa Mặt trận Đoàn kết Phát triển Tổ quốc Campuchia và Mặt trận Lào xây dựng đất nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giai đoạn 2020 - 2023; Giao ước thi đua giữa các tỉnh có chung đường biên giới Việt Nam – Campuchia giai đoạn 2017 – 2020;Hội nghị quốc tế xây dựng đường biên giới Việt Nam – Campuchia hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển giai đoạn 2017 – 2020 [dự kiến tổ chức tại Việt Nam vào quý II/2022 và ký Thông cáo chung giai đoạn 2022 – 2025].

          - Tuyên truyền, thông tin đối ngoại về quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai nước, trong đó có quan hệ hợp tác giữa các địa phương khu vực biên giới trên các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa – xã hội, an ninh và quốc phòng. Thúc đẩy thông tin về kết quả hợp tác phát triển kinh tế khu vực biên giới giữa hai nước, đặc biệt là những chuyển biến tích cực sau khi đưa vào quản lý thực tế tuyến biên giới theo các văn kiện pháp lý mới.

- Tuyên truyền về quan hệ hữu nghị, hợp tác, truyền thống tốt đẹp giữa nhân dân hai nước, các hoạt động hợp tác, trao đổi, giao lưu hữu nghị nhân dân hai bên biên giới; về những thành quả đã đạt được trong công tác phân giới, cắm mốc, quản lý biên giới trên đất liền; về quyết tâm và nỗ lực giải quyết các vấn đề biên giới theo phương châm “hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển” đến với nhân dân hai bên biên giới.

- Tuyên truyền, thông tin đối ngoại, quảng bá tiềm năng, thế mạnh, các mô hình hay, cách làm hiệu quả trong phát triển kinh tế - xã hội khu vực biên giới; các cơ chế chính sách và triển khai các biện pháp tạo môi trường thông thoáng nhằm thu hút mạnh mẽ hơn nữa các doanh nghiệp hai bên đầu tư vào khu vực biên giới; các hoạt động trao đổi, giao thương, hợp tác kinh tế của nhân dân khu vực biên giới; những kết quả và nỗ lực của Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp nhằm nâng cao chất lượng đời sống nhân dân khu vực biên giới. Thông tin về các hoạt động trao đổi, giao lưu hữu nghị, giao thương biên giới đảm bảo các yêu cầu về phòng, chống dịch Covid – 19.

- Tuyên truyền, vận động người dân khu vực biên giới chấp hành tốt các quy định của pháp luật liên quan đến hiện trạng quản lý biên giới của hai nước; thực hiện nghiêm các văn kiện pháp lý mới được hai nước thông qua.

  - Chú trọng nắm bắt tình hình tư tưởng, dư luận xã hội, kịp thời xử lý các vấn đề mới phát sinh; đấu tranh, ngăn chặn các biểu hiện tiêu cực, các hành vi vi phạm pháp luật về quản lý, lợi dụng việc triển khai 02 văn kiện pháp lý về biên giới để tuyên truyền kích động chống phá quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp giữa hai dân tộc Việt Nam – Campuchia.

 III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp với Ban Tuyên giáo các tỉnh, thành ủy, chính quyền và các tổ chức thành viên Mặt trận căn cứ vào tình hình, điều kiện cụ thể của từng địa phương để xây dựng kế hoạch tuyên truyền về công tác biên giới trên đất liền, đưa vào nội dung tuyên truyền thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương; lựa chọn hình thức, phương thức tuyên truyền phù hợp với đối tượng, địa bàn tuyến biên giới khác nhau và trong bối cảnh, tình hình cụ thể về công tác biên giới trên đất liền.

2. Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh, thành phố có chung đường biên giới với các nước bạn xây dựng kế hoạch cụ thể về công tác tuyên truyền biên giới trên đất liền.

3. Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp chủ động phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí của Trung ương và địa phương tổ chức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về công tác biên giới đất liền năm 2022, bám sát các chủ trương, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là các nội dung Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng liên quan đến vấn đề biên giới lãnh thổ quốc gia; phối hợp chặt chẽ tuyên truyền công tác biên giới trên đất liền với các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động. Đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, có trọng tâm, trọng điểm phù hợp với đối tượng, đặc thù của từng tuyến biên giới. Trong bối cảnh phòng, chống dịch Covid – 19, chú trọng tổ chức nhiều hình thức thông tin tuyên truyền độc đáo, sáng tạo bằng việc lồng ghép thông tin vào các loại hình văn hóa, nghệ thuật [phim, âm nhạc...]. Ngoài ra, tổ chức tuyên truyền các hoạt động giao lưu, kết nghĩa tặng quà cho các chiến sĩ đang làm nhiệm vụ ở các đồn biên phòng, vành đai biên giới.

4. Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các tổ chức thành viên thường xuyên chỉ đạo, kiểm tra, đánh giá, sơ kết, rút kinh nghiệm về việc thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền công tác phân giới, cắm mốc và quản lý biên giới đất liền; báo cáo kết quả về Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có vấn đề vướng mắc, nảy sinh đột xuất, đề nghị phản ánh kịp thời về Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam [qua Ban Tuyên giáo cơ quan Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, số 46 Tràng Thi - Hà Nội]./.

Kính mời quý vị xem chi tiết văn bản tại đây:

Chủ Đề