Khó khăn của bồi dưỡng học sinh giỏi

Chất lượng kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh [HSG] là một trong những minh chứng quan trọng khẳng định chất lượng giáo dục của một trường học, một nhiệm vụ mang tính thường xuyên, liên tục, có không ít khó khăn, trở ngại. Để đạt kết quả tốt đòi hỏi sự nổ lực của tập thể sư phạm mà trước hết là cán bộ quản lý, giáo viên bồi dưỡng, học sinh dự tuyển. Nhìn lại kết quả các kỳ thi học sinh giỏi trong những năm gần đây của trường THPT Quang Trung chúng tôi xin mạnh dạn trao đổi, chia sẽ đôi điều.

1. Những thuận lợi và khó khăn trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi

* Thuận lợi

– Lãnh đạo nhà trường coi kết quả HSG cấp tỉnh là một trong những tiêu chí khẳng định chất lượng giáo dục của nhà trường nên đã có nhiều cơ chế, cách thức nhằm động viên học sinh, giáo viên tham gia học tập, bồi dưỡng. BGH đã cử một đồng chí phụ trách, đầu năm có kế hoạch cụ thể cho từng khối lớp, cho từng môn học.

– Trước khi tiến hành bồi dưỡng, tổ chuyên môn chỉ đạo giáo viên trong tổ cùng giới thiệu, cho ý kiến về từng học sinh để thành lập đội dự tuyển. GV bồi dưỡng là những người có chuyên môn tốt, quyết tâm cao, có kinh nghiệm trong công tác tuyển chọn, có phương pháp dạy học phù hợp.

– Một số học sinh có đam mê, có mục tiêu rõ ràng khi tham gia đội dự tuyển, đội tuyển nên chăm lo trong học tập, không ngừng nổ lực phấn đấu vươn lên. Phụ huynh ủng hộ nhà trường trong các hoạt động nhất là hoạt động khuyến tài.

* Khó khăn

– Chất lượng đầu vào của học sinh thấp, những học sinh giỏi thật sự trong vùng đã tham gia học tập tại trường THPT Lương Thế Vinh, THPT chuyên Võ Nguyên Giáp. Phần lớn học sinh là con em nông dân nên ngoài thời gian học tập ở trường, đa số các em dành thời gian phụ giúp công việc cho gia đình. Học sinh ở quá xa trường, có em lên đến 23km như Bưởi Rõi – Quảng Hợp, cùng với việc nhà trường phải dạy học 2 ca nên hết sức khó khăn trong việc bố trí lịch bồi dưỡng.

– Một số Tổ trưởng chuyên môn chưa thể hiện được vai trò đầu tàu, chưa thật sự lăn lộn, quyết tâm, giao khoán công tác này cho giáo viên.

– Đa số giáo viên trẻ nên kinh nghiệm bồi dưỡng, huấn luyện chưa nhiều, có GV chuyên môn tốt song có con nhỏ nên khó phân bố thời gian đầu tư nghiên cứu.

– Nhiều học sinh có kết quả thi HSG lớp 9 tốt nhưng lên THPT các em không còn theo đuổi mà muốn chuyển môn [Lý sang Toán, Sử sang Văn…], một số học sinh không coi trọng việc bồi dưỡng, dự thi vì lí do tập trung cho việc ôn cho thi TN THPT. Không ít phụ huynh chưa đầu tư, bố trí thời gian, góc học tập đảm bảo cho việc học ở nhà của học sinh.

– Do trường ở xa trung tâm, vị trí gần như tách biệt nên việc trao đổi chuyên môn giữa giáo viên của trường với các trường học khác trên địa bàn, trong toàn tỉnh rất hạn chế.

– Nguồn tài chính để chi trả cho giáo viên BDHSG còn eo hẹp, chưa huy động được các nguồn tài trợ khác.

Tuy gặp không ít khó khăn, thách thức, song trong những năm qua kết quả học sinh giỏi của nhà trường không ngừng tăng về số lượng cũng như chất lượng:

– Bảng số lượng giải

– Bảng chất lượng giải

Qua thực tế làm công tác quản lí, điều hành, nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi chúng tôi xin đưa ra một số kinh nghiệm sau

1. Công tác chỉ đạo, xây dựng chương trình, kế hoạch

* Nhà trường

– Căn cứ vào nhiệm vụ năm học của Sở Giáo dục và Đào tạo, BGH nhà trường họp bàn, thống nhất phương án, xây dựng kế hoạch bồi dưỡng học sinh giỏi cho cả ba khối 10, 11, 12 trong đó tập trung cho khối 11 và 12. Kế hoạch phải đảm bảo tính kế thừa, lâu dài. Đảm bảo duy trì, nâng cao chất lượng đối tượng và trách nhiệm của giáo viên bồi dưỡng, của tổ trưởng chuyên môn trong việc thực hiện chỉ tiêu, mục tiêu, giải pháp để đạt hiệu quả cao nhất.

– Nhà trường tạo điều kiện tốt nhất cho cán bộ, giáo viên tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao chuyên môn nghiệp vụ nhất là việc học trên chuẩn, tham dự các hội nghị, hội thảo chuyên sâu công tác bồi dưỡng học sinh giỏi.

* Tổ chuyên môn

– Xây dựng được khung chương trình, nội dung trong tâm, chi tiết cho từng khối, lớp, mức độ yêu cầu từ thấp đến cao. Có kế hoạch bồi dưỡng cụ thể cho năm học và các năm tiếp theo. Giao trách nhiệm cụ thể cho các cá nhân trong tổ, trên cơ sở năng lực, sở trường và nhiệm vụ thực tế của từng đồng chí.

– Tổ trưởng chuyên môn thể hiện được vai trò đứng đầu, năng động, quyết liệt trong thực hiện nhiệm vụ. Thường xuyên rà soát, trao đổi nội dung, phương pháp dạy HSG trong các buổi sinh hoạt tổ, nhóm chuyên môn, để điều chỉnh kịp thời.

2. Tổ chức thực hiện

– Bố trí giáo viên phụ trách đội tuyển, ôn luyện là những người có năng lực chuyên môn tốt; tâm huyết với học sinh, có chí tiến thủ, luôn quyết tâm khẳng định mình; có khả năng sưu tầm, biên soạn, giảng dạy các chuyên đề chuyên sâu, có khả năng giải, giảng tốt các dạng đề, bài thi HSG của Sở trong vòng 5 năm trở lại đây. Để ổn định đội ngũ, Nhà trường tích cực tham mưu với Sở GD và ĐT trong việc điều động, thuyên chuyển theo hướng duy trì những giáo viên có chất lượng để bồi dưỡng cho các giáo viên trẻ có năng lực chuyên môn tốt.

– Học sinh tham gia đội tuyển là những học sinh có đam mê, có tố chất tốt, có khả năng phát triển, ý thức học tập cao, luôn quyết tâm, chủ động trong giải quyết vấn đề, tích cực trong chia sẻ kinh nghiệm học tập. Nhà trường, tổ chuyên môn, giáo viên làm tốt công tác tư tưởng cho học sinh trước và trong quá trình bồi dưỡng. Phải cho các em thấy trách nhiệm, vinh dự và lợi ích cá nhân khi tham gia ôn, thi HSG.

– Bố trí thời gian hợp lí để giảm áp lực cho học sinh và cho giáo viên trong việc dạy học bồi dưỡng và dạy học chính khóa. Giáo viên bồi dưỡng được giảm một số tiết giảng dạy chính khóa, một số hoạt động khác của tổ chuyên môn. Học sinh học bồi dưỡng được miễn, giảm một số hoạt động không bắt buộc của Nhà trường, của Đoàn trường như lao động, vệ sinh, chăm sóc bồn hoa, cây cảnh…

– Đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, sát hạch, rút kinh nghiệm nhằm nâng cao nhận thức cho đội ngũ và cho học sinh về tầm quan trọng của công tác bồi dưỡng học sinh giỏi. Các đợt sát hạch, lựa chọn đội tuyển phải đảm bảo tính chính xác, khách quan, phân bố thời gian hợp lí nhằm đánh giá đúng nổ lực của các cá nhân, của từng môn học để lựa chọn được những HS bản lĩnh, xuất sắc nhất tham gia dự thi tại tỉnh.

– Phối hợp chặt chẽ và hiệu quả với phụ huynh trong việc bố trí thời gian, điều kiện học tập cho con em. Làm tốt công tác xã hội hóa giáo dục nhất là công tác khuyến tài để tăng phần thưởng cho HS đạt giải và giáo viên tham gia bồi dưỡng. Dù nguồn kinh phí hạn hẹp cũng phải tổ chức khen thưởng một cách trang trọng, thể hiện sự trân trọng những thành tích mà giáo viên và học sinh đã nỗ lực đạt được để động viên, tạo nên động lực để giáo viên và học sinh tiếp tục phấn đấu [phần thưởng lớn nhất của giáo viên là uy tín chuyên môn trước học sinh, sự tôn trọng của đồng nghiệp và sự tin tưởng của phụ huynh].

Trong thực tế kết quả bồi dưỡng học sinh giỏi phụ thuộc rất nhiều yếu tố từ công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện, tâm lí khi thi của HS … Chất lượng đầu vào rất quan trọng “có bột mới gột nên hồ”, song theo chúng tôi: tâm huyết, kinh nghiệm, năng lực chuyên môn của giáo viên là yếu tố mang tính quyết định đến kết quả bồi dưỡng HSG “không thầy đố mày làm nên”. Qua trao đổi này cho phép chúng tôi vinh danh một số giáo viên và HS tiêu biểu như môn Sử có cô Nhung, cô Hiền, em Quỳnh, em Bằng, em Phương; thầy Ngọc, thầy Trung, cô Trà My, em Huỳnh, em An môn Toán; môn Hóa có cô Mỹ Hương, em Hoàng, em Nhị; thầy Hà em Phong môn TD; thầy Dũng, em Hoàng môn Lý; cô Dung em Ánh môn Sinh, cô Hòa, em Anh môn Địa và nhiều giáo viên và học sinh khác nữa, những người đã không ngừng nổ lực vì trách nhiệm học trò, vì danh dự của người thầy và  vì sự đi lên của một ngôi trường đang từng bước khẳng định mình.

Video liên quan

Chủ Đề