Khởi động elive distro os linux

Linux từ lâu đã được biết đến như một Hệ điều hành nguồn mở và miễn phí để đối đầu với Windows của Microsoft. Tuy là mở và miễn phí nhưng lại có một cộng đồng của giới công nghệ sẵn sàng đóng góp và hỗ trợ rất mạnh mẽ nhằm đưa Linux ngày càng đến gần hơn với công chúng, cũng như xâm nhập sâu vào các hệ thống lõi của Doanh nghiệp.

  • Xử lý thế nào khi có kiến trong thiết bị điện tử của bạn?
  • Quản lý học tập hiệu quả với Notion dành cho sinh viên, học sinh

Tại sao khi nghĩ đến Linux là người ta hay nghĩ đến hình ảnh đại diện là một chú chim cánh cụt, đơn giản vì Linus Torvalds [cha đẻ của Linux] muốn tìm một hình ảnh thân thiện và vui vẻ gắn liền với Linux và một chú chim cánh cụt đang ngồi sau khi ăn uống no nê có vẻ là phù hợp hơn cả. Nhưng trước khi hiểu về Linux thì chúng ta cần hiểu một khái niệm cơ bản đó chính là “Hệ điều hành”.

Mục lục

  • Hệ điều hành là gì?
  • Linux là gì?
    • Các biến thể của Linux: Các bản phân phối [Distribution hay Distro]
    • Các Định nghĩa trong Linux
  • Ưu điểm và lợi ích của Linux
  • Linux download thế nào?
  • Các bản phân phối Linux dựa trên GNU hoặc GNU
  • Hệ điều hành dựa trên nhân Linux
  • Các bản phân phối Linux hạng nhẹ
  • Các bản phân phối Linux riêng
  • Các vấn đề liên quan đến các bản phân phối Linux
  • Linux Vs Windows
  • Mối quan hệ giữa Android và Linux là gì?
    • Android sử dụng nhân Linux.
    • Sự khác biệt giữa Linux và Android
  • Kết luận về hệ điều hành Linux

Hệ điều hành là gì?

Hệ điều hành [Operating System – OS] sẽ xem nó như một trình phiên dịch [translator] giữa phần mềm bạn sử dụng và phần cứng mà Hệ điều hành được cài đặt trên đó. Vai trò chính của nó là giao tiếp giữa hai lớp riêng biệt để tạo ra trải nghiệm liền mạch cho người dùng. Có nhiều phần khác nhau được đặt bên trong Hệ điều hành mà cho phép thiết bị hoạt động theo những gì mà con người đã lập trình trước đó.

Tuy nhiên, Hệ điều hành về bản chất là một phần mềm quản lý tài nguyên phần cứng được cài đặt trên máy tính xách tay [Laptop/Netbook], máy tính để bàn [Desktop PC] hoặc máy chủ [Server] thậm chí là cả điện thoại thông minh [Smartphone] của bạn.

Hệ điều hành rất đa dạng và bao gồm Nhiều bản phân phối khác nhau [Linux gọi là Distributions], phiên bản [Windows và MacOS gọi là Version] có sẵn để triển khai trên các hệ thống máy tính.

Thành phần Hệ điều hành [OS]:

  • Bootloader: Trình nạp khởi động này dùng để quản lý cách máy tính khởi động. Phần lớn thời gian, nó được người dùng nhìn thấy là màn hình chớp sáng [flash screen] bật lên [pop-up] trước khi nhường chỗ cho Hệ điều hành tiếp quản.
  • Kernel: là cấp cơ sở nhất của hệ điều hành. Nó là phần cốt lõi của một Hệ điều hành và sẽ quản lý CPU, bộ nhớ và các thiết bị ngoại vi.
  • Daemons: là các các dịch vụ nền mà chạy khi khởi động hoặc khi bạn vừa truy cập vào Hệ điều hành.
  • Shell: đây là cửa sổ lệnh cho phép người dùng điều khiển máy tính bằng cách nhập các lệnh mà được gõ trong một giao diện văn bản. Trong Hệ điều hành Windows người ta gọi là cửa sổ dấu nhắc lệnh [commad prompt]; trong Linux lại được gọi là terminal [tạm dịch là giao diện dòng lệnh – command line interface].
  • Máy chủ đồ họa [Graphical Server]: Hệ thống con hiển thị đồ họa trên màn hình của bạn.
  • Môi trường máy tính để bàn [Desktop Environment]: Phần mà người dùng thường tương tác trực tiếp. Nó bao gồm các ứng dụng cài sẵn.
  • Ứng dụng: là các phần mềm không có sẵn khi Hệ điều hành cơ bản được cài đặt trên hệ thống. Chúng cũng có sẵn để tải xuống hệ thống.

Linux là gì?

Linux là một từ gọi chung của nhiều biến thể Hệ điều hành được phát triển bằng cách sử dụng nhân [kernel] Linux do Linus Torvalds tạo ra như một giải pháp mã nguồn mở thay thế.

Linux được tạo ra vào năm 1991 bởi Linus Torvalds, một sinh viên lúc bấy giờ tại Đại học Helsinki. Torvalds đã xây dựng Linux như một giải pháp thay thế mã nguồn mở và miễn phí cho Minix, một bản sao Unix khác được sử dụng chủ yếu trong các môi trường học thuật. Ban đầu ông định đặt tên nó là “Freeax”, nhưng quản trị viên của máy chủ đã đặt tên thư mục của Torvalds là “Linux” sau sự kết hợp giữa tên “Linus” và từ “Unix”, và cái tên này đã bị truyền lại cho đến ngày nay.

Mã nguồn mở có nghĩa là bất kỳ ai cũng được cấp phép tự do để sử dụng, sao chép, nghiên cứu hoặc thay đổi phần mềm theo bất kỳ cách nào. Mã nguồn, là tập hợp các hướng dẫn cho máy tính biết cách hoạt động ra sao, được chia sẻ công khai để khuyến khích sự phát triển liên tục.

Việc áp dụng nhân Linux này đã tạo ra một bộ nguồn [source] Hệ điều hành không cần mua để sử dụng và cài đặt. Điều này đối lập với mã độc quyền [proprietary code], nơi mã nguồn bị che dấu với người dùng và bị hạn chế sử dụng để sao chép theo luật.

Các biến thể của Linux: Các bản phân phối [Distribution hay Distro]

Một cách đơn giản để nghĩ về Bản phân phối Linux, hay thường gọi ngắn gọn là “distro”, là sự hình dung của các biến thể khác nhau của Windows. Mặc dù mỗi phiên bản [version] của Hệ điều hành Windows có các phần lõi [core parts] giống nhau, nhưng mỗi phần có thể trông rất khác nhau khi chúng ta so sánh phiên bản Windows 7 với phiên bản Windows 10.

Điều tương tự cũng có thể đối với các bản distro. Mỗi bản phân phối Linux sẽ chứa các thành phần lõi [core component] giống nhau bằng cách sử dụng mã nguồn mở, nhưng mỗi bản sẽ có sự khác biệt về chức năng và hình thức. Việc sử dụng nhân Linux cùng với các biến thể này tạo ra hơn 600 bản phân phối có sẵn của Hệ điều hành Linux.

Với rất nhiều bản distro của Linux có sẵn, các bản distro này có thể được tạo để hoạt động trên các hệ thống cụ thể như máy tính để bàn, máy tính xách tay, netbook và thậm chí cả điện thoại di động.

Các bản distro có thể được hỗ trợ về mặt thương mại như Fedora [Red Hat], openSUSE [SUSE] và Ubuntu [Canonical Ltd.] hoặc hoàn toàn do cộng đồng điều khiển như Debian, Slackware, Gentoo, Arch Linux.

Các Định nghĩa trong Linux

Với Hệ điều hành Windows, chúng ta có các khái niệm về các đối tượng và thành phần của nó, thì Linux cũng sẽ có những định nghĩa của riêng mình:

  • Gói [Package]: Trong Linux, gói đề cập đến một tập tin nén [compressed file] có tất cả các tập tin cần thiết cho một ứng dụng cụ thể để cài đặt. Chúng được lưu trữ trong kho trực tuyến [repositories online].
  • Trình quản lý gói [Package Manager]: quản lý tất cả các bản cập nhật cho những phần mềm đã được cài đặt khi có bản cập nhật mới để tải xuống. Đây cũng là dịch vụ được sử dụng để cài đặt phần mềm mới vào hệ thống.
  • Kho lưu trữ [Repository]: Nơi lưu trữ một tập hợp các gói phần mềm sẽ được truy xuất và cài đặt trên hệ thống.
  • Công cụ đóng gói nâng cao [APT – Advanced Packaging Tool]: làm đơn giản hóa quá trình quản lý các gói bằng cách tự động truy xuất, cấu hình và cài đặt các bản cập nhật.
  • Shell: Một ngôn ngữ kịch bản [scripting language] tiếp nhận các dòng lệnh mà bạn nhập từ bàn phím và thực thi chúng trên hệ thống. Bash và C shell là những ví dụ.
  • Terminal: Giao diện được sử dụng cho Shell.
  • Trình mô phỏng terminal [Terminal Emulator]: Khi một terminal được truy cập thông qua giao diện người dùng đồ họa [GUI – Graphical User Interface], thì đó là phiên bản mô phỏng của giao diện shell đã chọn.
  • BASH [Bourne Again Shell]: một loại shell được tìm thấy trong các bản phân phối Linux. BASH về cơ bản là một phần mở rộng của ngôn ngữ kịch bản shell được sử dụng trong một terminal.

Ưu điểm và lợi ích của Linux

Linux được tạo ra với mục tiêu cung cấp một Hệ điều hành không độc quyền và có thể được sửa đổi bởi bất kỳ ai. Đây là lý do tại sao ngay từ đầu nó đã là mã nguồn mở. Trên thực tế, trước khi Linux được gọi là Linux, nó được gọi là Freeax [Free Unix]. Một bản distro hoặc bản phân phối [distribution] của Linux là một Hệ điều hành được xây dựng dựa trên nhân Linux được phân phối tự do. Một số ứng dụng phổ biến là Ubuntu, Linux Mint, Fedora, v.v.

 

Chính vì vậy, lợi ích đáng kể của phần mềm nguồn mở như Linux là vì nó không có chủ sở hữu, nó có thể được chỉnh sửa mà không cần là chủ sở hữu giấy phép hoặc chủ sở hữu phần mềm. Do đó, các doanh nghiệp có thể linh hoạt làm những gì họ muốn với Hệ điều hành mà không phải lo lắng về việc tuân thủ các thỏa thuận cấp phép phức tạp. Đối với hầu hết các phần, nó không tốn một xu. Tuy nhiên, một số bản phân phối Linux dành cho doanh nghiệp như Red Hat đi kèm với chi phí được trả trước hoặc dưới dạng đăng ký.

Ưu điểm chính của Linux là giá thành của nó: Hệ điều hành lõi [core OS] là miễn phí, trong khi nhiều ứng dụng phần mềm cũng đi kèm với GNU[1] GPL[2] [GNU General Public License]. Nó cũng có thể được sử dụng đồng thời bởi số lượng lớn người dùng mà không bị chậm hoặc hoặc bị treo và tốc độ xử lý rất nhanh. Nó là một nền tảng mạng tuyệt vời và hoạt động với hiệu quả tối ưu ngay cả khi có ít dung lượng đĩa cứng và bộ nhớ RAM.

Sự phát triển của Linux được quan tâm bởi quỹ Linux Foundation, là tổ chức tài trợ cho sự phát triển của nhân [kernel] Linux. Các công ty trực tiếp hoặc gián tiếp sử dụng Linux trong tổ chức hoặc sản phẩm của họ thường đầu tư rất nhiều tiền vào việc phát triển dự án này để làm cho dự án trở nên đáng tin cậy và an toàn hơn.

Dù là một Hệ điều hành dành cho tất cả mọi người, nhưng Linux không phải là một lựa chọn hàng đầu. Tuy nhiên, khi nói đến máy chủ và xây dựng cơ sở hạ tầng mạnh mẽ, cho đến nay Linux vẫn là lựa chọn phổ biến nhất.

Bảo mật là một thuật ngữ tương đối, bạn không thể nói Linux hoàn toàn an toàn hay tốt hơn Windows hoặc Unix về mặt bảo mật. Phần mềm độc hại [malware] và phần mề khai thác [exploit] tồn tại trên tất cả các nền tảng chính. Lý do tại sao Windows có nhiều virus hơn Linux là vì kẻ tấn công nhìn đến một lượng lớn đối tượng người dùng Windows hơn so với Linux.

Linux download thế nào?

Trang web DistroWatch.com liệt kê nhiều bản phân phối Linux và hiển thị một số bản phân phối có lưu lượng truy cập web nhiều nhất trên đó. Nhiều bản phân phối phổ biến được liệt kê dưới đây.

Các bản phân phối Linux dựa trên GNU hoặc GNU

  • Debian là một bản phân phối phi thương mại và là một trong những bản sớm nhất, được duy trì bởi cộng đồng nhà phát triển tình nguyện với cam kết mạnh mẽ về các nguyên tắc phần mềm miễn phí và quản lý dự án một cách dân chủ.
    • Knoppix là bản phân phối Live CD đầu tiên chạy hoàn toàn từ phương tiện di động [removable media] mà không cần cài đặt vào đĩa cứng, có nguồn gốc từ Debian.
    • Ubuntu là một bản phân phối cho máy tính để bàn và máy chủ có nguồn gốc từ Debian, được phát hành và duy trì bởi công ty Canonical Ltd. của Anh.
      • Có một số bản phân phối dựa trên Ubuntu mà chủ yếu thay thế cho giao diện GNOME [GNU Network Object Model Environment – là giao diện màn hình làm việc được sử dụng cho các Hệ điều hành Linux/Unix], như: Kubuntu dựa trên KDE [Kool Desktop Environment – cũng là giao diện màn hình làm việc nhưng được thiết màu mè hơn, sau này gọi là CDE – Common Desktop Environment], Lubuntu dựa trên LXQT, Xubuntu dựa trên XFCE, Ubuntu MATE dựa trên MATE, Ubuntu Budgie dựa trên Budgie. Các nhánh khác có các mục đích sử dụng cụ thể như: Ubuntu Kylin cho người dùng nói tiếng Trung hoặc Ubuntu Studio cho người tạo nội dung đa phương tiện.
      • Linux Mint, là một bản phân phối dựa trên và tương thích với Ubuntu, hỗ trợ nhiều giao diện.

  • Fedora, một bản phân phối cộng đồng được tài trợ bởi công ty Red Hat của Mỹ và tên gọi trước đó là Red Hat Linux. Nó nhằm mục đích trở thành một thử nghiệm công nghệ cho việc cung cấp Linux thương mại của Red Hat, nơi phần mềm nguồn mở mới được hình thành, phát triển và thử nghiệm trong một môi trường chung trước khi phát triển thành Red Hat Enterprise Linux.
    • Red Hat Enterprise Linux [RHEL], một bản phái sinh của Fedora, được Red Hat duy trì và hỗ trợ về mặt thương mại. Nó tìm cách cung cấp hỗ trợ máy chủ và máy trạm Linux đã được thử nghiệm, an toàn và ổn định cho các doanh nghiệp.
      • CentOS, một bản phân phối có nguồn gốc từ chính các nguồn được Red Hat sử dụng, được duy trì bởi một cộng đồng tình nguyện viên là các nhà phát triển cho cả phiên bản tương thích 100% với Red Hat và một phiên bản nâng cấp không phải lúc nào cũng tương thích ngược được.
      • Oracle Linux, là một bản phái sinh của Red Hat Enterprise Linux, được duy trì và hỗ trợ thương mại bởi công ty Oracle.

  • Mandriva Linux là một phái sinh của Red Hat Linux phổ biến ở một số nước châu Âu và Brazil, được hỗ trợ bởi công ty cùng tên của Pháp. Sau khi công ty phá sản, nó được thay thế bởi OpenMandriva Lx, dù một số các bản phái sinh hiện giờ đang có một cơ số người dùng lớn hơn.
  • openSUSE, một bản phân phối cộng đồng chủ yếu được tài trợ bởi công ty SUSE của Đức.
    • SUSE Linux Enterprise, có nguồn gốc từ openSUSE, được duy trì và hỗ trợ thương mại bởi SUSE, có 2 dị bản là SUSE Linux Enterprise Server và SUSE Linux Enterprise Desktop.

Hệ điều hành dựa trên nhân Linux

  • Android, hệ điều hành thương mại của Google dựa trên Android OSP [Android Open Source Project] chạy trên nhiều thiết bị như điện thoại thông minh, TV thông minh, set-top box.

  • Chrome OS, hệ điều hành thương mại của Google dựa trên Hệ điều hành Chromium [là hệ điều hành mã nguồn mở và miễn phí được thiết kế để chạy các ứng dụng web và duyệt Web] chỉ chạy trên các laptop Chromebook, hộp Chromebox và máy tính bảng. Giống như Android, nó cũng có Cửa hàng Google Play và các ứng dụng khác của Google. Các ứng dụng được hỗ trợ thông qua một máy ảo có tên Crostini.

Ngoài ra còn có các hệ điều hành dựa trên nhân Linux khác nhưng đã bị ngừng phát triển, bao gồm Cyanogenmod [là các bản “độ” của Android], LineageOS [kế thừa của Cyanogenmod], Android-x86 [là bản android dị biến để chạy trên các thiết sử dụng vi xử lý x86, mà ko phải là ARM] và gần đây là Tizen [Samsung], Mer/Sailfish OS [Jolla] và KaiOS [Firefox OS].

Các bản phân phối Linux hạng nhẹ

Các bản phân phối Linux hạng nhẹ là những bản phân phối đã được thiết kế để hỗ trợ cho phần cứng cũ hơn, cho phép phần cứng cũ vẫn được sử dụng một cách hiệu quả hoặc có tốc độ tối đa trên các phần cứng mới hơn, bằng cách dành nhiều tài nguyên hơn cho các ứng dụng. Ví dụ gồm Tiny Core Linux, Puppy Linux và Slitaz.

Các bản phân phối Linux riêng

Các bản phân phối khác nhằm mục tiêu riêng cụ thể, chẳng hạn như:

  • Bộ định tuyến [Router], vd: bản phân phối dành cho các thiết bị nhúng sử dụng OpenWrt [là một dự án nguồn mở cho các hệ điều hành nhúng dựa trên Linux].
  • Internet vạn vật [Internet of things – IoT], vd: Ubuntu Core.

  • Máy tính Rạp hát Tại gia [Home Theater PCs – HTPC], vd: LinHES [Linux Home Entertainment Server], Kodi và Mythbuntu.
  • Các nền tảng cụ thể [platforms], vd: Hệ điều hành Raspberry Pi của nền tảng Raspberry Pi.

  • Giáo dục, vd: Edubuntu, Karoshi, các hệ thống máy chủ dựa trên PCLinuxOS.
  • Máy chủ và máy trạm phục vụ cho máy tính khoa học, vd: Scientific Linux.
  • Máy trạm âm thanh kỹ thuật số phục vụ cho sản xuất âm nhạc, vd: Ubuntu Studio.
  • Bảo mật máy tính và thử nghiệm thâm nhập, vd: Kali Linux và Hệ điều hành bảo mật Parrot.

  • Quyền riêng tư và ẩn danh, vd: Tails, Whonix, Qubes hoặc FreedomBox.
  • Sử dụng ngoại tuyến, vd: Hệ điều hành Endless.
  • Microsoft’s Azure Sphere.

Các vấn đề liên quan đến các bản phân phối Linux

Free Standards Group là là một tổ chức được thành lập bởi các nhà cung cấp phần mềm và phần cứng lớn nhằm mục đích cải thiện khả năng tương thích giữa các bản distro khác nhau. Trong số các tiêu chuẩn được đề xuất của họ đó là Linux Standard Base, nó xác định ABI [Application binary interface – tạm dịch là Giao tiếp nhị phân cho ứng dụng, nó định ra cách mà ứng dụng phía người dùng giao tiếp với các thư viện của nhân hệ điều hành] và hệ thống đóng gói chung cho Linux; cùng với đó là Filesystem Hierachy Standard nhằm đề xuất tên các thư mục cơ bản được tìm thấy trên cây thư mục của bất kỳ hệ thống tập tin Linux nào. Tuy nhiên, các tiêu chuẩn đó được sử dụng rất hạn chế, ngay cả trong số các bản phân phối do các thành viên của tổ chức phát triển, vd: Debian và Fedora sử dụng các thư viện riêng của mình.

Sự đa dạng của các bản phân phối Linux có nghĩa là không phải tất cả phần mềm đều chạy được trên tất cả các bản phân phối, nó tùy thuộc vào những thư viện và các thuộc tính hệ thống khác mà hệ điều hành yêu cầu. Phần mềm đóng gói và kho phần mềm thường dành riêng cho một bản phân phối cụ thể, mặc dù đôi khi có thể cài đặt chéo trên các bản phân phối có liên quan chặt chẽ, vd: RedHat và CentOS vẫn có thể cài đặt và chạy khá nhiều phần mềm của nhau.

Linux Vs Windows

Những lợi ích và lợi thế chính của Linux so với các hệ điều hành khác, đặc biệt là Microsoft Windows, là:

  • Nó là miễn phí để sử dụng và phân phối.
  • Hỗ trợ miễn phí thông qua các trang web trợ giúp trực tuyến, blog và diễn đàn.
  • Nó rất đáng tin cậy hơn hầu hết các hệ điều hành khác với rất ít sự cố.
  • Một lượng lớn phần mềm mã nguồn mở miễn phí đã được phát triển cho nó.
  • Nó có khả năng chống chịu tốt với phần mềm độc hại [malware], vd: phần mềm gián điệp [spyware], phần mềm quảng cáo [adware] và các vi-rút.
  • Nó chạy được trên loại máy hoặc thiết bị mà không thể được cập nhật để sử dụng các phiên bản Windows mới hơn.
  • Vì mã nguồn có thể xem được nên dễ dàng phát hiện ra các “cửa hậu” [backdoor], vì vậy Linux cung cấp khả năng bảo mật cao hơn cho các ứng dụng nhạy cảm.
  • Linux cung cấp một mức độ linh hoạt cao về cấu hình phần cứng và có thể tùy chỉnh đáng kể mà không cần sửa đổi mã nguồn.

Hệ điều hành Linux được sử dụng rộng rãi bởi cả người dùng gia đình và doanh nghiệp, và việc sử dụng nó đang tăng lên hàng ngày. Người ta coi rằng Linux cuối cùng sẽ vượt qua Microsoft Windows để trở thành hệ điều hành phổ biến nhất, điều này cũng có thể mở ra cánh cửa cho nhiều phần mềm miễn phí hơn như Open Office, The Gimp, Paint, Thunderbird, Firefox và Scribus.

Mối quan hệ giữa Android và Linux là gì?

Android có thể dựa trên Linux, nhưng bạn không thể chạy các ứng dụng Android trên các bản phân phối Linux điển hình và bạn không thể chạy các chương trình Linux mà bạn đã quen thuộc trên Android.

Linux tạo nên phần lõi [core] của Android, nhưng Google chưa từng thêm vào đó tất cả các phần mềm và thư viện điển hình nào mà bạn thấy trên một bản phân phối Linux như Ubuntu. Điều này tạo nên sự khác biệt.

Sự khác biệt lớn ở đây là do cách chúng ta hiểu về Linux. Mọi người sử dụng thuật ngữ “Linux” để chỉ nhiều thứ khác nhau. Về cơ bản, Linux có nghĩa là nhân [kernel] Linux. Kernel là phần cốt lõi của bất kỳ hệ điều hành nào.

Chúng ta cũng gọi các bản phân phối Linux đơn giản là “Linux”. Tuy nhiên, các bản phân phối Linux không chỉ có nhân Linux thôi đâu. Chúng còn chứa nhiều phần mềm khác, chẳng hạn như tiện ích GNU Shell, máy chủ đồ họa Xorg, giao diện máy tính để bàn GNOME, trình duyệt web Firefox, … Đó là lý do tại sao một số người nghĩ rằng thuật ngữ GNU/Linux nên được sử dụng cho “các bản phân phối Linux” như Ubuntu, Mint, Debian, Fedora, openSUSE và những bản khác nữa.

Android sử dụng nhân Linux.

Vì Linux là nguồn mở nên các nhà phát triển Android của Google có thể sửa đổi nhân Linux để phù hợp với nhu cầu của họ. Linux cung cấp cho các nhà phát triển Android một nhân hệ điều hành đã được tối ưu và xây dựng sẵn để khởi đầu, vì vậy họ không phải viết mới kernel của riêng mình. Đây là cách mà nhiều thiết bị khác nhau được xây dựng – ví dụ: PlayStation 4 sử dụng nhân FreeBSD mã nguồn mở, trong khi Xbox One sử dụng nhân Windows NT được tìm thấy trong các phiên bản Windows hiện đại.

Bạn thậm chí sẽ thấy phiên bản của nhân Linux đang chạy trên thiết bị của mình trong Giới thiệu về điện thoại hoặc Giới thiệu về máy tính bảng trong Cài đặt của Android.

Sự khác biệt giữa Linux và Android

Có một số cuộc tranh luận về việc liệu Android có đủ tiêu chuẩn là “bản phân phối Linux” hay không. Nó sử dụng nhân Linux và các phần mềm hỗ trợ khác, nhưng không bao gồm nhiều phần mềm hỗ trợ mà các bản phân phối Linux thường dùng.

Khi bạn khởi động một thiết bị Android, nhân Linux sẽ nạp vào giống như trên một bản phân phối Linux. Tuy nhiên, nhiều phần mềm hỗ trợ khác lại không như vậy. Android không bao gồm Thư viện GNU C [glibc] được sử dụng trên các bản phân phối Linux tiêu chuẩn, cũng như không bao gồm tất cả các thư viện GNU mà bạn thấy trên một bản phân phối Linux điển hình. Nó cũng không bao gồm máy chủ X như Xorg, vì vậy bạn không thể chạy được các ứng dụng Linux đồ họa tiêu chuẩn.

Thay vì chạy các ứng dụng Linux điển hình, Android sử dụng máy ảo Dalvik để chạy các ứng dụng được viết bằng Java. Các ứng dụng này được nhắm vào các thiết bị Android và các giao diện lập trình ứng dụng [API – Application Programming Interfaces] mà Android cung cấp thay vì nhắm mục tiêu vào Linux nói chung.

Kết luận về hệ điều hành Linux

Nếu bạn là dân công nghệ và bạn đang tìm kiếm một trong những nền tảng đáng tin cậy, an toàn và đảm bảo nhất cho cả máy tính để bàn và máy chủ, thì không cần tìm đâu xa hơn là một trong nhiều bản phân phối Linux. Với Linux, bạn có thể đảm bảo rằng máy tính để bàn của bạn sẽ không gặp sự cố, máy chủ của bạn hoạt động và yêu cầu hỗ trợ của bạn là tối thiểu. Cùng tham khảo thêm các mẹo hay máy tính nhé!

 

 

 

 

[1] GNU [Generation-New Unix – tạm dịch là Unix thết hệ mới] là một Hệ điều hành tương thích với Unix [Một trong những Hệ điều hành đầu tiên trên thế giới] được phát triển và gọi là Dự án GNU, bắt đầu vào năm 1983 bởi Richard Stallman với mục tiêu sản xuất phần mềm không độc quyền. Do đó, người dùng có thể tải xuống, sửa đổi và phân phối lại phần mềm GNU.

[2] GPL [General Public License – tạm dịch là giấy phép công cộng chung] đây là giấy phép mà theo đó một số chương trình phần mềm miễn phí phổ biến nhất được phân phối, một vài trong số chúng sẽ là nhân Linux và trình biên dịch GCC [GNU Compiler Collection]. Nó cấp cho người dùng của các chương trình được nói ở trên quyền chạy, chia sẻ và sửa đổi phần mềm.

Chủ Đề