Lễ hội hiện đại là gì

QĐND - Từ khi hình thành xã hội thì lễ hội là món ăn tinh thần, là cuộc sống thứ hai của con người. Đó là hình thức văn hóa dân gian có tính cộng đồng rất cao. Ở nước ta, hình ảnh lễ hội xuất hiện trên các trống đồng có niên đại hai nghìn năm trước Công nguyên với những người nhảy múa, đánh cồng, đánh chiêng... Hành động trong lễ hội không đơn giản chỉ là tái hiện những mô thức văn hóa cổ xưa mà qua đó, thể hiện một khát khao của con người hiện tại được tiếp nối và phát huy sức mạnh, sự toàn năng của thiên nhiên hay thần linh, hay các anh hùng trong lịch sử. Những hành vi ấy dần biến thành nghi thức ngày một trang nghiêm, thành kính. Vì là sinh hoạt tập thể đem lại sự hứng khởi cho mọi người nên những nghi thức ấy cũng dần đi vào tâm thức tạo thành niềm cộng cảm thiêng liêng. Cùng tham dự một lễ hội, người ta cảm thấy như muốn gắn kết với nhau hơn, như muốn được chia sẻ hơn, như được tiếp thêm sức sống. Vì thế mà thời điểm lễ hội được coi là thời điểm mạnh trong đời sống hội tụ những nét tích cực nhất của một trình độ tổ chức; hội tụ những trạng thái tình cảm thăng hoa, vui vẻ và cũng là thời điểm hội tụ những hình thức lễ nghi và những trò diễn dân gian đặc sắc nhất. Lễ hội chính là sự kết tinh của một quá trình tiếp biến văn hóa lâu dài, bền bỉ. Qua hình ảnh lễ hội sẽ nhìn thấy ước mơ, nguyện vọng của cả một cộng đồng hướng về những điều tốt đẹp.

Lễ hội là sự cộng hưởng các giá trị về mặt lịch sử, phong tục, văn chương, nghệ thuật, là bảo tàng sống về các giá trị tinh thần, dân chủ, nhân văn đã được kết tinh trong suốt chiều dài lịch sử. Đó là sự thỏa mãn các nhu cầu về tín ngưỡng, tâm linh, về giải trí. Đó là nhu cầu giao lưu, học hỏi, là sự đoàn kết. Quan trọng nhất là nhu cầu sáng tạo và thụ hưởng văn hóa góp phần nâng cao đời sống văn hóa của cộng đồng dân cư.

Mua nhiều đồ vàng mã để cúng bái rồi đốt-một hành vi tín ngưỡng thái quá và chưa văn minh. [Ảnh chụp tại lễ hội đền Bà Chúa Kho ở tỉnh Bắc Ninh]. Ảnh: NGỌC PHÒNG

Trong xã hội hiện đại hôm nay, ngoài giá trị nhân văn, thẩm mỹ, người ta rất chú trọng tới tinh thần dân chủ của lễ hội, điều mà con người ngày hôm nay đang hướng tới, phấn đấu. Trong lễ hội, tất cả mọi người không phân biệt tầng lớp, đẳng cấp, giới tính, tuổi tác đều được tham gia, đều có thể cất lên tiếng nói của mình, bình đẳng, vô tư. Chỉ có ở thời điểm này, tất cả mới đều được vui chơi hết mình, thể hiện những khát vọng thẳm sâu nhất, và trong cuộc vui vẻ ấy người ta mới nhận rõ cái chân giá trị của riêng mình trong tập thể. Lễ hội luôn mang tính thiêng với hạt nhân là sự sùng bái một nhân vật lịch sử hoặc một vị thần thánh, qua đó giáo dục cách ứng xử có văn hóa của con người với thiên nhiên môi trường, với cội nguồn quá khứ, với con người. Lễ hội là một cách giáo dục đạo lý uống nước nhớ nguồn rất hiệu quả.

Lễ hội dân gian là một di sản đặc biệt để lưu giữ, trao truyền văn hóa giữa các thế hệ nên nó luôn là sản phẩm của một chủ thể, diễn ra trong một không gian, thời gian cụ thể. Chỉ có con người chủ thể ở không gian nhất định mới có thể phần nào thấu hiểu ý nghĩa của văn hóa lễ hội.

Từ những cơ sở trên cho thấy, yêu cầu của việc tổ chức một lễ hội phải bảo đảm được sự thiêng liêng, giữ được những giá trị nhân văn, tránh những mê tín dị đoan, buôn thần bán thánh, lừa đảo... Đồng thời, đáp ứng các hoạt động hội hè thỏa mãn nhu cầu sáng tạo, giải trí của người dân, vừa phong phú, hấp dẫn, phù hợp thị hiếu công chúng, vừa bảo đảm tính giáo dục lành mạnh, hiệu quả.

Bàn về tích cực thì có nhiều nhưng do khuôn khổ có hạn của một bài viết nên chúng tôi chỉ xin nêu những điểm cụ thể. Một điều khẳng định là nơi nào làm tốt là nhờ nơi đó bám sát vào đặc trưng của lễ hội cổ truyền. Hiện nay, chúng ta có mấy mô hình tổ chức cơ bản: Một, mang tính cộng đồng tự quản; Hai, kết hợp hình thức cộng đồng tự quản có sự trợ giúp của Nhà nước; Ba, có sự trợ giúp chủ yếu của Nhà nước; Bốn, do tư nhân điều hành.

Mỗi mô hình đều có mặt tích cực và bất cập riêng nhưng dư luận đều cho rằng, nếu chúng ta làm tốt mô hình thứ nhất, tức trao quyền tổ chức cho chính chủ thể cộng đồng thì giá trị lễ hội được phát huy đến mức tối đa mà tiêu biểu là lễ hội Đền Đô [Bắc Ninh] và lễ hội Gióng [Hà Nội]. Các lễ hội này đã bảo lưu tốt các yếu tố bản sắc truyền thống, ít bị pha tạp. Người dân thực sự là chủ nhân của lễ hội nên họ rất có ý thức trân trọng di sản của mình. Lễ hội gần như vẫn giữ được trạng thái nguyên thủy, ít có sự can thiệp của văn minh hiện đại nên thu hút được đông đảo người xem.

Như đã nói ở trên, chỉ có chủ thể văn hóa mới có thể quyết định chất lượng lễ hội, là người địa phương hiểu sâu sắc những biểu trưng, ý nghĩa từng chi tiết, việc làm lại của chung cộng đồng nên được toàn dân ủng hộ, hưởng ứng, thu hút được sự quan tâm chú ý của dư luận, của không chỉ người địa phương, mà còn cả con cháu họ công tác ở khắp nơi trong và ngoài nước. Mọi người dân coi lễ hội như là một phần cuộc sống của mình, là việc của mình trong việc sáng tạo và duy trì di sản. Các lễ hội đã thực sự vừa làm tốt chất lượng nội dung vừa làm tốt công tác xã hội hóa, Nhà nước không phải gánh ngân sách, thậm chí còn được hưởng lợi. Đây là mô hình tổ chức lễ hội ưu việt nhất cần được phát huy, nhân rộng.

Về bất cập thì cũng rất nhiều, mà dễ nhận thấy là Các loại hình lễ hội được tổ chức với tần suất cao, mật độ dày như Chỉ thị số 41-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng đã chỉ ra. Trong một không gian văn hóa không rộng với dân số 90 triệu người mà một năm có tới gần 8000 lễ hội, lại thường tập trung vào mùa xuân, là rất mất cân bằng về môi trường sinh thái nhân văn. Vì làng làng làm lễ hội, tỉnh tỉnh làm lễ hội nên chưa nói tới sự tốn kém thời gian, tâm lực, vật lực, tài lực, riêng số lượng quá nhiều như vậy nên các giá trị tinh thần của xã hội bị phân tán, khó xác định được các giá trị văn hóa cơ bản, chủ yếu mà thế giới lễ hội mang lại. Có nơi quá chú ý tới hình thức hơn là chú ý tới nội dung của văn hóa. Vì tổ chức tràn lan, thiếu chọn lọc nên có hội đông mà không vui, tiền thu được thì có thể nhiều nhưng lợi ích văn hóa thì ít thấy. Nhiều người đi hội chỉ chăm chăm cúng lễ, khấn vái, thậm chí cướp lộc thánh chứ không mấy quan tâm tới lịch sử lễ hội và ý nghĩa ngày tưởng nhớ, tôn vinh các vị thánh [thần] có công với hậu thế. Như thế thì tấm lòng không thanh tịnh [vì không nhận được bài học giáo dục], không thư thái vui vẻ [vì không được tiếp nhận ý thức thẩm mỹ] vốn là những yêu cầu đặc trưng về mặt tinh thần của lễ hội truyền thống. Lại có nơi xảy ra tình trạng chặt chém các loại dịch vụ đối với khách du lịch. Lại có nơi thịt thú rừng bày bán la liệt ở khu vực lễ hội lẽ ra phải là một không gian trong lành, chay tịnh, hòa hợp với thiên nhiên? Mấy hạn chế nổi cộm đang gây bức xúc dư luận là tình trạng thương mại hóa lễ hội; là năng lực tổ chức chưa đạt yêu cầu làm cho lễ hội lệch lạc, biến chất; là nạn mê tín dị đoan, bói toán, cướp giật, ăn xin; là những hành vi thực hành tín ngưỡng thái quá trong lễ hội của nhân dân, trong đó có cả một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức

Muốn đưa công tác quản lý lễ hội vào nền nếp mà vẫn bảo đảm văn minh, an toàn và đáp ứng nhu cầu đời sống văn hóa, tinh thần, tâm linh của người dân, thiết nghĩ các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương các cấp, các ban quản lý di tích phải thực hiện nghiêm túc, triệt để Chỉ thị số 41-CT/TW của Ban Bí thư, trước mắt cần phải giảm tần suất, thời gian tổ chức lễ hội. Chỉ nên tổ chức một cách chặt chẽ những lễ hội nào thực sự cần thiết. Dưới góc nhìn bảo tồn di sản, một số nhà văn hóa phản đối sự hạn chế số lượng cũng như quy mô tổ chức lễ hội vì họ cho rằng đó là văn hóa truyền thống. Nhưng họ chưa nghĩ tới tính tổng thể không gian văn hóa, bối cảnh, thời đại hôm nay. Mật độ quá dày, kinh tế còn nghèo, trình độ dân trí không đều, có nơi không cao, nếu lễ hội không tổ chức tốt sẽ dễ phản tác dụng, như gây ra sự ngộ nhận tạo thành nếp mê tín ở một bộ phận dân cư.

Căn cứ vào đặc trưng bản sắc lễ hội, cần trao quyền tổ chức điều hành, nội dung cho chủ thể văn hóa, Nhà nước chỉ can thiệp bằng tính định hướng, giám sát, chỉ đạo ở những lễ hội của một không gian văn hóa mang tính làng xã. Nhưng ở những lễ hội quy mô lớn thì Nhà nước phải tổ chức theo nguyên tắc Nhà nước và nhân dân cùng làm, vừa tạo ra cơ sở pháp lý vừa phát huy sức mạnh của chủ thể văn hóa.

PGS, TS NGUYỄN THANH TÚ

Bài 1: Giá trị lịch sử, truyền thống, văn hóa của lễ hội

Bài 3: Đưa lễ hội vào nền nếp, góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh

Chủ Đề