Logic chủ quan là gì

Facebook
Google+
Linkedin
Twitter
Chia sẻ

Chú ý: Tất cả những nội dung dưới đây thể hiện quan điểm và tư tưởng cá nhân của tác giả, chứ không phải một sự khẳng định chân lý nào cả. Bài viết chịu ảnh hưởng từ cuốn sách Zen and The Art of Motorcycle Maintenance: An Inquiry into Values của Robert M. Pirsig, Philosophy of Science: A Very Short Introduction của Samir Okasha, và Beyond Good and Evil của Friedrich Nietzsche.

1. Chủ quan và khách quan

Chủ [主] hay còn đọc là chúa, ngoài nghĩa thường thấy là làm chủ, đứng đầu, nắm quyền [lãnh chúa, địa chủ, chủ nhiệm], còn có thể được dùng để thể hiện hàm ý tự mình hay bên trong [chủ trương, chủ động]. Ngược lại, khách [客] ngoài các nghĩa thông thường như người mua, người đến chơi nhà, người làm công việc gì đó [khách hàng, khách sạn, chính khách], cũng có thể được dùng với nghĩa rộng hơn chỉ những yếu tố không phải tự mình hay bên ngoài [đất khách, sân khách]. Nói cách khác, chủ và khách có thể được dùng để nói về hai phía trong và ngoài của một ranh giới nào đó. Với quan [観] có nghĩa là nhìn [quan sát, thế giới quan], chúng ta có thể hiểu chủ quan là góc nhìn từ bên trong, và khách quan là góc nhìn từ bên ngoài, mà ở đây nhìn là một sự nhận thức, quan sát hoặc đánh giá, và trong ngoài là đối với ranh giữa thế giới ý thức con người [trong] và thế giới vật chất xung quanh [ngoài].

Tại sao lại cần phải phân biệt giữa chủ quan và khách quan? Đó là vì mọi sự nhận thức, quan sát hay đánh giá về mọi sự vật sự việc đều có tính tương đối, tức chỉ có ý nghĩa khi so sánh với một hệ quy chiếu nào đó làm tiêu chuẩn. Khi chúng ta nhìn một sự vật sự việc từ bên trong, thì bản thân chúng ta cũng là một phần của hệ quy chiếu. Hệ quy chiếu bản thân đó bao gồm rất nhiều yếu tố, và có thể được chia ra một số phân loại chính là giác quan, cảm xúc, tri thức, giá trị quan, suy nghĩ logic và suy nghĩ trực giác. Một người ăn một chiếc bánh ngọt sẽ chỉ thấy ngọt nếu như vị giác [giác quan] của người đó cảm nhận vị bánh là ngọt, và sẽ chỉ thấy cái bánh ngon nếu như vị ngọt đó phù hợp với khẩu vị [nhân cách] của bản thân. Hai con người khác nhau, với cơ thể, nhân cách và năng lực tư duy khác nhau, sẽ có thể có cách nhìn rất khác nhau về cùng một sự vật sự việc, hay rộng là cùng một thế giới xung quanh.

Từ đó, một người có thể đặt ra câu hỏi rằng cái chúng ta nhìn thấy có thực sự tồn tại hay không, và có tồn tại đúng như những gì chúng ta đang nhìn thấy hay không? Hay là phải chăng, khi đi qua màng lọc của hệ quy chiếu cá nhân của người quan sát, thì sự vật sự việc đã bị biến tướng đi, trở nên khác đi so với chính nó khi chưa được quan sát, giống như một người mù màu nhìn thế giới? Mặt khác, nếu như mỗi người quan sát thế giới lại cho ra những kết quả có thể khác nhau, tức là cho ra những sự thật có thể khác nhau, thì làm sao chúng ta có thể có được một tiêu chuẩn chung, một mặt bằng chung để giao tiếp với nhau? Câu trả lời hợp lý nhất, dĩ nhiên, là chúng ta cần tìm hiểu xem thế giới xung quanh chúng ta thực sự sẽ thế nào khi được quan sát không bằng mắt người, mà bằng một con mắt khác độc lập với tất cả mọi con người, một con mắt khách quan.

Và có lẽ từ những suy diễn đại loại như trên, mà ngày nay chúng ta có khái niệm khách quan được định nghĩa trong từ điển là 1. chỉ cái gì đó tồn tại ngoài ý thức con người, 2. chỉ thái độ nhận xét sự vật căn cứ vào sự thực bên ngoài [theo Wikitionary], hay 3. chỉ một tình trạng hay tính chất đúng đắn mà không cần tới hay không phụ thuộc vào những thiên kiến, diễn giải, cảm xúc hay tưởng tượng của chủ thể, tức là người quan sát và đánh giá [theo Wikipedia]. Ngược lại, chủ quan được hiểu là ngược lại với khách quan, tức là chỉ tính chất phụ thuộc vào ý thức của con người, vào hệ quy chiếu của người quan sát và đánh giá. Hiểu theo một cách khác, một đánh giá hay lập luận mang tính khách quan sẽ phản ánh chính xác sự vật sự việc như nó vốn thế, và tuân theo các quy luật của thế giới tự nhiên chứ không phải của con người.

2. Tính khả dĩ của khách quan

Với định nghĩa như vậy, thì con người chúng ta liệu có thể đạt đến được một sự khách quan đúng nghĩa hay không? Câu trả lời ngắn gọn là không thể và không bao giờ. Như đã đề cập ở trên, để nhận thức được về thế giới xung quanh, con người buộc phải trải qua quá trình bắt đầu từ việc dùng giác quan hoặc cảm xúc để quan sát và tiếp nhận dữ liệu [hình ảnh, âm thanh, cảm giác,], sau đó dùng tri thức hoặc nhân cách làm cơ sở tham chiếu, cùng với suy nghĩ logic hoặc trực giác làm công cụ, để xử lý dữ liệu thành thông tin [xác định sự vật sự việc và thuộc tính], và cuối cùng là có thể đi đến một kết luận nào đó [đánh giá hoặc quyết định]. Quá trình đó gắn bó mật thiết và không thể tách rời khỏi hệ quy chiếu của cá nhân người quan sát. Do vậy, một sự nhận thức hay đánh giá khách quan tuyệt đối, theo nghĩa hoàn toàn không phụ thuộc vào bất cứ một yếu tố con người nào, về căn bản là điều không thể đạt đến được, ít nhất là trong hoàn cảnh hiện tại.

Tất nhiên, điều đó không có nghĩa là hiện thực khách quan không hề tồn tại. Từ những trải nghiệm hàng ngày trong quá khứ và hiện tại, chúng ta dễ dàng có đủ căn cứ để tin tưởng vào sự tồn tại của một hiện thực khách quan chung cho toàn bộ nhân loại, tồn tại độc lập với ý thức của con người. Tuy nhiên, chúng ta không có cách nào quan sát và nhận thức được hiện thực ấy mà không phải đi qua màng lọc chủ quan ở một khâu nào đó. Mọi nhận thức và hiểu biết về sự tồn tại của một hiện thực khách quan, cũng như các nội dung và thuộc tính của nó, sẽ luôn hoặc là kết quả của niềm tin, hoặc là kết luận của một phép suy luận quy nạp, và do vậy không thể được đảm bảo là đúng đắn hoàn toàn. Mà kể cả nếu chúng ta có thể đưa ra được một phép suy luận diễn dịch để chứng minh cho tính khách quan của hiện thực đi nữa, thì chẳng phải bản thân suy luận diễn dịch cũng là một phần của ý thức con người, tức cũng là một yếu tố chủ quan hay sao?

Chúng ta hãy thử lấy một vài ví dụ thực tế khác. Nếu có ai đó nói rằng tháp Eiffel rất cao, thì tức là người đó đã dựa vào một tiêu chuẩn cao chủ quan. Một người khổng lồ cỡ đỉnh Himalaya sẽ không thấy vậy. Nếu người đó nói tháp Eiffel cao 324m, thì tức là người đó đã dựa vào một niềm tin chủ quan về độ chính xác của thông tin đến từ người khác. Nhỡ đâu thông tin mà người đó đọc được là sai thực tế thì sao? Còn nếu người đó tự mình đo đạc hay tính toán ra độ cao của tháp, thì tức là người đó đã dựa vào các yếu tố chủ quan là phương pháp đo đạc và những gì mình quan sát được bằng mắt. Nhỡ đâu phương pháp của người đó sai, hay người đó nhìn nhầm thì sao? Nhỡ đâu thế giới mà chúng ta đang nhìn thấy chỉ là một ảo giác khổng lồ, giống như thế giới được tạo ra bởi một chương trình máy tính giả lập như trong bộ phim Ma trận thì sao?

Lý luận tương tự cũng có thể được dùng để đặt nghi vấn đối với phần lớn tri thức khoa học của con người. Thực tế là các thành quả nghiên cứu khoa học đều là kết quả của suy luận quy nạp, cụ thể là dựa trên một số lượng hữu hạn các thí nghiệm thành công. Dù cho số lượng thí nghiệm có lên đến hàng nghìn hàng vạn đi nữa, thì điều đó vẫn không thay đổi được việc chúng ta không thể loại bỏ được hoàn toàn các khả năng trái ngược, và do đó không thể đi đến được một khẳng định chắc chắn 100% theo tiêu chuẩn của logic, chứ chưa nói đến theo quy luật khách quan của tự nhiên. Tất nhiên, trong thực tế chúng ta vẫn chấp nhận các kết quả khoa học, vì việc chứng minh chúng theo nghĩa nghiêm ngặt nhất của từ chứng minh là cực kỳ tốn kém và có lẽ là bất khả thi, vì các kết quả khoa học vẫn đang phục vụ tốt cho lợi ích của chúng ta, và vì chúng ta thấy các phương pháp khoa học là đủ tin tưởng. Nhưng chẳng phải bản thân sự chấp nhận đó cũng là chủ quan hay sao?

3. Khách quan một cách tương đối

Nếu như một sự khách quan tuyệt đối là không thể đạt đến được, vậy thì khách quan mà chúng ta vẫn thường nhắc đến trong cuộc sống hàng ngày là gì? Câu trả lời hiển nhiên là: đó là một sự khách quan tương đối. Tương đối với cái gì? Tương đối với những yếu tố chủ quan còn lại. Hay nói đúng hơn, sự khách quan mà chúng ta vẫn thường nói đến về bản chất vẫn chỉ là sự chủ quan, nhưng trong một hệ quy chiếu chủ quan nhất định nào đó thì nó có vẻ, và do đó có thể được đánh giá là khách quan. Như đã nói trong bài viết vềtính tương đối, mọi đánh giá, suy luận, quyết định của con người đều dựa trên một số tiền đề nhất định nào đó. Các tiền đề này có thể được chia làm hai loại: 1. được diễn đạt rõ ràng, hoặc 2. được ẩn chứa ngầm. Một mệnh đề có thể trở nên khách quan một cách tương đối, nếu như toàn bộ các tiền đề của nó, dù có ý thức được hay không, đều đã được diễn đạt kèm theo một cách rõ ràng, hoặc được chấp nhận một cách mặc định trong hệ quy chiếu chủ quan dùng để đánh giá. Số lượng tiền đề ẩn được sử dụng nhưng không được mặc nhiên chấp nhận càng nhiều, thì tính khách quan của phát biểu được đánh giá càng thấp và ngược lại.

Các đánh giá, suy luận hay quyết định có tiền đề kèm theo thường có dạng P[hát biểu] = nếu T[iền đề] thì K[ết luận], trong đó T là tiền đề của K. Khi được viết theo cách như trên, P mang ý nghĩa khẳng định trong mọi trường hợp có thể có mà T đúng thì K cũng sẽ đúng, tức là phạm vi khẳng định đã được thu hẹp đi so với việc khẳng định K đúng tuyệt đối. Khi đó, việc cá nhân người đánh giá có chấp nhận T hay không trên lý thuyết không ảnh hưởng tới giá trị chân lý của K bên trong P nữa, vì trong hệ quy chiếu giả định của P đặt ra thì T luôn luôn đúng. Người đánh giá có thể vừa chấp nhận rằng K đúng với điều kiện T, vừa không chấp nhận T đúng và gián tiếp qua đó không chấp nhận K đúng, mà không hề tự mâu thuẫn. Như vậy, có thể nói rằng khi được phát biểu dưới dạng P thì tính đúng đắn của K đã bớt đi được sự phụ thuộc vào kết quả đánh giá chủ quan của T, và do đó K đã trở nên khách quan hơn so với khi không có tiền đề phát biểu đi kèm.

Dĩ nhiên, không phải mọi tiền đề được diễn đạt đều có dạng nếu thì. Một ví dụ là các phát biểu dạng tôi nghĩ, tôi thấy, trong đó tiền đề được nói đến là toàn bộ hệ quy chiếu cá nhân của người phát biểu. Những phát biểu như vậy có thể được hiểu là nếu như chúng ta chấp nhận những điều tôi nghĩ là đúng, thì , và do đó tương tự như trên, chúng mang tính khách quan hơn so với việc đơn thuần khẳng định kết luận cuối cùng. Một cách diễn đạt tiền đề khác thường thấy trong khoa học là việc nêu ra đầy đủ các phương pháp đã được sử dụng trong một nghiên cứu khoa học, cũng như những hạn chế về tính khách quan có thể có trong những phương pháp đó và ở chính những người làm nghiên cứu. Điều đó có nghĩa là những kết luận của nghiên cứu khoa học đó chỉ được khẳng định là đúng với điều kiện các phương pháp đã sử dụng được chấp nhận và những hạn chế đã nêu ra được bỏ qua.

Bên cạnh những tiền đề được diễn đạt rõ, những tiền đề dạng ẩn cũng có thể tồn tại ở khắp mọi nơi và trong từng phát biểu. Ví dụ như trong hai đoạn văn trên thì logic được sử dụng là một tiền đề ẩn: một người có logic khác với tôi có thể sẽ không thấy kết luận K trở nên khách quan hơn khi được phát biểu dưới dạng P là khách quan. Trong thực tế, các tiền đề được diễn đạt rõ, nếu có, cũng chỉ là phần ngọn của tảng băng chìm. Các tiền đề ẩn mới là phần chính yếu làm nên nền tảng cho mọi đánh giá, suy luận và quyết định của con người, cả bằng lý trí lẫn trực giác. Một ví dụ kinh điển là tiền đề ẩn rằng những gì chúng ta đang cảm nhận thấy bằng các giác quan là thực sự thuộc về hiện thực khách quan. Một ví dụ khác là suy nghĩ rằng khi di chuyển để tiến về phía trước thì phải đạp về phía sau, một tiền đề mà chúng ta chỉ có thể ý thức được khi lần đầu tiên đi trượt patin hay đứng trên băng trơn.

Phần lớn các tiền đề được mặc định ngầm là những tư tưởng và niềm tin đã ăn sâu vào trong ý thức của chúng ta, thậm chí là ở mức độ tiềm thức, có nghĩa là bản thân chúng ta cũng không ý thức được mình đang sử dụng những tiền đề đó. Mà một khi đã không được ý thức, thì đối với chúng ta những tiền đề đó là không tồn tại. Do đó, những phát biểu dựa trên những tiền đề ấy trong mắt chúng ta sẽ dường như không phụ thuộc vào hệ quy chiếu chủ quan của bản thân, tức là trở nên khách quan. Số lượng những tiền đề ăn sâu như vậy ở một con người càng nhiều và mức độ ăn sâu càng cao thì phạm vi tư duy của người đó càng bị thu hẹp, tức là người đó càng khó nghĩ đến những khả năng và kết luận đi ngược lại những tiền đề mặc định của mình. Nhưng mặt khác, người đó lại rất có thể sẽ có sự tự tin mãnh liệt hơn vào những tư tưởng và niềm tin của bản thân, vì những điều đó không phải là thứ họ đã chủ động lựa chọn một cách có ý thức, mà là những điều hiển nhiên của một hiện thực khách quan trong mắt của riêng họ.

4. Để khách quan trong cuộc sống

Trước khi đi vào việc làm thế nào để trở nên khách quan hơn, chúng ta cần nghĩ về việc tại sao chúng ta lại nên/cần/phải khách quan hơn. Trước hết, một phát biểu khách quan sẽ dễ được chấp nhận hơn một phát biểu chủ quan, vì số lượng tiền đề ẩn mà người nghe buộc phải chấp nhận một cách có ý thức để có thể chấp nhận được phát biểu đó sẽ ít hơn. Do vậy, sự khách quan là một thành tố của năng lực thuyết phục, một năng lực quan trọng trong cuộc sống xã hội. Ngoài ra, cho dù rằng một sự khách quan tuyệt đối là điều không thể đạt đến được, nhưng việc luôn luôn hướng tới sự khách quan trong cuộc sống sẽ giúp chúng ta tiến gần hơn tới việc tìm ra và tuân theo các quy luật khách quan của thế giới tự nhiên, từ đó có thể đem lại lợi ích cho bản thân chúng ta trong nhiều mặt, mà kho tàng tri thức khoa học ngày nay là một ví dụ.

Quay trở lại đầu đề, trong thực tế cuộc sống, khi một người cảm thấy lời một người khác nói là khách quan, thì rất có thể đơn giản là lời nói đó dựa trên những tiền đề ẩn mà cả hai người đều cùng mặc định chấp nhận. Hay nói cách khác, trong trường hợp đó người nghe có hệ quy chiếu cá nhân tương tự với người nói trong phạm vi vấn đề được nói đến. Nói rộng ra, trong một cộng đồng người nhất định, sự khách quan về bản chất là sự phục tùng theo hệ quy chiếu chủ quan chung của cộng đồng đó. Điều này có thể thấy ở bất cứ cộng đồng nào, nhưng có lẽ dễ thấy nhất là cộng đồng những người làm khoa học. Đa số các nhà khoa học hiện nay có những quy ước chung để đánh giá một phát biểu khoa học có phản ánh đúng hiện thực khách quan hay không, ví dụ như các bằng chứng có thể quan sát và kiểm chứng được bằng giác quan [empirical evidence]. Ngược lại, khi chúng ta cảm thấy lời nói của ai đó là chủ quan, điều đó thường có nghĩa là chúng ta đã phát hiện ra một tiền đề ẩn nào đó của đối phương mà không được hệ quy chiếu cá nhân của chúng ta chấp nhận một cách mặc định, dù chúng ta có ý thức được điều đó hay không.

Như vậy, nếu như chúng ta muốn lời nói của bản thân trở nên khách quan hơn trong mắt người khác, chúng ta cần làm hai điều: 1. xác định phạm vi tương đồng của hệ quy chiếu chủ quan giữa chúng ta và người nghe, và 2. diễn đạt rõ ràng những tiền đề nằm ngoài phạm vi tương đồng nói trên. Nếu lấy ví dụ trong toán học, thì có thể ví tập tất cả các tiền đề chúng ta cần sử dụng cho một lời phát biểu là một số tự nhiên X, còn hệ quy chiếu cá nhân của người nghe là số tự nhiên Y. Khi đó bước 1 là việc tìm ra một ước số chung U giữa X và Y, còn bước 2 là nhân U với một số nguyên R để có được X, trong đó R đại diện cho tập con các tiền đề cần phải được diễn đạt rõ ràng trong số các tiền đề được sử dụng. Dĩ nhiên, U càng lớn thì R sẽ càng nhỏ, tương đương với việc số lượng tiền đề và lập luận kết nối mà chúng ta cần phải trình bày để đi đến kết luận cuối cùng mà vẫn giữ được tính khách quan trong mắt người nghe sẽ càng nhỏ.

Đến đây thì chúng ta có thể thấy được lý do chính của việc vì sao các kết luận được đưa ra bởi khoa học lại thường được xem là có tính khách quan cao. Đó là vì khoa học dựa trên một số lượng tương đối ít các tiền đề ẩn ở một mức độ tương đối thấp trong hệ quy chiếu cá nhân của con người. Con người có thể có những suy nghĩ bậc cao rất phong phú và khác biệt, nhưng tuyệt đại đa số đều sở hữu chung một số bản năng và tiềm thức giống nhau, có nguồn gốc từ việc cùng chung giống loài cũng như việc sinh sống trong cùng một môi trường. Cụ thể, đó là năng lực của các giác quan cũng như niềm tin vào sự chân thực của chúng, niềm tin vào một thế giới ổn định vận hành theo những quy luật bất biến, cũng như những khái niệm và cảm giác về số lượng, logic, nhân quả, Chúng ta có thể tranh cãi về chuyện món ăn nào ngon hơn, nhưng sẽ không mấy người tranh cãi việc một thiết bị đo đạc hiển thị con số bao nhiêu, hay 1 cộng 1 có bằng 2 hay không. Điều này, cùng với các phương pháp khoa học được thiết lập và diễn đạt rõ ràng, đem lại tính khách quan cao cho khoa học trong mắt đại đa số người.

Tương tự như đối với khoa học, để có thể đi đến được một kết luận khách quan đối với người nghe, chúng ta cần hạn chế các tiền đề ẩn của bản thân ở một mức độ có thể đạt được sự mặc nhận lớn nhất. Chúng ta có thể sử dụng những hệ quy chiếu chủ quan như truyền thống, văn hóa, đạo đức. Nhưng một kết luận dựa trên những tiền đề mang tính phổ quát hơn và rõ ràng hơn của nhân loại ngày nay như quyền tự do cá nhân hay sự trao đổi công bằng thường sẽ được chấp nhận một cách dễ dàng và rộng rãi hơn. Lượng hóa sự đánh giá cũng là một phương pháp để đạt được sự khách quan: ánh sáng có bước sóng trong khoảng 620740mm sẽ khách quan hơn màu đỏ, vì nó không còn phụ thuộc vào cảm giác chủ quan về màu sắc của người nói. Trong việc dạy con, một sự phân tích các hệ quả của từng sự lựa chọn sẽ có tính khách quan hơn, và do đó dễ được chấp nhận hơn, một sự cấm đoán hay bắt ép đơn thuần, vì nó không phụ thuộc vào quan điểm chủ quan của cha mẹ về việc cái gì là điều con cái nên/cần/phải làm. Tất nhiên, việc giải thích càng rõ ràng càng tốt các tiền đề, cũng như sử dụng những suy luận có tính logic là điều không thể thiếu.

Một điều kiện tiên quyết để thực hiện được những điều nói trên là bản thân chúng ta cũng phải có khả năng nhận thức được những tiền đề ẩn chứa trong từng lời nói của bản thân, cũng như sự khác biệt trong hệ quy chiếu chủ quan giữa bản thân và những người xung quanh. Nếu không, chúng ta sẽ dễ dàng rơi vào tình trạng tưởng rằng những gì mình nói là điều hiển nhiên và khách quan, trong khi nhìn từ những người xung quanh đó lại là những ý kiến mang nặng tính chủ quan, thiên kiến và hẹp hòi. Một sự vật sự việc chỉ có thể được nhận thức, nếu như tồn tại một sự vật sự việc khác biệt với nó để làm đối tượng so sánh. Do đó, để có thể nhận thức được chính mình, không có cách nào khác là chúng ta cần quan sát và tiếp xúc với nhiều hệ quy chiếu chủ quan khác biệt với bản thân. Điều này có thể được thực hiện bằng cách tự đặt bản thân trong vào môi trường mới lạ, với những con người mang văn hóa, truyền thống và phong tục khác biệt với chúng ta.

Nói theo một cách khác, nếu như chúng ta ở trong một môi trường mà tất cả mọi người xung quanh đều có chung những ý kiến, tiêu chuẩn, tư tưởng, thói quen giống nhau, thì những điều đó rất có thể sẽ trở thành những sự thật khách quan hiển nhiên mà chúng ta không có cách nào nhận thức được sự tồn tại của chúng. Và tất nhiên, chúng ta cũng sẽ không thể nhận ra được điều gì nếu như khi tiếp xúc với những hệ quy chiếu khác biệt, chúng ta lại mặc định coi chúng là xấu xa, trái đạo đức/tự nhiên và cần phải loại bỏ chỉ vì chúng khác biệt, thay vì nghĩ rằng chúng có thể là một sự thay thế tương đương cho những gì mà mình vẫn coi là điều hiển nhiên. Như vậy, sự đa dạng trong tư tưởng và văn hóa, cũng như việc chấp nhận tính đa dạng đó, bên cạnh việc là nguồn gốc cho sự sáng tạo, còn là một yếu tố quan trọng đảm bảo sự khách quan của mỗi con người.

Khách quan là chỉ tính chất của một sự vật sự việc không phụ thuộc vào hệ quy chiếu của cá nhân người quan sát và đánh giá. Tuy một sự khách quan tuyệt đối trong lời nói và tư tưởng là không thể đạt đến, nhưng một sự khách quan tương đối có thể đạt được nếu các tiền đề được sử dụng đều được mặc định chấp nhận hoặc được trình bày rõ ràng. Và tuy rằng nó giúp chúng ta nâng cao khả năng thuyết phục người khác và truy tìm chân lý, nhưng khách quan không phải một thứ tự thân nó tốt đẹp hay tích cực. Sự khách quan chỉ tốt đẹp trong chừng mực nó có ích cho chúng ta. Xét cho cùng, con người sống là vì mình, vàđể làm được điều đó thì tất cả mọi sự đánh giá, quyết định, hành động của chúng ta cuối cùng vẫn phải dựa trên hệ quy chiếu chủ quan của bản thân ở một mức độ nào đó. Việc nhận thức được và xây dựng nên một sự hiểu biếthoàn thiện và rõ ràng về hệ quy chiếu chủ quan của chính mình, hay cũng chính là nhân cách tự thân, để trong mỗi tình huống có thể đưa ra được những đánh giá và quyết định chủ quan có lợi cho bản thân dựa trên những thông tin khách quan là một điều rất quan trọng. Và điều đó cũng sẽ dẫn tới một sự khách quan hơn trong thế giới quan của mỗi người.

Facebook
Google+
Linkedin
Twitter
Chia sẻ

Video liên quan

Chủ Đề