Mua công trái là gì

[Chinhphu.vn] -Trường hợp công trái đến hạn mà chủ sở hữu chưa đến thanh toán, thì không được chuyển sang kỳ hạn mới vàtiền lãi công trái chỉ được tính đủ trong thời hạn.

Ông Nguyễn Văn Đức [email: ] hỏi: Năm 1984 ông Đức có mua công trái Chính phủ, không có thời gian thanh toán. Nay, ông Đức muốn thanh toán có được không? Hình thức thanh toán như thế nào?

Câu hỏi của ông Đức được Luật sư Lê Văn Đài trả lời như sau:

Điều 6, Pháp lệnh về việc phát hành công trái xây dựng Tổ quốc ban hành ngày 25/11/1983 quy định: Các loại phiếu công trái được hưởng lãi hàng năm là 2% tính trên số tiền, số thóc hoặc số ngoại tệ ghi trên phiếu. Phiếu công trái được thanh toán đúng hạn 10 năm kể từ ngày mua, vốn và lãi được thanh toán một lần.

Theo đó, phiếu công trái mà ông Nguyễn Văn Đức mua năm 1984 có thời hạn 10 năm, tức là đến hạn thanh toán vào năm 1994.

Điều 4, Pháp lệnh này quy định về hình thức thanh toán vào thời điểm đến hạn thanh toán như sau:

- Nhà nước bảo đảm giá trị của tiền mua công trái. Hội đồng Bộ trưởng quy định danh mục và giá cả một số mặt hàng công nghiệp thông dụng để làm căn cứ tính sức mua của đồng tiền ở thời điểm mua cũng như ở thời điểm thanh toán công trái.

- Phiếu công trái thu bằng thóc, khi thanh toán sẽ tính thành tiền theo thời giá lúc thanh toán.

- Phiếu công trái thu bằng tiền cũng như phiếu công trái thu bằng thóc, khi thanh toán sẽ được trả bằng tiền hoặc bằng hàng công nghiệp tuỳ theo yêu cầu của người sở hữu phiếu công trái.

- Phiếu công trái thu bằng ngoại tệ chuyển đổi, khi thanh toán sẽ được trả bằng ngoại tệ cùng loại ghi ở phiếu. Nếu người sở hữu phiếu công trái muốn được trả bằng tiền Việt Nam hoặc bằng hàng công nghiệp thì quy đổi ngoại tệ sang tiền Việt Nam theo tỷ giá kiều hối ở thời điểm thanh toán và tính giá hàng bằng tiền Việt Nam.

- Trong trường hợp mua phiếu công trái bằng ngoại tệ không chuyển đổi thì quy đổi ngoại tệ ấy sang tiền Việt Nam theo tỷ giá phi mậu dịch ở thời điểm mua phiếu công trái và xem như mua phiếu công trái bằng tiền Việt Nam. Khi thanh toán sẽ thanh toán như phiếu công trái thu bằng tiền Việt Nam.

Về hình thức thanh toán tiền mua công trái mà ông Đức đã mua: Vào thập kỷ 80, đầu thập kỷ 90 tỷ lệ lạm phát rất cao, để đảm bảo giá trị tiền mua công trái khi thanh toán,Nhà nước quy định giá cả một số mặt hàng công nghiệp thông dụng để làm căn cứ tính sức mua của đồng tiền ở thời điểm ông mua công trái [năm 1984] cũng như thời điểm đến hạn thanh toán công trái [năm 1994], để khi được thanh toán công trái, dù đồng tiền có bị trượt giá bao nhiêu, thì lượng tiền được chi trả đủ để đảm bảo được sức mua của nó tương ứng với lượng hàng, mặt hàng mua được vào thời điểm mua công trái.

Tuy nhiên, khi đến hạn thanh toán, ông không yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền [lúc đó là Ngân hàng Nhà nước cơ sở] thanh toán. Về nguyên tắc, trường hợp công trái đến hạn mà chủ sở hữu chưa đến thanh toán, không được chuyển sang kỳ hạn mới. Tiền lãi công trái chỉ được tính đủ trong thời hạn. Kho bạc Nhà nước bảo lưu cả gốc và lãi công trái trên một tài khoản riêng và không tính lãi trong thời gian quá hạn thanh toán. Nhà nước công nhận và bảo hộ quyền sở hữu phiếu công trái như đối với mọi tài sản riêng khác của công dân.

Nay ông Đức muốn thanh toán phiếu công trái đã mua năm 1984, ông Đức cần liên hệ trực tiếp với Kho bạc Nhà nước cấp tỉnh thuộc địa phương nơi ông đã mua công trái để được hướng dẫn cụ thể.

Luật sư Lê Văn Đài

VPLS Khánh Hưng - Đoàn Luật sư Hà Nội

* Thông tin chuyên mục này có giá trị tham khảo với người đọc, không dùng làm tài liệu trong tố tụng pháp luật

Share on Tumblr

Video liên quan

Chủ Đề