Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ theo Hướng dẫn 12

Tải văn bản

Đăng lúc: 16:20:28 16/08/2021 [GMT+7]

Ths Đào Thị Thủy, Phó Bí thư Chi bộ TC-HC 1

      Đổi mới và không ngừng nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ là nhiệm vụ thường xuyên, đòi hỏi các cấp ủy, tổ chức đảng phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện một cách bài bản, nghiêm túc, có chất lượng. Nâng cao chất lượng sinh hoạt cấp ủy và sinh hoạt chi bộ để tổ chức đảng và đảng viên nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc duy trì nền nếp sinh hoạt cấp ủy và sinh hoạt chi bộ; nắm vững nguyên tắc, quy định, quy trình, phương pháp tổ chức sinh hoạt; khắc phục những hạn chế, khuyết điểm trong sinh hoạt chi bộ. Đưa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, khóa XII trở thành nội dung thường xuyên trong sinh hoạt chi bộ; góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. 

      Đổi mới và không ngừng nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ là làm cho cấp ủy, đảng viên nâng cao tinh thần trách nhiệm, ý thức tổ chức, kỷ luật và việc chấp hành nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt đảng, thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ tự phê bình và phê bình, giữ gìn kỷ cương, kỷ luật trong Đảng, đảm bảo tính lãnh đạo, tính giáo dục, tính chiến đấu trong sinh hoạt chi bộ.

      Xuất phát từ mục đích, ý nghĩa nêu trên, Chi bộ Phòng TCHC1 luôn xác định việc sinh hoạt  chi bộ là một hoạt động hết sức quan trọng, là nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi chi bộ và đảng viên, là nơi truyền đạt, chỉ đạo, phân công cụ thể để các đảng viên tiếp thu, tổ chức thực hiện các công việc. Việc nâng cao chất lượng sinh hoạt  chi bộ là nhiệm vụ có vai trò to lớn đối với nâng cao năng lực và sức chiến đấu của tổ chức đảng, đảm bảo cho chi bộ và đảng viên thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của mình.

      Do vậy, để đổi mới và không ngừng nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ thì trước hết phải nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, trước hết là chi ủy, bí thư chi bộ về vị trí, vai trò hạt nhân chính trị của chi bộ, tầm quan trọng của sinh hoạt cấp ủy, trách nhiệm của cấp ủy viên trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Chất lượng sinh hoạt cấp ủy, sinh hoạt chi bộ được nâng cao là một trong những nhân tố quyết định đến nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên.

      Muốn thực hiện đổi mới và không ngừng nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ thì phải duy trì sinh hoạt cấp ủy, sinh hoạt chi bộ đúng quy định, nền nếp và đảm bảo nguyên tắc; Chi ủy chi bộ họp thường lệ mỗi tháng một lần; họp bất thường khi cần theo quy định của Điều lệ Đảng. Chi bộ sinh hoạt định kỳ một tháng một lần theo quy định của Điều lệ Đảng và tổ chức sinh hoạt chuyên đề một quý một lần; mỗi đảng viên nhất là đảng viên giữ cương vị lãnh đạo, quản lý, phải gương mẫu tham gia đầy đủ các buổi sinh hoạt chi bộ. Chi ủy phối hợp với lãnh đạo Phòng TCHC bố trí thời gian, công việc hợp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho đảng viên tham gia sinh hoạt đầy đủ.

      Trong sinh hoạt cấp ủy, sinh hoạt chi bộ thực hiện đúng nguyên tắc của Đảng, mở rộng và phát huy dân chủ, tạo không khí cởi mở, chân thành để đảng viên phát huy vai trò, trí tuệ, thể hiện chính kiến và bộc lộ tâm tư, nguyện vọng của mình; tạo điều kiện để đảng viên được trao đổi, thảo luận và quyết định các vấn đề thuộc chức năng, nhiệm vụ của chi bộ và trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi của đảng viên.

      Nhằm thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW Hội nghị Trung ương 6 khóa X về “Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên”; Chỉ thị số 10-CT/TW, ngày 30/3/2007 của Ban Bí thư về “Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ”; Kết luận số 18-KL/TW, ngày 22/9/2017 của Ban Bí thư Trung ương khóa XII về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 10 của Ban Bí thư; Hướng dẫn số 12-HD/BTCTW, ngày 06/7/2018 của Ban Tổ chức Trung ương về “Hướng dẫn một số vấn đề về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ”; Kế hoạch số 66-KH/TU, ngày 27/11/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Nghị quyết số 06-NQ/ĐUK, ngày 12/6/2018 của Ban Thường vụ Đảng ủy khối về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ trong giai đoạn hiện nay, nhằm nâng cao nhận thức cho các cấp ủy, đội ngũ đảng viên về tầm quan trọng của việc nâng cao chất lượng sinh hoạt cấp ủy, sinh hoạt chi bộ. Chi bộ Phòng TCHC1 đã bám sát sự lãnh đạo của Đảng ủy Trung tâm, tập trung đổi mới mạnh mẽ cả về nội dung lẫn phương thức hoạt động, bám sát Hướng dẫn số 12-HD/BTCTW, ngày 06/7/2018 của Ban Tổ chức Trung ương, thường xuyên nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, dân vận, phát huy sức mạnh đại đoàn kết nội bộ, tích cực tham gia xây dựng đảng, chính quyền vững mạnh, từ đó không ngừng nâng cao chất lượng sinh hoạt Chi bộ.

      Chi bộ TCHC1 đã nhận thức sâu sắc về chất lượng sinh hoạt chi bộ phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: vai trò của Bí thư chi bộ, của từng đồng chí trong Cấp uỷ chi bộ; kỹ năng điều hành buổi sinh hoạt; các nội dung, vấn đề đưa ra bàn bạc, thảo luận đã phù hợp và sát với thực tế tại chi bộ hay chưa; chất lượng ý kiến tham mưu, hiến kế của từng đồng chí đảng viên trong chi bộ thế nào… Bên cạnh đó, để một buổi sinh hoạt chi bộ có chất lượng thì các vấn đề, nhất là những khuyết điểm, hạn chế của Chi uỷ chi bộ, của từng đảng viên được đưa ra phân tích làm rõ nhằm bảo vệ cái đúng, đấu tranh, phê bình, đẩy lùi những quan điểm sai trái, lệch lạc trong việc làm cũng như nhận thức của từng đảng viên là rất quan trọng.

       Tuy nhiên, trong một số buổi sinh hoạt chi bộ phòng TC-HC1 có lúc, có nơi còn bộc lộ những hạn chế nhất định, trong đó phải kể đến tình trạng “hành chính hoá” trong một số buổi sinh hoạt còn nặng về hình thức, về thủ tục giấy tờ, báo cáo số liệu, chạy theo chỉ tiêu, thành tích, không sát với thực tiễn, chưa phù hợp với ý chí nguyện vọng của đại đa số đảng viên trong chi bộ. Điều này đã làm cho chất lượng sinh hoạt chi bộ đôi lúc chưa cao, nội dung sinh hoạt chưa phong phú, các đảng viên thảo luận chưa sâu, ý kiến thảo luận còn xuôi chiều, chưa bộc lộ rõ tính chiến đấu trong đảng, thậm chí có những đảng viên không tham gia ý kiến trong nhiều cuộc họp... Đây chính là một trong những nguyên nhân làm giảm hiệu quả trong tổ chức và hoạt động của Chi bộ TCHC1.

      Nguyên nhân của những tồn tại trên là do đảng viên trong chi bộTCHC1 còn đa dạng hoá loại hình, trình độ đào tạo, công việc chuyên môn đảm nhiệm ở nhiều lĩnh vực khác nhau, mang tính chất phục vụ là chính, do vậy chất lượng đảng viên chưa đều; tính chủ động trong công việc của một số đảng viên chưa cao, tinh thần trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ chênh lệch, còn có đảng viên xem hết giờ hành chính là hết nhiệm vụ; một số đảng viên trẻ có kinh nghiệm thực tiễn chưa nhiều, do vậy tư duy và nhận thức khó tránh khỏi “bệnh” hành chính.  

      Để góp phần đổi mới và nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ TC-HC1 trong thời gian tới, mỗi đảng viên cần nâng cao ý thức trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ, góp phần xây dựng Đảng bộ, chi bộ trong sạch, vững mạnh. Chúng tôi đề xuất một số biện pháp sau để các đảng viên tham khảo, trao đổi:

      Một là: Nâng cao nhận thức, tự giác chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cho đảng viên.

Dù bất kỳ chi bộ nào đều phải thực hiện nghiêm túc chế độ sinh hoạt định kỳ theo quy định của Điều lệ Đảng và hoạt động của các tổ chức đảng cũng phải tuân thủ theo các quy định của Đảng. Bên cạnh đó, tổ chức đảng và đảng viên còn phải tuân thủ theo Hiến pháp và Pháp luật trong việc quản lý, điều hành và thực hiện các nhiệm vụ chính trị. Do vậy, đổi mới và nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ luôn gắn với việc không ngừng nâng cao nhận thức, ý thức tự giác chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để thực hiện các chủ trương, đường lối đó trong điều kiện cụ thể của mình.

Thông qua các buổi sinh hoạt chi bộ định kỳ để tác động, thúc đẩy, định hướng, giám sát và kiểm tra các đảng viên hoàn thành nhiệm vụ chính trị theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Trong sinh hoạt chi bộ, công tác xây dựng Đảng và việc thực hiện nhiệm vụ chính trị luôn được đặt song song: xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh là để thực hiện nhiệm vụ chính trị tốt hơn và ngược lại, thực hiện nhiệm vụ chính trị cũng chính là để góp phần xây dựng chi bộ trong sạch, vững mạnh. Do đó,đổi mới và nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ luôn có ý nghĩa tạo ra động lực, phương hướng, giải pháp một cách hợp lý nhất, hiệu quả nhất để thực hiện thành công đồng thời hai nhiệm vụ đó. 

      Hai là: Chú trọng quan hệ đa chiều trong sinh hoạt chi bộ

     Chi bộ phòng TC-HC 1 có số đảng viên trẻ khá đông lại chủ yếu làm nhiệm vụ phục vụ, vì vậy trong các buổi sinh hoạt chi bộ việc đảng viên còn rụt rè đưa ra những ý kiến, đặc biệt là ý kiến trái chiều còn rất ít. Nếu các cuộc sinh hoạt chi bộ được tổ chức tốt sẽ tạo điều kiện cho đảng viên được học tập, được khích lệ và rút kinh nghiệm cho bản thân, từ đó bổ sung kiến thức, cải thiện kỹ năng, nâng cao trách nhiệm và có thể hoàn thành nhiệm vụ tốt hơn. Đồng thời, với các công việc cụ thể được phân công trong chi bộ một cách hợp lý, các đảng viên trẻ dần nâng cao vai trò và vị trí của mình, ngày càng đóng góp nhiều hơn cho chi bộ.

Để các buổi sinh hoạt chi bộ thực sự có chất lượng, tất cả đảng viên cần phải có ý thức cao trong bàn bạc, thảo luận các vấn đề nổi cộm tại chi bộ mình. Cố gắng làm sao để nội dung sinh hoạt không phải là một chiều từ Bí thư chi bộ hoặc chủ trì hội nghị, mà phải là quan hệ hai chiều. Đó là những ý kiến, kiến nghị, đề xuất phản hồi từ phía đảng viên, tạo không khí thoải mái, dân chủ cho đảng viên. Vì vậy, trong các buổi sinh hoạt chi bộ phải đưa đến bầu không khí tốt nhất để đảng viên phát huy trí tuệ của mình.

      Ba là: Mỗi đảng viên nâng cao ý thức trách nhiệm, tích cực học tập, tu dưỡng, rèn luyện, thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.

     Trong sinh hoạt chi bộ có 3 hình thức sinh hoạt tương ứng với 3 tính chất, đó là: sinh hoạt lãnh đạo - tính lãnh đạo, sinh hoạt học tập - tính giáo dục, sinh hoạt tự phê bình và phê bình - tính chiến đấu.Với việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ gắn với kiểm tra giám sát công việc được giao giúp các đảng viên được nâng cao ý thức trách nhiệm, được học tập, được động viên, kích thích sự tu dưỡng, rèn luyện sự tự tin, từ đó thực hiện tốt nhiệm vụ của người đảng viên. Thậm chí, với tính kỷ luật, sự gương mẫu… các đảng viên không ngừng học tập, rèn luyện, tu dưỡng một cách nghiêm túc, thiết thực. Nếu đảng viên gương mẫu, tích cực thì tổ chức đảng vững mạnh, có khả năng thuyết phục được quần chúng; ngược lại, nếu đảng viên tha hóa, biến chất, thiếu gương mẫu thì tổ chức đảng mất dần vai trò của mình.

Thông qua việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, các đảng viên được rèn luyện để nâng cao ý thức tổ chức, kỷ luật, tinh thần tự phê bình và phê bình, tăng cường đoàn kết, thống nhất và tình thương yêu đồng chí. Có thể nói, sinh hoạt chi bộ là một dịp để mỗi đảng viên được trải nghiệm, được học, được rèn giũa các phẩm chất đó. Vì vậy, một cuộc sinh hoạt chi bộ nhàm chán, đơn điệu không chỉ làm mất dần vai trò lãnh đạo của chi bộ mà còn làm cho các đảng viên mất tính năng động, sáng tạo, làm tăng tính thụ động và sức ì của bản thân.

     Bốn là: Bám sát quy trình, thủ tục, các bước sinh hoạt cấp ủy, sinh hoạt chi bộ theo đúng hướng dẫn của Đảng cấp trên.

Công tác chuẩn bị : Bí thư hoặc phó bí thư chi bộ chuẩn bị nội dung sinh hoạt, dự thảo nghị quyết [nếu có] hoặc dự kiến nội dung kết luận của buổi sinh hoạt.

      Họp chi ủy [bí thư, phó bí thư ở những nơi không có chi ủy] để thống nhất nội dung sinh hoạt, đánh giá kết quả công tác lãnh đạo của chi bộ trong tháng, dự kiến nhiệm vụ của tháng tiếp theo; xác định những nội dung trọng tâm cần trao đổi, thảo luận, biểu quyết tại chi bộ; cho ý kiến về dự thảo nghị quyết [nếu có].

      Thông báo thời gian, địa điểm, nội dung sinh hoạt chi bộ đến đảng viên và cấp ủy viên cấp trên được phân công theo dõi chi bộ. Chi bộ có điều kiện gửi trước tài liệu sinh hoạt cho đảng viên để nghiên cứu, chuẩn bị nội dung phát biểu ý kiến.

Các bước sinh hoạt chi bộ:

 Tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu [nếu có].

 Cử thư ký ghi biên bản sinh hoạt chi bộ.

 Thông báo tình hình đảng viên: Số đảng viên có mặt, vắng mặt [có lý do, không có lý do].

 Thông qua nội dung, chương trình sinh hoạt chi bộ.

 Bí thư chi bộ báo cáo nội dung sinh hoạt đã được chi ủy chuẩn bị và gợi ý thảo luận.

 Đảng viên phát biểu ý kiến, tập trung trao đổi, thảo luận nội dung trọng tâm liên quan trực tiếp đến hoạt động của chi bộ; tự phê bình kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao; góp ý, phê bình đối với đảng viên trong chi bộ.

 Bí thư chi bộ cung cấp thông tin và định hướng để làm rõ những vấn đề đảng viên quan tâm, tạo bầu không khí dân chủ, cởi mở, khuyến khích đảng viên tham gia đóng góp ý kiến để buổi sinh hoạt đạt hiệu quả.

 Bí thư chi bộ thực hiện các nội dung chủ yếu sau:

 Tổng hợp các ý kiến phát biểu tại buổi sinh hoạt; những ý kiến tiếp thu để bổ sung, hoàn thiện nội dung sinh hoạt chi bộ; phân công nhiệm vụ cho đảng viên và quy định thời gian hoàn thành.

 Định hướng tư tưởng đối với đảng viên; giải quyết hoặc phản ánh với cấp có thẩm quyền về tâm tư, nguyện vọng, những đề xuất, kiến nghị của đảng viên.

 Thông qua nghị quyết hoặc kết luận.

 Đánh giá chất lượng buổi sinh hoạt.

 Thư ký trình bày biên bản sinh hoạt chi bộ; đồng chí chủ trì và thư ký hội nghị phải ký và sổ ghi biên bản cuộc họp chi bộ theo mẫu biên bản [sổ ghi biên bản do Đảng ủy khối các cơ quan tỉnh cấp].Sổ ghi biên bản họp chi bộ phải được quản lý và lưu trữ theo quy định.

Nội dung sinh hoạt chi bộ

 Căn cứ Điều lệ Đảng, định hướng của cấp trên, tình hình, đặc điểm của chi bộ và kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị, hằng tháng chi bộ sinh hoạt gồm các nội dung chủ yếu sau:

 Về công tác chính trị, tư tưởng

 Lựa chọn những nội dung thời sự trong nước, quốc tế, các vấn đề của cơ quan, đơn vị sát với tình hình và phù hợp chức năng, nhiệm vụ của chi bộ để phổ biến, trao đổi.

 Thông báo kịp thời chủ trương, các văn bản của Đảng, Nhà nước, của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp cần phổ biến đến chi bộ; sử dụng “Thông báo nội bộ” do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thanh Hóa phát hành.

 Đánh giá tình hình tư tưởng của đảng viên, quần chúng thuộc phạm vi lãnh đạo của chi bộ; những vấn đề chi bộ cần quan tâm. Kịp thời định hướng nhận thức, tư tưởng cho đảng viên.

 Về thực hiện nhiệm vụ chính trị

 Đánh giá kết quả công tác lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị trong tháng của chi bộ và việc thực hiện nhiệm vụ của đảng viên; chỉ rõ ưu điểm, hạn chế, khuyết điểm và nguyên nhân để đề ra biện pháp khắc phục.

 Đánh giá việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

 Đảng viên, nhất là người đứng đầu liên hệ, đánh giá việc thực hiện nội dung đã cam kết theo Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII; về những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương theo quy định của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị; về chống chạy chức, chạy quyền và chống chủ nghĩa cá nhân, quan liêu, xa rời quần chúng.

 Kết quả lãnh đạo chính quyền, các đoàn thể chính trị - xã hội.

 Xác định nhiệm vụ của chi bộ tháng tiếp theo và biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo; phân công nhiệm vụ cho đảng viên.

 Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh, Đảng mạnh là do chi bộ tốt, chi bộ tốt là do các đảng viên đều tốt. Vì vậy mỗi đảng viên tốt, mỗi chi bộ tốt là Đảng được mạnh thêm một phần; đảng viên kém, chi bộ kém là Đảng yếu đi một phần. Sức mạnh to lớn của Đảng ta là ở chỗ khéo kết hợp sức mạnh của chi bộ với sức mạnh của từng đảng viên. Vì vậy, mỗi đảng viên phải là một chiến sĩ tích cực, gương mẫu, xứng đáng với lòng tin cậy của Đảng và của nhân dân. Mỗi chi bộ phải là một hạt nhân vững chắc; mỗi cấp ủy đảng phải là động cơ mạnh mẽ thúc đẩy sự tiến bộ của đảng viên; mỗi cá nhân cần thể hiện sự chủ động, tích cực và trách nhiệm của mình để cuộc sinh hoạt chi bộ diễn ra sôi nổi, có chất lượng, đề ra được nghị quyết đúng đắn, góp phần lãnh đạo thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chính trị và xây dựng Đảng bộ Trung tâm ngày càng vững mạnh giai đoạn 2021-2025.

Video liên quan

Chủ Đề