Nên bỏ khẩu hiệu Tiên học lễ, hậu học văn đang áp dụng ở các trường học ở Việt Nam

Không thể bỏ "Tiên học lễ, hậu học văn"!

Không gian cởi mở cho trẻ tư duy phản biện cần được khơi thông. Mảnh đất màu mỡ cho trẻ sáng tạo cần được vun xới nhiều hơn nhưng không nhất thiết phải gạt bỏ, phủ nhận câu khẩu hiệu "Tiên học lễ, hậu học văn"

  • Xây dựng quy tắc ứng xử văn hóa học đường

  • Giữ nếp nhà, rèn nhân cách: Nơi khởi đầu xây dựng nhân cách, đạo đức

  • Giáo viên phải quỳ gối xin lỗi phụ huynh: Đó là sự tha hóa đạo đức!

  • Báo động văn hóa học đường xuống cấp

Hội thảo giáo dục "Văn hóa học đường trong bối cảnh đổi mới giáo dục - đào tạo" do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tổ chức hôm 21-11 gây chú ý với đề xuất của Giáo sư [GS] Trần Ngọc Thêm: Cần chấm dứt câu khẩu hiệu "Tiên học lễ, hậu học văn" để khai mở tư duy phản biện, giải phóng sức sáng tạo.

Tôi rất trân trọng tấm lòng của một người thầy luôn đau đáu việc neo giữ các giá trị văn hóa và vun bồi những năng lực cần thiết để người trẻ có thể hội nhập một cách toàn diện vào nền kinh tế tri thức - công nghệ đang phát triển như vũ bão.

Nhưng tôi chưa đồng tình với quan niệm cho rằng "tiên học lễ" sẽ khiến người học mang tính phục tùng theo mệnh lệnh, đánh mất dần năng lực tư duy, sáng tạo.

"Lễ" nếu chỉ hiểu đơn thuần là phép tắc, lễ nghĩa thì tự thân chữ "lễ" đã là mối quan hệ hai chiều: người dưới kính trọng người trên, người trên đối xử phải phép với người có vị trí xã hội thấp hơn.

Hơn nữa, chữ "lễ" theo cách hiểu từ xưa đến nay chính là đạo đức, nhân cách, những nét đẹp ngời sáng đạo lý của dân tộc: hiếu học, thuận hòa, lễ phép, trung thực, nhân nghĩa…

Đạo đức là nền tảng của sự phát triển bền vững! Bất kỳ quốc gia, dân tộc nào dù phát triển vượt bậc về kinh tế thì cũng đều cố gắng neo giữ những giá trị tử tế làm nên văn hóa ứng xử.

Vậy nên, cách người Nhật cúi người cảm ơn, người Thái chắp tay chào khách bao giờ cũng để lại những ấn tượng tốt đẹp và đầy thiện cảm trong lòng du khách.

Việt Nam ta từ xưa đến nay luôn chú trọng trui rèn nhân cách cho con trẻ từ trong gia đình đến trường học. Nền giáo dục nước ta vẫn luôn kiên định mục tiêu giáo dục trẻ phát triển toàn diện đức - trí - thể - mỹ; dạy chữ song song với dạy người để thế hệ trẻ đủ đức, đủ tài gánh vác sứ mệnh phát triển đất nước.

Chính vì vậy, câu khẩu hiệu "Tiên học lễ, hậu học văn" vẫn mãi nguyên vẹn ý nghĩa, giá trị trong mọi hoàn cảnh.

Quay trở lại với khát vọng khai mở tư duy phản biện, giải phóng sức sáng tạo của GS Trần Ngọc Thêm, tôi hoàn toàn đồng tình với ước mơ về một thế hệ trẻ dám nghĩ dám làm, mạnh dạn cất lên tiếng nói cá nhân và mạnh mẽ theo đuổi sự sáng tạo trong học tập, làm việc.

Nhưng muốn hiện thực hóa giấc mơ về thế hệ trẻ giàu phản biện, dám sáng tạo, điều cốt yếu cần thay đổi chính là chương trình học tập còn nặng tính lý thuyết hàn lâm; một số giáo viên còn rập khuôn và giáo điều theo sách vở; cách thức thi cử vẫn đặt trọng tâm vào việc kiểm tra trí nhớ và chấm bài theo thang điểm có sẵn…

Không gian cởi mở cho trẻ tư duy phản biện cần được khơi thông. Mảnh đất màu mỡ cho trẻ sáng tạo cần được vun xới nhiều hơn nhưng không nhất thiết phải gạt bỏ, phủ nhận câu khẩu hiệu "Tiên học lễ, hậu học văn".

Tại hội thảo "Văn hóa học đường trong bối cảnh đổi mới giáo dục - đào tạo" do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tổ chức ngày 21-11, GS Trần Ngọc Thêm [Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐH Quốc gia TP HCM] đã gây chú ý khi nêu quan điểm: "Xã hội muốn phát triển thì điều quan trọng là cần phải có con người sáng tạo, mà để có con người sáng tạo thì trước hết phải có con người chủ động".

GS Trần Ngọc Thêm đề xuất: "Cần bắt đầu từ việc thay đổi quan niệm, không sử dụng những cách biểu đạt mang tính thụ động như "con ngoan trò giỏi" [ngoan theo nghĩa ‘dễ bảo, vâng lời’, giỏi theo nghĩa ‘thuộc bài’]. Cần chấm dứt sử dụng khẩu hiệu "Tiên học lễ, hậu học văn" để khai mở tư duy phản biện, giải phóng sức sáng tạo".

GS Trần Ngọc Thêm cũng nhấn mạnh: "Chừng nào còn đề cao chữ "lễ" để ràng buộc người học, còn đề cao quá mức vai trò của người thầy, của đáp án thì tư duy phản biện sẽ không thể phát triển, không thể có xã hội phát triển".

Quan điểm trên của GS Trần Ngọc Thêm đã dẫn đến nhiều phản ứng trái chiều.

Trang Nguyễn

Mới đây, trong một hội thảo có chủ đề “Văn hóa học đường trong bối cảnh đổi mới giáo dục - đào tạo”, GS. Trần Ngọc Thêm đã có một phát biểu được dư luận toàn xã hội hết sức quan tâm.

Theo đó, giáo sư cho rằng, cần bỏ khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn” trong các trường học để hướng đến một nền giáo dục tạo ra những con người có tư duy phản biện, giải phóng sức sáng tạo cho người học.

Khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn” trong nhà trường đã dần được thầy cô giáo và các thế hệ học sinh hiểu theo một cách rất “mở” [Trong ảnh: Giáo viên trường Tiểu học Dịch Vọng B, quận Cầu Giấy, Hà Nội rèn chữ cho học sinh lớp 1 khi đi học trở lại sau dịch năm 2020]Ảnh: Tạ Hải

Khẩu hiệu “Tiên học lễ, học học văn” theo giáo sư Trần Ngọc Thêm là sản phẩm của nền giáo dục Nho giáo, phục vụ cho mục tiêu đào tạo ra những con người chỉ biết thừa hành, người dưới phải phục tùng và giữ “lễ” đối với người trên.

“Nền giáo dục như thế giỏi lắm chỉ giữ cho xã hội ổn định, chứ không thể giúp xã hội phát triển”, quan điểm của GS. Thêm là như vậy.

Quan điểm của GS. Thêm lập tức đã gây tranh cãi. Nhiều người đã đặt vấn đề: Nếu theo quan điểm đó, chuyện khai mở tư duy phản biện, giải phóng sức sáng tạo liệu có mâu thuẫn với việc giữ gìn lễ nghĩa, đạo đức?

Chúng ta không phủ nhận rằng, nếu một nền giáo dục hướng đến đào tạo ra nguồn nhân lực có tư duy phản biện, có sức sáng tạo vượt bậc thì chẳng còn gì tuyệt vời hơn.

Thế nhưng, để xây dựng được một nền giáo dục như thế, chúng ta cần phải thay đổi tư duy giáo dục, có chiến lược phù hợp, từng bước kiện toàn và phát triển giáo dục nước nhà, chứ không thể chỉ bỏ một khẩu hiệu là được.

Mặt khác, từ trước đến nay, khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn” trong nhà trường đã dần được thầy cô giáo và các thế hệ học sinh hiểu theo một cách rất “mở”.

Nghĩa là, “học lễ” không chỉ gói gọn trong nội dung “lễ nghĩa”, mà nó còn là học đạo đức, rèn giũa nhân cách để trở thành một người công dân tốt.

Nhiệm vụ ấy cần được đặt trước hoặc song hành với việc “học văn”, nghĩa là học kiến thức. Mỗi con người, khi đến trường vừa phải trui rèn đạo đức, nhân cách, vừa phải trau dồi tri thức, đó là điều đương nhiên.

Tôi cho rằng, mọi nền giáo dục trên thế giới này đều hướng đến mục tiêu chung như vậy. Bởi, nó sẽ tạo ra những con người vừa có tài, vừa có đức.

Sinh thời, Bác Hồ vẫn thường răn dạy: “Có tài mà không có đức là người vô dụng, có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”.

Lời dạy ấy, hẳn là Bác muốn mỗi người chúng ta đều phải trang bị cả “đức” lẫn “tài” trong hành trang cuộc đời mình.

Để làm được điều đó, thì nền giáo dục cần dung hòa cả hai chức năng, dạy tri thức và dạy làm người. Hiểu theo nghĩa rộng, câu khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn” chính là hướng đến hai chức năng thiêng liêng ấy.

Thời gian qua, nhiều người than phiền rằng việc giáo dục đạo đức cho học sinh ở các trường đang dần xuống cấp. Hậu quả là một số học sinh ngày càng có biểu hiện thiếu văn hóa, vô lễ, thậm chí là bạo lực với những người xung quanh.

Ở các bậc học cao hơn, người ta vẫn thường phát hiện sự gian lận, mua bán bằng cấp. Nhiều người có học hàm, học vị cao nhưng bị dính vào các nghi án đạo văn hoặc tham nhũng, vi phạm pháp luật đến nỗi phải ngồi tù.

Nếu chúng ta chấp nhận xu hướng xem nhẹ, thậm chí bãi bỏ việc dạy lễ nghĩa, đạo đức cho người học, thì tương lai liệu sẽ ra sao?

Bản chất khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn” không hề mâu thuẫn hay cản trở tư duy phản biện của học sinh.

Vấn đề nằm ở chỗ, muốn rèn giũa, đào tạo tư duy phản biện phải thay đổi chính cách dạy và học, hãy bắt đầu bỏ sự khuôn mẫu, việc bỏ bài văn mẫu là một ví dụ.

Trương Chí Hùng

Video liên quan

Chủ Đề