Nghệ sĩ Mai Huỳnh sinh năm bao nhiêu

1. Tôi sinh ra ở 18 thôn vườn trầu Bà Điểm. Sau lưng nhà tôi, vườn cau trầu xanh hút mắt. Ba làm họa viên kiến trúc ở dưới Sài Gòn, má chạy ngược chạy xuôi mua gánh bán bưng, tôi ở với ông bà nội. Mỗi sáng sớm, bà nội cắp thúng ra giàn trầu ngắt lá, năm ngón tay ướt rượt sương trời. Ông nội cột dây gàu, gánh nước tưới hết một vườn cau. Đòn gánh cong oằn, ông bà nội dáng đi cũng lệch. Một bên vai áo bạc thếch, sờn thưa.

Ký ức của tôi ở lại với ngày xưa. Nơi mảnh sân thênh thang nắng gió, tôi cùng ông nội đong đưa trên chiếc võng kẽo kẹt, kẽo cà. Ông hắng giọng, ngâm Vân Tiên đầu đội kim khôi, Nguyệt Nga chưa xiết nỗi sầu, Bùi Kiệm máu dê, Trịnh Hâm gian xảo… Tôi nghe câu được câu mất, hai mắt ríu lại, đưa đường cho những cơn mộng mị. Khuya xao xác oi nồng, cơn ngủ trẻ thơ không suông giấc.

Mỗi đêm vài bận, bà nội lại trở mình, tay xoa lưng, tay đưa quạt lá. Để cho đến bây giờ, tôi thường thấy mình kẹt đâu đó trong những buổi trưa nồm Nam kéo về rũ rượi. Nghe văng vẳng tiếng vó ngựa Vân Tiên “về tới Đông Thành”, tiếng à ơi lẩn khuất phong thanh. Nhắm chặt mắt lặng nghe, thấy mình trôi về mảnh sân xưa cũ. Chỉ có điều, khi tỉnh rồi cơn ngủ, còn đâu tiếng ông bà nội dỗ dành: “Thức chi sớm vậy con”. Ông nội, bà nội cứ thế ra đi, thanh thản cho hết một kiếp người.

Chiến tranh loạn lạc, nhà tôi sa sút, phút chốc cả gia đình lâm vào cảnh khó khăn, khốn cùng. Chẳng hiểu tại làm sao, dưới Sài Gòn ba có người phụ nữ khác. Năm chị em tôi ở lại cùng má. Má giấu nỗi buồn đi đâu, mà sớm hôm tất tả, chiều tối bươn bả về nhà, còn dốc sức để gượng vui. Mưa xối trên chái hiên, bong bóng còn biết phập phồng, vậy mà má tôi không biết khóc.

Vườn trầu cau, mái nhà cổ kính khang trang năm xưa, Mỹ đánh bom tan nát hết. Mấy má con tôi lủi thủi, ríu vào nhau để sống. Không còn nghề, vốn liếng tiêu tan, má dựa vào gánh chè nuôi chị em tôi ăn học. Chị hai xuống Sài Gòn đi làm nghề viết lách, nhín nhút được chẳng bao nhiêu tiền cũng cố gắng gửi về. Tôi 14, 15 tuổi đầu, cao lêu nghêu mà ốm nhách.

Buổi trưa đi học về, xách thúng ra chợ, nào đường, nào đậu, nếp, bột khoai, va ni… đựng đầy một thúng rồi đội về. Làng trên xóm dưới chọc riết, chết luôn tên “thầy đội”. Những buổi trưa nắng khan mặt đường, vừa đội thúng vừa ngó cái bóng nghiêng nghiêng mà lẩm bẩm vái rằng: “Bóng ơi, vái cho má tao bán hết chè”. Bởi những khi chè ế, buổi chiều phải ăn chè trừ cơm, mấy anh em thèm đồ mặn, xót ruột mà không dám nói. Bởi tụi tôi xót một, còn má xa xót chắc gấp mười.

Thấy cảnh nhà khó quá, tôi lén má đi trèo cau mướn. Tôi theo chân thợ lành nghề đi hái cau, dài dài theo 18 thôn vườn trầu. Tôi còn nhỏ nên bị người ta ăn hiếp hoài, cứ cây nào thiệt cao, có dấu đạn ghim vào là mấy anh thợ lại chẳng dám leo, liền đẩy cho tôi. Không leo sao có tiền, nên tôi nhắm mắt làm liều.

Kiếm được tiền, mà chẳng dám về đưa cho má, tôi cứ cất đó, chờ có dịp hẵng đưa. Được mấy ngày, không biết nghe từ ai mà má phát hiện ra tôi đi trèo cau mướn. Má bỏ gánh chè, bước thấp bước cao đến tận vườn người ta đưa tôi về. Má lượm cây sậy gãy, má đánh tôi mà má khóc. Má đánh đâu có đau, mà tôi tủi thân rồi cũng khóc. Má khó nhọc nắn cho tròn vành từng chữ. Rằng, má còn nuôi tụi bây được, hà cớ gì đi trèo cau cho người ta; rằng, đi trèo cau cho người ta, lỡ té xuống đất, rồi má biết sống làm sao…

Từ nhỏ đến lớn, chưa khi nào má đánh tôi đau, mỗi khi anh chị em tôi làm gì sai, giận lên, má lượm cây sậy khô đem vào đánh mỗi đứa vài cái. Đánh xong, đứa nào đứa nấy hí hửng, xì xào nhau, má lượm nhầm cây sậy, nó bọng khô, mềm èo, đánh có đau gì đâu. Giờ mới biết, hồi xưa má đâu có lượm nhầm. Má đi dặn khắp xóm, đừng có ai cho thằng Huỳnh trèo cau mướn. Vậy là thằng tôi… “thất nghiệp”.

Má tôi còn trẻ, mồ hôi bết tóc mai, người dưng ngó còn thấy thương, mà má nín thinh, đầu tắt mặt tối suốt ngày. Giờ lớn rồi tôi mới hiểu, con chim nào chẳng sợ cành cong, nhất là khi đã một lần bị thương bởi chọn nhầm cành mà đậu.

2. Tôi mê văn nghệ, thích đờn ca hát hò, nên cuộc sống dẫu chật vật đến đâu tự nhiên cũng thấy nhẹ nhàng hơn, dễ thở hơn. Tôi tham gia đội văn nghệ ở xã, rồi về xí nghiệp Tân Á chỗ Bà Quẹo làm, sẵn tham gia đội văn nghệ ở đó luôn. Cuộc sống của tôi cũng dần ổn định, chưa bao giờ nghĩ ngợi xa xôi.

Diễn viên Mai Huỳnh và Huỳnh Anh Tuấn trong phim Gia tài bác sĩ.

Đang yên đang lành, tự nhiên cố NSND Ngô Y Linh, tôi gọi ông bằng cậu, có ghé nhà chơi mới kể là Sở Văn hóa thông tin sắp thành lập Đoàn ca nhạc kịch thanh niên xung kích, ai được tuyển vào sẽ được học nghệ thuật bài bản luôn. Tôi ngồi ngẫm nghĩ, thấy mình trước giờ có hát hò cũng chỉ là học lóm người ta, chưa từng qua trường lớp gì, hay thử vận may coi sao. Tôi nói với cậu, hay là tôi đăng ký. Nào ngờ cậu cương quyết không cho.

Cậu nói: “Mày vậy là ổn định rồi, kể mày nghe cho vui vậy chứ theo nghề khổ lắm. Vừa lao tâm khổ tứ, mà cũng cực cho bản thân. Có tài mà không gặp vận cũng khổ, mà không có tài thì đúng là bi kịch”. Nghe cũng hơi chồn chân, nhưng không hiểu sao cứ nghĩ sẽ được học hành, được đào tạo bài bản, được theo nghề là tôi thích lắm. Nghĩ ngợi mấy đêm tôi quyết đi thi cho bằng được. Cậu Ngô Y Linh phát bệnh ung thư đã lâu, tôi đâu ngờ cái lần cậu qua nhà nói chuyện cũng là lần cuối tôi được gặp cậu.

Cậu trở bệnh, nằm thoi thóp trên chiếc giường trắng toát. Cậu vẫn kiên quyết ngăn không cho tôi thi vào Đoàn ca nhạc kịch, vậy mà khi thấy cô Bạch Lan, giảng viên của đoàn đến thăm, cậu lại thều thào như một lời trăng trối. Rằng, anh có thằng cháu nó mê hát quá, nói thế nào cũng không nghe rằng anh có bề gì, em trông coi dùm thằng nhỏ… Mới nói hôm trước, thì hôm sau cậu mất. Người tài hoa sinh ra đã vướng theo cái phần bạc mệnh, cậu đi lúc vừa 49 tuổi.

Tôi thi tuyển vào đoàn và may mắn sao tôi đậu. Phải học đến 4 năm, mà lịch học sáng chiều dày đặc khiến tôi không tài nào đi làm thêm việc gì được. Đợt ấy, sống khó lắm. Buổi trưa nhiều khi đói rã ruột cũng chỉ biết vặn nước từ rumine uống vài ngụm cầm hơi. Mới năm đầu mà bạn bè cùng khóa “rơi rụng lả tả”.

Tôi còn nhớ cái đợt đi học lý luận chính trị, triết học chúng tôi phải học ở Thủ Đức và nội trú. Học xong thì các thầy cô xuống đón về, trong đoàn hôm ấy có vài người lạ mặt. Mấy ngày sau, cô Bạch Lan gọi tôi lên bảo ăn mặc chỉnh tề rồi qua Khách sạn Bến Nghé có việc cần. Hóa ra, trong đoàn đón học viên về hôm ấy có đạo diễn Phạm Kỳ Nam, ông chấm tôi vào vai bác sĩ trong phim Tự thú trước bình minh. Tôi về, lòng mừng vui như hội, ước gì mà có đôi cánh bay về nhà báo tin cho má ngay.

Nhưng hôm sau, vị trưởng đoàn lại không cho tôi đóng phim, bởi đoàn phim phải ra Nha Trang quay, đồng nghĩa với việc tôi phải nghỉ học trong một thời gian khá dài. Tôi tiếc quay quắt, nhưng cũng đành ngậm ngùi mà từ chối người ta. Ai ngờ, nửa tháng sau đoàn làm phim quay lại, và giữ nguyên ý định giao vai cho tôi. Lần này, tôi cũng không được đi.

Tôi cũng không hiểu vì cơ may gì, mà đoàn làm phim Tự thú trước bình minh tiếp tục tìm đến lần thứ hai, rồi lại đến thêm lần nữa. Lần này, cô Bạch Lan làm căng với trưởng đoàn, cô nói cứ để cho tôi đi, rồi bao nhiêu kiến thức, cô sẽ bỏ thời gian ra dạy bù. Trưởng đoàn đành nhượng bộ. Tôi đi đóng phim từ đó.

Đi đóng phim rồi, cuộc sống vẫn không khá hơn là bao. Thằng em trai út tôi lấy vợ rồi mở quán cháo lòng tại căn nhà ở Bà Điểm. Trời còn thương, thằng nhỏ mua may bán đắt, có đồng ra đồng vô phụng dưỡng má, tôi nghèo thì nghèo nhưng cũng an tâm bớt một bề. Người ta nói nghề là nghiệp, một khi nghề đã chọn mình thì cái nghiệp cũng từ đó đeo mang. Nên dẫu khổ đến đâu, chỉ cần được làm nghề là tôi chịu hết. Chắc nhờ vậy mà trời thương, đường sự nghiệp của tôi chín phần suôn sẻ. Có điều, mãi đến gần sau này tôi mới dư được chút đỉnh phụ giúp gia đình.

Nhớ có lần cầm tiền về cho má, không hiểu sao cứ không dám đưa, bởi má chưa bao giờ cần tiền bạc gì của chúng tôi cả. Lại nhớ về cái ngày của mấy mươi năm về trước, cầm nắm tiền nhàu nhĩ kiếm được nhờ trèo cau mà thậm thụt; bước tới, bước lui vẫn không dám đưa cho má. Giờ má yếu lắm rồi, cầm tay tôi mà mấy ngón tay má ríu vào nhau, nhăn nheo, run rẩy. Bỗng nghĩ, giờ mà có làm gì sai, má có lấy cán chổi đánh tôi chắc cũng không đau. Mà má tôi, không khi nào cầm cán chổi, má phải đi tìm bằng được cây sậy bọng khô.

Má tôi, năm nay 93 tuổi rồi. Nhắc tuổi má, tự nhiên lại sợ hơn bao giờ hết. Sợ những ngày mắc kẹt đâu đó trong gió chướng, nghe tiếng ngâm Lục Vân Tiên, tiếng quạt lá lép bép những khuya xao xác oi nồng, tiếng bước chân xấp xải đi kiếm cây sậy thật bọng, thật khô để phạt thằng con nghịch dại. Nghe gần lắm mà khi mở mắt ra lại chẳng thể níu lấy vạt áo ai. Sẽ đến ngày như thế, phải không, má ơi!

Hồ Ngọc Giàu

26/06/2017 12:00

Đến nay, anh đã tham gia gần 100 bộ phim, với nhiều tính cách khác nhau, từ chính diện, phản diện... Ở thể loại nào anh cũng để lại ấn tượng mạnh cho người xem. Bây giờ khi nhắc tới anh, khán giả kể vanh vách một số vai chính diện anh từng đóng như: Thầy giáo Thành trong “Người đẹp Tây Đô”; Tư Thương trong “Chuyện ở quê”; Bác sĩ Thanh hiền lành, nhân hậu trong “Tự thú trước bình minh”…

Diễn viên Mai Huỳnh [bìa phải] trong một cảnh quay của phim “Nữ sát thủ”.Ảnh: Khánh Phương

Cách đây hơn mười năm, tôi có dịp đóng chung với anh bộ phim “Mầm sống”. Anh vào vai phó tổng biên tập, còn tôi vai thư ký toà soạn nên thường phân đoạn nào có anh là có tôi. Diễn cùng nhau nhiều nên thân nhau lúc nào không hay. Anh có lối diễn rất thật, không gượng ép hình thể, nhăn mặt hay chau mày mà mọi thứ đều rất tự nhiên, từ ánh mắt, dáng đi cho tới lời thoại đều toát lên được tính cách của nhân vật một cách chuyên nghiệp, như thể anh chính là nhận vật vậy.

Anh nói với tôi, muốn giữ cho cảm xúc nhân vật được liền mạch thì trong thời gian làm phim, anh em mình xưng hô với nhau như nhân vật mình đang thủ vai thì khi vào diễn sẽ không bị sượng. Vậy là suốt thời gian đó, anh gọi tôi là cậu Tài, còn tôi gọi anh là anh Năm, Diễn viên Nguyệt Ánh thì gọi anh bằng Ba. Nhờ vậy, mấy phân đoạn sau tôi diễn tốt hơn và không còn áp lực nữa.

Phải thừa nhận, ngoài lối diễn tinh tế, sắc nét và rất thật, anh còn có cách truyền cảm hứng và dẫn dắt bạn diễn một cách tài tình.

Anh kể, quê anh ở "18 thôn vườn trầu" Bà Điểm. Lúc trước, anh thích ca hát lắm nên tham gia văn nghệ ở xã cho vui. Rồi một hôm có người cậu tới nhà chơi [cố NSND Ngô Y Linh], ông nói trên thành phố có tổ chức thi tuyển diễn viên cho đoàn ca nhạc kịch thanh niên xung kích, thích thì lên thi, đậu thì đi học bài bản đàng hoàng. Nghe ông nói, anh mừng thầm trong bụng vì sắp được thực hiện niềm đam mê của mình. Và anh đã thi đậu.

Mai Huỳnh bồi hồi nhớ lại: Trong lúc đang học thì có một đoàn phim ngoài Bắc vào muốn tìm một diễn viên nam đóng vai bác sĩ và anh đã lọt vào mắt đạo diễn.

Anh trải lòng, sau khi phim chiếu, nhiều người khen nên anh bắt đầu được nhiều đạo diễn chú ý và mời tham gia phim của mình. Từ đó đến nay, mỗi năm anh đóng vài phim, tính đến thời điểm này cũng khoảng 100 phim rồi. Mỗi phim khán giả đón nhận bằng cách riêng của họ, nhưng cái chung là ai cũng thích tôi đóng những vai hiền lành, mẫu mực chớ không muốn tôi đóng những vai khác.

Với dáng người cao ráo, gương mặt phúc hậu và đôi mắt biết nói, anh dễ dàng được đạo diễn mời vào các vai chính diện như: người đàn ông hiền lành, người cha mẫu mực, giám đốc… để rồi không biết từ lúc nào, khán giả đóng đinh luôn cho anh những vai đó. Thế nhưng, điều bất ngờ là khi thử sức ở các vai phản diện, anh cũng thành công, có thể hơn cả vai chính diện. Có lẽ vì điều này mà nhiều khán giả từng yêu mến anh ở vai chính diện cảm thấy hụt hẫng.

Khi được hỏi vì sao đang thành công ở những vai chính diện và được khán giả đón nhận nồng nhiệt, anh lại chuyển qua đóng phản diện, anh cười, "là nghệ sĩ thì không nên đóng đinh mình ở một tính cách nào đó, mà phải luôn sáng tạo và làm mới mình trong từng vai diễn". Và anh phát hiện ra những vai phản diện rất nhiều đất diễn, diễn viên thoải mái sáng tạo, không gò bó như chính diện.

Ít ai ngờ rằng, một người có khuôn mặt phúc hậu và đôi mắt buồn, lúc nào cũng đăm chiêu, từng được dán mác cho những vai hiền hậu, vậy mà đùng một cái vào các vai phản diện "ngọt xớt".

Tôi hỏi đùa: Đóng chính diện thành công quá, khi đóng phản diện có bị nhầm vai không? Anh cười hiền rồi nói: "Tôi đã từng đóng trong một bộ phim mà nhân vật hai tính cách khác nhau. Những phân đoạn đầu là phản diện, những phân đoạn sau là chính diện, nhưng cái nào ra cái đó. Theo tôi, là diễn viên chuyên nghiệp phải biết nắm bắt nhân vật. Khi cầm trên tay kịch bản mới là phải quên nhân vật cũ liền. Tóm lại, diễn viên chuyên nghiệp bản lĩnh phải vững vàng, phải biết mau nhớ và mau quên”./.

Khởi Huỳnh

Video liên quan

Chủ Đề