Nghiên cứu khoa học của giáo viên

VAI TRÒ CỦA HOẠT ĐỘNG NGHIÊN CỨU KHOA HỌC ĐỐI VỚI GIẢNG VIÊN TRẺ TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH CÀ MAU

Theo Quyết định 184-QĐ/TW của Ban Bí thư Trung ương đảng ngày 03 tháng 9 năm 2008, Trường Chính trị thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị cấp cơ sở, cán bộ, công chức ở địa phương về lý luận Chính trị - Hành chính nhà nước. Trong đó, giảng dạy và nghiên cứu khoa học [NCKH] là hai nhiệm vụ quan trọng và chủ yếu của đội ngũ giảng viên ở Trường Chính trị. Hai nhiệm vụ này có mối quan hệ chặt chẽ và tác động qua lại lẫn nhau. Tham gia các hoạt động NCKH là một trong những biện phápquan trọng - bắt buộc - cần thiếtđối với giảng viên để hướng đến nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng tốt hơn nhu cầu ngày càng cao của xã hội. NCKH sẽ giúp cho mỗi giảng viên làm rõ các vấn đề lý luận và thực tiễn, cập nhật các thông tin, kiến thức mới vào bài giảng thêm phong phú, sinh động và thiết thực.

Đối tượng đào tạo ở Trường Chính trị rất đặc thù là những cán bộ, công chức, viên chức ở nhiều độ tuổi, giữ chức vụ, địa vị và trình độ chuyên ngành khác nhau trong xã hội, có kinh nghiệm thực tế. Trong khi giảng viên trẻ mới vào nghề, kinh nghiệm giảng dạy và kinh nghiệm thực tiễn chưa nhiều, vốn sống chưa phong phú nhưng phải chuyển hóa lý thuyết trong các học phần với những đặc thù riêng thành những điều đơn giản, dễ hiểu, sinh động phù hợp với trình độ nhận thức của học viên trở thành vấn đề khó. Vì thế, để đáp ứng được những yêu cầu của thực tế đòi hỏi, bắt buộc giảng viên trẻ phải tích cực, chủ động trong NCKH, đây là con đường hữu hiệu nhất để giảng viên trẻ thực hiện tốt nhiệm vụ giảng dạy. Vì vậy, hoạt động NCKH giữ một vai trò rất quan trọng đối giảng viên nói chung và giảng viên trẻ nói riêng.

Hoạt động NCKH sẽ có những vai trò cơ bản đối với giảng viên trẻ như sau:

Một là, NCKH giúp giảng viên trẻ có điều kiện đào sâu hơn, nắm bắt chặt chẽ hơn kiến thức chuyên môn mà mình đang trực tiếp giảng dạy, kịp thời điều chỉnh, bổ sung những nội dung kiến thức chưa chuẩn xác trong bài giảng của mình. Người giảng viên tham gia NCKH một mặt vừa củng cố lại kiến thức chuyên môn, mặt khác vừa có điều kiện mở rộng kiến thức trong những lĩnh vực khác.

Hai là, quá trình thực hiện các hoạt động nghiên cứu khoa học là cơ hội tốt để giảng viên trẻ có môi trường, cơ hội bồi dưỡng năng lực nghiên cứu khoa học, góp phần phát triển năng lực sáng tạo, khả năng làm việc độc lập, trau dồi tri thức và các phương pháp nhận thức khoa học. Quá trình tham gia nghiên cứu khoa học với nhiều hình thức khác nhau như: viết tham luận, viết bài cho hội thảo, viết bài cho trang website của trường, giảng viên có thể là thành viên hoặc là chủ nhiệm của một đề tài các cấp sẽ giúp chính bản thân giảng viên rèn luyện và phát triển thêm tư duy độc lập, tư duy phản biện, biết bảo vệ lập trường khoa học của mình. Đây cũng là cơ sở cần thiết để tiến hành đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy. Điều này sẽ góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy tại trường.

Ba là, thông qua việc nghiên cứu khoa học, sẽ tăng thêm sự hiểu biết về ngành nghề, góp phần hình thành và bồi dưỡng tình cảm nghề nghiệp cho giảng viên. Thiết nghĩ, đây là điều cần thiết và quan trọng trong quá trình giảng dạy và hoạt động chuyên môn của giảng viên. Điều này sẽ giúp giảng viên có thể hòa nhập tốt hơn, chủ động hơn trong công việc của mình.

Bốn là, trong quá trình tham gia NCKH, nếu đạt kết quả tốt, sẽ là yếu tố quan trọng góp phần khẳng định chính bản thân giảng viên, đồng thời nâng cao vị thế và uy tín của nhà trường với xã hội.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác nghiên cứu khoa học, trong những năm gần đây, việc đẩy mạnh NCKH đã được lãnh đạo nhà trường xác định là một trong những hoạt động chủ yếu để nâng cao chất lượng giảng viên, đồng thời nâng cao chất lượng giảng dạy của nhà trường. Tuy nhiên, các giảng viên trẻ còn gặp nhiều khó khăn trong công tác nghiên cứu khoa học, khó định hướng đề tài hợp lý, còn thiếu kinh nghiệm về lý thuyết và thực tế để có thể thực hiện tốt được những hoạt động nghiên cứu khoa học lớn. Giảng viên trẻ còn ngại tham gia NCKH, quan tâm và dành nhiều thời gian cho công tác giảng dạy, năng lực và phương pháp tham gia nghiên cứu khoa học còn hạn chế.

Xuất phát từ vai trò của NCKH thì NCKH không chỉ là nhiệm vụ mà còn là quyền lợi của mỗi giảng viên, để nâng cao hơn nữa chất lượng NCKH của đội ngũ giảng viên trẻ tại Trường Chính trị tỉnh Cà Mau, tôi cần quan tâm làm tốt những nội dung sau:

Thứ nhất, đối với bản thân giảng viên trẻ cần nhận thức đầy đủ, sâu sắc hơn nữa về nhiệm vụ công tác nói chung, nhiệm vụ NCKH nói riêng, xem hoạt động nghiên cứu khoa học là nhiệm vụ quan trọng song song với nhiệm vụ giảng dạy để từ đó có những nỗ lực, mạnh dạn đầu tư đúng mức cho hoạt động NCKH theo định hướng hợp lý. Vì nghiên cứu khoa học là việc làm đòi hỏi sự đầu tư công sức và phương pháp làm việc nghiêm túc, tự giác, quyết tâm cao của người nghiên cứu để trang bị thêm kiến thức phục vụ cho công tác giảng dạy. Ngoài ra, giảng viên trẻ cần có kế hoạch, bố trí quỹ thời gian tương thích cho hoạt động nghiên cứu khoa học; đầu tư học hỏi kinh nghiệm nghiên cứu; tích cực viết và rèn luyện kỹ năng để tự tin, mạnh dạn.

Thứ hai, đa dạng hóa các hoạt động liên quan đến công tác NCKH. Lâu nay, hoạt động NCKH của trường Chính trị tỉnh Cà Mau vẫn chủ yếu tập trung ở các hình thức như: viết đề tài khoa học, viết bài đăng Nội san, viết sáng kiến kinh nghiệm, tổ chức hội thảo khoa học cấp trường và cấp cao hơn, còn hình thức hoạt động NCKH cấp Khoa còn ít, chưa phổ biến. Cho nên thời gian tới cần triển khai thêm hình thức nghiên cứu khoa học cấp Khoa, cụ thể là hội thảo chuyên đề theo kế hoạch chung của Khoa và mỗi giảng viên thực hiện các chuyên đề luân phiên với nhau, có thể tổ chức hàng tháng hoặc theo từng quý. Hoạt động nghiên cứu theo hình thức hội thảo chuyên đề được thực hiện nghiêm túc từ khâu chuẩn bị, xây dựng kế hoạch, chương trình đến khâu tổ chức và có sự phân công cụ thể đến từng giảng viên để giảng viên chủ động trong các buổi sinh hoạt. Thông qua hoạt động này kỹ năng NCKH, viết bài, vận dụng kiến thức lý luận cũng như thực tiễn vào bài giảng của giảng viên, nhất là giảng viên trẻ sẽ được phát huy tích cực. Xây dựng với mục tiêu chính là nâng cao chất lượng giảng dạy cho giảng viên và chất lượng giáo dục của nhà trường.

Thứ ba, nhà trường cần có các biện pháp nhằm khuyến khích hoạt động nghiên cứu khoa học của giảng viên nói chung và giảng viên trẻ nói riêng, như sau:

Nhà trường cần có chế độ khen thưởng đối với các cá nhân và tập thể có thành tích trong NCKH nhằm tạo động lực và kích thích tính tích cực tự giác của giảng viên trẻ đối với công tác NCKH.

Nhà trường cần xây dựng cơ chế hoạt động NCKH. Trên cơ sở những quy chế, quy định của nội bộ trường quy định về NCKH đã ban hành, cần tiếp tục bổ sung hoàn thiện thêm, hoặc cụ thể hóa Quy chế hoạt động nghiên cứu khoa học của Trường chính trị tỉnh dựa trên cơ sở quyết định số 1855/QĐ-HVCTQG ngày 21 tháng 4 năm 2016 của Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho phù hợp theo hướng đảm bảo sự cân đối giữa hoạt động NCKH và công tác giảng dạy. Việc kiên quyết thực hiện một số quy định có tính ràng buộc hành chính, nhằm tạo nhận thức nghiêm túc trong NCKH của giảng viên, đảm bảo tính khách quan, công bằng về quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm mọi đối tượng.

Như vậy, NCKH là hoạt động không thể thiếu đối với giảng viên nói chung, giảng viên trẻ tại Trường Chính trị nói riêng. Đây là động lực thúc đẩy niềm đam mê nghề nghiệp, giúp giảng viên trẻ tiếp nhận, làm chủ được tri thức trên cơ sở độc lập suy nghĩ, sáng tạo, biết vận dụng vào bài giảng cũng như thực tiễn cuộc sống. Đồng thời, NCKH được xem là một mắt xích quan trọng không thể thiếu trong việc góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, tạo ra nguồn nhân lực đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của xã hội.

Video liên quan

Chủ Đề