Ngũ ấm xí thạnh khổ là gì

Mục Lục

  1. TRẢ LỜI:
  2. Ngũ Ấm là gì?

HỎI:

Trong khi học đề tài Tứ Diệu Đế, em được huynh trưởng giảng về tám cảnh khổ trong đời sống, trong đó cái khổ thứ tám là Ngũ Ấm Xí Thạnh Khổ. Xin Ban biên tập giải thích thêm về cái khổ thứ tám này.

[dieutha@yahoo.com.vn]

TRẢ LỜI:

Bạn dieutha@yahoo.com.vn thân mến,

Trong Kinh Chuyển Pháp Luân, Đức Phật nói về Bốn Chân Lý Vi Diệu [Tứ Diệu Đế] trong cuộc sống nhân loại. Bốn chân lý này đã có sẵn từ khi xuất hiện loài người trên hành tinh này nhưng chưa có ai phát hiện và nói ra. Chỉ với trí tuệ siêu việt của bậc Chánh Đẳng Chánh Giác [Phật] mới nhìn thấu suốt bốn chân lý nói trên.

Nội dung Kinh Tứ Diệu Đế nói về :

1.Khổ đế, tức chân lý về khổ

2.Tập đế, chỉ ra các nguyên nhân gây khổ

3.Diệt đế, giới thiệu về một tâm cảnh không còn khổ, đó là Niết Bàn

4.Đạo đế, các con đường dẫn đến sự chấm dứt khổ đau

Nói về Khổ đế, Phật dạy : trong cuộc sống, con người luôn chịu tám cảnh khổ là : Sinh khổ, Lão khổ, Bệnh khổ, Chết khổ, Cầu không được khổ, Ái biệt ly khổ, Oan gia mà phải gặp hoài khổ và Ngũ ấm xí thạnh khổ.

Ngũ Ấm là gì?

Con người ta được hình thành bởi Ngũ Ấm [còn gọi là Ngũ Uẩn] [ảnh minh họa]

Con người ta được hình thành bởi Ngũ Ấm [còn gọi là Ngũ Uẩn] gồm : Sắc ấm, Thọ ấm, Tưởng ấm, Hành ấm và Thức ấm.

1.Sắc ấm: tức là thân thể vật chất, tập hợp bởi bốn thứ nguyên tố trong thiên nhiên, gồm : Đất [chất rắn như : xương , thịt] ; Nước [chất lỏng như máu]; Gió [các chất khí cần cho sự sống như Oxy]; Lửa [hơi nóng làm nên thân nhiệt]. Đấy chính là phần vật chất tạo nên sự sống con người. Nhưng nếu chỉ có phần vật chất không thôi thì không thể có sự sống con người, mà còn có bốn phần vô hình khác thuộc về Tâm như sau :

2.Thọ ấm: nghĩa là các loại cảm giác vui, buồn, sướng, khổ, nóng, lạnh

3.Tưởng ấm : là cái gì không có trước mắt mà con người nhìn thấy nó trong tâm trí thì gọi là tưởng

4.Hành ấm : là nơi xuất phát tánh tình, ý chí và nghị lực của con người, chỉ đạo cho tất cả những gì mà con người thực hiện trong suôt cuộc đời của mình.

5.Thức ấm : tức là cái biết. Có 2 loại biết : biết do các giác quan và biết do suy nghĩ.

Đức Phật dạy rất nhiều phương pháp để các đệ tử của Ngài tu tập, làm chủ Năm Ấm, từ đó mà vơi bớt sự khổ và dần dần đi đến chỗ không còn bị Năm Ấm làm khổ, đó là trường hợp những nhà tu hành đắc đạo như các vị A La Hán mà chúng ta thường nghe nói đến trong các bài học Phật Pháp.

Còn, những người sống trôi lăn theo tham, sân, si, không tin Phật, không biết Phật pháp là gì, không tu tập theo lời Phật dạy, thì thường xuyên bị Năm Ấm làm khổ, gọi là Ngũ Ấm Xí Thạnh Khổ.

Xí thạnh nghĩa là sung mãn vượt trên mức bình thường. [ảnh minh họa]

Xí thạnh nghĩa là sung mãn vượt trên mức bình thường. Giống như quả bong bóng được bơm quá nhiều hơi [sẽ phát nổ]; hay một cái nối đầy nước sôi sùng sục nếu không kịp tắt lửa thì nước sẽ phá nắp vung mà trào ra Tóm lại, cái gì quá thịnh đều không tốt, đó gọi là xí thạnh

Thế nào là Ngũ Ấm xí thạnh ? Đó là khi :

1-Về Sắc ấm : đối với những người thường hay làm dáng, làm đẹp, đi thẩm mỹ viện, quần áo, giày dép thời trang suốt ngày, tức là người ấy sẽ khổ vì sắc ấm.

2-Về Thọ ấm : những người thường tìm cảm giác mạnh như : thích xem phim tình cảm suốt ngày, thích ăn ngon mặc đẹp, thích nệm ấm chăn êm thì tâm thường bị các cảm xúc mừng, lo, thương, ghétdằn vặt, lại phải bỏ công đi tìm món ngon vật lạ, nệm ấm chăn êmđể thỏa mãn sự hưởng thụ, vì thế mà khổ.

3-Về Tưởng ấm : người hay tưởng tượng ra cảnh này cảnh nọ để khởi lòng thương yêu, giận ghét thí dụ như trường hợp những bà vợ hay ghen bóng ghen gió ông chồng thì thường phải sống trong khổ đau dằn vặt suốt ngày.

4.Về Hành ấm : người hay mưu này chước nọ, thích đấu tranh giành giật, tối ngày ăn thua với phe này phe kia, mưu mô hại người, tìm cách để mình hơn người khác. Là người luôn phải sống trong cảnh khổ

5-Về Thức ấm : biết nhiều cũng là một lợi thế trong đời sống. Tuy nhiên, biết quá nhiều chuyện tào lao thì lại là một gánh nặng đau khổ, vì tâm trí khi bị nhồi nhét quá nhiệu kiến thức có thể dẫn đến điên loạn.

Ngũ Ấm xí thạnh khổ là cái khổ thứ tám, nhưng cũng là cái khổ bao trùm hết bảy cái khổ trên kia

Trên đây là một vài chia sẻ chung quanh đề tài Ngũ Ấm xí thạnh khổ. Đi sâu nghiên cứu về Ngũ Ấm là một công việc khó khăn, không thể trong một hai trang giấy mà có thể nói hết. Chúng tôi hy vọng bài viết này, một phần nào giúp bạn có một khái niệm bao quát về ý nghĩa Ngũ Ấm xí thạnh khổ để bạn áp dụng vào việc tu thân của người đoàn viên GĐPT.

Thân mến chào bạn.

Video liên quan

Chủ Đề