Nguồn vốn nhạy cảm với lãi suất là gì

Rất khó để có thể loại bỏ rủi ro lãi suất ra khỏi thị trường, chỉ có thể hạn chế và kiểm soát ảnh hưởng của nó đến các ngân hàng. Vậy rủi ro lãi suất là gì?

Rủi ro lãi suất [Interest Rate Risk] còn được gọi là rủi ro thị trường, đây là thuật ngữ dùng để chỉ những bất lợi hoặc tổn thất về tài sản mà ngân hàng phải đối mặt do sự biến động của lãi suất.

Đây là rủi ro đặc thù mà bất cứ ngân hàng thương mại nào cũng có thể phải đối mặt khi có sự chênh lệch giữa lãi suất huy động đầu vào với lãi suất đầu ra do biến động của thị trường và chênh lệch giữa các kỳ hạn huy động và kỳ hạn đầu tư.

Rủi ro lãi suất là tình trạng mà bất cứ ngân hàng thương mại nào cũng có thể gặp phải

Các loại rủi ro lãi suất

Rủi ro lãi suất được phân loại như sau:

* Rủi ro cơ bản: 

Đây là loại rủi ro bắt nguồn từ sự thay đổi trong mối quan hệ về tỷ lệ lãi suất giữa các thị trường tài chính hoặc các công cụ tài chính khác nhau.

Ví dụ: Bên cho vay đồng đô la sử dụng lãi suất LIBOR làm căn cứ nhưng bên đi vay lại sử dụng lãi suất SIBOR sẽ tạo ra sự khác biệt. Khi hai loại lãi suất này thay đổi sẽ tạo ra rủi ro lãi suất trong trường hợp này.

* Rủi ro đường cong lợi suất:

Đây là loại rủi ro xảy ra khi đường cong lãi suất thay đổi hình dạng, từ đó ảnh hưởng không cân đối đến giá trị tài sản hoặc dòng tiền, tạo ra rủi ro lãi suất.

* Rủi ro về thu nhập: 

Khi lãi suất thị trường biến động có thể khiến cho các chi phí về vốn và lãi thu được thay đổi, khiến cho thu nhập của ngân hàng thay đổi, thậm chí làm suy giảm thu nhập lãi ròng của ngân hàng.

* Rủi ro giảm giá trị tài sản: 

Đây là loại rủi ro có thể làm cho giá trị của tài sản hiện có và tài sản nợ của ngân hàng thay đổi, từ đó khiến cho giá trị thị trường của vốn chủ sở hữu cũng thay đổi.

Sự thay đổi này có thể khiến cho biên giữa thu nhập lãi và chi phí lãi vay bị thu hẹp.

* Rủi ro trả trước/gia hạn:

Rủi ro trả trước/gia hạn là loại rủi ro mà việc hoàn trả tài sản diễn ra nhanh hơn vào thời điểm lãi suất thấp, dẫn đến thu nhập lãi bị giảm và nhu cầu tái đầu tư các khoản đã hoàn trả vào tài sản có năng suất sẽ thấp hơn.

Loại rủi ro này sẽ đặc biệt gia tăng khi khách hàng cho vay hoặc các công ty phát hành trái phiếu gọi vốn để thanh toán tài sản của ngân hàng trước khi đáo hạn và lãi suất giảm.

* Rủi ro trong huy động vốn:

Rủi ro này xảy ra khi ngân hàng huy động quá nhiều tiền gửi có kỳ hạn lãi suất cao, tuy nhiên khi lãi suất trên thị trường giảm xuống bởi các yếu tố như chính sách của Chính phủ, quan hệ cung cầu… có thể gây ra các rủi ro cho ngân hàng.

* Rủi ro trong hoạt động cho vay:

Cho vay là hoạt động cơ bản của các ngân hàng thương mại. Tuy nhiên khi lãi suất của thị trường giảm, các ngân hàng thương mại phải cho vay với lãi suất thị trường mặc dù vốn huy động áp dụng theo lãi suất cao hơn.

Ngoài ra khi lãi suất cơ bản tăng cũng làm cho lãi suất huy động tăng nhưng lại chỉ áp dụng với các khoản vay mới, dư nợ hiện hành, các khoản vay trung hạn và dài hạn vẫn áp dụng theo lãi suất ghi trên hợp đồng ở mức thấp có thể khiến cho ngân hàng gặp rủi ro tín dụng.

* Rủi ro khi có sự thay đổi cung cầu vốn trên thị trường liên ngân hàng

Các khoản vay và cho vay trên thị trường liên ngân hàng có tính chất ngắn, lãi suất thường xuyên biến đổi nên rất dễ tạo ra rủi ro cho ngân hàng.

Tính chất của rủi ro lãi suất 

Các hoạt động huy động vốn của ngân hàng là yếu tố chính quyết định tính chất rủi ro sẽ phải đương đầu:

- Nếu thời hạn cho vay mà lớn hơn thời hạn nguồn vốn tài trợ thì ngân hàng ở vị thế tái tài trợ.

Tái tài trợ được hiểu là tình trạng mà kỳ hạn của tài sản dài hơn kỳ hạn của nguồn tài trợ hay thời hạn cho vay lớn hơn thời hạn nguồn vốn tài trợ của nó.

- Nếu thời hạn cho vay mà nhỏ hơn thời hạn nguồn vốn tài trợ thì khi đó ngân hàng ở vị thế tài đầu tư.

Tái đầu tư được hiểu là tình trạng trong đó kỳ hạn của tài sản nhỏ hơn kỳ hạn của nguồn tài trợ, hay thời hạn cho vay nhỏ hơn thời hạn nguồn vốn tài trợ nó.

Căn cứ xác định mức độ rủi ro lãi suất

Các căn cứ chủ yếu được sử dụng để xác định rủi ro lãi suất có thể kể đến:

- Hệ số chênh lệch lãi thuần [hệ số thu nhập lãi ròng cận biên NIM - Net Interest Margin]

Hệ số chênh lệch lãi thuần = [Thu nhập lãi - Chi phí lãi] : ∑Tài sản có sinh lời x 100%

trong đó:

  • Thu nhập lãi bao gồm: lãi đầu tư, cho vay, lãi tiền gửi tại ngân hàng khác, lãi đầu tư chứng khoán…
  • Tổng tài sản có sinh lời = Tổng tài sản - Tiền mặt và tài sản cố định

- Hệ số rủi ro lãi suất [R]

Rủi ro lãi suất [R] = Giá trị tài sản nhạy cảm lãi suất - Giá trị nguồn vốn nhạy cảm lãi suất

trong đó:

  • Tài sản nhạy cảm với lãi suất thường bao gồm các khoản cho vay ngắn hạn, chứng khoán ngắn hạn hoặc tiền gửi trên thị trường liên ngân hàng, tiền gửi không kỳ hạn tại ngân hàng khác ngắn hạn
  • Nguồn vốn nhạy cảm với lãi suất thường bao gồm tiền gửi tiết kiệm cá nhân, tiền gửi của các tổ chức kinh tế dưới 12 tháng, giấy tờ có giá...

- Khe hở kỳ hạn [Duration Gap]:

Khe hở kỳ hạn = Kỳ hạn hoàn vốn trung bình của tài sản - Kỳ hạn hoàn trả trung bình của nguồn vốn

trong đó:

  • Kỳ hạn hoàn vốn của tài sản dựa trên dòng tiền dự tính sẽ nhận được từ tương lai, được hiểu là thời gian trung bình cần thiết để thu hồi lợi nhuận từ khoản vốn đã bỏ ra để đầu tư.
  • Kỳ hạn hoàn trả của tài sản nợ dựa trên dòng tiền dự tính ra khỏi ngân hàng, được hiểu là thời gian cần thiết để hoàn trả khoản vốn đã huy động.

Nguyên nhân dẫn đến rủi ro lãi suất

Chỉ khi hiểu được nguyên nhân hình thành rủi ro lãi suất mới đưa ra được các biện pháp phòng ngừa và hạn chế hậu quả. Rủi ro lãi suất được hình thành từ các nguyên nhân sau:

* Sự không phù hợp về kì hạn của nguồn và tài sản

Tài sản và nguồn thường có kỳ hạn khác nhau nên khi gắn với lãi suất, ngân hàng sẽ phải quan tâm đến các kỳ hạn đặt lãi. Tuy nhiên rất khó để các ngân hàng có thể duy trì sự phù hợp và ổn định tuyệt đối các kỳ hạn này vì nó được quyết định bởi hành vi của người vay và người gửi tiền.

Do đó việc đặt lại kỳ hạn luôn chịu tác động của những biến động về lãi suất, các dự tính tương lai của cả khách hàng và phía ngân hàng.

* Sự thay đổi của lãi suất thị trường và dự kiến của ngân hàng

Cho dù các ngân hàng thương mại có liên tục đưa ra các kế hoạch hay dự kiến nhưng hầu hết không thể kiểm soát được sự thay đổi về lãi suất thị trường. Bởi lãi suất này chịu tác động của quan hệ cung - cầu trên thị trường nên ngân hàng hầu hết luôn trong tình thế bị động, chỉ có thể ứng phó bằng cách điều chỉnh các hoạt động theo sự biến động của lãi suất và thị trường.

* Ngân hàng sử dụng lãi suất cố định trong các hợp đồng

Lãi suất cố định cũng chính là con dao hai lưỡi đem đến rủi ro cho ngân hàng, đặc biệt là đối với các khoản vay trung và dài hạn. Khi đó thời hạn nguồn và tài sản sẽ là các yếu tố gây ra rủi ro lãi suất.

* Các nguyên nhân khách quan khác

Ngoài ra, rủi ro lãi suất có thể đến từ một số nguyên nhân khách quan như:

  • Sự biến động của nền kinh tế thị trường như lạm phát, khủng hoảng, suy thoái…
  • Sự biến động của chính trị như chiến tranh, xung đột giữa các quốc gia…
  • Sự ảnh hưởng của môi trường như thiên tai, hạn hán…
  • Sự thay đổi chính sách của Ngân hàng Nhà nước hoặc Chính phủ

Ảnh hưởng của rủi ro lãi suất

Rủi ro lãi suất tác động trực tiếp đến các hoạt động kinh doanh của ngân hàng thương mại, cụ thể như sau:

  • Làm tăng các chi phí nguồn vốn của ngân hàng
  • Làm giảm thu nhập từ tài sản của ngân hàng
  • Làm giảm giá trị thị trường của tài sản có và vốn chủ sở hữu của ngân hàng

Rủi ro lãi suất ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động kinh doanh của ngân hàng

Quản trị rủi ro lãi suất ngân hàng

Rủi ro lãi suất là một trong những loại rủi ro không thể loại bỏ khỏi thị trường, các ngân hàng chỉ có thể tìm cách phòng tránh và giảm thiểu phần nào ảnh hưởng của nó.

Quản trị rủi ro lãi suất ngân hàng được hiểu là việc ngân hàng dự đoán, nhận định và phân tích những rủi ro gặp phải để phòng ngừa, hạn chế và kiểm soát tối đa ảnh hưởng của rủi ro lãi suất đến các hoạt động kinh doanh.

Một số biện pháp quản trị rủi ro mà các ngân hàng thương mại có thể sử dụng là:

  • Đa dạng hóa cơ cấu đầu tư: Các ngân hàng thương mại không nên quá tập trung vào một loại tài sản như trái phiếu hay cổ phiếu mà nên đa dạng các loại hình như trái phiếu ngắn hạn, dài hạn, cổ phiếu của các công ty có mức tăng trưởng tốt.
  • Ngân hàng có thể sử dụng thêm các công cụ dự đoán rủi ro và cân đối cơ cấu nợ giữa các kỳ hạn
  • Tập trung vào các loại tài sản có tính thanh khoản cao bởi đây là các loại tài sản ít chịu ảnh hưởng của lãi suất nhất khi thị trường có nhiều biến động
  • Ngoài ra các ngân hàng có thể sử dụng các kỹ thuật bảo hiểm lãi suất bằng một số loại hợp đồng như hợp đồng kỳ hạn, hợp đồng tương lai, hợp đồng quyền chọn, hợp đồng hoán đổi lãi suất
  • Điều chỉnh chiến lược hoạt động như điều chỉnh khe hở nhạy cảm lãi suất và khe hở kỳ hạn

Rủi ro lãi suất tuy không thể loại bỏ hoàn toàn khỏi thị trường nhưng bằng các nghiệp vụ và công cụ, các ngân hàng thương mại vẫn có thể kiểm soát và hạn chế những tác động của nó đến thị trường.

Video liên quan

Chủ Đề