Nguyên nhân dân đến nạn đói trên thế giới

Nhưng những thảm hoạ dường như không liên quan với nhau do hạn hán hay xung đột gây ra ở những nước như Somalia, Malawi, Niger, Kenya và Zimbabwe, trên thực tế, lại là những vấn đề có tính hệ thống.

Đúng là nền nông nghiệp châu Phi đang gặp khủng hoảng, và theo Viện Nghiên cứu Chính sách Lương thực Quốc tế, cuộc khủng hoảng này đã làm cho 200 triệu người dân châu Phi bị thiếu dinh dưỡng.

Điều đặc biệt đáng chú ý là FAO nhấn mạnh rằng, tại 15 trong số 27 nước cần cứu trợ khẩn cấp, nguyên nhân khủng hoảng lương thực là các vấn đề chính trị như nội chiến và người tị nạn. Còn tại 12 nước khác, nguyên nhân nghèo đói là do hạn hán.

Như vậy, vấn đề đã rõ ràng, những năm tháng chiến tranh, đảo chính và nội chiến ở châu Phi là nguyên nhân chủ yếu đã gây ra nạn đói tràn lan ở châu Phi, hơn cả các thảm họa thiên nhiên.

Thực chất, nạn đói ở châu Phi là do hàng loạt những yếu tố liên quan đến nhau gây ra. Châu Phi là một lục địa rất lớn, và tình trạng nghèo đói của một quốc gia không phải chỉ do một yếu tố nào. Nhưng bốn vấn đề sau đây là quan trọng nhất:

Hàng chục năm, các vùng nông thông không được quan tâm đầu tư do khu vực này không có nhiều ảnh hưởng chính trị

Những tầng lớp tinh hoa ở châu Phi phải chịu áp lực chính trị, chủ yếu được thể hiện ở các đô thị. Bên cạnh đó là nạn tham nhũng và quản lý kém, điều mà các nhà tài trợ  gọi là sự điều hành kém.

Một tuyên bố của Viện Nghiên cứu Chính sách Lương thực Quốc tế khẳng định: “Sự điều hành yếu kém là một vấn đề lớn ở nhiều nước châu Phi, và là vấn đề gây ra những hậu quả nghiêm trọng lâu dài cho an ninh lương thực”.

Tuyên bố nhấn mạnh: “Các vấn đề như tham nhũng và gia đình trị có thể cản trở đáng kể khả năng của chính phủ trong việc thúc đẩy các nỗ lực phát triển”.

Các cuộc chiến tranh và xung đột chính trị dẫn đến vấn đề người tị nạn và sự bất ổn định

Năm 2004, Chủ tịch Ủy ban Liên minh châu Phi, Alpha Oumar Konare, cho biết tại một cuộc họp thượng đỉnh của tổ chức Liên minh châu Phi rằng lục địa này đã trải qua 186 cuộc đảo chính và 26 cuộc chiến tranh lớn trong vòng 50 năm qua. Theo Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn [UNHCR], ở châu Phi hiện có khoảng 4,8 triệu người tị nạn và người phải rời bỏ quê hương.

Những người nông dân ở châu Phi cần sự ổn định và sự chắc chắn trước khi họ có thể sản xuất lương thực cho gia đình họ và đáp ứng nhu cầu xã hội.

HIV/Aids đang cướp đi của nhiều gia đình ở châu Phi những thành viên lao động tốt nhất

Đây là một vấn đề nghiêm trọng ở miền nam châu Phi, nơi có hơn 30% số người trong độ tuổi sinh đẻ bị nhiễm HIV. Theo cơ quan cứu trợ Oxfam, khi một thành viên trong gia đình bị nhiễm HIV, sản lượng lương thực của gia đình đó giảm đi 60%, vì phụ nữ không chỉ phải chăm sóc gia đình mà còn là lực lượng lao động chính ở nông thôn.

Sự gia tăng dân số quá nhanh

Quỹ Dân số Liên hợp quốc nói: “Dân số các nước châu Phi ở khu vực Sahara đã tăng nhanh hơn bất kỳ khu vực nào trong vòng 30 năm qua, mặc dù có hàng triệu người đã chết vì đại dịch Aids”.

Từ năm 1975 đến 2005, dân số châu Phi đã tăng lên hơn gấp đôi, tăng từ 335 triệu đến 751 triệu người, và hiện đang tăng trưởng ở mức 2,2% một năm.

Một số vùng ở châu Phi, đất đai khá rộng, nên dân số tăng nhanh không phải là vấn đề lớn. Nhưng ở những vùng khác thì mức tăng dân số quá nhanh gây ra hậu quả nghiêm trọng.

Điều đó đã khiến các gia đình nông dân phải nhiều lần chia nhỏ ruộng đất, dẫn tới việc người ta phải canh tác trên những thửa ruộng nhỏ hoặc nhiều gia đình phải chuyển đến những nơi đất đai cằn cỗi, không thích hợp cho trồng trọt.

Ở những vùng cao nguyên của Ethiopia và Eritrea, một số nơi đất đai bị suy thoái đến mức khó có thể trồng được bất cứ loại cây gì.

Vấn đề này lại càng trầm trọng hơn do tình trạng đất trồng trọt ở châu Phi.

72% đất canh tác và 31% đất đồng cỏ ở châu Phi được đánh giá là bị suy thoái.

Ngoài việc đất ở châu Phi nghèo chất dinh dưỡng tự nhiên, sự màu mỡ của đất đang giảm đi qua từng năm do canh tác không hợp lý và bị nước xói mòn.

Viện Nghiên cứu Chính sách Lương thực Quốc tế cho biết, mức độ màu mỡ của đất đai đã giảm đáng kể trong 30 năm qua.

Hậu quả là một lục địa dư thừa lương thực cách đây 50 năm khi hầu hết các nước châu Phi giành được độc lập, giờ đây phải nhập khẩu rất nhiều lương thực. Quyển sách “Cuộc khủng hoảng lương thực ở châu Phi” nói rằng, chỉ trong không đầy 40 năm qua, lục địa này từ chỗ xuất khẩu các sản phẩm lương thực thiết yếu đã chuyển sang lệ thuộc vào nhập khẩu và viện trợ lương thực.

Từ năm 1966 đến 1970, lục địa này đã xuất khẩu khoảng 1,3 triệu tấn lương thực một năm.

Vào cuối thập kỷ 1970, châu Phi đã nhập khẩu 4,4 triệu tấn lương thực một năm và mức nhập khẩu tăng lên 10 triệu tấn vào giữa những năm 1980.

Kể từ khi giành được độc lập, sản lượng nông nghiệp tính theo đầu người của châu Phi nói chung không tăng mà còn giảm ở nhiều nơi.

Một số nhà khoa học và những người tham gia chiến dịch chống nghèo đói cho rằng nông dân ở châu Phi sẽ chỉ có thể nuôi sống gia đình họ và đáp ứng được nhu cầu xã hội khi những hàng hoá nông sản giá rẻ do được trợ giá ở phương Tây không còn tràn ngập các siêu thị ở đây nữa.

Chủ Đề