Nội dung cốt lõi của đạo đức cách mạng là gì

09:49, 17/01/2018

BHG - Trong di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đạo đức và đạo đức cách mạng là những điểm cốt lõi, bền vững. Điều này được thể hiện rõ trong 5 tác phẩm là Bảo vật Quốc gia của Hồ Chí Minh, trong cả 5 tác phẩm đều nổi bật và xuyên suốt vấn đề đạo đức. Tác phẩm Đường cách mệnh, Bác viết năm 1927 tại Quảng Châu [Trung Quốc] với bí danh Nguyễn Ái Quốc, nhờ tác phẩm này mới ra đời Đảng Cộng sản năm 1930; Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến [19/12/1946], trong đó có thông điệp nổi bật của Bác, “Thà hy sinh tất cả quyết không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ” đây cũng được xem là sức mạnh của đạo đức, nhất là đạo đức với Tổ quốc, với nhân dân; lời kêu gọi đồng bào, chiến sỹ cả nước” năm 1966, lúc Bác 76 tuổi, trong lời kêu gọi đó có một thông điệp nổi tiếng của Bác, đó là “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, điều này làm được hay không là nhờ đạo đức chính trị; tác phẩm Nhật ký trong tù có bài thơ nổi bật nhất về đạo đức, đó là bài “Nghe tiếng đã gạo”: Gạo đem vào dã bao đau đớn; gạo đã xong rồi trắng tựa bông; sống ở trên đời người cũng vậy; gian nan rèn luyện ắt thành công…; tác phẩm cuối cùng đó là Di chúc của Bác chứa đựng những giá trị to lớn về đạo đức. Trong 5 Quốc bảo, Bác đã cho chúng ta biết như thế nào về phẩm chất đạo đức.

Theo Bác, đạo đức gồm 4 đức tính, đó là “Cần, kiệm, liêm, chính” từ đó dẫn đến hai nguyên tắc ứng xử, đó là “Chí công, vô tư”. Bác ví đạo đức con người như vũ trụ, trời có 4 mùa “Xuân, Hạ, Thu, Đông”; đất có 4 phương “Đông, Tây, Nam, Bắc” và người có bốn đức “Cần, kiệm, liêm, chính”, thiếu một mùa không thành trời, thiếu một phương không thành đất và thiếu một đức không thành người. Nhưng Bác lại rất sâu sắc và tinh tế, ở đời không có ai là hoàn hảo cả “nhân vô thập toàn”, ai cũng có cái hay và cái dở, cái tốt - xấu cho nên phải rèn luyện đạo đức suốt đời,… Để thực hiện những đức tính như vậy, chúng ta phải có những nguyên tắc, trong đó Bác đề ra 3 nguyên tắc mà Đảng ta hiện nay đang thực hành, áp dụng, đó là: Rèn đạo đức suốt đời; rèn luyện đạo đức để đạt mục đích cao nhất là vì nhân dân; kết hợp giữa xây và chống.

Có rất nhiều câu chuyện về Bác trong thực hành đạo đức của mình, “vào những năm cuối đời, Bác theo chỉ thị của T.Ư sang Liên Xô chữa bệnh, ngày về nước, đồng chí Vũ Kỳ, thư ký của Bác được Văn phòng T.Ư Đảng Cộng sản Liên Xô mời đến làm việc – đồng chí Vũ Kỳ xin phép Bác đi, lúc trở về đồng chí Vũ Kỳ nộp cho Bác một phong bì 5.000 rúp [đồng tiền Nga], trong phong bì ghi rõ là biếu Bác 4.000 rúp và thư ký Vũ Kỳ 1.000 rúp để chia tay Bác về nước. Bác mỉm cười, nói - chú lấy bút và giấy cho Bác, rồi Bác ghi: “Ở đây, tôi và đồng chí Vũ Kỳ được chăm sóc chu đáo, đầy đủ, không thiếu một thứ gì, cho nên chúng tôi không có nhu cầu tiêu đến số tiền này, xin các đồng chí vui lòng nhận lại, với tất cả tình cảm kính trọng và lòng biết ơn sâu sắc của chúng tôi”. Một tấm gương trong sạch, không màng danh lợi. Bây giờ, chúng ta chống tham nhũng bằng hình thức kiểm soát các quan chức, viên chức đi nước ngoài và trưng dụng tất cả các quà cáp được biếu vào công quỹ chung, cái này ông cha ta đã làm từ xưa nhưng đến bây giờ chúng ta vẫn chưa làm được. Khi sang nước ngoài, bạn bè quốc tế tặng Bác rất nhiều quà, Bác rất tinh tế, nhận hết để cho mọi người vui, Bác dặn các Đại sứ quán Việt Nam là quà của nước nào thì gói gọn riêng của nước đó cho Bác, có cờ để phân biệt. Khi đến sân bay, Bác để lại hết, kèm theo thư cảm ơn. Bác chỉ nhận món quà tượng trưng của Quốc gia đó để làm kỷ niệm, món quà lớn nhất mà Bác nhận đó là chiếc đài để nghe tin tức mà Bác vẫn để đầu giường suốt cả cuộc đời… Chưa kể đến việc lãnh tụ như Bác còn mặc áo vá, tự tay Bác đính từng cái cúc áo cho chính mình, thấy vậy thư ký Vũ Kỳ thương Bác quá và đề nghị Bác thay áo khác đi – Bác bảo, để Bác mặc, bỏ nó phí đi, mồ hôi nước mắt của dân đó. Ai ngờ đâu khi ra họp T.Ư Bác nói, Chủ tịch nước mà biết mặc áo vá là có phúc cho dân đó. Không những vậy, lãnh tụ như Bác mà đi chân đất, lội ruộng, tát nước chống hạn với nông dân, chia ngọt, sẻ bùi với người dân. Những chia sẻ đó Bác để lại cho chúng ta một quan điểm rất cảm động: “Mỗi người có một nỗi đau riêng, mỗi gia đình có một nỗi khổ riêng, cộng tất cả nỗi đau khổ đó lại là nỗi đau khổ của chính Bác”. Trong Di chúc của Bác, nội dung viết về sự sống của mình, Bác viết “Ai mà đoán biết được tôi còn phục vụ Tổ quốc, đồng bào được bao lâu nữa, chỉ còn thời gian thôi. Nay phải từ biệt thế giới này tôi không còn gì ân hận, chỉ tiếc rằng tôi không còn phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”, những tâm sự giãi bày từ trái tim Bác, người suốt đời lấy đạo đức cách mạng để phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân.

Hiện nay, chúng ta đi sâu vào kinh tế thị trường cho nên đã có lợi ích vật chất nổi lên, có thời kỳ chúng ta gọi là “đồng tiền lên ngôi”. Mà cái sai của chúng ta là đã không kịp thời nhận ra vai trò của đạo đức trong khi làm kinh tế. Cho nên khi chúng ta chạy theo lợi ích, lợi nhuận nên dẫn đến thương tổn đạo đức trong xã hội và những suy thoái về đạo đức trong Đảng như hiện nay, chúng ta đang ra sức khắc phục. Hiện nay, một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên còn nhận thức hạn chế về những tư tưởng của Bác căn dặn, nên vẫn còn những đức tính như vụ lợi; không có tính quang minh, chính đại trong lợi ích, tham ô, tham nhũng làm mất lòng tin trong nhân dân. Để chống những biểu hiện đó, chúng ta phải dựa vào những di sản của Bác Hồ dạy về đạo đức, hơn nữa cần phải chuyển hóa thành tự nguyện, tự giác, có ý thức tự sửa mình thì mới vượt qua được..

GS, TS: Hoàng Chí Bảo [kể]

Lê Lâm [ghi]

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng, quan tâm xây dựng đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, với nội dung cốt lõi là trung với nước, hiếu với dân; yêu thương con người; cẩn, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; tinh thần quốc tế trong sáng; nói đi đôi với làm, nêu gương về đạo đức; xây đi đôi với chống; tu dưỡng, rèn luyện đạo đức suốt đời. Bài viết phân tích những nội dung cơ bản của tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng, khẳng định những giá trị đặc sắc, mang tính lịch sử trường tồn, những bài học thời sự đối với việc tiếp tục học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại một di sản tư tưởng tinh thần vô cùng quý báu cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong đó có tư tưởng về đạo đức cách mạng, giáo dục, bồi dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên. Tiếp biến giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc Việt Nam, kế thừa văn hoá đạo đức phương Đông, tinh hoa đạo đức nhân loại, trực tiếp là tư tưởng, tấm gương đạo đức của C.Mác, Ph.Ăngghen, V.I.Lênin; với tư duy độc lập và sáng tạo, xuất phát từ thực tiễn Việt Nam, trong suốt quá trình hoạt động cách mạng, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã xác lập, tuyên truyền, giáo dục, xây dựng và thực hiện nền đạo đức cách mạng cho mọi người, Việt Nam học tập, rèn luyện, noi theo.

Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: Internet

1. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng vai trò của đạo đức cách mạng, quan tâm xây dựng đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, đạo đức là nền tảng của người cách mạng, ví như gốc của cây, ngọn nguồn của dòng sông: “Cũng như sông có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có dạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”[1]. Với cán bộ, đảng viên, càng phải yêu cầu cao về đạo đức, bởi: “Làm cách mạng để cải tạo xã hội cũ thành xã hội mới là một sự nghiệp rất vẻ vang, nhưng nó cũng là nhiệm vụ rất nặng nề, một cuộc đấu tranh rất phức tạp, lâu dài, gian kHồ. Sức có mạnh mới gánh dược nặng và đi được xa. Người cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng, mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng vẻ vang”[2]. Đạo đức cách mạng sẽ giúp cán bộ, đảng viên vượt qua mọi khó khăn, gian kHồ, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ; khắc phục bệnh kiêu ngạo, quan liêu, xa dân, khinh dân, lên mặt “quan cách mạng”. Ngay trong những bài giảng đầu tiên về chủ nghĩa Mác - Lênin, lãnh tụ Nguyễn ÁI Quốc - Hồ Chí Minh đã đặt vấn đề tư cách, đạo đức người cách mạng làm bài học và tiêu chuẩn đầu tiên. Người yêu cầu tư cách người cách mệnh phải: “Cần kiệm... Vị công vong tư. Không hiếu danh, không kiêu ngạo. Nói thì phải làm. Giữ chủ nghĩa cho vững. Hy sinh. ít lòng tham muốn về vật chất...”[3]. Đối với Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ quan tâm xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức, mà Người còn đặc biệt quan tâm xây dựng Đảng về đạo đức, coi đó là đặc trưng bản chất của một chính đảng cách mạng. Người coi “chính trị cốt ở đoàn kết và thanh khiết, thanh khiết từ việc nhỏ tới việc lớn”; đồng thời sớm cảnh báo, nếu không thường xuyên tu dưỡng đạo đức thì rất có thể: “Một dân tộc, một đảng, một con người ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không còn trong sáng, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”[4]. Trong Di chúc, Người căn dặn: “Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng... Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”[5]. Đặc biệt, Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ [đoàn viên, thanh niên] đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa vừa “hồng” vừa “chuyên”.

2. Trung với nước, hiếu với dân; yêu thương con người; cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; tinh thần quốc tế trong sáng là nội dung cốt lõi của tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng

Trung với nước, hiếu với dân là nội dung cơ bản, đầu tiên của đạo đức cách mạng. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân, người cách mạng không gì hạnh phúc hơn là được phục vụ nhân dân; cái gì lợi cho dân thì phải hết sức làm, cái gì hại đến dân thì phải hết sức tránh. Người cách mạng phải trung thành vô hạn với sự nghiệp dựng nước và giữ nước, đấu tranh giành độc lập dân tộc, làm cho đất nước “sánh vai với các cường quốc năm châu”. Theo Người: “Nói một cách vắn tắt, thì đạo đức cách mạng là quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng. Hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân. Vì Đảng, vì dân mà đấu tranh quên mình, gương mẫu trong mọi việc”[6].

Trong Di chúc, Người tiếp tục nhắc nhở cán bộ, đảng viên phải làm thế nào để xứng đáng vừa là “người lãnh đạo”, vừa là “người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”. Người mong muốn: “... phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”, cả cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đều phụng sự cho Tổ quốc và nhân dân như chính Người khẳng định “đã hiến cả đời tôi cho dân tộc tôi”. Ngay cả khi sắp từ biệt thế giới này, Người “chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”.

Yêu thương con người là một trong những phẩm chất đạo đức cách mạng cao đẹp nhất trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Từ khi ra đi tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc cho đến trước lúc đi xa, Người luôn quan tâm đến con người, trước hết là những người cùng kHồ. Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, đạo đức cách mạng là phải nhằm đem lại tự do, hạnh phúc, con người có điều kiện phát triển toàn diện. Người nói: “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”[7]. Người từng căn dặn cán bộ, đảng viên: “Hiểu chủ nghĩa Mác - Lênin là phải sống với nhau có tình có nghĩa. Nếu thuộc bao nhiêu sách mà sống không có tình có nghĩa thì sao gọi là hiểu chủ nghĩa Mác - Lênin được”[8]. Trong Di chúc, Người viết “phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau” tiếp sau phần nói về đoàn kết, dân chủ, phê bình, tự phê bình trong Đảng. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Người không chỉ quan tâm đến vận mệnh chung của toàn dân tộc, mà còn chăm lo đến từng cá nhân con người cụ thể. Bất kỳ ai khi tiếp xúc đều nhận được ở Người tình cảm nhân ái, yêu thương chân thành, gần gũi, bình dị. Với Người, “Mỗi thanh niên Việt Nam hy sinh, như tôi mất đi từng khúc ruột”, “Máu thanh niên Pháp cũng quý như máu thanh niên Việt Nam”, trận đánh tiêu diệt được nhiều địch không thể coi là đẹp, mà cơ bản là phải đánh để cho đối phương phải “cút”, phải “nhào” để giành lại độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc. Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định: “Đầu tiên là công việc đối với con người”, “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”. Người căn dặn, sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thắng lợi, “đề nghị miễn thuế nông nghiệp một năm cho các hợp tác xã nông nghiệp để đồng bào hỉ hả, mát dạ, mát lòng...” và Đảng, Nhà nước cần quan tâm đến các đối tượng cụ thể, đó là những người đã hy sinh một phần xương máu vì Tổ quốc, là thân nhân của các liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, thanh niên, thiếu niên, phụ nữ và cả những người là nạn nhân của chế độ cũ... Cuối cùng, trong Di chúc, Người không quên “để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng... gửi lời chào thân ái đến các đồng chí, các bầu bạn, và các thanh niên nhi đồng quốc tế”.

Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư là phẩm chất đạo đức cao đẹp của người cách mạng được Người đề cập ngay từ cuốn Đường Kách mệnh đến Di chúc trước lúc đi xa.
Đức tính “cần” của người cách mạng, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: phải lao động cần cù, siêng năng, sáng tạo, năng suất, hiệu quả cao, không lười biếng; “kiệm” là phải tiết kiệm sức lao động, thì giờ, tài sản, tiền bạc của dân, của nước, của bản thân mình, không xa xỉ, phô trương, hình thức...; “liêm” là phải luôn tôn trọng giữ gìn của công, không tham địa vị, tiền tài, danh vọng...; “chính” là không tà, thẳng thắn, đúng đắn, chân thành, khiêm tốn, không tự cao, tự đại, không dối trá, lừa lọc; “việc thiện dù nhỏ mấy cũng làm, việc ác thì dù nhỏ mấy cũng tránh”. Người cách mạng phải chí công vô tư, đặt lợi ích của Đảng, của Tổ quốc, của nhân dân lên trên hết, trước hết, “Dĩ công vi thượng”, "lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ", “thiết diện vô tư”. Không “tư thù, tư oán”, không “kéo bè, kéo cánh”, không “ưa người nịnh bợ mình, ghét người không hợp với mình”... Trong Di chúc, Người căn dặn: “Mỗi đảng viên và cán bộ phải... thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch...”[9]. Không phải ngẫu nhiên mà Người dùng lặp lại mấy lần từ “thật”, bởi theo Người phải thật sự thực hiện được tiêu chí đạo đức này mới giữ vững được bản chất cách mạng của Đảng, của cán bộ, đảng viên. Thế nhưng, cán bộ, đảng viên của chúng ta phần lớn xuất thân từ nông dân, những tàn dư của tư tưởng, đạo đức cũ còn nặng nề; công cuộc xây dựng xã hội mới còn nhiều khó khăn, phức tạp, đan xen nhiều lợi ích, nên để giữ cho được cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, để trong sạch và thực sự xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ trung thành của nhân dân là không dễ dàng. Trong khi vẫn còn một bộ phận cán bộ, đảng viên “nói một đằng, làm một nẻo”, “nói nhưng không làm”, nên Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu phải nói thật, làm thật, thật sự... đó mới là cán bộ, đảng viên thật sự. Theo Người, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư có quan hệ chặt chẽ với nhau, cần, kiệm, liêm, chính sẽ dẫn đến chí công vô tư; chí công vô tư thì nhất định sẽ thực hiện được cần, kiệm, liêm, chính.

Tinh thần đoàn kết quốc tế trong sáng là một nội dung không thể thiếu của đạo đức cách mạng. Đoàn kết quốc tế trong sáng theo Chủ tịch Hồ Chí Minh là đoàn kết với nhân dân lao động; là đoàn kết quốc tế giữa những người vô sản toàn thế giới; là đoàn kết với các dân tộc vì mục tiêu chung: đấu tranh giải phóng con người khỏi ách áp bức, bóc lột, vì hòa bình, công lý và tiến bộ xã hội. Đoàn kết quốc tế gắn liền với chủ nghĩa yêu nước. Chủ nghĩa yêu nước chân chính sẽ dẫn đến chủ nghĩa quốc tế trong sáng. Vì vậy, từ rất sớm, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã đặt cách mạng Việt Nam trong quỹ đạo và là một bộ phận của cách mạng thế giới. Người đã trở thành người chiến sĩ cộng sản quốc tế lỗi lạc, góp phần cống hiến cho phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Trước khi từ biệt thế giới này, Người vẫn “đau lòng... vì sự bất hòa giữa các đảng anh em”. “Tôi mong rằng Đảng ta sẽ ra sức hoạt động, góp phần đắc lực vào việc khôi phục lại khối đoàn kết giữa các đảng anh em trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin và chủ nghĩa quốc tế vô sản, có lý, có tình”. Người bày tỏ niềm tin: “Các đảng anh em và các nước anh em nhất định sẽ phải đoàn kết lại”.

3. Nói đi đôi với làm, nêu gương về dạo đức; xây đi đôi với chống, rèn luyện, tu dưỡng đạo dức suốt đời

Tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh thực sự là một nhân cách văn hoá đạo đức tiêu biểu của dân tộc Việt Nam. Bởi Chủ tịch Hồ Chí Minh hiểu sâu sắc rằng, đối với các dân tộc phương Đông: “Một tấm gương sống còn giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”[10]. Người đã căn dặn cán bộ, đảng viên: “Trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán hai chữ “cộng sản” mà được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”[11]. Từ đó, người cách mạng phải học tập, tu dưỡng đạo đức suốt đời và “Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống, nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hàng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”[12].

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh sẵn sàng chịu đựng mọi hy sinh, không màng danh lợi. Trong Di chúc, Người tự nhận rằng: “Suốt đời tôi hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân”. Trước khi vĩnh biệt thế giới này, vì lợi ích của cách mạng, Người yêu cầu: “Sau khi tôi qua đời, chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình, để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân”; thi hài thì nên “đốt đi” để “đối với người sống tốt về mặt vệ sinh, lại không tốn đất”. “Trên mộ nên xây một cái nhà giản đơn, rộng rãi, chắc chắn, mát mẻ để những người đến thăm có chỗ nghỉ ngơi”. Đó cũng là đức tính giản dị, thanh cao, trong sáng đến vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh. “Cả cuộc đời vĩ đại của Hồ Chủ tịch là tấm gương mãi mãi sáng ngời chí khí cách mạng kiên cường, tinh thần độc lập tự chủ, lòng yêu nhân dân thắm thiết, đạo đức chí công vô tư, tác phong khiêm tốn giản dị”[13].

Thời gian càng lùi xa, công cuộc đổi mới ở Việt Nam càng đạt nhiều thành tựu, thì tư tưởng đặc sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng càng được Đảng và nhân dân ta nhận thức đầy đủ hơn, tỏa sáng hơn và luôn là những bài học mang tính thời sự. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn không ít hạn chế, tiêu cực, trước hết là về văn hóa, đạo đức. về những biểu hiện suy thoái đạo đức, Đảng ta đánh giá: “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi, có mặt, có bộ phận còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn; tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn còn nghiêm trọng, tập trung vào số đảng viên có chức vụ trong bộ máy nhà nước... Trong khi đó, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống dẫn tới “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” chỉ là một bước ngắn, thậm chí rất ngắn, nguy hiểm khôn lường, có thể dẫn tới tiếp tay hoặc cấu kết với các thế lực xấu, thù địch, phản bội lại lý tưởng và sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc...[14].

Trước hiện trạng đó, đòi hỏi chúng ta phải tiếp tục quán triệt và thực hiện tốt di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng; thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo Chỉ thị số 05-CT/TVV ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII. Trong đó, tập trung xây dựng đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên: tuyệt đối trung thành, kiên định lý tưởng cách mạng, đặt lợi ích của Đảng, của đất nước, dân tộc lên trên hết; hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, tận trung với nước, tận hiếu với dân, thật sự là công bộc của nhân dân; hết lòng yêu thương đồng bào, đồng chí, yêu thương con người; cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội./.

PGS.TS. Lê Đại Nghĩa - Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng

----------------------------------------

[1],[11] Hồ Chí Minh, toàn tập, tập 5, Nxb CTQG, H.2002, tr.252-253, tr.552. [2],[6],[12] Hồ Chí Minh, toàn tập, tập 9, Nxb CTQG, H.2002, tr.283, tr.285, tr.293. [3] Hồ Chí Minh, toàn tập, tập 2, Nxb CTQG, H.2002, tr.260. [4],[5],[8],[9] Hồ Chí Minh, toàn tập, tập 12, Nxb CTQG, H.2002, tr.557, tr.510, tr.554, tr.510. [7] Hồ Chí Minh, toàn tập, tập 4, Nxb CTQG, H.2002, tr.161. [10] Hồ Chí Minh, toàn tập, tập 1, Nxb CTQG, H.2002, tr.263. [13] Điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam do đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất đọc tại Lễ Truy điệu trọng thể Hồ Chủ tịch, ngày 09/9/1969. [14] Đảng Cộng sản Việt Nam, Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII vê tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ

tcnn.vn

Video liên quan

Chủ Đề