Pây tái là gì

Đây được coi  là ngày lễ báo đáp công ơn của con cái đối với cha mẹ, những người đã sinh thành và nuôi dưỡng mình. Cũng là một nét văn hóa truyền thống độc đáo, mang đậm bản sắc của bà con các dân tộc Tày - Nùng.

Một mâm cơm cúng lễ “Pây tái”.

Ngày rằm tháng Bảy, bà con thường gói bánh trái, dọn dẹp nhà cửa… nói chung là chu toàn hết, và chỉ đợi con cháu về sum họp. Theo người dân tại xã Lương Thông, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng, trong những ngày tháng Bảy, bà con nơi đây thường tự tay làm bánh gai, bánh dợm- là thức bánh đặc trưng của rằm tháng Bảy. Nhất là không thể thiếu được những con vịt béo tròn dành cho một trong những ngày lễ ý nghĩa nhất trong năm.

“Đây là tết cổ truyền của người Tày - Nùng, dù cuộc sống có hiện đại bao nhiêu mình cũng phải lưu giữ tết của mình”, một người dân địa phương chia sẻ.

Lễ “Pây tái” của đồng bào Tày - Nùng mang ý nghĩa riêng, đó là: Những người con gái sau khi đi lấy chồng, quanh năm cùng chồng con chú tâm công việc làm ăn nơi nhà chồng, lo toan quán xuyến hương khói thờ phụng ông bà tổ tiên nhà chồng. Trong năm thường chỉ có ngày mùng 2 tháng Giêng và ngày Rằm tháng Bảy mới là dịp được trở về nhà bố mẹ đẻ để tự tay chăm sóc, báo hiếu cha mẹ và sửa soạn lễ cúng tạ ơn ông bà tổ tiên.

Được biết, trong dịp lễ này, mỗi một cô con gái sau khi đi lấy chồng sẽ mang một đôi vịt về để làm lễ “Pây tái” tại nhà bố mẹ đẻ của mình. Sau khi kết thúc ngày lễ, nhà bố mẹ sẽ hồi lại một con vịt. Thịt vịt thường được ăn kèm với bún do tự tay bà con làm trong ngày lễ này. Với người Tày - Nùng ở Cao Bằng, mâm cỗ cúng ngày lễ “Pây tái” không thể thiếu con vịt quay, các loại bánh gai, bánh dợm.

Theo nhà nghiên cứu văn hóa Hoàng Đức Hiền hiện sống tại Cao Bằng, thì tất cả lễ tết trong năm của người Tày - Nùng đều gắn với sản xuất nông nghiệp, và rằm tháng Bảy cũng không phải là ngoại lệ.

Cũng theo ông Hiền: Dân tộc Tày - Nùng có câu như thế này gắn với lao động sản xuất: “Bươn chiêng bấu kin nựa pất, bươn chất bấu kin nựa cáy”. [Tháng Giêng không ăn thịt vịt, tháng Bảy không ăn thịt gà]. Nghĩa là vào rằm tháng Bảy thì là mùa nước, là chăn nuôi vịt, còn tháng Giêng là mùa khô là chăn nuôi gà. Đây là cái tết gắn liền với lao động sản xuất là như vậy”.

Tùy từng địa phương, dân tộc, đồ lễ có thể sẽ có sự khác nhau chút ít nhưng đều mang ý nghĩa chung là cầu mong sức khỏe, bình an đến với gia đình và nhất là thể hiện lòng biết ơn đối với ông bà, tổ tiên và những người đã khuất trong dòng họ. Không chỉ là một nét văn hóa truyền thống độc đáo mà lễ Pây tái còn là dịp để các thế hệ con cháu nhớ về công ơn của những đấng sinh thành, nhớ về tổ tiên, nguồn cội.           

Tết “Pay tái”/”Pây tái” là tết truyền thống có từ lâu đời của đồng bào các dân tộc Tày, Nùng. Theo phong tục của người dân tộc Tày, Nùng, một năm có hai cái tết quan trọng đó là tết Nguyên đán và tết tháng Bảy.

Đồng bào Tày, Nùng có câu: “Bươn chiêng vằn so ất/ Bươn chất vằn slíp slí” [nghĩa là: Tháng Giêng tết Nguyên đán có ngày mồng 1 âm và tháng Bảy có ngày 14 âm]. Đây là hai ngày tết quan trọng nhất. Ngày mồng 1 tháng Giêng là ngày cúng tổ tiên bên nội; ngày 14 tháng Bảy âm là dịp để con rể, cháu ngoại dâng lễ vật cúng tổ tiên bên ngoại, cũng là dịp để con gái sau khi đi lấy chồng trở về tri ân, báo hiếu công ơn cha mẹ đã sinh thành, dưỡng dục.

Trong Kinh báo hiếu phụ mẫu trọng ân, ở phần Đệ ngũ ân viết:
Tự mình nằm chỗ ướt
Chỗ ráo để xê con.
Hai vú phòng đói khát
Hai tay ủ gió sương.
Thâu đêm nằm chẳng ngủ
Nâng niu tựa ngọc vàng
Những mong con vui vẻ
Lòng mẹ mới được yên.

Tết “Pay tái” ẩn chứa những điều vô cùng thú vị liên quan đến đời sống tinh thần của người dân, và cũng là thể hiện sự quan tâm của gia đình thông gia bên nội đối với bên ngoại, của con rể đối với gia đình nhà ngoại. Tết “Pay tái” có ý nghĩa giáo dục truyền thống, giáo dục chữ “hiếu”, “nghĩa”; giáo dục sự bình đẳng; điều chỉnh các mối quan hệ trong gia đình, xã hội; điều chỉnh quan niệm [nội, ngoại] tránh tư tưởng trọng nam, khinh nữ trong xã hội phong kiến.

Vào ngày 14 tháng Bảy âm lịch hàng năm, các chàng rể Tày, Nùng sẽ sắm một đôi vịt béo cùng đầy đủ lễ vật, gồm: hương, hoa, đăng, trà, quả, thực để cùng vợ con đến nhà mẹ vợ dâng lên tổ tiên bên ngoại. Con gái sẽ ngủ lại một đêm cùng mẹ đẻ, để ngày mai – ngày rằm tháng Bảy âm lịch cùng ăn tết với gia đình, họ hàng bên ngoại.

Tết “Pay tái” – rằm tháng Bảy hàng năm đã trở thành ngày hội lớn của đồng bào dân tộc Tày, Nùng. Bà con dân bản luôn trân trọng và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, phát huy những giá trị truyền thống nhân văn nhằm giáo dục con em hướng tới “chân – thiện – mỹ” và điều chỉnh các mối quan hệ trong gia đình, xã hội; góp phần đẩy lùi các tư tưởng lệch lạc, thực hiện tốt cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” góp phần vào công cuộc xây dựng nông thôn mới ấm no, hạnh phúc.

Một số hình ảnh đẹp trong lễ hội “Pay tái”

Chàng rể mang lễ vật cùng vợ con đến nhà mẹ vợ dâng lên tổ tiên bên ngoại.
Ngày hội “Pay tái” thu hút đông đảo người dân tham gia.
Du khách nước ngoài hào hứng xem tham gia ngày hội.

Chủ Đề