Phi công trình là gì

Ngành thủy sản của Đồng bằng sông Cửu Long đang đối mặt với những đại nạn từ biến đổi khí hậu và ngập mặn. Chúng tôi nói chuyện về giải pháp, và chị phân tích cho tôi nghe về hai loại giải pháp: công trình và phi công trình.

Giải pháp công trình, rất đơn giản, là sử dụng các công trình xây dựng để đối mặt với một vấn đề. Đê bao, kè chống sạt lở, hạ tầng thủy lợi, nôm na những thứ xây bằng xi măng thì gọi là công trình.

Còn giải pháp phi công trình là những ứng phó không dùng xi măng: tuyên truyền, đào tạo cho người nông dân, hay trong trường hợp cụ thể của miền Tây, là ứng dụng cách nuôi trồng mới, con giống mới, quy hoạch lại việc sử dụng đất đai để ứng biến với xâm nhập mặn.

Các bác chỉ ưu tiên giải pháp công trình - chị bỗng nhiên nói. Tôi nhớ vẻ mặt của chị lúc ấy và cảm giác ngạc nhiên của mình. Trong định kiến của tôi, cán bộ địa phương không mấy khi chủ động thú nhận các vấn đề của chính quyền với phóng viên [họ thường làm ngược lại]. Nhưng người phụ nữ trước mặt tôi lộ rõ vẻ buồn rầu. Vì giải pháp công trình thì giải ngân nhanh - chị tự lý giải.

Tam đoạn luận ở đây rất dễ tiếp nhận: có hai giải pháp; một giải pháp giải ngân nhanh hơn; và cái gì giải ngân nhanh hơn được ưu tiên. Trước mặt tôi, là một cán bộ, nuôi một sự cám cảnh đến mức phải chủ động tâm sự với đối tượng ít nên tâm sự nhất, là một ông phóng viên.

Ấn tượng sâu sắc về cuộc nói chuyện ấy tạo ra một phản xạ về sau: trước bất kỳ một công trình công cộng nào được xây dựng, tôi luôn đặt câu hỏi rằng có giải pháp phi công trình nào không? Những công trình trăm tỷ và nghìn tỷ, được chính quyền lý giải là xây dựng nhằm giải quyết một vấn đề gì đó. Nhưng có cách nào không dùng xi măng mà cũng tham gia giải quyết vấn đề không?

Để dễ tưởng tượng, thì bộ giải pháp giống như cái CPU, có phần cứng và phần mềm. Khi người ta xây một bảo tàng nghìn tỷ - như Bảo tàng Hà Nội - và tuyên bố rằng nó gìn giữ các giá trị lịch sử thì hoàn toàn không sai. Nhưng đó chỉ là phần cứng. Để giải quyết vấn đề gìn giữ giá trị lịch sử, cần có bộ phần mềm, là sưu tầm và trưng bày hiện vật, các hoạt động, nội dung giới thiệu hấp dẫn, hay thậm chí là cả việc tiếp thị quảng bá. Đó là các giải pháp phi công trình.

Tương tự, các nhà hát luôn chỉ là giải pháp công trình cho bảo tồn và phát triển nghệ thuật. Nếu những di sản như cải lương, chèo và tuồng không nhận được tài trợ về đào tạo, biểu diễn, quảng bá... thì kể cả cái nhà hát có tráng lệ và giá mấy nghìn tỷ, môn nghệ thuật đó vẫn sẽ điêu tàn. Và tất nhiên, cho dù có bỏ ra 300 triệu euro xây một cái sân giống hệt sân Bernabeu ở giữa lòng Hà Nội, thì cũng không có Messi.

Phía dưới bài viết này, bạn có thể giúp chúng tôi kể ra thêm nhiều ví dụ về những cái CPU có phần cứng khủng nhưng vẫn chạy phần mềm từ thời Bill Gates khởi nghiệp kiểu này. Hầu hết các vấn đề an sinh, từ giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao, hành chính công đều có những đại công trình mà người ta phải đặt câu hỏi rằng lắp xong phần cứng thì có phần mềm mới không.

Nhưng có nhiều lý do để tin vào kết luận của vị chi cục trưởng ở trên. Giải pháp công trình, kèm các dự toán 13 chữ số đằng sau nó, sẽ có xu hướng được ưu tiên hơn.

Giải ngân nhanh không phải là lý do duy nhất. Quan trọng hơn cả, là giải pháp công trình luôn dễ dàng hơn. Cứ đúng luật đấu thầu [trên giấy tờ] và giải ngân nhanh [trong thực tiễn], ngành xây dựng nước ta đã có đủ công cụ để tạo nên những tòa nhà hoành tráng nhất thế giới. Hơi khó một chút thì mời chuyên gia nước ngoài, vì các phép tính kiến trúc thì thế giới dùng chung, mà có khi còn được giải ngân thêm.

Nhưng giải pháp phi công trình thì các nhà quản lý cần nhiều sự tư duy. Không thể mời nhà tổ chức đấu bò ở Iberia về nghiên cứu chính sách đào tạo nghệ sĩ cải lương được, cho dù chúng cùng là việc bảo tồn văn hóa truyền thống. Thậm chí là trong cùng lĩnh vực, ví dụ thể thao, mời thầy ngoại về có khi còn thất bại. Các giải pháp phi công trình đòi hỏi sự ứng biến rất cao với thực tiễn, với đặc thù của nhóm đối tượng, với hoàn cảnh kinh tế-xã hội-chính trị riêng. Chúng tất nhiên cũng tốn thời gian hơn: để nhân rộng một cách vận hành mới, con giống mới hay chính sách đào tạo mới, có khi phải tốn mấy nhiệm kỳ.

Nghĩ các giải pháp phi công trình thực ra rất mệt mỏi và phải thực hiện liên tục, không bao giờ là đủ. Vì nó hướng tới việc giải quyết các mối quan hệ, nghĩa là hàm chứa biến số con người.

Những công trình nghìn tỷ là một chủ đề quan trọng của báo chí trong vài năm qua. Và đằng sau những công trình ấy, luôn đằng đẵng một câu hỏi: Vấn đề công trình đó hướng tới có được cải thiện? Sau đó, là câu hỏi sâu hơn, giải pháp phi công trình ở đây là gì?

Việc phân định này trở nên quan trọng trong phản biện. Bởi trước một công trình X, thì lý giải của chính quyền luôn là nó hướng tới giải quyết vấn đề Y. Điều này không sai. Nhưng không đủ. Nếu dư luận chỉ phản biện dựa trên logic công trình X giải quyết được vấn đề Y hay không, nhà hát có phát triển được nghệ thuật hay không, thì các tranh luận có thể rơi vào bế tắc. Ở đây còn cần một bộ giải pháp phi công trình Z nữa, mà chính quyền thường không mấy khi đưa ra kèm công trình, nên chúng bị bỏ quên.

Bởi vì có một việc khó và một việc dễ, một việc giải ngân nhanh và một việc tốn thời gian tâm sức, nên câu chuyện của những công trình không thể trông chờ vào sự tự hoàn thiện của các bác. Sự đúng đắn của các bộ giải pháp, phụ thuộc phần lớn vào tiếng nói giám sát và đòi hỏi từ nhân dân.

Người tầm thường, đặc biệt là người tầm thường có nhiệm kỳ công tác, sẽ luôn có xu hướng chỉ chọn giải pháp thứ nhất.

Đức Hoàng

Chủ Đề