Sắc mệnh chi bảo nghĩa là gì

TP - Cơn cớ cuộc tọa đàm về ấn “Sắc mệnh chi bảo” tìm thấy ở Hoàng thành Thăng Long bắt nguồn từ nhiều tranh cãi gần đây trên báo chí, các nhà nghiên cứu được dịp tranh luận rất sôi nổi quanh chiếc ấn tại tọa đàm chiều 26/2.

Lai lịch

PGS.TS Tống Trung Tín, phụ trách nhóm khai quật tại Hoàng thành Thăng Long trình bày chi tiết biên bản khảo cổ học. Theo đó miếng gỗ khắc “Sắc mệnh chi bảo” được tìm thấy tại Vườn Hồng, gần nhà Quốc hội vào tháng 12/2012, có hình vuông mỗi cạnh 10,5 cm, dày 5 cm, và bị tách làm hai khi phát lộ.

“Tại vị trí hố khai quật G18 phát hiện di vật Sắc mệnh chi bảo. Di vật tìm thấy trong lớp văn hóa đời Trần, được so sánh với các di tích thời Trần khác”, PGS Tín nói. Lúc đầu chưa nhận định là ấn, chỉ là miếng gỗ nhưng sau khi xử lý cho thấy có hai mặt, chữ viết theo kiểu ấn. Ở phần lưng ấn không phát hiện núm ấn, nhưng dấu vết hơi gồ lên hình tròn, ngờ chính là núm ấn.

Lối giám định truyền thống của ngành khảo cổ học cho thấy di vật tạm được gọi là ấn này thuộc thời Trần. Nhóm khảo cổ mời các chuyên gia khác vào cuộc. PGS.TS Hoàng Văn Khoán khẳng định bên cạnh cứ liệu nó nằm trong lớp văn hóa thời Trần, ông so sánh về chữ viết. Ông căn cứ chữ “Bảo” trong Sắc mệnh chi bảo từ thời Lê đến triều Nguyễn. Ông lấy đồng tiền Nguyên Phong [thời vua Trần Thái Tông], tiền Đại Trị Thông Bảo [Trần Dụ Tông] thậm chí tiền Thánh Nguyên Thông Bảo [Hồ Quý Ly] làm căn cứ, đều có chữ “Bảo” giống như thế.

Trước đó, PGS.TS Tín giải thích ba thắc mắc quanh miếng gỗ cổ này. Thứ nhất là tầng văn hóa không bị xáo trộn, hiện vật tìm thấy nằm giữa các di vật khác, bên trên có một lớp đất sét dày 10cm. Thứ hai, chất liệu gỗ có thể tồn tại 600-700 năm. Ngay khu Vườn Hồng tìm thấy hàng nghìn cọc gỗ dài 2,4m từ thời Đại La, có thể là chân móng thành Đại La. Tầng văn hóa thời Lý cũng tìm thấy hàng loạt lá đề bằng gỗ, trên mặt lá đề còn có sơn son. Khu vực này cũng phát lộ nhiều mảnh gỗ kiến trúc thời Trần cực kỳ đẹp. Đặc biệt là so sánh cho thấy chữ viết sắc nét, chữ khắc ngược đúng kiểu chữ trên ấn. Trong lời phát biểu khá dài, nhà sử học Lê Văn Lan thậm chí mạnh dạn cho rằng ấn này được tạo tác trong vòng 10 ngày, kể từ 19 tháng Giêng năm 1258. Nhận định này bị cho là quá viển vông, chỉ nên dừng lại ở niên đại thời Trần.

GS.TSKH Phan Huy Lê [người chống cằm] phản đối khai ấn và phát ấn tại Hoàng thành Thăng Long. Ảnh: Toan Toan.

Tranh cãi

Dù được phát hiện và trưng bày công khai tại Hoàng thành suốt thời gian dài, chỉ tới đầu xuân này dư luận mới xôn xao rằng mảnh gỗ này không phải ấn. TS Phạm Quốc Quân tin đây là hiện vật thời Trần, tuy nhiên ông cho rằng cách so sánh của PGS.TS Hoàng Văn Khoán về thư pháp là chưa đủ. Bởi thư pháp triện của quân đội khác hành chính, triện nhà vua khác triện thường, chất liệu đá khác đồng. Cách so sánh trên tiền cổ cũng chỉ là một gợi ý. Theo TS Quân cần sự so sánh trên cùng chất liệu.

Sau loạt ý kiến đồng tình của GS. TS Trịnh Sinh và GS Vũ Minh Giang, đến lượt mình nhà nghiên cứu Hán Nôm Nguyễn Công Việt yêu cầu bổ sung cứ liệu để tính thuyết phục cao hơn: “Theo nguyên tắc ấn phải có núm ấn, thân ấn, đế ấn. Ở đây hiện vật không có núm, nên phải mô tả trung thực là mảnh đế ấn”. Ông đưa giả thiết đây có thể là một ấn được thiết kế theo kiểu “hổ phù” với hai phần ghép vào nhau.

Một hồi giơ tay phát biểu không đến lượt, TS Nguyễn Xuân Diện “cướp” diễn đàn, lí luận: đoạn sử liệu trong Đại Việt Sử ký toàn thư nhắc về ấn gỗ nhưng không nói rõ tên ấn. Ông cho rằng Sắc mệnh chi bảo không phải ấn để điều binh. Vị này dẫn thêm tài liệu của Trung Quốc rằng, ấn Sắc mệnh chi bảo chỉ có tại Trung Quốc từ thời Minh, thế kỷ 15. Về ý kiến này, nhiều nhà nghiên cứu nói không thể dựa hoàn toàn vào sử Trung Quốc để đối chiếu, bởi nhiều khi sử chép không đủ hoặc không ghi chép.

Tọa đàm chứng kiến “sự trỗi dậy” của những người nghiên cứu trẻ, thậm chí một nhà báo tự xưng là nhà nghiên cứu độc lập cũng tranh thủ đặt nghi vấn, phản bác các bậc cao niên. Người chuyên phục chế, nghiên cứu về giấy- Lê Quốc Việt, giảng viên Hán Nôm phản đối gay gắt luận điểm của PGS.TS Hoàng Văn Khoán. Khẳng định Sắc mệnh chi bảo chỉ dành cho phong thần, anh này kết luận chắc nịch: “Tôi cho rằng đây là phiên bản vụng về con dấu thời Lê Trung Hưng”.

Nhà nghiên cứu Hán Nôm trẻ Trần Trọng Dương đồng thuận với hai ý kiến phản bác trên- không nên vội vàng chắp nối sử liệu, do sử sách không nói rõ tên ấn. Anh nêu thắc mắc, thường sau khi nhà vua tìm được ấn gốc, tại sao không hủy bản ấn gỗ. Nguyễn Công Việt một lần nữa nhắc giả thiết cách tạo tác ấn tách làm hai mảnh từ đầu, dùng để ghép lại trong trường hợp điều động hoặc ra sắc lệnh. Một nhà nghiên cứu trẻ tuổi tên Huy nhắc đến cách phối ấn, đồng tình quan điểm này của TS Công Việt.

Kết luận tọa đàm, GS Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam giải đáp có phần thấu tình đạt lý một số thắc mắc. Ông kể, ngay khi PGS Tín đào được miếng gỗ, ông đến tận nơi. “Trước hết phải nhìn nhận Sắc mệnh chi bảo như hiện vật khảo cổ học. Có hai vấn đề đủ cơ sở kết luận: Đây là ấn thật đào được trong quá trình khảo cổ học, không thể có sự ngụy tạo. Thứ hai di vật gỗ rành rành vẫn có từ thời Lý tồn tại, ngay khu Hoàng thành cũng nhiều. Tôi và các nhà khảo cổ học sẵn sàng bảo vệ kết luận này”. Tuy nhiên, GS Lê cũng nhấn mạnh, các nhà nghiên cứu cần tiếp tục thảo luận sâu, kết hợp liên ngành để giải đáp chính xác gốc tích chiếc ấn. Ông cũng đề nghị giám định chất liệu gỗ, vết sơn hoặc vết son dính trên dấu-những thứ này hoàn toàn có thể làm được nhờ phương pháp khoa học hiện đại.

Không ủng hộ phát ấn

Các nhà khoa học chủ đích không bàn chuyện nên hay không tái hiện lễ khai ấn, phát ấn tại Hoàng thành, nhưng đây vẫn là vấn đề được nhắc xuyên suốt các phát biểu. “Hiện vật này vô giá, không chỉ là chiếc ấn, nó còn là câu chuyện hay về việc nhà vua dùng chiếc ấn tạm thời giải quyết việc quân”, GS Trịnh Sinh nói. Nhiều ý kiến cho rằng nên thu nhỏ hiện vật để biến thành sản phẩm lưu niệm cho du khách.

“Riêng tôi đánh giá rất cao ấn gỗ này, gỗ mà quý hơn vàng. Vì nó quá độc đáo, trong lịch sử quân chủ Việt Nam duy nhất có trong chính sử ghi chép về việc một vương triều cho khắc ấn gỗ. Ấn này ra đời trong thời kỳ chống Mông Nguyên lần thứ nhất, phản ánh tình hình thời đó khẩn trương, ác liệt. Sau nghiên cứu giám định chắc chắn 100%, ấn này xứng đáng bảo vật quốc gia”, GS.TS Phan Huy Lê đánh giá.

Phát huy giá trị di sản cũng nằm trong các khuyến nghị của UNESCO, tuy nhiên các nhà nghiên cứu đều khẳng định cần thận trọng trong thể nghiệm. “Không thể để dẫn đến hỗn loạn của cái gọi là lễ đóng ấn, khai ấn, phát ấn”, TS Nguyễn Quốc Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tôn giáo nói. Ông nhấn mạnh, nếu làm không cẩn thận, nhiều người sẽ thấy đây giống như cuộc cạnh tranh với khai ấn đền Trần.  

“Cá nhân tôi không tán thành khai ấn, phát ấn như đền Trần. Ấn đền Trần không phải Sắc mệnh chi bảo, là Trần miếu tự điển, nó ấn thờ ở các đền. Lễ phát ấn mang ý nghĩa giữa các đền với nhau, sau này phát rộng rãi đã không hay rồi. Còn ở đây Sắc mệnh chi bảo là ấn của Vương triều, lại ở Cấm thành thì không phải như ấn đền thờ được”, GS Phan Huy Lê nói. Ông nhấn mạnh sử liệu thời Nguyễn chép về lễ phong ấn, khai ấn chỉ mang tính nghi thức, không phải lễ hội. Ông Trần Việt Anh, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long-Hà Nội nói tiếp thu các ý kiến đóng góp, tiếp tục nghiên cứu về chiếc ấn “Sắc mệnh chi  bảo” này.

Toan Toan

Căn cứ vào các tư liệu thực chứng cho thấy, ấn “Sắc mệnh chi bảo” chưa hề được dùng vào việc quân cơ, mà chủ yếu là được dùng đóng trên sắc phong thần ở các nơi thờ tự trong cả nước./ Có ấn 'Sắc mệnh chi bảo' đời Trần không?

Chiếc ấn mà sách “Đại Việt sử ký toàn thư” nhắc đến năm 1257 cũng không biết tên. Việc gắn cho nó cái tên “Sắc mệnh chi bảo” của các nhà khoa học cũng chưa có căn cứ.

Không dùng vào việc quân cơ

Qua khảo sát trên các tư liệu, giới nghiên cứu Hán Nôm trong cả nước đều khẳng định, chưa tìm thấy ấn “Sắc mệnh chi bảo” được dùng vào việc quân cơ. Ấn này chỉ thấy đóng trên sắc phong thần ở các nơi thờ tự như đình, đền. Con dấu của ấn “Sắc mệnh chi bảo” có niên đại sớm nhất được tìm thấy trên sắc phong vào năm Hồng Đức thứ 28, tức năm 1497, năm cuối cùng trị vì của vua Lê Thánh Tông [1460-1497].

Qua đối chiếu trên châu bản triều Nguyễn, cũng không hề sử dụng ấn “Sắc mệnh chi bảo”, mà sử dụng ấn của Ngự tiền văn phòng.

Khảo cứu công phu về Ấn chương Việt Nam qua các triều đại phong kiến từ Lý, Trần, Lê sơ, Mạc, Lê Trung hưng, Tây Sơn đến Nguyễn, của PGS.TS Nguyễn Công Việt [nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm] - chuyên gia về Ấn chương - đã cho thấy: “Vì binh hỏa triền miên nên những hiện vật quý giá như ấn chương hầu hết bị chôn vùi, thất thoát”. Tuy nhiên, vẫn còn những hiện vật để làm bằng chứng cho việc sử dụng ấn chương của các triều đại. Vậy đời Trần dùng ấn nào?

Năm 1999 trên cơ sở bài “Khảo về ấn của thổ quan phát hiện ở Quảng Tây” của học giả Nhật Bản Taniguchi Fusao, GS. Hà Văn Tấn đã viết bài “Về một quả ấn Việt Nam thời Trần tìm thấy ở Quảng Tây - Trung Quốc”. Cuối bài viết ghi rõ: “Quả ấn có mặt hình vuông, mỗi chiều 50mm, dày 10mm, núm ấn cao 26mm. Mặt ấn khắc 6 chữ theo lối triện “Bình Tường thổ châu chi ấn”, chia thành 2 dòng mỗi dòng 3 chữ. Mặt lưng, hai bên núm ấn, có khắc chữ. Bên phải núm ấn là chữ “Đại Trị ngũ niên”, bên trái núm ấn là 5 chữ “Nhâm Dần tứ nguyệt chú”.

Đại Trị là niên hiệu của vua Trần Dụ Tông. Đại Trị ngũ niên là năm Đại Trị thứ năm, đó cũng là năm Nhâm Dần, tức năm 1362 dương lịch. “Nhâm Dần tứ nguyệt chú” là “Đúc tháng tư năm Nhâm Dần”. Nhìn kỹ ảnh chụp, tôi thấy ở đây chữ “nguyệt” khắc thiếu một nét ngang, đúng với thể lệ viết húy thời Trần.

Quả ấn này được tìm thấy ở núi Lộng Lạc, thuộc công xã Nghĩa Vu, huyện Điền Đông, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc năm 1983. Trong một chuyến công tác đến Quảng Tây - Trung Quốc, GS. Hà Văn Tấn đã tìm thấy dấu tích quả ấn đồng thời Trần của Việt Nam lưu lạc ở nơi đây.

Công trình nghiên cứu “Ấn chương Việt Nam” của PGS.TS Nguyễn Công Việt cũng khẳng định: “Cho đến ngày nay số lượng những quả ấn từ thời nhà Trần đến triều Tây Sơn còn lại không nhiều. Hiện nay tại một số cơ quan Bảo tàng thuộc Bộ VH&TT-DL còn lưu giữ được một số ấn đồng cổ, những ấn cổ này đã được xác định niên đại một cách chính xác”.

Đầu tiên phải kể đến ấn “Môn hạ sảnh ấn” được tạo năm Long Khánh thứ 5 đời vua Trần Duệ Tông [1377]. Tháng 10/2012, ấn này đã được Thủ tướng Chính phủ ra quyết định công nhận bảo vật quốc gia [đợt 1] cùng 29 hiện vật khác, hiện đang lưu trữ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.

“Môn Hạ sảnh ấn” cao 8,5cm, dài 7cm, rộng 7cm, trọng lượng 1,4kg. Mặt ấn hình vuông 7,3cm x 7,3cm, đúc 4 chữ triện “Môn hạ sảnh ấn”.

Trên ấn có hai dòng chữ: Bên trái: “Môn hạ sảnh ấn”. Bên phải: “Long Khánh ngũ niên, ngũ nguyệt, nhị thập, tam nhật tạo” [ngày 23 tháng 5 năm Long Khánh thứ 5, đời Trần Duệ Tông 1377]. Đây là con dấu của một chức quan thời Trần, phụ trách Môn hạ sảnh, một trong tam sảnh [Thượng thư sảnh, Trung thư sảnh và Môn hạ sảnh].

Không phải ấn đời Trần

Như vậy, đủ căn cứ để khẳng định rằng, không có chuyện ấn “Sắc mệnh chi bảo” được dùng vào việc quân cơ. Điều này bác bỏ hoàn toàn lập luận của PGS.TS Tống Trung Tín: “Ấn Sắc mệnh chi bảo là ấn của vua, đời vua nào cũng có. Ấn này có nghĩa vua ban mệnh, ban chức tước, công việc cho người giúp vua giúp nước”. Thêm nữa, ấn đào được ở lớp đất thời Trần không chắc chắn là của thời Trần.


Ấn “Sắc mệnh chi bảo” phỏng đời Tống Huy Tông [Niên đại: thế kỷ 21]

Về ý kiến lập luận của GS Hoàng Văn Khoán khi so sánh về mặt văn tự cũng không vững vàng. Bởi vì, bốn chữ “Sắc mệnh chi bảo” là thể chữ Triện thì có từ hơn 2.000 năm rồi, chứ không phải riêng nhà Trần mới dùng.

Việc dẫn tư liệu trong sách “Đại Việt sử ký toàn thư” cho biết vua Trần chạy giặc mất ấn nên phải làm ấn gỗ dùng tạm, TS Phạm Văn Ánh [Viện Văn học] nêu câu hỏi: Sử có ghi việc nhà Trần trong binh lửa phải làm ấn gỗ tạm dùng nhưng không nói ấn ấy khắc những chữ gì? Vậy căn cứ vào đâu để nói ấn “Sắc mệnh chi bảo” mới đào được kia chính là ấn đó? Thêm nữa, sau khi về kinh, đã có ấn chính thức rồi, sao không hủy ấn gỗ tạm bợ đi để tránh những việc phức tạp về sau”.

Ông Ánh cũng băn khoăn là mảnh gỗ mỏng manh kia nếu bị chôn xuống đất trong khoảng thời gian lâu đến thế mà sao vẫn nguyên vẹn, thậm chí còn rõ ràng sắc nét?

“Có con dấu “Sắc mệnh chi bảo” nào của thời Trần để đối chiếu, từ đó khẳng định chắc chắn đó là ấn thời Trần?”, TS Phạm Văn Ánh hồ nghi.

Cuối cùng, TS Phạm Văn Ánh khuyến cáo: “Cứ cho là ấn thời Trần đi chăng nữa thì việc tổ chức khai ấn, đóng ấn, phát ấn, và tương lai có phần chắc là sẽ có hiện tượng bán ấn nữa, phải chăng cần cân nhắc thận trọng để tránh phát tán hiện tượng khai ấn, phát, bán ấn vốn đang có nguy cơ lan rộng như hiện nay”.

“Sắc mệnh chi bảo” đời Trần - thế kỷ 21

Để làm ấn “Sắc mệnh chi bảo” không khó. Trong giới nghiên cứu Hán Nôm và thư pháp nhiều người đã khắc chơi con dấu này. Cá nhân người viết bài này, đã được xem những con ấn bằng gỗ để làm bản sao sắc phong.

Con ấn ấy y hệt ấn gỗ ở hoàng thành, tuy nhiên nét khắc còn đẹp hơn ấn gỗ Hoàng thành. Ví dụ như ấn “Sắc mệnh chi bảo” phỏng đời Tống Huy Tông hay ấn “Sắc mệnh chi bảo” phỏng đời Hậu Lê của nước ta.

Video liên quan

Chủ Đề