So sánh giá điện 2009-2010

Giá điện sinh hoạt tăng cao nhất

Theo thông tư quy định về giá bán điện năm 2010 của Bộ Công Thương vừa ban hành, thực hiện từ ngày 1-3, giá điện sinh hoạt tăng 6,8%, giá điện bán cho các ngành sản xuất và điện kinh doanh tăng 6,3%, giá điện bán lẻ cho các cơ quan hành chính sự nghiệp tăng 6,1%

Theo Bộ Công Thương, phương án tăng giá điện sinh hoạt 6,8%, tương ứng với mức giá than cho điện đạt bằng giá thành sản xuất năm 2010, đã được Chính phủ tính toán, cân nhắc rất thận trọng để không gây tác động quá lớn đến sản xuất và đời sống.


CPI sẽ tăng 0,19%-0,27%


Theo tính toán, tổng số tiền chênh lệch do tăng giá điện bằng khoảng 0,30% GDP năm 2010, ước tính sẽ làm giảm tốc độ tăng GDP khoảng 0,34% và trực tiếp làm tăng CPI khoảng 0,19%-0,27%.


Trong đó, biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc thang được tính toán theo nguyên tắc nhằm tiếp tục thực hiện chính sách của Chính phủ hỗ trợ giá điện cho các hộ nghèo và hộ có thu nhập thấp vì đa số CB-CNV có mức sử dụng điện thấp.



Theo đánh giá của Bộ Công Thương, chi phí hằng tháng tăng thêm do điều chỉnh giá điện của các hộ gia đình không lớn. Ảnh: T.THẠNH


Mức giá cho bậc thang đầu tiên [0-50 KWh] được giữ nguyên bằng 600 đồng/KWh; mức bù giá cho bậc thang này bằng 43%, cao hơn mức bù giá của năm 2009 [37%]. Mức giá của bậc thang thứ 2 [từ 51 đến 100 KWh] được giữ bằng giá thành bình quân, không có lợi nhuận.

Mức giá của các bậc thang tiếp theo được điều chỉnh với tỉ lệ cao hơn tương ứng để bảo đảm bù chéo lẫn nhau giữa các bậc thang, bảo đảm giá bán lẻ điện bình quân sinh hoạt bậc thang tăng 6,8%.


Không giảm giá điện giờ cao điểm sáng


Biểu giá điện năm 2010 tiếp tục áp dụng giá điện giờ cao điểm sáng [từ 9 giờ 30 phút đến 11 giờ 30 phút từ thứ hai đến thứ bảy] và bãi bỏ việc giảm giá cho các đơn vị sản xuất một ca. Quy định giờ cao điểm nhằm bảo đảm phản ánh đúng chi phí sản xuất điện, hạn chế sử dụng điện vào các giờ có giá thành sản xuất và truyền tải điện cao, khuyến khích sử dụng vào các giờ có giá thành thấp.


Dự kiến với giá điện cho sản xuất tăng khoảng 6,3%, năm 2010 các ngành sản xuất phải trả thêm khoảng 2.630 tỉ đồng tiền điện, bằng khoảng 0,36% giá trị gia tăng công nghiệp năm 2010.

Một số ngành công nghiệp sản xuất 3 ca với chi phí tiền điện cao [chiếm 30%-40% giá thành sản xuất] như cấp nước, điện phân... giá thành sản phẩm sẽ tăng thêm khoảng 2,83%- 3,15%. Đối với các ngành cán thép, xi măng, giá thành tăng khoảng 0,2%-0,69%. Tính chung, chi phí tiền điện tăng thêm cho các ngành sản xuất phổ biến ở mức dưới 1% giá thành.


Người nghèo không bị ảnh hưởng nhiều


Theo sự tính toán của Bộ Công Thương, tăng giá điện sẽ làm tăng tiêu dùng cá nhân năm 2010 khoảng 0,19%-0,27%. Theo thống kê từ hóa đơn sử dụng điện, số hộ có mức sử dụng bình quân dưới 50 KWh/tháng trong năm 2009 chiếm 23,8% tổng số hộ sử dụng điện sinh hoạt và chiếm trên 50% ở vùng nông thôn, miền núi.



Để thực hiện chính sách bù giá cho hộ thu nhập thấp, giá điện cho 50 KWh đầu tiên không tăng nên tất cả các hộ thuộc diện nghèo và một số lượng lớn hộ có thu nhập thấp, CB-CNV, người lao động ở thành thị lẫn nông thôn nếu dùng ít hơn 50 KWh/tháng sẽ không bị ảnh hưởng.


Đối với các hộ cận nghèo [có mức sử dụng điện từ 51 đến 100 KWh/tháng], giá điện cho bậc thang này giữ bằng giá thành bình quân sản xuất kinh doanh điện nên tiền điện phải trả thêm tối đa chỉ khoảng 7.000 đồng/tháng/hộ, bằng 0,33% thu nhập của hộ dân có mức thu nhập trung bình.



Các hộ sử dụng tới 200 KWh/tháng, tiền điện phải trả thêm tối đa khoảng 16.000 đồng/tháng, bằng 0,53% thu nhập hằng tháng của hộ dân. Các hộ sử dụng 300 KWh/tháng, tiền điện phải trả thêm vào khoảng 26.000 đồng/tháng. Với hộ trên 400 KWh/tháng, trả thêm 36.500 đồng/tháng. Theo đánh giá của Bộ Công Thương, mức chi phí hằng tháng tăng thêm do điều chỉnh giá điện của các hộ gia đình là không lớn.

Tô Hà

* Giá điện sinh hoạt tăng mạnh nhất

Phóng to
Giá điện sinh hoạt tăng cao nhất - Ảnh: C.V.K

Nguyên tắc điều chỉnh giá điện năm 2010 đã được tính rất kỹ để không ảnh hưởng lớn đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đến mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô trong điều kiện kinh tế đang phục hồi. Nhưng giá này cũng đủ để khuyến khích người dân tiêu dùng điện tiết kiệm; khuyến khích doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, đổi mới công nghệ, sử dụng điện tiết kiệm…

Về mức điều chỉnh, giá bán điện bình quân năm 2010 là 1.058 đồng/kWh, tăng 6,8% so với giá điện bình quân thực hiện năm 2009. Thời gian thực hiện từ ngày 1-3-2010. Với giá điện trên, giá than cho sản xuất điện năm 2010 tăng không quá 47% đối với than cám 4b và 28% đối với than cám 5 so với giá than dùng cho sản xuất điện năm 2009.

Giá điện sinh hoạt tăng mạnh nhất

Với biểu giá điện 2010, Bộ Công thương cho biết giá bán điện cho sinh hoạt sẽ tăng cao nhất để xóa bỏ dần bù chéo từ điện sản xuất cho điện sinh hoạt. Vì vậy, giá bán điện bình quân cho các ngành sản xuất chỉ tăng 6,3%, thấp hơn mức tăng giá điện bình quân chung. Giá bán lẻ điện bình quân cho sinh hoạt bậc thang tăng 6,8%. Giá bán lẻ điện bình quân cho cơ quan hành chính sự nghiệp và kinh doanh có tỷ lệ tăng tương ứng là 6,1% và 6,3%.

Tuy nhiên, để hỗ trợ người nghèo, Bộ Công thương cho biết năm 2010 sẽ tiếp tục trợ giá điện cho các hộ nghèo, hộ có thu nhập thấp và đa số cán bộ công nhân viên chức có mức sử dụng điện thấp.

Cụ thể, mức giá cho bậc thang đầu tiên [0-50 kWh] được giữ nguyên bằng 600 đồng/kWh. Với việc giữ nguyên này, mức bù giá của nhà nước cho bậc thang này bằng 43% [cao hơn mức bù giá 37% của năm 2009]. Mức giá của bậc thang thứ hai [51 - 100 kWh] được giữ ở mức tương đương giá thành bình quân, không có lợi nhuận. Mức giá của các bậc thang tiếp theo được điều chỉnh với tỷ lệ cao hơn tương ứng để đảm bảo bù chéo đủ cho các bậc thang thấp và đảm bảo giá bán lẻ điện bình quân sinh hoạt bậc thang tăng ở mức 6,8%.

Giá bán lẻ điện tại những khu vực không nối lưới điện quốc gia được xây dựng và do UBND cấp tỉnh ban hành. Công nhân, sinh viên, những người phải đi thuê nhà… cũng sẽ không phải chịu mức giá điện cao do phải chịu giá điện từ các số 100kwh trở lên. Theo ông Đỗ Hữu Hào, nếu thuê nhà lâu dài, chỉ cần 4 người cũng sẽ được yêu cầu lắp côngtơ riêng để cũng được hưởng ưu đãi 100kwh đầu trợ giá của nhà nước.

Tăng cường quản lý để tránh việc hàng hóa tăng theo giá điện

Dự kiến với giá điện cho sản xuất tăng khoảng 6,3%, năm 2010 các ngành sản xuất phải trả thêm khoảng 2.630 tỷ đồng tiền điện. Một số ngành công nghiệp sản xuất 3 ca với chi phí tiền điện cao [chiếm 30-40% giá thành sản xuất] như cấp nước, điện phân… giá thành sản phẩm sẽ tăng thêm khoảng 2,83% - 3,15%; các ngành cán thép, xi măng giá thành sẽ tăng thêm khoảng 0,20% - 0,69%.

Theo số liệu thống kê, số hộ có mức sử dụng bình quân dưới 50kWh/tháng trong năm 2009 chiếm 23,8% tổng số hộ sử dụng điện sinh hoạt ở các vùng do các công ty điện lực trực tiếp bán điện và chiếm trên 50% ở những vùng nông thôn miền núi. Do giá điện cho 50kWh đầu tiên vẫn được giữ nguyên nên tất cả các hộ thuộc diện nghèo và một số lượng lớn số hộ có thu nhập thấp, cán bộ, công nhân viên, người lao động cả ở thành phố và nông thôn sẽ không chịu ảnh hưởng của việc tăng giá điện [nếu dùng điện ít hơn 50kWh/tháng].

Đối với các hộ sử dụng điện ở mức đến 100kWh/tháng, giá cho bậc thang này được giữ ở mức tương đương giá thành bình quân sản xuất kinh doanh điện [ngành điện không có lãi], tiền điện phải trả thêm tối đa của các hộ này là khoảng 7.000 đồng/tháng. Các hộ sử dụng tới 200 kWh/tháng, tiền điện phải trả thêm tối đa khoảng 16.000 đồng/tháng. Hộ sử dụng 300 kWh/tháng, tiền điện phải trả thêm vào khoảng 26.000 đồng/tháng. Các hộ sử dụng 400kWh/tháng số tiền phải trả thêm sẽ là 36.500 đồng/tháng…

Đối với các hàng hóa thiết yếu cho sinh hoạt hàng ngày như thực phẩm, hàng may mặc, nhiên liệu xăng dầu… thực tế, tỷ trọng chi phí tiền điện trong giá thành các mặt hàng này là rất nhỏ, do đó tỷ lệ tăng giá các mặt hàng này do điều chỉnh giá điện là không đáng kể. Tuy nhiên, kinh nghiệm những đợt điều chỉnh giá điện trước kia cho thấy, nhiều đơn vị kinh doanh thường lợi dụng việc điều chỉnh giá điện để tăng giá các mặt hàng thiết yếu nhằm thu lợi nhuận nên Bộ Công thương cho biết sẽ tăng cường công tác quản lý thị trường để hạn chế hiện tượng tiêu cực, gây ảnh hưởng không tốt đến đời sống nhân dân.

Bốn lý do chính tăng giá điện

Theo Bộ Công thương, việc điều chỉnh giá điện năm 2010 là cần thiết vì nhiều lý do. Tiêu biểu, theo ông Đỗ Hữu Hào, thứ trưởng Bộ Công thương, phải điều chỉnh giá đầu ra khi các yếu tố đầu vào hình thành giá điện đều tăng cao trong năm 2009 và sẽ tiếp tục tăng trong năm 2010. Như tỉ giá ngoại tệ tăng cao [tăng từ 17.000đ/USD vào thời điểm tính toán giá điện 2009 lên đến 18.470 vào tháng 12-2009] đã làm tăng chi phí sản xuất và mua điện gần 800 tỷ đồng.

Giá khí Cửu Long tăng 22% từ 2USD/triệu BTU lên 2,445 USD/triệu BTU từ 1-6-2009, làm tăng chi phí mua điện 2009 là 95 tỷ đồng. Giá dầu DO, FO tăng 16% và 29% so với tính toán [làm tăng chi phí phát điện 156 tỷ đồng]. Lương tối thiểu được điều chỉnh từ 1-5-2009 từ 540 nghìn đồng lên 650 nghìn đồng [tăng 20,4%].

Về bản thân hệ thống, khối lượng đầu tư sửa chữa lớn lưới điện và các nhà máy điện tăng cao. Năm 2009, do các thông số đầu vào thay đổi, ước tính tổng chi phí sản xuất kinh doanh điện cho toàn ngành điện đã tăng 2.565 tỷ đồng so với tính toán ban đầu, trong đó khâu phát điện tăng 1.400 tỷ đồng, khâu truyền tải tăng 238 tỷ đồng, khâu phân phối và bán lẻ điện tăng 936 tỷ đồng.

Dự kiến năm 2010, các chi phí đầu vào cho sản xuất kinh doanh điện sẽ tiếp tục tăng cao hơn nữa, giá các nhiên liệu chính cho điện như than, khí, dầu đều tăng. Riêng giá than cho điện tăng 47% đối với than cám 4b và tăng 28% đối với than cám 5 so với năm 2009 làm tăng chi phí phát điện năm 2010 khoảng 1.280 tỷ đồng.

Do tổng chi phí sản xuất kinh doanh điện dự tính sẽ tăng cao nên theo Bộ Công thương, nếu không điều chỉnh tăng giá điện thì tình hình tài chính của ngành điện sẽ không đảm bảo huy động vốn cho đầu tư để đảm bảo ổn định cung cấp điện lâu dài.

CẦM VĂN KÌNH

Video liên quan

Chủ Đề