Tại sao người cho vay tín dụng đen ít lo lắng về rủi ro đạo đức

1.Tổng quan về “Tín dụng đen”

1.1.“Tín dụng đen” là gì?

“Tín dụng đen” được dùng để chỉ các hoạt động cho vay dân sự giữa các cá nhân, tổ chức không qua hệ thống tín dụng chính thức.

Đặc trưng cơ bản nhất của tín dụng đen là cho vay với mức lãi suất cao và bị pháp luật nghiêm cấm. Chính vì vậy mà nó được gọi là tín dụng cho vay nặng lãi hay tín dụng đen.Tín dụng đen thường diễn ra như những hoạt động ngầm, âm thầm, không ồn ào, nhưng hệ lụy của nó thì có thể là khuynh gia bại sản, thậm chí có những tình huống siết nợ bạo lực, đẫm máu và nước mắt, gây bất an cho xã hội.

1.2.Các chủ thể tham gia tín dụng đen

Các tổ chức và cá nhân tham gia vào hoạt động “tín dụng đen” bao gồm:

- Bên cung ứng vốn [Bên gửi tiền cho các tổ chức, cá nhân làm tín dụng đen]: thường là những người có tiền nhàn rỗi, có ham muốn cho người khác vay với lãi suất cao; không hiểu biết hoặc do động cơ lợi nhuận mà bỏ qua các qui định, cảnh báo của pháp luật.

- Bên cung cấp tín dụng đen: thường là những cá nhân bất hảo, sẵn sàng làm trái các qui định của pháp luật, đạo đức, chuẩn mực của xã hội vì động cơ siêu lợi nhuận.

- Bên đi vay tín dụng đen:

+ Các doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân làm ăn nghiêm túc, chấp nhận vay vốn với lãi suất cao trong thời gian ngắn để xử lý mục tiêu trước mắt.

+ Các tổ chức, cá nhân doanh phi pháp như buôn lậu, gian lận thương mại, rửa tiền, kinh doanh hàng quốc cấm… và cho vay nặng lãi tiếp.

1.3.Đặc điểm của “tín dụng đen”

“Tín dụng đen” đã và đang tồn tại dưới nhiều hình thức công khai, phổ biến với một số đặc điểm cơ bản như: Lãi suất cao và thường được thỏa thuận bằng miệng [lãi suất huy động và cho vay thường cao hơn từ 3 đến 5 lần và thậm chí còn cao hơn so với mặt bằng lãi suất của các kênh tín dụng chính thống ]; Thời gian huy động và cho vay ngắn [thời gian huy động vốn thường tính theo tháng, tái diễn theo thảo thuận và được ngụy trang bằng trả lãi sòng phẳng ở những kỳ trả lãi đầu tiên; thời gian vay chỉ tính bằng ngày, bằng tuần, tối đa chỉ một vài tháng]; Hình thức vay nhanh gọn, tiện lợi [ thời gian giải ngân nhanh và thường chỉ trong ngày khi đạt được thỏa thuận, bên cho vay có thể được bảo đảm bằng tài sản hoặc bằng “niềm tin” của bên đi vay].

Bên cạnh đó, lãi cho vay “tín dụng đen” được tính vào gốc và ghi ngay vào giấy nhận nợ ở thời điểm nhận tiền vay. Đến hạn trả, nếu bên vay không trả được nợ, các hình thức đòi nợ bằng xã hội đen được áp dụng. Ngược lại, người gửi tiền rất khó có thể lấy lại được tiền khi các con nợ là xã hội đen gặp khó khăn về thanh khoản.

1.4.Nguyên nhân dẫn đến tín dụng đen

Tín dụng đen hoạt động xuất phát từ nhu cầu về vốn của của cá nhân và tổ chức trong nền kinh tế. Có “Cầu” thì có “Cung”.

Cầu ở đây xuất phát từ hai nhóm khách hàng có nhu cầu về vốn hoàn toàn khác nhau về bản chất:

Thứ nhất, nhóm khách hàng làm ăn chính đáng. Họ thiếu vốn tạm thời nhưng ngại phải tiếp xúc kênh tín dụng chính thống do thủ tục vay vốn phức tạp, thời gian xử lý lâu, nên tìm đến tín dụng đen có thủ tục cho vay đơn giản, thời gian xử lý cho vay rất nhanh. Một bộ phận khách hàng khác đang có nợ đến hạn tại các kênh tín dụng truyền thống nhưng chưa có nguồn trả nợ; họ tìm đến tín dụng đen để vay tạm đáo nợ ngân hàng.

Thứ hai, các tổ chức, cá nhân có hành vi phi pháp, như buôn lậu, gian lận thương mại, rửa tiền, kinh doanh hàng quốc cấmvà cho vay nặng lãi. Vì các tổ chức, cá nhân này không bao giờ có thể tiếp cận được các kênh tín dụng truyền thống, nên chúng phải tìm đến tín dụng đen để có vốn hoạt động phi pháp.

Xét về căn nguyên sâu xa hơn, tín dụng đen lại có nguồn gốc từ các hình thức chơi hụi, họ, biêu, phường trong nông thôn. Ban đầu, động cơ chơi hụi trong các làng quê là tốt. Người chơi hụi chủ yếu là để tiết kiệm và tương trợ nhau. Nhưng dần dần, nhiều nơi chơi hụi đã biến tướng thành cho vay nặng lãi và lừa đảo. Một số người đã lợi dụng vào nó mà trục lợi. Thực tế những năm gần đây, thường xuyên xảy ra các vụ giật hụi, bể hụi với số tiền lên đến hàng tỷ đồng, khiến nhiều gia đình lâm vào cảnh khốn đốn, chỉ vì lòng tin vào tình cảm anh em, bạn bè đồng nghiệp, bị hấp dẫn bởi số tiền “lời” thu được từ hụi quá lớn, mà có nhiều người trở thành tay trắng chỉ vì chơi hụi. Đến nay, không ít người vẫn rủ nhau chơi hụi, khi trắng tay mới tìm đến chính quyền nhờ can thiệp.Khi đó, hoạt động chơi hụi này đã “biến tướng” thành “tín dụng đen” với hình thức cho vay nặng lãi mà pháp luật đã nghiêm cấm ở trên.

Xuất phát từ kiến thức pháp luật hạn chế, không phải tất cả người cho vay đều biết rằng việc cho vay “tín dụng đen” với lãi suất cao như vậy là vi phạm pháp luật. Hoặc nếu biết, người cho vay vẫn cố tình vi phạm do bị hấp dẫn bởi mức lãi suất cao ngất ngưởng và bị cả tin vào các “con nợ” bằng cách ứng xử duy tình. Cũng vì tâm lý này, việc cho vay thường thực hiện dễ dàng bằng lời nói, giao nhận tiền không lập biên nhận. Sự lơi lỏng trong giao dịch một phần cũng do quá tin tưởng vào mối quan hệ thân thiết giữa người cho vay và người vay.“Cho vay bằng niềm tin” chính là yếu tố đem lại rủi ro lớn cho hình thức “tín dụng đen” khi tiền thì thật mà niềm tin thì chưa chắc đã là thật.

2.Các qui định hiện hành của pháp luật về cấm hoạt động tín dụng đen

Tín dụng đen có tác động tiêu cực đến đời sống kinh tế, xã hội của các tầng lớp dân cư có liên quan đến hoạt động này. Vì vậy, các qui định của pháp luật đều hướng tới cấm sự phát triển của tín dụng đen.

- Theo Điều 471 - Bộ luật Dân sự năm 2005: “hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật quy định”.

- Để nghiêm cấm hoạt động cho vay nặng lãi, Điều 476 - Bộ luật Dân sự năm 2005 cũng quy định: “Về mức lãi suất, pháp luật cho phép các bên tự do thỏa thuận nhưng không được vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng nhà nước công bố”.

Như đã nêu ở phân nguyên nhân, tín dụng cho vay nặng lãi có nguồn gốc sâu xa từ chơi hụi họ, vì vậy, qui định của pháp luật về nghiêm cấm hoạt động cho vay nặng lãi thường gắn với hoạt động hụi họ.

- Điều 479 Bộ luật Dân sự 2005 quy định:“1. Họ, hụi, biêu, phường [sau đây gọi chung là họ] là một hình thức giao dịch về tài sản theo tập quán trên cơ sở thoả thuận của một nhóm người tập hợp nhau lại cùng định ra số người, thời gian, số tiền hoặc tài sản khác, thể thức góp, lĩnh họ và quyền, nghĩa vụ của các thành viên; 2. Hình thức họ nhằm mục đích tương trợ trong nhân dân được thực hiện theo quy định của pháp luật; 3. Nghiêm cấm việc tổ chức họ dưới hình thức cho vay nặng lãi”.

- Nghị định số 144/2006/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 17/11/2006cũng quy định :

1. Quyền và lợi ích hợp pháp của những người tham gia họ nhằm mục đích tương trợ trong nhân dân theo quy định của Nghị định này và các văn bản pháp luật khác có liên quan được pháp luật bảo vệ.

2. Nghiêm cấm việc tổ chức họ để cho vay nặng lãi, lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm hoặc các hành vi trái pháp luật khác để chiếm đoạt tài sản của người khác”.

Pháp luật cũng qui định nếu hành vi cho vay nặng lãi tái diễn nhiều lần sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.Điều 163 Bộ luật Hình sự quy định tội cho vay lãi nặng: “Người nào cho vay với lãi suất cao hơn mức lãi suất cao nhất mà pháp luật quy định từ mười lần trở lên có tính chất chuyên bóc lột, thì bị phạt tiền từ một lần đến mười lần số tiền lãi hoặc phải cải tạo không giam giữ đến một năm”.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy Điều 163 nêu trên hiện nay không còn phù hợp. Bởi, với động cơ “có tính chất chuyên bóc lột” thì những người cho vay nặng lãi luôn tìm cách né tránh các qui định pháp luật cấm. Như đề cập ở phần đặc điểm của cho vay nặng lãi, các chủ nợ tránh sự truy cứu của pháp luật bằng cách không ghi lãi suất tiền vay phải trả, mà tính chung vào giấy nhận nợ như là tiền gốc. Ví dụ: ngày 15/4/2014 ông A vay tín dụng đen 100 triệu đồng, lãi suất 10% tháng, thời gian vay 1 tháng; thì trên giấy nhận nợ ghi: Ông A vay 110 triệu đồng [thực tế ông A chi nhận tiền vay 100 triệu đồng], ngày trả nợ cuối cùng là 15/5/2014”.

Vì vậy 1 , cho dù lãi suất cho vay có cao hơn mức lãi suất cao nhất mà pháp luật quy định từ 10 lần trở lên thì các chủ nợ vẫn không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cho vay nặng lãi theo Điều 163 nêu trên. Qua điều tra xử lý các vụ vỡ nợ gần đây cho thấy, tình trạng cho vay nặng lãi hiện phức tạp hơn nhiều, trong khi đó chế tài lại không đủ sức răn đe đối tượng. Trong khi thông lệ ngân hàng nghiên cứu đưa ra, nếu mức lãi suất cho vay mà chiếm hết phần lợi nhuận của bên vay thì đã là vay nặng lãi rồi. Chính vì kẽ hở như trên nên các đối tượng dễ bề lợi dụng để hoạt động “tín dụng đen” và công tác đấu tranh với vấn nạn này gặp khó khăn.

3.Thực trạng và hậu quả của “tín dụng đen”

Hoạt động tín dụng đen ở nước ta đã âm ỷ từ rất lâu, nhưng gần đây mới đổ bể nhiều và diễn biến phức tạp. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, gần đây các vụ vỡ nợ tín dụng đen mới bung ra một cách khủng khiếp hơn hẳn thời gian trước là do việc các tổ chức tín dụng thắt chặt các điều kiện tín dụng. Từ năm 2011, nợ xấu tăng, các TCTD thắt chặt các điều kiện cấp tín dụng để giảm thiểu rủi ro, đây là cơ hội để tín dụng đen bùng phát. Tín dụng ngân hàng bị thắt chặt cộng với suy thoái kinh tế, các doanh nghiệp rơi vào cảnh sức cùng lực kiệt, nên các "quả bom” tín dụng đen bắt đầu phát nổ.

Hậu quả của việc vay tiền từ tín dụng đen là không thể trả được lãi và gốc của những khoản vay. Trên thực tế, không có ngành kinh doanh nào có thể kinh doanh sinh ra đủ lợi nhuận để chi trả lãi theo hình thức trên. Trong khi về phía cho vay, khi lãi suất lên đến đỉnh điểm, lắm người không chỉ dốc toàn bộ số tiền tiết kiệm được mà còn giấu gia đình cắm sổ đỏ vay tiền ngân hàng, đi huy động anh em, họ hàng, người thân giúp để có tiền cho vay.Các đối tượng vay tiền đã đánh đúng vào lòng tham lãi suất cao của người cho vay. Đây là vấn đề rất khó thay đổi bởi nó ăn sâu, bám rễ vào tâm tưởng của một bộ phận dân cư. Mặc dù vẫn biết cho vay ngoài ngân hàng có rất nhiều nguy cơ rủi ro nhưng vì ham lãi suất cao, nhiều người vẫn nhắm mắt đánh cược với số phận. Bởi cho vay lãi cao như vậy chẳng khác gì "gà đẻ trứng vàng". Vì vậy tất yếu lãi mẹ đẻ lãi con, khoản nợ không ngừng tăng lên, vì thế sẽ dẫn đến những người vay nợ mất khả năng chi trả. Hệ lụy của nó không chỉ là làm méo mó, hủy hoại nền kinh tế, mà thậm chí liên quan đến cả tính mạng con người. Đã có không ít số phận phải kết thúc bi thảm chỉ vì tín dụng đen.

Từ cuối năm 2013, cơn bão đỗ bể "tín dụng đen" bùng phát với sức quét khủng khiếp. Liên tục các vụ vỡ nợ với số tiền hàng trăm tỷ đồng xảy ra tại các địa bàn như Lạng Sơn, Hà Nội, Hải Dương, Điện Biên…đã gây bàng hoàng dư luận. Hàng trăm, hàng nghìn gia đình các nạn nhân đã rơi vào hoàn cảnh bĩ cực, "tán gia bại sản", thậm chí còn không nơi tá túc. Một con số thống kê [không chính thức] cho rằng, nguồn tín dụng đen vào thời điểm cuối năm 2013 chiếm xấp xỉ 30% tín dụng ngân hàng, với quy mô khoảng 50 tỉ USD 2. Đây là một con số quá lớn và sẽ rất nguy hiểm nếu tín dụng đen không có điểm dừng.

Chỉ trong vòng 2 tháng từ tháng 7-9/2013, ở các tỉnh phía Bắc đã xảy ra đến 3 vụ vỡ nợ với mức tiền khủng. Cuối tháng 7/2013, người dân ở TP Lạng Sơn bàng hoàng khicặp vợ chồngNguyễn Văn Trung - Tô Thị Bích Liên bỏ trốn, ôm theo món nợ vài trăm tỷ đồng của hàng chục người trên địa bàn tỉnh. Người cho vay nhiều nhất lên tới 128 tỷ đồng, có hai người khác cũng cho vay đến 60 tỷ đồng. Đến ngày 25/7, Công an TP Lạng Sơn đã tạm giữ được cặp vợ chồng Nguyễn Văn Trung và Tô Thị Bích Liên, xác định cặp vợ chồng này đã vay của 16 người số tiền 390 tỷ đồng. Và ngay cả 2 vợ chồng này cũng làm đơn xin được ở lại cơ quan Công an để trốn nợ, bởi họ biết rằng bên ngoài, "của đau con xót", những người cho vay đang bức xức sẽ tìm họ đòi nợ.

Sự việc này chưa kịp lắng thì những ngày cuối tháng 8/2013, hàng chục người đã tụ tập, vây quanh Trường THPT dân lập Phương Nam để bắc loa, căng băng rôn đòi bàTrương Thị Hải Yến, Chủ tịch HĐQT, Phó Hiệu trưởng Trường THPT dân lập Phương Nam trả nợ. Với lý do huy động vốn đầu tư xây dựng trường học, bà Yến có 2 cách huy động tiền của các chủ nợ, đó là vay nợ tiền mặt với lãi suất cao và huy động sổ đỏ của nhiều người dân sau đó vay ngân hàng, hoặc cầm cố hiệu cầm đồ để chiếm đoạt tiền. Theo đơn tố cáo của 18 chủ nợ thì bà Yến đã vay của họ tổng số tiền 268 tỷ đồng và 16 quyển sổ đỏ. Ngày 24/8 vừa qua, cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội đã tiến hành khởi tố và bắt tạm giam đối với Trương Thị Hải Yến cùng 2 bị can khác.

Cũng trong thời điểm này thì tại Hải Dương, nhiều người dân ở huyện Nam Sách khóc dở mếu dở bởi sự tuyên bố "vỡ nợ" của bà Lê Thị Thúy, Giám đốc Công ty TNHH Hanh Thúy, đại biểu HĐND tỉnh Hải Dương. Cũng với chiêu vay tiền lãi suất cao, theo thống kê sơ bộ của Công an tỉnh Hải Dương qua 17 đơn tố cáo gửi đến cơ quan Công an, bà Thúy đã vay nợ tổng số tiền là gần 27 tỷ đồng. Tuy nhiên, chính theo lời bà "hội đồng" này tuyên bố với các chủ nợ thì số tiền bà này nợ dân lên đến 160 tỷ đồng…3

Trong hai ngày 7 và 8/1/2014, Tòa án nhân dân TP HCM đã xét xử vụ án Huỳnh Thị Huyền Như lừa đảo chiếm đoạt số tiền gần 5000 tỷ đồng.Cách để Huyền Như - một nhân viên tín dụng Ngân hàng Vietinbank huy động được vốn chính là phương thức vay và cho vay nặng lãi [hay còn gọi là “tín dụng đen”]. Vụ án này tiếp tục là một hồi chuông cảnh báo đối với thực trạng “tín dụng đen” vẫn như những chiếc vòi bạch tuộc âm thầm len lỏi khắp nơi, đặc biệt ở các vùng quê.Vì sao Huyền Như có thể huy động được tới gần 5000 tỷ đồng một cách dễ dàng chỉ trong vòng 1,5 năm? Đó là nhờ mức lãi suất quá hấp dẫn, có lúc lên tới 3,7%/ngày, tức là nếu có 100 triệu cho Huyền Như vay thì sẽ thu về được 3,7 triệu đồng/ngày, một con số quá lớn, nếu như so với lãi suất gửi tiết kiệm giờ chỉ còn khoảng 700.000 đồng/tháng. Vì thế cũng khó trách những người có tiền, các doanh nghiệp có vốn, vì có vẻ như cho vay nặng lãi còn hấp dẫn hơn đầu tư cho sản xuất kinh doanh 4.

Hậu quả của “tín dụng đen” đổ vỡ tác động đảo lộn cuộc sống nhiều người dân, gây bất ổn xã hội, xâm hại tới trật tự xã hội, kìm hãm sản xuất, tác động tiêu cực đến kết quả hoạt động của một số tổ chức tín dụng, doanh nghiệp và ảnh hưởng tới những vấn đề xã hội khác.

4.Mối quan hệ giữa tín dụng đen và tín dụng chính thức

Tín dụng đen và tín dụng chính thức trên thực tế có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Cả hai đều đáp ứng nhu cầu vay vốn của các cá nhân, tổ chức. Tuy nhiên nếu tín dụng chính thức là việc các TCTD huy động vốn và cho vay một cách công khai, minh bạch thì tín dụng đen là mối quan hệ cho vay không thông qua hệ thống tín dụng chính thức. Như vậy, có thể khẳng định rằng, nếu khách hàng tiếp cận nguồn vốn từ kênh tín dụng chính thức khó khăn, thì họ sẽ tự động tìm đến kênh còn lại để thỏa mãn nhu cầu. Nói một cách khác, khi tín dụng chính thức phát triển, tín dụng đen sẽ bị thu hẹp và ngược lại, tín dụng đen sẽ phát triển nếu tín dụng chính thức không đủ hoặc không thể đưa vốn đến tay người tiêu dùng.

Đối tượng sử dụng tín dụng đen không chỉ là các cá nhân, tổ chức làm ăn phi pháp; mà còn nhiều cá nhân, hộ gia đình, doanh nghiệp làm ăn chân chính cũng sử dụng kênh tín dụng này. Họ đến với tín dụng đen bởi họ không thể tiếp cận với kênh tín dụng chính thức một cách dễ dàng hoặc ngại các thủ tục rườm rà, thời gian xử lý cho vay lâu của tín dụng chính thức. Như vậy, tín dụng đen là một khía cạnh khác để lấp “khoảng trống” khi mà kênh tín dụng chính thức không thể thỏa mãn cho khách hàng.

Thực tế “tín dụng đen” không chỉ tồn tại ngoài xã hội mà luôn tìm cách len lỏi vào ngân hàng dưới nhiều dạng biến tướng. Điều này không chỉ khó khăn cho công tác đấu tranh giải quyết nạn “tín dụng đen” mà còn gây rủi ro cho chính các ngân hàng. Khi các vụ tín dụng đen đổ bể, nhiều chủ nợ của các trùm tín dụng đen bỏ trốn, xù nợ, lại chính là con nợ của các tổ chức tín dụng.

Vì lãi lớn, lại tránh được thuế và sự quản lý của các cơ quan chức năng, nên “Tín dụng đen” là lĩnh vực hấp dẫn đối với những đối tượng tội phạm kinh tế. Những người có hành vi kinh doanh “tín dụng đen” một số nơi luôn có xu hướng móc nối với cán bộ ngân hàng để thực hiện hành vi trục lợi. Điều này làm nảy sinh vấn đề về rủi ro đạo đức của các cán bộ tín dụng tại các ngân hàng. Chính lòng tham này của cán bộ ngân hàng là một yếu tố làm gia tăng hoạt động “tín dụng đen”, từ đó gây nên những hệ lụy vô cùng lớn trong lĩnh vực tài chính ngân hàng nếu không được giám sát, kiểm soát chặt chẽ.Chẳng hạn, họ có thể làm trung gian tìm cách bỏ vốn vào phục vụ việc đáo nợ cho những người vay ngân hàng đến hạn, hưởng lãi suất cao từ phía người vay; hoặc những người kinh doanh “tín dụng đen” vì có tài sản mà họ có thể lập dự án [đôi khi là dự án không có thực] để vay ngân hàng, sau đó dùng tiền vay được cho vay bên ngoài với lãi suất cao hơn nhiều so với lãi suất ngân hàng hiện hành...

Để được vay vốn qua kênh tín dụng ngân hàng chính thống, người vay phải thỏa mãn được các điều kiện vay vốn theo qui định của pháp luật và của ngân hàng. Các ngân hàng có trách nhiệm hướng dẫn người vay sử dụng vốn, khuyến cáo các nguy cơ để bảo đảm an toàn vốn cho người vay. Còn hoạt động “tín dụng đen” thì ngược lại, chỉ nhằm mục đích lợi dụng người vay để thu lãi cắt cổ, thậm chí chúng còn mong người vay không trả được nợ để xiết tài sản trục lợi. Những người hoạt động “tín dụng đen” luôn tìm cách lợi dụng chính sách ngân hàng để thực hiện hành vi trục lợi qua dịch vụ của họ.

Thực tế cho thấy, khi hệ thống ngân hàng hoạt động tốt, thì “tín dụng đen” bị kiềm chế; khi hệ thống ngân hàng mà thiếu vốn hoặc vì lý do nào đó khó thỏa mãn điều kiện để cho vay, thì “tín dụng đen” có điều kiện nổi lên và gây hậu quả xấu cho xã hội.

5. Làm thế nào để hạn chế tín dụng đen

Không ít ý kiến đưa ra nhận định, tín dụng đen chỉ được dần loại trừ khỏi đồi sống xã hội khi mà hệ thống tín dụng chính thức hoạt động tốt. Bởi, khi hệ thống tín dụng chính thức hoạt động ổn định, người dân có thể tiếp cận được nguồn tín dụng qua hệ thống các tổ chức tín dụng, khi đó tín dụng đen không còn đất sống. Điều này cũng có thể hiểu rằng, chỉ khi nào hệ thống ngân hàng thực sự có một "cơ thể” khỏe mạnh để có thể bơm tín dụng ra nền kinh tế, thì lúc đó tín dụng đen tự nó sẽ bị đẩy lùi.

Nhận định trên cũng đồng nghĩa với việc loại trừ tín dụng đen là rất khó khăn. Tín dụng đen chỉ có thể được triệt tiêu tận gốc khi xã hội loại trừ được các hành vi kinh doanh phi pháp. Khi xã hội còn tồn tại hành vi kinh doanh phi pháp như buôn lậu, gian lận thương mại, rửa tiền, kinh doanh hàng quốc cấm…thì vẫn còn tín dụng đen, vì tín dụng chính thống không thể cấp vốn cho những hoạt động này.

Trong thời gian tới, để hạn chế, đẩy lùi hoạt động tín dụng đen, cần tập trung giải quyết tốt các vấn đề:

- Tăng khả năng cung ứng vốn cho nền kinh tếcủa các tổ chức tín dụng, nhất là vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ gia đình cá nhân ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

- Kiểm soát tốt hoạt động của hệ thống tài chính, kể cả hệ thống tài chính ngầm. Ở đây, cần nhấn mạnh đến vai trò của Cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng và của các cơ quan bảo vệ pháp luật. Đồng thời, tăng cường trách nhiệm từng tổ chức tín dụng trong việc xử lý nghiêm những cán bộ tiếp tay cho “tín dụng đen”.

- Tăng cường khả năng phát hiện, đấu tranh, phòng ngừa các hành vi kinh doanh phi pháp như buôn lậu, gian lận thương mại, rửa tiền, kinh doanh hàng quốc cấm…

- Tăng cường các chế tài pháp luật đủ mạnh để nhận diện và trừng phạt hoạt động tín dụng đen.

- Làm tốt công tác thông tin,tuyên truyền về hậu quả của việc tham gia hoạt động cho vay nặng lãi, cũng như các biểu hiện, hành vi, mưu kế của những kẻ hoạt động tín dụng đen. Ở đây cần nhấn mạnh vai trò của các phương tiện thông tin đại chúng, của cấp ủy, chính quyền địa phương, mặt trận tổ quốc và các tổ chức chính trị, đoàn thể xã hội./.

TS. Nguyễn Mạnh Hùng

Ths. Nguyễn Thị Minh Hằng

Phòng Xây dựng chiến lược ngành ngân hàng

*1Theo luật sư Nguyễn Thế Truyền – trưởng văn phòng Luật hợp danh Thiên Thanh “với các chủ nợ, hoạt động cho vay của họ rất khó có thể làm rõ có mang tính chất bóc lột hay không”.

*2 Theo dantri.com.vn ngày 14/10/2013.

*3 www.cand.com.vn - Cần có biện pháp mạnh để ngăn chặn cơn bão "tín dụng đen", 3/9/2013.

*4 Theo vov.vn – “Tín dụng đen: làm gì để chặn vòi bạch tuộc” ngày 10/1/2014.

Video liên quan

Chủ Đề