Thảo cầm viên có tên gọi đầu tiên là gì

Thảo Cầm Viên: Thảo Cầm Viên Sài Gòn là một địa chỉ văn hóa lâu đời của thành phố. Công viên toạ lạc tại số 2B đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 1,  thành phố Hồ Chí Minh. Bắc giáp đường Nguyễn Thị Minh Khai, Đông giáp rạch Thị Nghè. Cổng chính nhìn thẳng ra đại lộ Lê Duẩn, đối diện với dinh Thống Nhất. Người ta còn có thể gọi Thảo Cầm Viên bằng những tên gọi khác nhau như: Vườn Bách Thảo, Vườn Bách Thú, Vườn Thú Sài Gòn hay nôm na là Sở Thú.

Công viên được xây dựng từ tháng 3-1864 do một chuyên viên khảo cứu thực vật nhiệt đới người Pháp tên là J.B Louis Pierre phụ trách. Lúc đầu chỉ với diện tích 20 ha. Công trình hoàn thành vào năm 1865, trong đó trồng nhiều loại cây quý ở trong nước và trên thế giới nhập từ Ấn Độ, Thái Lan, Lào, Campuchia như ca cao, cà phê, vani, một vài giống mía gọi là Jardin Acclimater… Dần dần nhiều loại động vật lạ và quý hiếm được đưa về nuôi dưỡng tại đây, từ đó công viên được gọi là Sở Thú.

Năm 1924, vườn được nới rộng qua bên kia sông Thị Nghè thêm 13 ha. Cây cầu đúc bắc qua sông Thị nghè từ năm 1927 nối liền 2 phần của vườn. Ngày 27-11-1927, Pháp cho xây dựng Viện Bảo tàng Blanchard de la Bross trong khuôn viên Sở thú theo thiết kế giống tháp cung điện mùa hè ở Bắc Kinh. Năm 1929, Pháp cho xây Temple Du Souvenir có kiến trúc giống như đền thờ lăng tẩm Huế. Trên lầu có thư viện khá rộng.

Năm 1942 – 1945, quân đội Nhật đã chiếm đóng ở Thảo cầm viên. Năm 1945 -1 954, quân đội viễn chinh Pháp cũng chiếm Thảo cầm viên làm đồn trú và kho tàng cất giấu vũ khí. Năm 1956 – 1960, Ngô Đình Diệm đã biến ngôi biệt thự trong Thảo Cầm Viên  thành phòng điều tra của Sở tình báo trung ương mang tên P.42. Năm 1956, chính quyền Sài Gòn cho tu sửa và thiết kế lại, viện bảo tàng Blanchard de la Bross được đổi là Viện Bảo tàng Quốc gia Sài Gòn, sở thú đổi là Thảo Cầm Viên

Từ năm 1989, chuồng trại được cải tạo và mở rộng thích hợp với đời sống sinh thái của từng loại thú. Diện tích chuồng trại là 21.352m2. Năm 1991, khu hoa viên trong Thảo Cầm Viên được tu sửa lại sau nhiều năm bị bỏ hoang.

Thảo Cầm Viên Sài Gòn hiện nay có diện tích khoảng 33 ha, chia ra làm nhiều khu vực: khu cầm thú, khu cây cảnh và sưu tập phong lan, khu dành cho trẻ em và khu người lớn vui chơi…  Hiện Thảo Cầm Viên có 590 cá thể động vật thuộc 125 loài; 1.800 cây gỗ thuộc 260 loài, có 23 loại lan nội địa, 32 loài xương rồng, 34 loài bon sai..

Về thực vật: Thảo Cầm Viên là nơi sưu tập hàng ngàn cây quý các loại. Có nhiều loại xương rồng, dương xỉ, lưỡi rắn và nhiều thảo mộc gốc Châu Mỹ, châu Phi… Thảo Cầm Viên có nhiều hồ nước trồng nhiều loại súng lai với màu sắc, hình dáng đẹp, có ao sen với nhà thủy tạ, nuôi nhiều cá chép, trắm…Nhiều cây lạ như cây Ðại Bác của Ấn Ðộ, cây Xà Cừ nguyên quán từ Châu Phi, đường kính gần 2 m, cao 40 m. Cây đa trong Thảo Cầm Viên có tuổi thọ hơn 200 năm, tàn lá tỏa rộng đến 30 m.

Về động vật: Có hàng chục loài động vật có vú, hàng chục giống chim, nhiều giống bò sát và giống có cánh các loại. Ở các chuồng có: khỉ, gấu, cọp, beo, sư tử,  vượn, hươu, nai, bông, heo rừng, mang, nhím, rùa, rái voi, đảo cò, các loại chim, cá sấu, hà mã, trăn, rắn. Có một số động vật quý như hà mã, lạc đà, đà điểu, báo Nam Mỹ, cọp Amua, hươu cao cổ….Đặc biệt, Thủy cung Thảo cầm viên trưng bày 3.000 sinh vật biển có hình dạng kỳ dị, màu sắc rực rỡ.

Ngày 03-03-2007, Vườn thú Phú Sĩ của Nhật Bản tặng Thảo Cầm Viên Sài Gòn 10 con sư tử và 3 con chuột túi. Trong đó có 5 con sư tử đực và 5 con sư tử cái với độ tuổi từ chưa đầy năm đến 2, 3 tuổi. Điều này sẽ giúp ích Thảo Cầm Viên Sài Gòn rất nhiều trong việc hỗ trợ sư tử trong vườn sinh sản. Tháng 12-2007, Thảo Cầm Viên Sài Gòn nhập về 2 chú tê giác trắng có nguồn góc châu Phi. Đây là cặp tê giác trắng với con đực nặng hơn 1 tấn, khoảng 4 năm tuổi; con cái nặng 900 kg, 18 tháng tuổi. Thảo cầm viên Sài Gòn là đơn vị thứ 2 nhập tê giác châu Phi về sau Khu du lịch Đại Nam [Bình Dương]. Thảo Cầm Viên Sài Gòn đã bố trí chuồng nuôi với diện tích 1.200 m2 dành riêng cho tê giác trắng; có đầm lầy để tê giác ngâm mình, và rất nhiều cây, cỏ tạo cho tê giác có cảm giác như vẫn ở thiên nhiên hoang dã. Được biết, loài tê giác rất hung dữ khi bị chọc phá nên xung quanh chuồng tê giác, Thảo cầm viên đã thiết kế hàng rào điện bảo vệ.

Hướng phát triển: Hiện Thảo Cầm Viên Sài Gòn đang xây dựng một vườn thú lớn với tên gọi là Công viên Sài Gòn SAFARI [tại xã Phú Mỹ Hưng, An Nhơn Tây, huyện Củ Chi], theo đó, phần lớn động vật sẽ được chuyển về nuôi dưỡng tại đây. Dự án Công viên Sài Gòn SAFARI có tổng mức đầu tư khoảng 300 triệu USD được xây dựng để trưng bày thú hoang dã kết hợp với phục vụ vui chơi giải trí lần đầu tiên có mặt tại Việt Nam. Đây là nơi nhân giống các loài thú quý hiếm. Riêng khu vực Thảo Cầm Viên hiện hữu sẽ được điều chỉnh quy hoạch tổng thể theo hướng phát triển mới là Vườn thực vật bách thảo, nơi sưu tập và bảo tồn các chủng loài thực vật quý hiếm, có giữ lại một số chủng loài động vật chọn lọc phù hợp.

Các di tích văn hoá: Trong khuôn viên Thảo cầm viên còn có đền thờ vua Hùng xây dựng năm 1927 và Bảo Tàng lịch sử Việt Nam – thành phố Hồ Chí Minh được thành lập vào tháng 8/1979 mà tiền thân là Bảo Tàng Blanchard de la Brosse [1929-1956] và Viện Bảo tàng quốc gia Việt Nam tại Sài Gòn [1956-1975]. Thảo Cầm Viên còn có tượng voi bằng đồng của vua Thái Lan Paramindr Mah Prajahhipok tặng khi ông đến thăm Sài Gòn ngày 14-4-1930 và tượng bán thân của ông J.B.Louis Pierre.

Đó là thế giới cổ tích, không chỉ của trẻ em mà của nhiều người trưởng thành, một loại “đặc sản” không có đối thủ cạnh tranh. Học sinh ở miền Nam trước 1975 đều mơ ước được đến Sài Gòn, được vào xem Sở Thú.

Hè 1971, nhờ cuối năm học lớp đệ ngũ [lớp 9], được lên bảng danh dự, một hình thức biểu dương kết quả học tập toàn trường [hồi đó từng tháng, học sinh các lớp xếp từ hạng 1 - 5 được ghi tên vào bảng danh dự, cuối năm cũng vậy], lại nhân dịp có cô ở Sài Gòn về chơi, tôi được mẹ thưởng cho một chuyến đi Sài Gòn để đời. Hồi đó, mỗi lần cô về, quà cho cả xóm là món bánh mì giòn thơm, để nguội vẫn rất ngon, ăn đứt bánh mì ở quê. Nhà cô bên Khánh Hội. Mang tiếng đi Sài Gòn nhưng chủ yếu là ngồi trên xe ngắm cảnh và mấy ngày quanh quẩn trong xóm. Bù lại, được cô mua cho ổ bánh mì Sài Gòn và đi chơi Sở Thú cả ngày. Sướng nhất là được tận mắt ngắm nhiều loại cây, loại thú lâu nay chỉ nhìn thấy trong sách. Có loại chưa bao giờ nghe nói như cây súng nia. Nào là voi, sư tử, hươu cao cổ, đười ươi, cọp, beo, ngựa vằn...

Với tôi, ngựa vằn là đẹp nhất. Hồi ở quê, tôi chỉ thấy gấu, khỉ, nai, heo rừng và cọp. Tuy nhiên cọp trong Sở Thú nhìn có vẻ chậm chạp và xấu hơn. Hồi học lớp 4, đi chăn bò trong rừng, gặp cọp ra bắt bò. Các anh chị lớn hò hét, khua lon, gõ mõ; cọp sợ bỏ chạy. Mấy người lớn đem lựu đạn gài vào cổ bò chết. Hôm sau, cọp ra ăn, lựu đạn nổ. Mọi người khiêng cọp về làm thịt ngay sát cạnh nhà. 9 tuổi, tôi thấy cọp chết và được ăn thịt cọp nhưng lâu quá chẳng nhớ mùi vị, chỉ nhớ dáng cọp rất đẹp.

Tháng 10.1975, tôi được Thành đoàn phân công về Tân Bình. Quận đoàn lại điều về xã Vĩnh Lộc, vùng đệm giữa thành phố và Long An. Các em ở đây suốt ngày làm ruộng, rẫy, chăn bò... Tay em nào cũng chai sạn vì kéo nước giếng tưới hoa màu. Em nào sang nhất là được lên tới Bà Quẹo. Tết năm đó, tôi quyết định đưa các em đi Sở Thú. Mùng 1 tết, mượn xe đạp lên bến xe buýt Bà Quẹo hỏi giá và đặt cọc. Trẻ con náo nức hơn cả tết. Mùng 3 tết, 8 xe buýt lù lù đến đậu trước ủy ban xã. Trẻ con từ các ấp, cơm đùm cơm nắm, lũ lượt kéo về. Dù đã được hỏi ý kiến nhưng chủ tịch xã vẫn phát hoảng hỏi tôi “Anh có biết quản vài chục con nít khó hơn chỉ huy cả tiểu đoàn không? Nếu lạc mất vài đứa thì đi tù mọt gông”. “Dạ biết, nhưng có vào tù cũng phải đưa các em đi chơi xong, vì đã hứa rồi”. Hơn 400 thiếu nhi có một cái Tết phấn khích, đầy kỷ niệm, cả tuần kể chưa hết chuyện. Chẳng lạc em nào, chỉ có mấy anh chị đoàn viên, cũng lần đầu vào Sở Thú, lơ ngơ đi lạc, phải gọi loa mấy lần mới tìm được.

Sau này, nhiều lần vào TCV, tôi càng phát hiện thêm nhiều điều kỳ thú. TCV được khởi dựng từ tháng 3.1864, có diện tích 12 ha với tên gọi ban đầu là Vườn bách thảo, còn gọi là Sở Thú, một năm sau, mở rộng thành 20 ha. JB Luis Pierre [1833-1905], là giám đốc đầu tiên của Sở Thú lớn nhất và sớm nhất Đông Nam Á thời đó. Từ tháng 7.1869, TCV mở cửa cho dân chúng vào xem. Năm 1926, Sở Thú có thêm đền thờ các vua Hùng và Bảo tàng Lịch sử [1929]. Từ 1956, Vườn bách Thảo đổi tên thành Thảo cầm viên. Đây là khu bảo tồn động và thực vật nhiệt đới vào loại cổ xưa của nhân loại, xếp thứ 7 trên toàn thế giới. Các vườn thú đàn anh là Chonbrunn [Áo-1752], Paris [Pháp-1793], London [Anh-1828], Dublin [Ireland-1830], Berlin [Đức-1844], Moscow [Nga-1863]. Dù chỉ làm giám đốc 12 năm nhưng  Pierre đã dồn hết tâm huyết cho việc phát triển TCV và để lại nhiều dấu ấn sâu đậm. Hơn 100.000 phiên bản đang lưu giữ trong Bảo tàng Thực vật thuộc Viện Sinh học nhiệt đới do ông sưu tập. Những hàng cây cổ thụ ở Tao Đàn và khắp thành phố đều mang dấu ấn của ông. Ghi nhận công lao đó, kỷ niệm 130 tuổi, TCV Sài Gòn đã đặt tượng bán thân của ông bằng đá hoa cương hồng trên cột bia khắc dòng chữ: “Tôi đã nghỉ hưu nhưng còn quá nhiều việc để làm cho ngành thực vật. Chỉ tiếc là không còn thời gian và cuộc sống thì quá ngắn ngủi”.

TCV hiện có 18 loài bò sát, 45 loài chim, 57 loài thú, 308 loài thực vật; mỗi loài lại có nhiều họ và chi. Đây là bảo tàng sống của các loài động thực vật nhiệt đới. Đến TCV, tôi mới vỡ lẽ, một số loài thú dữ thường dùng nước tiểu để xác định lãnh thổ của mình. Rùa thuộc loài bò sát. Gà nước họ trích. Sáo đuôi cờ họ quạ. Cò ruồi, cò ngàng nhỏ họ diệc. Hạc cổ trắng, gà đẫy Java họ cò chính... Có nhiều loại cây mang tên rất ngộ như bọ chét, cơm rượu, cơm nguội, cánh chuồn, mò cua, ổi bom, trứng cút, nón cụ, cây thúi... Những loại cây hiếm như kim giao [vua chúa ngày xưa dùng làm đũa khử độc tố], bao báp [ở châu Phi], mã tiền [dân gian gọi là củ chi], phượng tím, sưa, súng nia, đầu lân... TCV còn là bảo tồn cây thuốc với nhiều loại như trầm hương, đại phong tử, đào tiên, bách bệnh, long não, kim ngân, sắn dây, huyết rồng, chùm ngây... Hàng chục cây đại thụ lớn tuổi hơn cả TCV. Là trung tâm bảo tồn và nhân giống thành công nhiều loài động vật quý hiếm như trĩ sao, báo lửa, vượn má vàng, rái cá lông mượt... TCV cũng đã bổ sung và thực hiện gần 400 mẫu của hơn 100 loài thực vật. Đặc biệt 21 loài chỉ có quả, 22 loài chỉ có hoa.

Diện tích chuồng trại từ 8.500 m2 trước 1975 được mở rộng gấp 3 lần, hơn 25.000 m2. Các song sắt tù túng cổ xưa được thay thế bằng kính cường lực trong suốt, tạo cảm giác thoải mái cho cả thú và người xem. Có thể đi bộ vừa tham quan vừa rèn luyện thân thể. Mỏi chân thì lên xe điện, xe lửa ngao du và hít thở không khí trong lành, nghe chim hót líu lo, vượn hú hoang dã. Hoặc ngoạn cảnh hồ sen, hồ suối mơ, đảo tiên... Mỗi sáng chủ nhật có xiếc thú. Các bạn nhỏ tha hồ đùa vui với dê lùn, cừu con, thỏ... Nếu các giờ học sinh vật lý thuyết được tổ chức trong TCV thì hiệu quả sẽ nhân lên gấp bội. Học và hành tại chỗ, lại có thêm phim ảnh hỗ trợ, học sinh sẽ nhớ đời. Sẽ thật thiếu sót và lãng phí nếu các giáo viên sinh vật, các hướng dẫn viên du lịch chưa biết tận dụng TCV để bổ sung những kiến thức thực tiễn phong phú về động, thực vật mà không trường lớp nào dạy được.

Dù chưa thể hấp dẫn bằng Vườn thú Safari các nước nhưng TCV vẫn có những thế mạnh riêng của mình. Đến với TCV và trở về với thiên nhiên giữa lòng thành phố, để hiểu thêm rằng loài vật và cả cỏ cây cũng có tâm hồn, biết buồn vui và thích được yêu thương chăm sóc. Nếu không tin các bạn có thể xin gặp Giám đốc Phan Việt Lâm, người có thâm niên hơn 30 năm bầu bạn cùng cỏ cây muông thú. Ông có cả kho tàng chuyện lạ về thú, chuyện bí mật về cây, kể cả tháng chưa hết. Trong khi chờ đợi nên tìm đọc ngay Chuyện lạ Thảo cầm viên và Thảo cầm viên những bí mật lạ lùng của ông [Nhà xuất bản Kim Đồng]. Đảm bảo hấp dẫn, cả trẻ em lẫn người lớn.

Nguyễn Văn Mỹ

>> Thảo Cầm Viên Sài Gòn cho ra mắt cặp sư tử trắng
>> “Cư dân” mới ở Thảo cầm viên Sài Gòn
>> Nhật Bản tặng sư tử và chuột túi cho Thảo cầm viên Sài Gòn
>> Đoàn xiếc mô tô bay Vương Trung Vương [Trung Quốc] đã "đáp" về Thảo Cầm Viên Sài Gòn.
>> Nguyên Giám đốc Thảo Cầm Viên Sài Gòn "lọt lưới"?
>> Biểu diễn xiếc cá sấu, xiếc chim tại Thảo cầm viên Sài Gòn 

Video liên quan

Chủ Đề