Thế nào là Chính phủ liêm chính kiến tạo

Theo đó, hệ thống thể chế, nhất là thể chế về kinh tế, kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta đã được xác lập. Các luật: Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Đất đai và các luật chuyên ngành khác được xây dựng, bổ sung, sửa đổi, ban hành đã tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế, nhất là kinh tế tư nhân phát triển có vai trò quan trọng trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.

Cải cách thủ tục hành chính là một trong những nội dung trọng tâm được đẩy mạnh thực hiện. Các Bộ, ngành đã tích cực rà soát, kiên quyết loại bỏ hơn 50% thủ tục hành chính ở các ngành, lĩnh vực, nổi bật ở các lĩnh vực tài chính, hải quan, công nghiệp… tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, thuận lợi, giảm thiểu chi phí về thời gian và tài chính cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, thu hút được nhiều vốn đầu tư trong nước và nước ngoài vào phát triển kinh tế đất nước.

Hệ thống các cơ quan hành chính nhà nước từ Trung ương đến cơ sở được củng cố, kiện toàn, sắp xếp lại theo hướng tinh giản tổ chức bộ máy. Kết quả đã giảm đáng kể số Bộ, ngành, cơ quan thuộc Chính phủ, tổng cục, phòng thuộc bộ và tổng cục, đơn vị sự nghiệp công lập, huyện, xã, phường, thôn và tổ dân phố. Chức năng, nhiệm vụ của các bộ, ngành được rà soát và điều chỉnh cho phù hợp, hạn chế sự chồng chéo chức hoặc có khoảng trống về lĩnh vực, công việc…

Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhà nước đã được quan tâm xây dựng đúng mức. Đã thực hiện sử dụng và tuyển dụng công chức, viên chức theo vị trí việc làm, theo nhu cầu công việc. Từng cơ quan, đơn vị xác định cụ thể cơ cấu công chức, viên chức cho phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của tổ chức. Đã đổi mới công tác tuyển dụng công chức, viên chức bằng thi tuyển cạnh tranh. Tổ chức thi tuyển công chức lãnh đạo, quản lý từ cấp cơ sở đến cấp tỉnh trước khi bổ nhiệm. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cũng được chú trọng, đặc biệt là bồi dưỡng về kỹ năng và tinh thần, thái độ thực thi công vụ, đạo đức công vụ của cán bộ, công chức. Bên cạnh đó, đã đổi mới đánh giá cán bộ, công chức, viên chức gắn với công việc được giao.Thực hiện thường xuyên việc tinh giản biên chế trong các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập. Vì vậy, chất lượng công chức, viên chức trong các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập từng bước được nâng lên để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nền hành chính nhà nước.

Đã có sự đổi mới trong đầu tư công, quản lý tài chính trong hoạt động khoa học, cơ quan hành chính, trong đó đã khoán chi phí hành chính cho các cơ quan đơn vị, giao thực hiện quyền tự chủ tài chính gắn với tự chủ thực hiện nhiệm vụ cho các đơn vị sự nghiệp công lập…

Công tác hiện đại hóa hành chính cũng được chú trọng. Điểm nổi bật là đã ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin trong hoạt động hành chính, sử dụng cổng thông tin điện tử, chữ ký điện tử, xây dựng chính phủ điện tử, chính phủ số, cơ quan thông minh, thực hiện kết nối điện tử trong điều hành cũng như quản lý, khai thác thông tin…

Những kết quả cải cách hành chính nhà nước ở nước ta đạt được là rất quan trọng, góp phần to lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian qua. Tuy nhiên, so với yêu cầu và mục tiêu đặt ra, kết quả cải cách hành chính nhà nước còn nhiều hạn chế. Trong đó, thể chế vẫn chưa đảm bảo đầy đủ, đồng bộ hoặc chất lượng chưa cao, còn phải thay đổi, nhất là thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nhiều luật còn vướng mắc để phát triển thị trường, nhất là về đất đai, đầu tư công, đầu tư theo hợp tác công- tư. Còn nhiều kẽ hở trong luật pháp bị lợi dụng để tham ô, tham nhũng, trục lợi, nhất là trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng cơ bản, đất đai. Thủ tục hành chính chưa giảm triệt để, chi phí không chính thức vẫn xảy ra trong thực tiễn, chất lượng nhiều dịch vụ công còn thấp, sự hài lòng của người dân còn chưa thật sự cao. Hệ thống tổ chức bộ máy vẫn còn cồng kềnh, chưa thật sự thống nhất, thông suốt, hiệu lực, hiệu quả. Cơ quan hành chính vẫn còn ôm đồm thực hiện nhiều công việc mang tính chất tác nghiệp. Đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước, viên chức trong đơn vị sự nghiệp công tuy đã được tinh giản, chất lượng được nâng cao một bước, nhưng số lượng vẫn đông, chưa thực sự tinh gọn, chất lượng chưa cao, hoạt động chưa thật sự chuyên nghiệp. Cải cách tài chính công còn hạn chế. Chế độ, chính sách tiền lương chưa đổi mới, chưa thực sự cải cách nên chưa đảm bảo cho cán bộ, công chức, viên chức thật sự sống bằng lương.

Vì vậy, mục tiêu xây dựng nền hành chính nước ta thành nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, trong sạch, vững mạnh, hiệu lực, hiệu quả chưa đạt được yêu cầu, đòi hỏi trong thời gian tới phải tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính nhà nước mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn để thực hiện được mục tiêu trên. Trong đó, tập trung cải cách thể chế, cải cách tổ chức bộ máy, xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức để xây dựng bằng được Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động, phục vụ.

Chính phủ kiến tạo phát triển là Chính phủ thực hiện vai trò là người cầm lái [ lái thuyền ] chứ không chèo thuyền, thực hiện chức năng quản lý vĩ mô, xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách, pháp luật để định hướng, dẫn dắt, khuyến khích, hỗ trợ xã hội phát triển; đồng thời điều tiết hoặc ngăn ngừa khi cần thiết; tạo lập môi trường, hành lang pháp lý, sân chơi bình đẳng và điều kiện cho các thành phần kinh tế phát huy mọi tiềm năng trong môi trường cạnh tranh và hội nhập quốc tế. Chính phủ tăng cường kiểm tra, giám sát để phát hiện kịp thời những vấn đề nảy sinh trong quá trình quản lý, các mất cân đối có thể xảy ra, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và an toàn hệ thống. Chính phủ không làm thay thị trường và người dân mà tạo khuôn khổ thể chế và điều kiện cần thiết để người dân, tổ chức, doanh nghiệp chủ động hoạt động trong khung khổ pháp lý đem lại quyền, lợi ích chính đáng của mình. Chính phủ không điều hành trực tiếp,can thiệp vào thị trường bằng mệnh lệnh hành chính các hoạt động kinh tế mà kiến tạo một môi trường phù hợp để nuôi dưỡng thị trường phát huy được hết sức mạnh của mình. Chính phủ không trực tiếp làm kinh tế, không “chèo thuyền” khi trực tiếp thực hiện các công việc của xã hội, vì vậy cần chuyển giao một số chức năng, nhiệm vụ cho xã hội đảm nhận. Mặt khác, Chính phủ kiến tạo phát triển là Chính phủ phải làm cho người dân thực sự hiểu và thành thạo sử dụng quyền lực của mình, mở rộng dân chủ, bảo đảm sự tham gia sâu rộng của người dân vào quá trình hoạch định và thực thi chính sách.

Vì vậy, cần phải đẩy mạnh cải cách tổ chức bộ máy của bộ máy chính quyền nhà nước các cấp, bao gồm Chính phủ, chính quyền địa phương. Cần nghiên cứu sắp xếp các bộ ngành gọn nhẹ, tinh giản bộ máy và đầu mối hơn,đội ngũ cán bộ công chức phải tinh giản,chất lượng cao.

Chính phủ liêm chính, trước hết là Chính phủ nghiêm chỉnh trong thực thi pháp luật, thực hiện đầy đủ pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Chính phủ không đứng trên hay đứng ngoài pháp luật mà tuân thủ pháp luật một cách tuyệt đối. Chính phủ làm những gì mà luật pháp cho phép,thực hiện tốt trách nhiệm công trong quá trình thực thi công vụ.

Trong Chính phủ liêm chính, từ lãnh đạo quản lý cho đến từng công chức phải là những người trong sạch và ngay thẳng, thực hiện tốt đạo đức công vụ, văn hóa tổ chức, trong thực thi công vụ không được lạm quyền, lộng quyền, không được sử dụng quyền lực và chức vụ để trục lợi và tham nhũng về chức vụ, vật chất và các lợi ích khác.

Chính phủ liêm chính là Chính phủ có hiệu quả sử dụng chi phí hành chính tốt với mức chi phí thấp, bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, thực hiện đúng các quy định về sử dụng ngân sách nhà nước, chi tiêu công.

Mức độ liêm chính của Chính phủ sẽ đem lại sự uy tín của Chính phủ đối với người dân và xã hội. Chính phủ liêm chính sẽ được sự hài lòng của người dân và toàn xã hội, uy tín càng cao.

Chính phủ liêm chính là Chính phủ có tính minh bạch cao, các công việc của Chính phủ thực hiện đều cần được công khai cho công chúng biết, đầy đủ và sự thật [ trừ bí mật quốc gia và bí mật đời tư cá nhân],đảm bảo quyền được biết của công chúng và được sự giám sát của công chúng.

Sự liêm chính của Chính phủ có ảnh hưởng rất lớn đến sự tín nhiệm, lòng tin của Nhân dân đối với Chính phủ, tác động đến sự phát triển kinh tế và ổn định chính trị- xã hội của đất nước.

Chính phủ hành động, trước hết là Chính phủ thực hiện tốt trách nhiệm công và hành động công của mình. Trách nhiệm công của Chính phủ là trách nhiệm trước công dân, Chính phủ phải chịu trách nhiệm đến cùng trước công dân cả về trách nhiệm chính trị, trách nhiệm hành chính, trách nhiệm pháp luật và trách nhiệm đạo đức. Hành động công của Chính phủ chính là việc có trách nhiệm huy động và tạo điều kiện để công dân và xã hội tham gia sâu rộng vào quá trình quản trị quốc gia của Chính phủ, thực hiện tốt sự hợp tác giữa Nhà nước, thị trường và xã hội trong quản lý nhà nước.

Chính phủ hành động phải là Chính phủ nói đi đôi với làm, đã nói là làm, hành động quyết liệt với quyết tâm chính trị cao, là Chính phủ có kỷ luật, kỷ cương nghiêm minh.

Chính phủ hành động là Chính phủ có bản lĩnh, chủ động trong mọi tình huống, có dự báo chiến lược tốt, chủ động đưa ra các phương án giải quyết để đối phó có hiệu quả mọi biến cố xảy ra, không để bị động, bất ngờ. Đó là Chính phủ xây dựng chiến lược, quy hoạch, thể chế, chính sách, pháp luật tốt.

Chính phủ hành động là một Chính phủ năng động, có nhiều sáng kiến, linh hoạt trong hoạt động.

Chính phủ phục vụ là Chính phủ thực hiện tốt trách nhiệm công, tất cả vì Nhân dân, phục vụ Nhân dân, mọi hoạt động của Chính phủ lấy Nhân dân làm trung tâm, đáp ứng kịp thời những yêu cầu chính đáng hợp pháp của Nhân dân, bảo vệ lợi ích dân tộc, bảo vệ và thực hiện lợi ích công. Tôn trọng Hiến pháp và pháp luật, nghiêm chỉnh thực thi pháp luật.Thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, không vượt quyền, lạm quyền, làm sai chức năng khi thực thi công vụ, làm việc với chất lượng và hiệu quả cao. Thực hiện tốt đạo đức công vụ : chính trực, trung thực, nhân ái, cần , kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư. Mọi chính sách công của Chính phủ phải xuất phát từ Nhân dân, phản ánh ý chí, nguyện vọng và lợi ích của Nhân dân. Tạo điều kiện để Nhân dân tham gia xây dựng và thực thi chính sách, đảm bảo sự hài lòng của người dân đối với hoạt động của Chính phủ.

Chính phủ phục vụ là Chính phủ lấy phục vụ làm tôn chỉ, luôn vì lợi ích của Nhân dân, thực hiện tốt quyền công dân, thực hiện tốt Pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Xây dựng nền hành chính hiện đại, hiệu lực hiệu quả, trong đó Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động, phục vụ là nội dung cốt lõi mà Việt Nam ta đã và đang hướng tới để xây dựng đất nước “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh “. Muốn vậy, trong thời gian tới cần đẩy mạnh cải cách hành chính nhà nước với quyết tâm chính trị cao của cả hệ thống chính trị.

TS. Nguyễn Tiến Dĩnh

Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ

Video liên quan

Chủ Đề