Thực trạng học văn của học sinh hiện nay

1. Đặt vấn đề: Hiện nay ở trường THPT môn Ngữ văn không chỉ là môn học bắt buộc trong các kì thi quan trọng của học sinh như: thi tuyển sinh lớp 10, thi tốt nghiệp THPT... mà còn là môn học giúp học sinh có thể hoàn thiện bản thân về đạo đức, nhân cách, về khả năng ngôn ngữ trong giao tiếp hàng ngày và về năng lực nhận diện các hiện tượng xã hội. Nhưng trong thực tế, việc dạy và học văn hiện nay ở các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh Lai Châu hầu hết còn khô khan, nhàm chán...không hấp dẫn, không thu hút được sự chú ý của học sinh và bản thân học sinh cũng không quan tâm, đầu tư đúng mức cho môn học này. Văn học là một bộ môn khoa học nhưng việc dạy học văn lại là một nghệ thuật. Vậy phải làm như thế nào để biến nghệ thuật dạy văn của người giáo viên trên lớp thành một "quá trình rèn luyện toàn diện" như lời của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng? Làm thế nào để văn học thực sự là "nhân học"? Câu hỏi này đã có không ít giáo viên Ngữ văn có tâm huyết đặt ra và đang cố gắng đi tìm lời giải đáp. 2. Nội dung: Thực trạng việc dạy học Ngữ văn hiện nay Có một điều mà ai cũng biết đó là hiện nay môn Ngữ văn ở trường phổ thông chưa được học sinh quan tâm đúng mức và thậm chí cả phụ huynh cũng phản đối khi con cái họ lựa chọn niềm say mê này vì họ mong muốn, kì vọng ở con em họ học tốt những môn học có tính ứng dụng cao trong cuộc sống hiện đại như Toán, Lí, Hóa, Ngoại ngữ, Tin học. Nhưng có một điều mà không phải ai cũng biết đó là vai trò và tầm quan trọng thực sự của môn Ngữ văn đối với học sinh ở trường THPT và đối với cả con người thời hiện đại ở trong xã hội: Giúp cho con người thấy được những cái hay, cái đẹp chuẩn mực trong cuộc sống; giúp con người có bản lĩnh, có suy nghĩ, ứng xử và lối sống đúng đắn, lành mạnh hơn vì "Bi kịch của thời đại chúng ta là thừa trí tuệ và thiếu tâm hồn" [một nhà văn người Mê-hi-cô đã từng nói vậy]. Hơn thế, môn Ngữ văn là môn học thuộc nhóm công cụ, học tốt Ngữ văn sẽ có tác động tích cực đến các môn học khác ...Vì không nhận thức đầy đủ về những lẽ trên nên Ngữ văn trở thành môn học khô, khó...và vì thế nó được tìm hiểu, nghiên cứu bằng tinh thần đối phó, bằng thái độ gượng ép của học sinh, bằng sự hụt hẫng, chán nản của những giáo viên tâm huyết và sự qua loa, chiếu lệ của những giáo viên không mấy gắn bó với nghề. Vậy nguyên nhân của thực trạng này xuất phát từ đâu? Thứ nhất, phải kể đến lối sống và suy nghĩ quá thực dụng của học sinh, phụ huynh...Môn Văn giúp chúng ta nhiều điều? Đúng! Nó cần thiết? Cần! Nhưng điều quan trọng là nó khó có khả năng sản sinh ra các giá trị vật chất so với các môn học khác. Như vậy nghĩa là nó khó có thể mang đến một tương lai tốt đẹp cho học sinh [đây là quan niệm của phần lớn phụ huynh, học sinh trong thời buổi kinh tế thị trường] vì rằng: "văn hay chữ tốt không bằng học dốt lắm tiền". Nhìn vào thực tế, ta không khó để nhận ra rằng khi lựa chọn khối thi để thi vào các trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp của học sinh trên địa bàn Tỉnh Lai Châu nói riêng và cả nước nói chung thì số lượng học sinh đăng kí thi ở các khối có môn Ngữ văn và các môn khoa học xã hội ít hơn nhiều so với các khối thuộc các môn khoa học tự nhiên. Chỉ có những học sinh hoặc là có năng lực thực sự, say mê thực sự đối với môn Văn; hoặc là những học sinh học quá yếu các môn khác không thể đi thi khối khác thì họ mới thi khối C [có môn Ngữ văn] vì cho rằng chỉ cần ...học thuộc. Đã từng có năm học mà cả Thành phố Hà Nội không hề có dù chỉ một bộ hồ sơ dự thi khối C đó thôi! Mặt khác, khi lựa chọn học Văn để tạo dựng tương lai thì những học sinh của các môn khoa học xã hội cũng phải thừa nhận rằng họ có quá ít trường, ngành để lựa chọn trong khi các môn khoa học tự nhiên thì ngày càng nhiều: Không Bách Khoa thì Kinh tế, không Công lập thì Dân lập, đặc biệt là trong những năm gần đây, hệ thống các trường Dân lập ồ ạt mọc lên như nấm sau mưa...Và khi đã tính toán một cách thực dụng nghĩa là học sinh không học, không tập trung, không đầu tư đúng mức cho môn Văn thì sẽ dẫn đến tình trạng học bài một cách chiếu lệ, đối phó...làm mất đi nguồn "cảm hứng sáng tạo" của các thầy cô trong từng tiết học. Vậy lấy đâu ra những giờ Văn thực sự có chất lượng? Thứ hai, phải kể đến vai trò của đội ngũ giáo viên và chúng ta không khó để nhận ra rằng: những giáo viên có chuyên môn, có tâm huyết với nghiêp văn chương càng ngày càng ít. Điều này xuất phát từ khâu đào tạo [đối với những học sinh không có khả năng học môn gì thì đi...khối C thì lấy đâu ra chất lượng giáo viên tốt?] từ các trường đại học. Kế đó là chế độ chính sách đối với nhà giáo không phải ở đâu cũng đảm bảo khiến nhiều thầy cô bị "gánh nặng áo cơm ghì sát đất" khiến họ đánh mất đi niềm say mê văn chương vốn có của mình. Ở địa bàn Tỉnh Lai Châu thì không đến nỗi vậy, nhưng với một tỉnh mới tái lập chưa đầy 10 năm, nhu cầu về nguồn lực con người, nguồn cán bộ có kinh nghiệm còn thiếu mà những giáo viên giỏi chuyên môn thì họ lại giỏi thêm...nhiều thứ nên việc thuyên chuyển và sắp xếp cán bộ cũng là một trong số nguyên nhân khiến giáo viên có trình độ chuyên môn giảng dạy Ngữ văn ngày càng ít. "Sân khấu" văn chương đành nhường lại cho thế hệ trẻ mà trong đó đa số là GV chưa có nhiều năm công tác, chưa có kinh nghiệm giảng dạy nên phương pháp giảng dạy nhiều bài chưa phù hợp với đối tượng học sinh, với phương pháp giảng dạy đặc trưng của bộ môn; việc vận dụng các phương pháp dạy học ở từng tiết học, thậm chí là ở từng đơn vị kiến thức còn chưa linh hoạt; chưa kể đến một số giáo viên trẻ mới ra trường còn thiếu và yếu về kiến thức chuyên môn [dạy chưa đảm bảo đủ, đúng kiến thức theo chuẩn kiến thức, kĩ năng hoặc chỉ dạy những gì mình biết mà không phải dạy những thứ học sinh cần]. Vì thế, giáo viên - người là cầu nối giữa tác giả, tác phẩm với học sinh - đã không thể truyền lại được cái hay, cái thú vị, cái hấp dẫn và ý nghĩa thực sự của tác phẩm văn học và của bộ môn Ngữ văn đến với học sinh. Thứ ba là học sinh hiện nay không chỉ thực dụng mà còn lười...kinh niên. Soạn bài, chuẩn bị bài thì qua quýt, bài cũ không học, bài mới... càng không. Học tác phẩm thơ nhưng lại không thể thuộc thơ; học văn xuôi nhưng lại không thể tóm tắt được tác phẩm. Cứ thế, kì này qua kì khác, năm này qua năm khác...khi vào phòng thi thì...bịa.["nhà văn nói láo" mà! Các em bảo nhau vậy]. Điều này kéo dài dẫn đến học sinh ngày càng thiếu và hổng kiến thức. Ngọc không được mài dũa thường xuyên thì làm sao sáng được? Trong tiết học, nếu gặp những thầy cô không chỉ thiếu kiến thức mà còn thiếu trách nhiệm, dạy hời hợt, qua loa, không biết cách đào sâu, tìm tòi sáng tạo...thì các em cũng không cảm nhận được cái hay, cái đẹp và giá trị đích thực của tác phẩm, của bộ môn Ngữ văn. Ông cha ta đã dạy "học đi đôi với hành" nhưng với học sinh THPT ở Lai Châu thì các em không chỉ thiếu, hổng kiến thức mà kĩ năng viết văn còn nhiều em ở mức yếu, kém. Và cũng vì yếu kém nên các em thường nảy sinh tâm lí chán nản, ngại học nên chất lượng học văn của các em đã thấp lại càng thấp hơn... Thứ tư là có nhiều nhà trường chưa quan tâm đến đặc thù của môn học, chưa có sự đầu tư, bồi dưỡng giáo viên, chưa có những hoạt động ngoại khóa văn chương để thu hút học sinh... giúp nâng cao ý thức của học sinh về tầm quan trọng của bộ môn Ngữ văn, giúp học sinh hiểu được ý nghĩa thực sự của câu "Văn học là nhân học"[M.Gorki]. 3. Kết luận, đề xuất, kiến nghị: Từ thực trạng dạy học văn đã nêu trên, người viết báo cáo này xin đưa ra một số giải pháp để khắc phục và cải thiện tình trạng trên. Và theo tôi, để có thể thay đổi thực trạng trên cần có sự hợp sức của toàn xã hội, của gia đình và nhà trường. Thứ nhất: Cần làm thay đổi nhận thức thực dụng và thiếu toàn diện của phần lớn phụ huynh và học sinh hiện nay: Trước hết văn học đem đến cho con người bức tranh đa màu sắc của cuộc sống từ xưa đến nay để giúp ta thêm hiểu biết và có thái độ đúng đắn với cuộc sống hiện tại, biết trân trọng những gì ta đang có. Hơn nữa, muốn làm tốt bất cứ công việc gì thì con người cũng cần có niềm đam mê, và đam mê văn chương là niềm đam mê có thể giúp "thanh lọc", "nhân đạo hóa" tâm hồn con người. Vậy tại sao đam mê văn chương của con em mình lại không được phụ huynh trân trọng, khuyến khích? Mỗi môn học đều có nhiệm vụ và sứ mệnh riêng của mình, môn Ngữ văn còn giúp cho mỗi con người trau dồi lời ăn tiếng nói của mình trong đời sống hàng ngày sao cho đẹp hơn, ý nhị hơn...Vậy dù có là giáo sư, tiến sĩ, doanh nhân, bác sĩ hay là bất cứ ai đi chăng nữa có ai lại không cần điều đó? Muốn làm được vậy thì Nhà nước cũng cần phải "ra tay" can thiệp bằng việc mở rộng ngành nghề cho khối thi các môn xã hội, và cần có giải thưởng tôn vinh những tài năng văn học một cách xứng đáng. Thứ hai, các nhà trường cần quan tâm chỉ đạo việc bồi dưỡng năng lực chuyên môn cho giáo viên Ngữ văn bằng nhiều hình thức: họp nhóm trao đổi chuyên môn; dự giờ học hỏi chuyên môn ở những đơn vị có giáo viên có kinh nghiệm; tăng cường bổ sung, cập nhật tài liệu tham khảo vào thư viện nhà trường hằng năm; tổ chức các hoạt động ngoại khóa văn chương...để thu hút học sinh. Ngoài ra, nhà trường cũng cần tích cực, mở rộng công tác tư vấn hướng nghiệp cho học sinh để học sinh không chỉ nhận ra được năng lực thực sự của mình là ở lĩnh vực nào mà còn cần hiểu được rằng để có được thành công dù ở bất cứ lĩnh vực nào con người cũng cần có đam mê. Như thế, khi đã được định hướng đúng cộng với quyết tâm của các em thì học sinh sẽ không chọn nhầm ngành nghề [mà thế mạnh của học sinh ở Lai Châu không phải ở các môn khoa học tự nhiên]. Nếu không, các em sẽ phải gắn bó cả đời mình với thứ mà mình không yêu thích, không say mê...Vậy cuộc sống của các em rồi sẽ ra sao? Thứ ba, mỗi người giáo viên Ngữ văn cũng cần phải nhận thức đầy đủ, thấu đáo về vai trò, tầm quan trọng của môn học mình giảng dạy, vai trò làm cầu nối của bản thân mình với tác giả, tác phẩm và học sinh. Khi đó, mỗi người cần tự trau dồi tri thức, tự học, tự nghiên cứu, sáng tạo để làm gương cho học sinh. Các em không thích học văn, không thấy được cái hay của văn chương cũng một phần do lỗi của những người làm thầy, làm cô đã không thể đem đến cho các em những hiểu biết, những nhận thức đầy đủ [khi thầy cô dạy thiếu và sai kiến thức] về môn học, đem đến cho các em những mĩ cảm dồi dào về thiên nhiên và cuộc sống con người xung quanh cùng những hiện tượng xã hội. Nếu thế, làm sao các thầy cô giúp các em nhận được ra những giá trị thật của cuộc sống? Văn học không giống với những bộ môn khoa học khác: nó vừa là khoa học vừa là pháp luật, vừa là nghệ thuật vừa là lịch sử, vừa là dân tộc học vừa là xã hội học...Giáo viên cần phải dạy Văn bằng ý thức giáo dục cộng gộp các yếu tố trên: Lòng nhân ái, tình yêu thương con người; tình yêu quê hương, yêu tiếng mẹ đẻ; tình yêu và ý thức tự hào về truyền thống lịch sử đấu tranh oai hùng hàng ngàn năm của dân tộc...Muốn vậy, trước hết giáo viên Văn phải tự trang bị những kiến thức ấy cho mình; sau đó bằng tình yêu, sự tâm huyết nghề nghiệp để truyền lại tình cảm ấy cho học sinh của mình...bằng con đường tự học. Mặt khác, khi lên lớp mỗi giáo viên cần chuẩn bị cho mình hồ sơ giáo án thật chu đáo, kĩ càng, mọi sự hời hợt đều không thể đem lại kết quả như mong muốn. Ngoài ra, một yêu cầu không thể thiếu đang đặt ra với giáo viên Văn cấp THPT hiện nay để khắc phục và cải thiện tình trạng dạy học văn khô khan, nhàm nhạt đó là vấn đề đổi mới phương pháp dạy học và đổi mới kiểm tra đánh giá. Để kích thích sự say mê, hứng thú học tập của học sinh, trong tiết học giáo viên cần khắc phục lối dạy học đọc - chép; sử dụng nhiều câu hỏi gợi mở để học sinh được phát huy trí tưởng tượng, được trình bày quan điểm cá nhân. Không áp đặt kiến thức cho học sinh, dẫn dắt học sinh tìm hiểu kiến thức xuất phát từ văn bản, bám vào nội dung văn bản chứ không dừng lại là cách hiểu bề ngoài, lờ mờ và khái quát về tác phẩm. Giáo viên cũng cần chú ý việc phân hóa học sinh theo đối tượng để vừa dạy lí thuyết vừa kết hợp rèn kĩ năng cho học sinh. Song song với hoạt động đổi mới phương pháp dạy học để thu hút học sinh giáo viên Ngữ văn cần chú ý đổi mới phương pháp kiểm tra, đánh giá để đảm bảo đánh giá khách quan, công bằng và chính xác năng lực, trình độ của mọi đối tượng học sinh. Muốn vậy, người giáo viên Văn cần thận trọng, tỉ mỉ từ khâu ra đề, đến coi, chấm, chữa, trả bài. Trước tiên là khâu ra đề, giáo viên phải biết lựa chọn câu hỏi phù hợp với trình độ và năng lực của học sinh [có thể vận dụng cả hai hình thức trắc nghiệm khách quan và tự luận], chú ý chọn dạng câu hỏi mở để học sinh có khả năng bộc lộ quan điểm cá nhân một cách thoải mái nhất. Đề bài cũng nên nhiều câu và đa dạng về nội dung để phân hóa được các đối tượng học sinh. Thứ hai là khâu coi kiểm tra cần đảm bảo tính công bằng và nghiêm túc. Thứ ba là khâu chấm, chữa bài, đây là công việc đầy nhọc nhằn nhưng vô cùng quan trọng thể hiện cái tâm của người giáo viên Văn, do đó giáo viên Văn không chỉ đọc mà còn phải cảm nhận từng bài của học trò, chỉ ra từng lỗi sai cần khắc phục để học sinh rút kinh nghiệm cho những bài viết lần sau... Thứ tư, nhà trường cần phân xếp loại học sinh theo năng lực sở trường, phân giáo viên dạy học hợp lý và nếu có thể thì kết hợp cùng Đoàn thanh niên phát động những phong trào, những cuộc thi sáng tác trong các đợt thi đua của Nhà trường về các vấn đề phù hợp với lứa tuổi, địa phương và với môi trường giáo dục để phát hiện và tôn vinh những tài năng văn học. Trên đây là một số ý kiến, nhận định và một vài đề xuất của tôi - một giáo viên Ngữ văn - về tình hình, thực trạng dạy học môn Ngữ văn ở trường THPT và trường THPT trên địa bàn Tỉnh Lai Châu nói riêng và cụ thể là ở trường THPT Tân Uyên. Những ý kiến và giải pháp trên có đôi chỗ có thể chưa toàn diện..... Người viết rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến của đồng nghiệp để bản tham luận đầy đủ và trọn vẹn hơn.

Video liên quan

Chủ Đề