Vì sao hàng tồn kho nganh thep tăng

Lượng thép tồn kho lớn sẽ tiềm ẩn những rủi ro nhất định. Ảnh: Nguyễn Thanh

Tồn kho tăng đột biến

Báo cáo tài chính quý 2/2021 của Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát [HPG] ghi nhận con số tồn kho tăng gấp rưỡi so với hồi đầu năm, ở mức xấp xỉ 39.867 tỷ đồng. Trong đó, tồn kho nguyên liệu, vật liệu chiếm tỷ trọng lớn nhất, đạt 18.765 tỷ đồng, tăng 58%; tồn kho thành phẩm cũng tăng 49%, lên mức 8.182 tỷ đồng.

Hàng tồn kho của Công ty CP Thép Nam Kim [NKG] tại thời điểm cuối tháng 6/2021 cũng gấp 2,5 lần so với đầu năm, ở mức 5.958 tỷ đồng. Tập trung chủ yếu ở hàng thành phẩm [3.100 tỷ đồng, tăng 86%] và nguyên liệu, vật liệu [1.886 tỷ đồng, gấp 7,4 lần hồi đầu năm].

Tại Công ty CP Tập đoàn Hoa Sen [HSG], báo cáo tài chính quý 3 niên độ tài chính 2020-2021 cũng cho thấy tồn kho tại thời điểm cuối tháng 6/2021 của HSG lên tới 11.712 tỷ đồng, cao gấp đôi so với thời điểm 1/10/2020. Điều này khiến cho tỷ trọng hàng tồn kho trên tổng tài sản tăng mạnh từ 31% lên 46%. Trong số này, nguyên vật liệu tăng gần 400%, đạt 5.650 tỷ đồng; thành phẩm tăng gấp đôi, lên mức 3.440 tỷ đồng.

Tương tự, tại thời điểm cuối tháng 6, hàng tồn kho của Công ty CP Đầu tư thương mại SMC cũng tăng 126% so với đầu năm, lên mức 4.081 tỷ đồng. Tại Công ty CP Thép Pomina, tồn kho cũng tăng 74%, lên lên 3.909 tỷ đồng.

Hiện tượng tăng đột biến về giá trị hàng tồn kho này được các chuyên gia của của Công ty Chứng khoán HSC lý giải chủ yếu là do giá nguyên liệu đầu vào là HRC và giá thép thành phẩm tăng mạnh trong thời gian qua. Tuy nhiên, nhìn vào bảng cân đối kế toán của các DN có thể thấy, giá trị tồn kho tăng mạnh đã khiến cho tỷ trọng hàng tồn kho trên tổng tài sản của các DN cũng tăng vọt. Diễn biến của giá thép trong thời gian tới sẽ ảnh hưởng lớn tới hiệu quả kinh doanh của các DN thép. Nếu giá thép tiếp tục đi lên, các DN sẽ lãi lớn, nhưng nếu giá thép đi xuống, DN sẽ chịu rủi ro.

Có đáng lo?

Trong quá khứ, đã có những thời điểm mức tồn kho của các DN thép tăng lên mức cao. Cụ thể, tỷ lệ hàng tồn kho trên tổng tài sản của HSG từng đạt mức cao nhất là 42% vào quý 4/2017 và quý 2/2018. Sau đó, giá HRC giảm từ 673 USD/tấn xuống còn 536 USD/tấn đã khiến biên lợi nhuận gộp của DN này giảm về 0% trong quý 4/2018 và quý 1/2019. Tại cùng thời điểm đó, NKG cũng có tỷ trọng hàng tồn kho trên tổng tài sản đạt mức đỉnh 40% và cũng gặp phải kịch bản tương tự như HSG.

Hiện tại tỷ trọng này đang ở mức trên 46% tại HSG và 42% tại NKG. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đăng Thiện, Công ty Chứng khoán Mirae Asset, ở thời điểm hiện tại, rủi ro này đã được giảm thiểu đáng kể khi mảng xuất khẩu vốn chiếm 35-40% doanh thu đã được xác định giá hợp đồng trước 3-4 tháng. Tuy nhiên, ông Thiện vẫn đánh giá việc gia tăng quá nhanh tỷ lệ đầu cơ hàng tồn kho là rủi ro lớn trong quý 4/2021 và quý 1/2022 trong bối cảnh Trung Quốc có các biện pháp tác động giảm giá quặng sắt.

Công ty Chứng khoán HSC cũng nhận định, dù giá trị tăng rất mạnh, song mức tồn kho hiện tại của NKG chỉ tương đương với 12,5 tuần sản xuất – mức khá hợp lý so với 15 tuần sản xuất mà công ty duy trì vào thời điểm cuối quý 2/2020. Cùng với đó, việc ký hợp đồng kỳ hạn gối đầu với tỷ suất lợi nhuận được đảm bảo cho các đơn hàng xuất khẩu giúp cho mức hàng tồn kho cao của NKG không đáng lo ngại.

Tuy nhiên, vẫn sẽ có những rủi ro nhất định. Cụ thể, tại thị trường trong nước, theo ông Thiện, với việc giá nguyên vật liệu xây dựng tăng mạnh trong thời gian qua, nhiều DN đã phải tạm hoãn thi công để chờ quyết định bù trừ giá vật tư, khiến cho tiến độ có thể chậm hơn 6-18 tháng. Thêm vào đó, dịch Covid-19 bùng phát trở lại đã khiến các hoạt động xây dựng tê liệt ở miền Nam kể từ tháng 6 và chưa có dấu hiệu kết thúc. Điều này sẽ ảnh hưởng lớn tới sức tiêu thụ thép ở thị trường trong nước.

Trong bối cảnh đó, xuất khẩu đang là cứu cánh cho các DN. Qua làm việc với HSG, Công ty Chứng khoán HSC tiết lộ, giá xuất khẩu của các hợp đồng mà HSG đã ký cho kỳ giao hàng từ tháng 7/2021 đến hết tháng 11/2021 ở mức cao hơn so với mức giá xuất khẩu trong giai đoạn 9 tháng trước đó. Xu hướng này phản ánh nhu cầu tại châu Âu và Bắc Mỹ tiếp tục tăng mạnh. Do đó, tỷ suất lợi nhuận xuất khẩu của HSG được dự báo sẽ tăng trong thời gian tới cùng với việc cơ cấu sản phẩm cải thiện, bất chấp ảnh hưởng tiêu cực từ việc nhu cầu trong nước giảm.

Tuy nhiên, nhiều nhận định cũng chỉ ra rằng, nguồn cung thép trên thế giới đã bắt đầu hồi phục trở lại. Do đó, dự báo giá thép sẽ dần trở về mức trung bình trong dài hạn. Thực tế, từ tháng 7/2021, giá thép trong nước đã bắt đầu giảm sau 4 tháng tăng liên tục kể từ tháng 2/2021, tuy nhiên, vẫn ở mức cao hơn rất nhiều so với cùng kỳ năm trước. Trên thị trường thế giới, giá thép cũng có xu hướng giảm từ khoảng đầu tháng 6 đến nay.

**Cùng xem lại việc tồn kho nhiều có là gánh nặng của các doanh nghiệp lớn không, SGC xin trích dẫn bài viết sau từ nguồn vietnambiz.vn.

Tồn kho cuối quý II của một số doanh nghiệp như Hòa Phát, Nam Kim cao hơn nhiều so với thời điểm đầu năm. Nguyên nhân đến từ yếu tố mùa vụ trong tiêu thụ thép cũng như ảnh hưởng của dịch COVID-19 tới hoạt động xây dựng.

Tồn kho thép thời điểm cuối tháng 6/2021 cao hơn đáng kể so với cuối tháng 12/2020. Các loại sản phẩm đều ghi nhận mức tăng hai chữ số, riêng thép xây dựng tăng tới 142% lên 822.000 tấn.

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam [VSA], đây là mức tồn kho bình thường để gối đầu tiêu thụ các tháng tiếp theo. Đợt cao điểm thi công thường diễn ra vào các tháng cuối năm lượng hàng tồn vào cuối tháng 12 thường thấp. 

Ngược lại, giai đoạn từ tháng 6 đến tháng 9 hàng năm là mùa mưa nên hoạt động xây dựng bị chậm lại đáng kể, tồn kho thép vì vậy mà lên cao hơn bình thường.

Riêng năm 2021, hoạt động kinh tế gặp nhiều trắc trở vì dịch COVID-19 tái bùng phát đợt 3 và đợt 4 nên tiêu thụ thép trong tháng 6 càng xuống thấp, góp phần làm cho tồn kho thêm cao.

Doanh nghiệp đầu ngành là Tập đoàn Hòa Phát [Mã: HPG] tiêu thụ 230.000 tấn thép xây dựng trong tháng 6, thấp hơn cùng kỳ năm ngoái, đồng thời là tháng giảm thứ 3 liên tiếp kể từ mức đỉnh 479.000 tấn của tháng 3/2021.

Đại diện Hòa Phát cho biết nguyên nhân là dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại TP HCM và các tỉnh phía Nam cũng như mùa mưa đã bắt đầu, làm ảnh hưởng tới nhu cầu.

Đầu năm nay, Hòa Phát đã đưa lò cao số 4 của Khu Liên hợp Dung Quất vào vận hành, nâng công suất lên 8 triệu tấn thép thô/năm. Do yêu cầu đặc trưng trong vận hành, các lò cao này phải hoạt động liên tục 24/7 nên tồn kho của Hòa Phát tăng mạnh nhất trong số các doanh nghiệp lớn. 

Trong các tháng cuối năm khi nhu cầu thép lên cao vượt quá năng lực sản xuất thì lượng hàng trong kho này sẽ được đem ra tiêu thụ, đóng góp vào doanh thu.

Hiện nay Hòa Phát chưa công bố báo cáo tài chính quý II nhưng nhiều công ty chứng khoán đã đưa ra những dự phóng lạc quan.

Chứng khoán HSC ước tính doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế quý II của Hòa Phát lần lượt đạt 35.356 tỷ và 10.610 tỷ, tăng tương ứng 73% và 285% so với cùng kỳ. 

Chứng khoán Rồng Việt thì cho rằng lãi ròng của Hòa Phát có thể đạt 10.200 tỷ trong quý II, đồng thời nâng dự báo lợi nhuận cả năm lên 34.000 tỷ đồng, tăng 17% so với ước tính trước đó và cao hơn 89% so với kế hoạch lãi 18.000 tỷ mà Hòa Phát đặt ra.

Hoa Sen, Nam Kim tồn hơn 150.000 tấn tôn mạ

Trong nửa đầu năm nay, Tập đoàn Hoa Sen [Mã: HSG] và CTCP Thép Nam Kim [Mã: NKG] tiêu thụ lần lượt 931.000 và 423.000 tấn tôn mạ, tương ứng với thị phần 36,7% và 16,7%. Không chỉ dẫn đầu về sản lượng bán hàng, Hoa Sen và Nam Kim còn có lượng tồn kho lớn nhất toàn ngành. 

Theo báo cáo tài chính hợp nhất của Nam Kim, giá trị hàng tồn kho của công ty tại ngày 30/6 là gần 6.000 tỷ đồng, cao gấp 2,5 lần ngày đầu năm. Trong đó, giá trị thành phẩm là 3.100 tỷ, hàng đang đi đường là 783 tỷ và nguyên vật liệu là gần 1.900 tỷ. 

Ngoài 81.400 tấn tôn mạ, Nam Kim còn tồn kho khoảng 7.700 tấn ống thép.

Theo Chứng khoán HSC, giá trị hàng tồn kho lên cao chủ yếu do giá nguyên liệu đầu vào là thép cuộn cán nóng [HRC] và giá thép thành phẩm tăng mạnh.

HSC cho biết mức tồn kho hiện tại của Nam Kim tương đương với 12,5 tuần sản xuất là khá hợp lý so với mức 15 tuần sản xuất vào thời điểm cuối quý II/2020. Nam Kim đã ký hợp đồng kỳ hạn gối đầu với tỷ suất lợi nhuận được đảm bảo cho các đơn hàng xuất khẩu. Vì vậy theo HSC, mức hàng tồn kho tăng cao này là không đáng lo ngại. 

Nam Kim đã công bố báo cáo tài chính quý II/2021 cho thấy lãi sau thuế đột biến 848 tỷ đồng, cao gấp 49 lần quý II/2020 và cũng là con số lớn chưa từng thấy trong lịch sử công ty

Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần tăng gần 150% lên 11.862 tỷ đồng; lãi sau thuế đạt 1.166 tỷ, cao gấp gần 20 lần nửa đầu năm ngoái.

Hoa Sen chưa công bố báo cáo tài chính quý vừa qua nhưng cho biết ước tính lợi nhuận ròng đạt 1.700 tỷ đồng, tăng 435% so với cùng kỳ năm 2020.

Khác với Nam Kim và Hòa Phát, lượng hàng tồn kho của Hoa Sen đi xuống trong những tháng qua. Theo báo cáo của VSA, đến cuối tháng 6, Hoa Sen đang tồn kho 72.800 tấn tôn mạ, giảm 14% so với cuối 2020. 

Đại diện Hoa Sen cho biết tiêu thụ trong nước thời gian gần đây bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nhưng tập đoàn đã ký các hợp đồng xuất khẩu với khách hàng đến hết tháng 11/2021, sản lượng xuất ngoại trung bình trên 120.000 tấn/tháng.

Nguồn: vietnambiz.vn

Video liên quan

Chủ Đề