Xây dựng cán bộ vừa hồng vừa chuyên

Vận dụng sâu sắc tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và quan điểm, chủ trương của Đảng về xây dựng đội ngũ cán bộ nói chung, cán bộ kiểm tra nói riêng, thời gian qua, cấp ủy và ủy ban kiểm tra [UBKT] các cấp trong Đảng bộ Quân đội luôn đặc biệt quan tâm lãnh đạo xây dựng đội ngũ cán bộ kiểm tra “vừa hồng, vừa chuyên”-bảo đảm số lượng, nâng cao về chất lượng; hoàn thành các nhiệm vụ theo quy định của Điều lệ Đảng và nhiệm vụ các cấp ủy giao.

Cơ quan UBKT Quân ủy Trung ương kịp thời đề xuất với Quân ủy Trung ương, Thường vụ Quân ủy Trung ương, UBKT Quân ủy Trung ương kiện toàn UBKT và cơ quan UBKT các cấp trong toàn quân, bảo đảm đúng cơ cấu, số lượng và chất lượng, phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ của công tác KTGS; chú trọng bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ làm công tác KTGS có bản lĩnh chính trị kiên định, vững vàng, giữ vững nguyên tắc, có tính chiến đấu cao, đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ được giao.

Đại tướng Lương Cường, Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Quân ủy Trung ương chủ trì Kỳ họp thứ 2, Ủy ban Kiểm tra Quân ủy Trung ương, nhiệm kỳ 2020-2025.

Đến nay, đội ngũ cán bộ kiểm tra toàn quân đã được củng cố, kiện toàn theo đúng Hướng dẫn số 09-HD/UBKTTW ngày 14-2-2020 của UBKT Trung ương về cơ cấu và số lượng ủy viên UBKT của đảng ủy cấp trên trực tiếp cơ sở và cấp cơ sở thuộc Đảng bộ Quân đội và Kết luận số 234-KL/QUTW ngày 29-2-2020 của Thường vụ Quân ủy Trung ương về cơ cấu và công tác nhân sự UBKT đảng ủy từ cấp cơ sở đến cấp trực thuộc Quân ủy Trung ương nhiệm kỳ 2020-2025, hoạt động nền nếp, đủ năng lực tham mưu và triển khai thực hiện xuất sắc các nhiệm vụ công tác KTGS và thi hành kỷ luật của Đảng.

Giai đoạn 2011-2021, UBKT Quân ủy Trung ương đã tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ công tác KTGS và thi hành kỷ luật của Đảng theo quy định Điều lệ Đảng cho bí thư đảng ủy, chủ nhiệm, phó chủ nhiệm, ủy viên chuyên trách UBKT đảng ủy cấp trực thuộc Quân ủy Trung ương và bí thư đảng ủy cấp trên trực tiếp cơ sở.

- Đại tướng Lương Cường, Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Quân ủy Trung ương trao đổi với các đại biểu tại Kỳ họp thứ 2, Ủy ban Kiểm tra Quân ủy Trung ương, nhiệm kỳ 2020-2025.Ảnh:VIỆT HÀ

Chỉ đạo, hướng dẫn UBKT đảng các cấp trong toàn quân tổ chức tập huấn bồi dưỡng được 1.757 lớp cho 122.554 lượt cấp ủy viên và cán bộ, đảng viên về công tác KTGS; riêng Cơ quan UBKT Quân ủy Trung ương đã tham mưu với UBKT Quân ủy Trung ương tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ công tác KTGS và thi hành kỷ luật của Đảng trong quân đội cho 602 đồng chí là cán bộ kiểm tra từ cấp trên trực tiếp cơ sở trở lên, 418 lượt đồng chí cán bộ kiểm tra phụ trách công tác tổng hợp, thống kê và chủ trì... bảo đảm chặt chẽ, chất lượng, an toàn tuyệt đối.

Kết quả đó đóng góp tích cực vào việc xây dựng đội ngũ cán bộ kiểm tra "vừa hồng, vừa chuyên" đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng Đảng bộ Quân đội vững mạnh về tư tưởng chính trị, tổ chức, đạo đức và cán bộ. Đặc biệt góp phần rất lớn trong việc ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên.

Hiện nay, với yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ xây dựng Đảng bộ Quân đội, UBKT và đội ngũ cán bộ kiểm tra các cấp trong quân đội cần xác định tốt ý chí quyết tâm, phát huy cao độ vai trò, trách nhiệm, phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, tích cực góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ cấp ủy các cấpcóđủ năng lực, phẩm chất, uy tín, thật sự trong sạch, vững mạnh. Cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng; đội ngũ cán bộ kiểm tra là lực lượng nòng cốt, là nhân tố quyết định việc thực hiện nhiệm vụ của UBKT các cấp. Vì vậy, cán bộ kiểm tra phải là những chiến sĩ kiên cường, có bản lĩnh, nắm chắc các cơ chế, chính sách, Điều lệ Đảng, các quy chế, quy định của Đảng và Nhà nước; phải đạt yêu cầu về cả hai mặt: Đạo đức và trình độ, năng lực.

Trong đó cần nhấn mạnh yêu cầu về mặt đạo đức, phẩm chất cách mạng của cán bộ kiểm tra như khẳng định của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Bí thư Quân ủy Trung ương: Mỗi cán bộ làm công tác kiểm tra phải có dũng khí đấu tranh, thật sự công tâm, khách quan, chính trực và hơn ai hết, phảiliêm,phảisạch. Khôngliêm, khôngsạchthì không nói được người khác, không kỷ luật được người khác. Cán bộ làm công tác kiểm tra của Đảng phải là những người cộng sản chân chính vừa có dũng khí đấu tranh, vừa có lòng nhân ái và nhiều khi phải chịu đựng hy sinh về quyền lợi cá nhân...

Với tinh thần đó, cấp ủy, tổ chức đảng các cấp trong quân đội tiếp tục chú trọng kiện toàn tổ chức UBKT và đội ngũ cán bộ kiểm tra có đủ số lượng, chất lượng, cơ cấu phù hợp theo đúng hướng dẫn của trên. UBKT các cấp kiên quyết không để lọt vào UBKT những người bản lĩnh chính trị không vững vàng; phẩm chất năng lực, uy tín giảm sút; thiếu gương mẫu, mất đoàn kết, cục bộ, bè phái, cơ hội, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không dám đấu tranh; có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Việc tuyển chọn, đào tạo cán bộ kiểm tra trong Đảng bộ Quân đội có những yêu cầu và đòi hỏi nhất định nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Cán bộ kiểm tra phải nắm vững quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, phương pháp cơ bản tiến hành công tác KTGS của Đảng; phương hướng, phương châm, nguyên tắc, thủ tục thi hành kỷ luật của Đảng. Đồng thời, nắm vững nhiệm vụ quyền hạn, tổ chức, quy chế làm việc của UBKT cấp mình và nhiệm vụ được phân công. Nắm vững quy trình, cách tiến hành và thực hiện thành thạo công tác kiểm tra từ khâu lập kế hoạch, triển khai thực hiện kế hoạch, thẩm tra, xác minh, viết báo cáo; dự thảo quyết định, thông báo; theo dõi việc thực hiện quyết định, thông báo, lập hồ sơ lưu trữ... Vì vậy, trên cơ sở quy hoạch, UBKT các cấp làm tốt việc phân công, bố trí cán bộ, nhân viên phù hợp với năng lực, sở trường công tác.

Trong yêu cầu công việc, đạo đức, phẩm chất cách mạng của cán bộ kiểm tra có sức ảnh hưởng rất cao đến hiệu quả, chất lượng công tác KTGS nói riêng và công tác xây dựng Đảng bộ Quân đội nói chung. Chính vì vậy, cấp ủy đảng các cấp cần chú trọng bồi dưỡng, đào tạo, rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ kiểm tra, với những phẩm chất, như: Có dũng khí đấu tranh, chính trực và hơn ai hết phải liêm, phải sạch; có ý thức chống tiêu cực ngay trong các cơ quan và cá nhân những người làm công tác chống tiêu cực; trách nhiệm tu dưỡng, rèn luyện không ngừng nâng cao trình độ, kiến thức; luôn phấn đấu, rèn luyện tác phong công tác, không kiêu ngạo, không say sưa với thành tích; giữ gìn phẩm chất, đạo đức, tâm huyết, kiên quyết và trách nhiệm cao trong nghề nghiệp; thực sự gương mẫu trong cuộc sống và công tác; thực sự công tâm, khách quan, đặt lợi ích của Đảng, Tổ quốc, nhân dân lên trên hết, trước hết.

Động viên cán bộ kiểm tra, tích cực học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, rèn luyện bản lĩnh chính trị, đạo đức, tác phong, lối sống và năng lực thực tiễn. Ngoài ra, các cấp ủy quan tâm tăng cường bồi dưỡng cán bộ kiểm tra các cấp bằng các hình thức thích hợp. Tiếp tục thực hiện tốt việc gửi cán bộ đi đào tạo, quy hoạch, bố trí, sử dụng cán bộ kiểm tra phù hợp với năng lực, sở trường; nắm chắc tình hình đội ngũ cán bộ kiểm tra về phẩm chất, năng lực thực tiễn, hoàn cảnh cụ thể của từng cán bộ, kết hợp với yêu cầu của công việc để bố trí, sử dụng cán bộ phù hợp với từng vị trí công tác. Đồng thời, làm tốt công tác tư tưởng, xây dựng môi trường đoàn kết, tạo điều kiện để cán bộ kiểm tra phấn khởi, không ngừng học tập, tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.

Cùng với sự nỗ lực, trau dồi của mỗi cán bộ kiểm tra thì rất cần sự quan tâm sâu sát của cấp ủy các cấp đối với công tác KTGS để “đầu tư” đúng đắn, xứng tầm về con người, vật chất, giúp cán bộ kiểm tra hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ, góp phần nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả công tác KTGS, xứng đáng với truyền thống “Trung thành vô hạn, giữ vững tính đảng, công minh, chính xác” và các phần thưởng cao quý mà Đảng, Nhà nước đã trao tặng ngành kiểm tra Đảng trong quân đội.

Trung tướngLÊ NGỌC NAM, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Quân ủy Trung ương

“Hồng” là từ để chỉ một người giác ngộ cao, trình độ hiểu biết chuyên sâu về chính trị, mang tính giai cấp, ở đây có nghĩa là người giác ngộ cao về chủ nghĩa cộng sản.

“Chuyên” là trình độ chuyên môn về một ngành nghề nào đó, là năng lực để thực hiện một nhiệm vụ, một chức trách nào đó.

Đảng ta yêu cầu một cán bộ phải có đủ trình độ cả hai lĩnh vực chính trị và chuyên môn, trong đó cái gốc là chính trị, chuyên môn là quan trọng. Câu nói “hồng trước chuyên sau”, “hồng thắm thì chuyên mới thâm” không phải chỉ là tiêu chuẩn cho một cán bộ thời chiến mà ngày nay trong hòa bình xây dựng, trình độ khoa học kỹ thuật phát triển cao, một cán bộ tốt vẫn phải có đủ hai yếu tố hồng và chuyên. Nếu chỉ có hồng mà không có chuyên sẽ không đáp ứng được nhu cầu phục vụ hay lãnh đạo. Nếu chỉ đơn thuần chuyên môn mà không có trình độ chính trị thì không khác gì con người chỉ đứng một chân, sẽ không vững vàng. Có trình độ chính trị là điều kiện cho chuyên môn phát triển.

Chúng ta đều hiểu rõ, người cán bộ cách mạng là công bộc của dân, luôn đặt mình toàn tâm toàn ý vì nhân dân phục vụ. Những người có tinh thần giác ngộ cao, được tổ chức giáo dục và rèn luyện lâu năm mới có được tinh thần trách nhiệm cao đối với công việc. Người chưa giác ngộ, chưa được giáo dục đúng mức có thể động cơ, mục đích của họ làm việc chỉ để lãnh lương, làm cho xong việc, có khi chất lượng không cao. Vì vậy, người có chuyên môn thôi chưa đủ mà phải học tập, rèn luyện nâng cao trình độ giác ngộ về chính trị, để có thái độ làm việc với tinh thần trách nhiệm cao. Vì vậy, song song với chuyên môn, người đó phải có hồng nên đủ cả hai: vừa hồng vừa chuyên.

Khi Cách mạng tháng Tám mới thành công, đa số các cán bộ chiến sĩ xuất thân từ công nông, họ có giác ngộ về giai cấp nhưng trình độ văn hóa còn thấp nên hạn chế khả năng làm việc. Để khắc phục, Đảng ta đã tổ chức bồi dưỡng nâng trình độ văn hóa và chuyên môn, qua đó dần đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng đang đòi hỏi. Ngược lại, có một số trí thức có trình độ học vấn cao, nhưng giác ngộ chính trị chưa cao thì Đảng đã đưa họ tham gia công tác, “ba cùng” [cùng ăn, cùng ở, cùng làm] với công nhân và người lao động để góp phần nâng giác ngộ giai cấp cho họ. Cách làm ấy khắc phục được mặt yếu kém cho từng đối tượng, tạo cho cán bộ một năng lực mới đảm bảo vừa hồng vừa chuyên.

Một cán bộ tốt đủ chuẩn chất phải vừa hồng vừa chuyên, nghĩa là nếu chỉ chịu thực hiện đúng luật công chức chỉ mới được điều kiện “cần”, phải khép mình sống trong tổ chức tiên phong gương mẫu của Đảng nữa mới có “đủ” tiêu chuẩn một cán bộ công chức của chế độ. Hơn nữa, khi trở thành người đảng viên rồi còn phải tiếp tục rèn luyện, phấn đấu nâng cao trình độ chính trị, phẩm chất đạo đức, năng lực lãnh đạo để đáp ứng nhiệm vụ được cấp trên giao theo yêu cầu của Đảng. Tức phải được đào tạo nâng cao trình độ lý luận, có nhân sinh quan đúng, có quan điểm quần chúng, nhận thức đúng đắn những vấn đề đang diễn ra, có phương pháp làm việc tốt, phương thức lãnh đạo một đơn vị, ngành nghề...; đồng thời không ngừng tự học, tự rèn luyện để dần nâng mình lên.

Mặt khác, người cán bộ có trình độ chính trị thấp, không tương xứng với trình độ chuyên môn, có thể người đó sẽ không vững vàng về tư tưởng, lập trường cách mạng theo yêu cầu một cán bộ trong hệ thống chính trị của đất nước. Không chỉ vậy, nếu bản thân không có ý thức tu dưỡng, rèn luyện mà bị tác động, lôi kéo hoặc “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” thì với trình độ chuyên môn sẵn có có thể gây hại cho tổ chức, cho Đảng, cho chế độ không nhỏ. Do vậy, phải đào tạo song song để một người phát triển đủ hai yếu tố hồng và chuyên mới đảm bảo yêu cầu một cán bộ vì dân, phục vụ nhân dân. Hệ thống chính trị của chế độ ta đòi hỏi một người phải có “hồng” và “chuyên” mới có đủ chuẩn chất cơ bản.

Trong thực tế, có một số người có trình độ học vấn cao, có chuyên môn cao, đã đứng vào hàng ngũ của Đảng, nhưng họ không thường xuyên rèn luyện, phấn đấu nên “sắc hồng” trong họ dần dần phai nhạt và dẫn đến việc họ xa rời, thậm chí phản bội lại tổ chức. Cũng có không ít người có trình độ học vị cao, nhưng không có trình độ chính trị, thường dễ mơ hồ trong nhận thức, đôi khi có phát biểu và hành động không hợp chuẩn. Không chỉ vậy, cũng có người có học vị cao, nhưng nhận thức chính trị lệch lạc, trở thành kẻ tiếp tay cho các thế lực chống phá Đảng và Nhà nước ta, thậm chí đứng hẳn về phía đối lập.

Trong giai đoạn hiện nay, đối với cán bộ công chức, đảng viên, yêu cầu quan trọng là phải tăng cường giáo dục, nâng cao trình độ chính trị; mặt khác còn phải qua bố trí công tác, thử thách từ thực tiễn cuộc sống, giúp họ có lập trường chính trị vững vàng, đạo đức lối sống phù hợp. Bên cạnh đó, thực tế khách quan luôn tác động cả mặt tốt lẫn xấu vào nhận thức, tư tưởng, tình cảm từng người; có người hôm qua biểu hiện tích cực, nhưng hôm nay có biểu hiện lệch lạc. Làm sao giữ cho họ được “hồng” càng ngày càng thắm, “chuyên” càng ngày càng sâu, là yêu cầu quan trọng trong việc giáo dục, quản lý cán bộ, đảng viên. Bản thân mỗi người phải luôn nỗ lực rèn luyện không ngừng để trau dồi cả về chính trị và chuyên môn. Mặt khác, tập thể, tổ chức phải chú ý giúp đỡ, uốn nắn cho đồng chí mình khi thấy có những lệch lạc về nhận thức, những diễn biến về tư tưởng với phương châm “trị bệnh cứu người” kịp thời thì sẽ giữ được cán bộ, bảo vệ sự trong sáng của mỗi đảng viên, tức là bảo vệ sự trong sạch của Đảng.

NGUYỄN HẢI PHÚ

Video liên quan

Chủ Đề