Admm+ là gì

[Bqp.vn] - Sáng kiến thiết lập Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN [ADMM] được thông qua tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 10 ở Lào năm 2004. Việc tổ chức ADMM được các nước ASEAN đặc biệt chú trọng vì hợp tác quốc phòng có liên quan trực tiếp đến hòa bình, ổn định của khu vực và an ninh quốc gia của mỗi nước.

ADMM ra đời đánh dấu bước khởi đầu của cơ chế hợp tác quốc phòng chính thức trong ASEAN. Đây là cơ chế tham vấn và hợp tác về quốc phòng cao nhất trong ASEAN, là một thành phần quan trọng của Cộng đồng Chính trị - An ninh ASEAN [APSC]. ADMM tạo ra khuôn khổ cho đối thoại và tham vấn cấp Bộ trưởng Quốc phòng về các vấn đề chiến lược, quốc phòng - an ninh; hình thành nền tảng thúc đẩy sự hợp tác trên thực tế giữa lực lượng vũ trang các nước trong khu vực.

Bước tiến lịch sử

Tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 9 diễn ra vào tháng 10/2003 tại Ba-li [In-đô-nê-xi-a], các nhà lãnh đạo ASEAN đã thông qua Tuyên bố Hòa hợp ASEAN [Tuyên bố Ba-li], nêu những định hướng chiến lược của ASEAN với mục tiêu xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2020, dựa trên ba trụ cột: Cộng đồng An ninh - Chính trị ASEAN, Cộng đồng Kinh tế ASEAN và Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN. Ba trụ cột này sẽ được phát triển, thực hiện đồng thời và cân đối.

Việc tổ chức Hội nghị ADMM là bước tiến mới trong khuôn khổ của hợp tác quốc phòng - an ninh, được các nước ASEAN đặc biệt chú trọng, vì đây là lĩnh vực có liên quan trực tiếp đến hòa bình, ổn định của khu vực, an ninh quốc gia của mỗi nước. Đây là sáng kiến của Nhóm Công tác về hợp tác an ninh ASEAN trong cuộc họp ngày 9/5/2004 tại In-đô-nê-xi-a. Sau đó, Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 10 tổ chức tại Viêng-chăn [CHDCND Lào] ngày 29/11/2004 đã thông qua Kế hoạch Hành động của Cộng đồng An ninh ASEAN, trong đó xác định ASEAN sẽ hướng tới tổ chức Hội nghị ADMM hàng năm. Đây là căn cứ để Ma-lai-xi-a tổ chức Hội nghị ADMM đầu tiên tại Ku-a-la Lăm-pơ. Cho đến nay, ADMM đã được tổ chức 13 lần.

ADMM-1 diễn ra tại Ma-lai-xi-a, từ ngày 8 - 9/5/2006. Tại lần hội nghị này, Ma-lai-xi-a không đưa ra chủ đề mà các Bộ trưởng chỉ thông qua một tài liệu khái niệm về Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN.

ADMM-2 diễn ra tại Xin-ga-po từ ngày 13 - 15/11/2007, với chủ đề “Xây dựng cơ sở và phương hướng cho đối thoại quốc phòng và an ninh khu vực”.

ADMM-3 diễn ra tại Thái Lan từ ngày 25 - 26/2/2009, với chủ đề “Tăng cường quốc phòng ASEAN để đối phó với những thách thức của các mối đe dọa phi truyền thống”.

ADMM-4 diễn ra tại Việt Nam ngày 11/5/2010, với chủ đề “Tăng cường hợp tác quốc phòng ASEAN vì một khu vực ổn định và phát triển”.

ADMM-5 diễn ra tại In-đô-nê-xi-a ngày 19/5/2011, với chủ đề “Tăng cường hợp tác quốc phòng ASEAN đối phó với các thách thức mới”.

ADMM-6 diễn ra Cam-pu-chia ngày 29/5/2012, với chủ đề “Thúc đẩy thống nhất ASEAN vì một cộng đồng hòa bình và vững chắc”.

ADMM-7 diễn ra tại Bru-nây từ ngày 6 - 8/5/2013, với chủ đề “Cùng nhau bảo vệ người dân vì tương lai của chúng ta”.

ADMM-8 diễn ra tại Mi-an-ma từ ngày 19 - 21/5/2014, với chủ đề “Hợp tác quốc phòng hướng tới Cộng đồng ASEAN hòa bình và thịnh vượng”.

ADMM-9 diễn ra tại Ma-lai-xi-a từ ngày 15 - 17/3/2015, với chủ đề “ASEAN: Duy trì an ninh và ổn định khu vực vì nhân dân, do nhân dân”. Đây là lần thứ hai, Ma-lai-xi-a chủ trì tổ chức ADMM.

ADMM-10 diễn ra tại Lào từ ngày 24 - 26/5/2016, với chủ đề “Tăng cường hợp tác quốc phòng vì Cộng đồng ASEAN năng động”.

ADMM-11 diễn ra tại Phi-líp-pin năm 2017, với chủ đề “Chung tay tạo thay đổi, kết nối với toàn cầu”.

ADMM-12 diễn ra tại Xin-ga-po năm 2018, với chủ đề “Tăng cường hợp tác, xây dựng tự cường”.

ADMM-13 diễn ra tại Thái Lan năm 2019, với chủ đề “An ninh bền vững”.

ADMM-14 do Việt Nam chủ trì tổ chức theo hình thức trực tuyến, diễn ra ngày 9/12/2020. Đây là lần đầu tiên ADMM được tổ chức theo hình thức trực tuyến. Hội nghị đã ra Tuyên bố chung của Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN về Hợp tác Quốc phòng vì một ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng.

Hợp tác quốc phòng ASEAN đã có những bước phát triển kể từ năm 2006. Tới nay, trong khuôn khổ ADMM có 15 sáng kiến đang được triển khai, gồm: Hợp tác giữa các tổ chức quân, dân sự trong việc ứng phó với các thách thức phi truyền thống [2009];  Mạng lưới Trung tâm Gìn giữ hòa bình của ASEAN [APCN, 2011]; Hợp tác Công nghiệp Quốc phòng ASEAN [ADIC, 2011]; Chương trình Giao lưu Quốc phòng ASEAN [ADIP, 2013], Khuôn khổ Hỗ trợ hậu cần của ASEAN [LSF, 2013]; Cơ sở hạ tầng liên lạc trực tiếp ASEAN trong ADMM [ADI, 2014]; Trung tâm Quân y ASEAN [ACMM, 2015]; Nhóm thường trực quân đội ASEAN về hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm hoạ [AMRG về HADR, 2015]; Hướng dẫn tương tác trên biển [2017]; Trao đổi giáo dục và đào tạo trong ADMM [AETE, 2017];  ASEAN Con mắt của chúng ta [AOE, 2018]; Mạng lưới các chuyên gia quốc phòng ASEAN về hóa học, sinh học và phóng xạ [CBR, 2018]; Hướng dẫn tránh va chạm trên không giữa các máy bay quân sự [GAME, 2018]; Hội thảo Quân y ASEAN [2019]; Vai trò của các cơ quan quốc phòng ASEAN trong hỗ trợ quản lý biên giới [2019].

Dấu ấn Việt Nam

Nhận thức rõ tầm quan trọng của ADMM đối với cấu trúc an ninh khu vực, Việt Nam đã chủ động tham gia cơ chế này và có những đóng góp tích cực, góp phần kiến tạo, duy trì môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác vì một ASEAN phát triển thịnh vượng. Việt Nam tham gia Hội nghị ADMM từ năm 2006. Từ ADMM-2 trở đi, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam đều tham dự ADMM cũng như ADMM Hẹp. Ngay từ Hội nghị ADMM lần đầu tiên, Việt Nam đã có những đóng góp tích cực trong việc thúc đẩy tiến trình phát triển của ADMM theo Hiến chương của ASEAN và đề xuất nhiều sáng kiến, góp phần đưa hợp tác trong ADMM đi vào thực chất, hiệu quả.

Tiếp đó, trên cơ sở đánh giá tình hình an ninh khu vực, Việt Nam đã đề xuất sáng kiến quan trọng như cam kết “không sử dụng vũ lực trước trong giải quyết tranh chấp”, tăng cường hợp tác hải quân trong khu vực thông qua các hoạt động tuần tra chung, thiết lập đường dây nóng giữa hải quân cũng như lãnh đạo quốc phòng các nước, giao lưu giữa các binh sĩ trên đảo ở Biển Đông.

Việt Nam cũng ủng hộ các sáng kiến như Chống đánh bắt cá bất hợp pháp, không được báo cáo và không được quản lý [IUU Fishing], quản lý biên giới, khẳng định sự cần thiết phải nâng cao vai trò trung tâm của ASEAN trong hợp tác với các nước Cộng... Các nỗ lực này của Việt Nam được nhiều nước đánh giá cao, tạo cơ sở để thúc đẩy các sáng kiến, hoạt động của Việt Nam trong năm 2020 khi ta đảm nhận vai trò chủ tịch ASEAN.


Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN Mở rộng lần thứ nhất tại Việt Nam, ngày 12/10/2010. [ảnh: admm.org.vn]

Năm 2010, Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN và chủ trì tổ chức một loạt hội nghị trong khuôn khổ ADMM. Việt Nam đã thúc đẩy mạnh mẽ và đóng góp to lớn trong việc thiết lập Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN Mở rộng [ADMM+] thông qua việc đề xuất Tài liệu khái niệm “ADMM+: Thể thức và thủ tục” và “ADMM: Cơ chế và Thành phần”, tổ chức thành công Hội nghị ADMM+ lần thứ nhất với việc thông qua 5 lĩnh vực ưu tiên hợp tác: An ninh biển, gìn giữ hòa bình, chống khủng bố, hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa, quân y. Tại ADMM+ lần thứ hai do Bru-nây tổ chức năm 2013, theo đề xuất của Việt Nam, Hội nghị đã thông qua lĩnh vực ưu tiên hợp tác thứ 6 là Hành động mìn nhân đạo.

Với phương châm “chủ động, tích cực và có trách nhiệm” trong tham gia hợp tác ASEAN, Việt Nam đã có những đóng góp quan trọng cho sự phát triển của ASPC nói chung, của hợp tác quốc phòng - quân sự ASEAN nói riêng; đồng thời có những đóng góp tích cực trong việc thúc đẩy tiến trình phát triển của ADMM theo Hiến chương của ASEAN và đề xuất nhiều sáng kiến được các nước đánh giá cao, góp phần đưa hợp tác trong ADMM ngày càng đi vào thực chất, hiệu quả.

TTH - Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN [ADMM] và Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng [ADMM+] được coi là những hội nghị quốc phòng chính yếu của khu vực châu Á, với những điểm mạnh đáng ghi nhận.

Tuy nhiên, trong bối cảnh sự cạnh tranh về trật tự đa phương ở Đông Á mà Trung Quốc và Hoa Kỳ theo đuổi ngày càng rõ nét, nhất là trong lĩnh vực kinh tế và tranh chấp Biển Đông, thì chủ nghĩa đa phương quốc phòng - dưới hình thức ADMM & ADMM+, cũng là một phần quan trọng của trật tự khu vực và có thể sẽ bị ảnh hưởng bởi sự cạnh tranh quyền lực đang gia tăng.

Đại diện các nước tham dự Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN năm 2016 tại Lào. Ảnh: The Diplomat

Điểm mạnh của ADMM & ADMM+

Theo phân tích và nhận định của The Diplomat, ADMM & ADMM+ có hai điểm mạnh chính. Thứ nhất, ADMM và ADMM+ là những cuộc họp duy nhất ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương tập hợp đủ các Bộ trưởng Quốc phòng của 10 nước ASEAN và 18 nước mở rộng trong khu vực, để trao đổi quan điểm về một loạt các vấn đề an ninh. Đối thoại với quy mô như vậy - cả ở cấp độ đa phương và trong các cuộc họp song phương bên lề - được đánh giá có vai trò quan trọng vì nó giúp tạo ra sự hiểu biết chung.

Thứ hai, sự hợp tác mang tính thực tiễn của ADMM & ADMM+ thông qua các cuộc tập trận chung cũng góp phần nâng cao năng lực cho các nước ASEAN trong việc ứng phó với các thách thức về an ninh khu vực.

Ngoài ra, các chuyên gia cho rằng, một điểm mạnh nữa có thể kể đến là vai trò trung tâm của ASEAN trong ADMM+. Đây là một diễn đàn rất có ích và liên quan đến các bên cụ thể khi nó có sự độc lập trong nhận thức và mang tính trung lập giữa các cuộc cạnh tranh quyền lực. Sự ưu tiên của các đối tác đối thoại về vai trò trọng tâm của ASEAN trong ADMM+ chính là một dấu hiệu đáng khích lệ cho hiệp hội. Tuy nhiên, sự cạnh tranh Trung - Mỹ có thể sẽ gây bất lợi cho ADMM & ADMM+ trong việc tiến hành thảo luận thẳng thắn về các vấn đề an ninh.

Những thách thức đối mặt

Song song với những điểm mạnh nói trên, không thể phủ nhận khu vực này vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức. The Diplomat cho rằng, mâu thuẫn giữa lợi ích khu vực và lợi ích quốc gia của các nước thành viên có nguy cơ làm rạn nứt mối quan hệ giữa các thành viên ASEAN. Ngoài ra, nguyên tắc về sự đồng thuận của ASEAN cũng đặt ra thách thức đối với sự hợp tác của ADMM+, khi các nước mở rộng tham gia ADMM+ có nhiều lợi ích khác nhau trong các vấn đề chính của khu vực.

Một thách thức thứ ba đối với ADMM & ADMM+ là thiếu thể chế hoá và sự khác nhau trong mức độ năng lực giữa các quốc gia thành viên. Năng lực quân sự khác nhau được cho là rào cản, gây trở ngại cho việc hợp tác sâu hơn về chức năng, trong khi sự chênh lệch về năng lực ngoại giao cũng làm ảnh hưởng đến hiệu quả lãnh đạo của các nước giữ chức chủ tịch ADMM+ tương ứng từ năm này sang năm khác.

Chờ đợi gì vào các kỳ ADMM & ADMM+

Sắp tới, ADMM & ADMM+ cần củng cố các cuộc tập trận theo hướng tốt nhất, cũng như đưa ra các chiến lược để giải quyết những thách thức đối với ngoại giao quốc phòng trong khu vực. Về vấn đề này, Viện nghiên cứu Quốc tế Rajaratnam cho rằng, các nước cần tiếp tục xây dựng năng lực quân sự. Các quốc gia ASEAN cũng nên nêu rõ loại hình và mức độ hỗ trợ mà mình yêu cầu từ các đối tác đối thoại.

Trong khi đó, để tránh bất kỳ sự bất ổn nào trong các mối quan hệ, các quốc gia thành viên cần đảm bảo các lợi ích và thiện chí đạt được từ các cuộc tập trận chung và huấn luyện quân sự có thể vượt ra ngoài các hoạt động đó. ADMM & ADMM+ cần quảng bá các quy tắc chung và các chuẩn mực về hành vi trong các không gian hàng hải và hàng không khu vực, giúp thiết lập các quy tắc ứng xử trong các trường hợp khẩn cấp, cũng như đóng góp vào mục tiêu rộng hơn là một trật tự khu vực dựa trên nguyên tắc.

Đồng thời, các nhà phân tích quân sự cũng đề cập đến việc thể chế hóa ADMM & ADMM+. Để đạt được điều này, ADMM có thể xem xét thiết lập một ban thư ký có thể quản lý các vấn đề của ADMM+. Ngoài ra, có thể tăng cường sự kết hợp giữa ADMM & ADMM+ và các diễn đàn khác như: Diễn đàn khu vực ASEAN, Hội nghị thượng đỉnh Đông Á... The Diplomat cho rằng, đẩy mạnh các mối liên kết này sẽ giúp tăng cường mạng lưới thể chế bao trùm lên các mối quan hệ trong khu vực.

TỐ QUYÊN [Tổng hợp & lược dịch từ The Diplomat, RSIS & Asean]

Video liên quan

Chủ Đề