Bản tuyên ngôn chính trị và yêu sách của tù chính trị

80 năm đã đi qua kể từ ngày nổ ra cuộc đấu tranh Lưu huyết của những người tù cộng sản yêu nước tại Ngục Kon Tum. 80 năm ghi dấu một chiến công oanh liệt, sự hy sinh anh dũng, bất khuất của các bậc chiến sĩ cách mạng tiền bối, trong gông cùm, xiềng xích, không một vũ khí trong tay, đã đứng lên chống lại kẻ thù, chống lại chính sách áp bức, bóc lột hà khắc của thực dân Pháp và tay sai với tinh thần “Thà chết một người để cứu muôn người”.

Các tầng lớp nhân dân dâng hương tại Ngôi mộ chung các tù chính trị.

Những năm 1930-1931, sau thất bại của cao trào cách mạng Xô Viết-Nghệ Tĩnh, trong chiêu bài lừa bịp đi “Tự do sinh hoạt”, thực dân Pháp lần lượt đưa các đoàn tù chính trị Cộng sản ở nhà lao các tỉnh đồng bằng lên giam cầm ở Ngục Kon Tum. Tại đây, thực hiện âm mưu lợi dụng Kon Tum nơi rừng thiêng, nước độc, hoang vắng để giết dần, giết mòn những người Cộng sản, thực dân Pháp đã áp dụng một chế độ cai trị cực kỳ dã man, tàn bạo đối với tù nhân trong công cuộc làm đường 14 xâm lược. Cuộc sống vô cùng tồi tệ, ốm đau, bệnh tật không được cứu chữa; đã vậy lại thường xuyên bị những trận đòn roi, báng súng đánh đập vô cớ, với những trò giết người man rợ của bọn cai, đội và binh lính.

Sáu tháng trên công trường [từ tháng 12/1930 đến tháng 6/1931] các tù nhân phải đương đầu với những âm mưu thâm độc, những trận đòn tàn ác và cái khắc nghiệt của thời tiết. Nỗi đau đớn, thống khổ tột cùng của tù nhân không làm sao kể xiết. Chính vì thế, chỉ trong 6 tháng với 15 km đường đã có 150 trong tổng số 295 tù chính trị bị chết thê thảm, người sống sót chỉ còn da bọc xương và bệnh tật đầy người.

Trước những nỗi thống khổ của anh em tù nhân, hai chi bộ Cộng sản ở Kon Tum lúc bấy giờ là Chi bộ Binh và Chi bộ Đường phố đã phối hợp tuyên truyền, phát động quần chúng nhân dân Thành phố Kon Tum đấu tranh phản đối sự đàn áp của địch, vạch trần tội ác của bọn thực dân đối với tù chính trị làm đường ở Đăk Pao, Đăk Pét, lên án thủ đoạn chia rẽ dân tộc, chia rẽ người Kinh với người Thượng của thực dân Pháp.

Trong khi hai chi bộ đang tích cực tuyên truyền, vận động, thì không may, cơ sở cách mạng ở Trung kỳ bị vỡ, tác động dây chuyền đến Kon Tum. Tổ chức Đảng ở đây cũng bị bại lộ. Địch bắt giam cầm, tra tấn một số đồng chí, một số khác trong đối tượng tình nghi, địch ly gián ra Lao ngoài. Tại đây, số tù chính trị cũ và mới gặp nhau. Trước một tập thể giàu kinh nghiệm và đầy bản lĩnh trên trường tranh đấu, các chiến sỹ Cộng sản đã nhanh chóng hình thành một Ban lãnh đạo chung, tổ chức tuyên truyền, tập duyệt các anh em tù nhân đấu tranh từ hình thức thấp đến hình thức cao, từ tự phát đến tự giác....Và từ trong tập duyệt đấu tranh, tinh thần, khí thế cách mạng ngày càng được tôi luyện, dâng cao. Những đội Cảm tử, Quyết tử ra đời....Tất cả sẵn sàng cho một cuộc đấu tranh lớn, quyết sống còn với kẻ địch, mà đỉnh cao là cuộc đấu tranh Lưu huyết vang động núi rừng của các anh em tù chính trị phản đối việc bắt tù nhân đi làm con đường xâm lược lần thứ 2.

Với tinh thần chuẩn bị sẵn sàng đối phó, với quyết tâm đấu tranh đến cùng, sáng ngày 12/12/1931, khi bọn thực dân tiến hành thực hiện chính sách ly gián tù nhân và chuẩn bị đưa một số tù còn lại lên Đăk Pét làm đường 14 lần thứ hai đã gặp phải sự đấu tranh quyết liệt của tù chính trị ở Lao ngoài, trong đó có nhiều đồng chí trong đội Cảm tử, Quyết tử và Ban phụ trách nhà lao. Anh em tù nhân đã đồng tâm đóng chặt cửa, hô vang các khẩu hiệu phản đối đi làm đường, phản đối chế độ thực dân cai trị, kiên quyết không chịu lên công trường Đăk Pét. Trước sự phản đối quyết liệt của tù nhân, bọn Công sứ, giám binh, nhiều binh lính kéo đến vây ráp, điên cuồng nã súng tàn sát đẫm máu tù nhân làm 8 người chết, 8 người bị thương.

Sau khi đàn áp đẫm máu tù chính trị ở Lao ngoài, địch tiến hành bắt một số người không bị thương, còng tay áp tải lên Đăk Sút, số còn lại, chúng dồn tất cả vào Lao trong. Tại Lao trong, với tinh thần đấu tranh đã được anh em tù nhân chuẩn bị chu đáo về mọi mặt, nên sự việc diễn ra ở Lao ngoài mới chỉ là điểm mở đầu. Tại đây, trong niềm đau thương vô hạn, nỗi uất hận khôn lường, tù nhân càng siết chặt đội ngũ, đoàn kết chặt chẽ, đấu tranh đến cùng. Những ngày tuyệt thực phản đối chính sách cai trị, cùng với Bản tuyên ngôn chính trị và yêu sách của tù nhân đối với chính quyền thực dân Pháp được đưa ra....Cuộc đấu tranh cứ thế tiếp diễn và tiếp diễn ngày một sục sôi. Nhận thấy không thể lay chuyển được tinh thần, ý chí đấu tranh kiên quyết của tù chính trị, sáng ngày 16/12/1931, thực dân Pháp một lần nữa nã súng tàn sát cuộc đấu tranh tuyệt thực làm 7 đồng chí hy sinh và 8 đồng chí bị thương, đồng thời lập tức áp giải, phân tán số tù nhân còn lại, dập tắt cuộc đấu tranh.

Khách tham quan nhà tưởng niệm các chiến sĩ Cộng sản tại Di tích lịch sử Ngục Kon Tum.

Mặc dù bị kẻ địch đàn áp dã man, tàn bạo, song Cuộc đấu tranh Lưu huyết, với tinh thần quyết tử, chấp nhận hy sinh của các tù chính trị vì mục tiêu cao cả "Chết để sống", "Chết một người để cứu muôn người" đã thể hiện được bản lĩnh, khí phách hiên ngang của các chiến sĩ Cộng sản trước lưỡi lê, mũi súng tàn bạo của quân thù; thể hiện ý chí, khát vọng vươn lên đấu tranh tìm đến chân lý độc lập, tự do cho mọi người, cho dân tộc, cho Tổ quốc. Cuộc đấu tranh đã gây được tiếng vang lớn đối với dư luận thế giới về quyền tự do công lý và nhân phẩm con người; tạo cho dư luận trong nước và thế giới biết rõ hơn về chính sách cai trị lao tù của Pháp ở Đông Dương; đã lật tẩy được bộ mặt đê hèn với sự giả danh của ngọn cờ "tự do", "bình đẳng", "bác ái" của bọn thực dân xâm lược.

Cuộc đấu tranh Lưu huyết quyết liệt ấy đã thể hiện tinh thần quyết tâm sắt đá, là mệnh lệnh thiêng liêng của trái tim, khối óc của các chiến sĩ Cộng sản trước vận mệnh sống còn của đất nước,của dân tộc. Tuy cuộc đấu tranh bị bọn thực dân tàn sát đẫm máu, nhưng kết quả mang lại là rất to lớn, đã buộc địch phải thay đổi chế độ cai trị hà khắc và chấp nhận nhượng bộ theo yêu sách của anh em tù chính trị đưa ra. Và nhất là từ bỏ việc xây dựng con đường 14 xâm lược, đóng cửa và giải tán bộ máy nhà Ngục Kon Tum-lò giết người Cộng sản vào năm 1934 đã chứng minh sự thừa nhận thất bại của thực dân Pháp trước tinh thần đấu tranh quyết tử của tù chính trị và nhân dân các dân tộc nơi đây.

Tiếp nối truyền thống của những đảng viên kiên trung tại nhà lao Kon Tum năm ấy, lớp lớp các thế hệ cán bộ, quân và dân các dân tộc Kon Tum đã đứng lên đấu tranh anh dũng, bất khuất, quật cường chống lại các kẻ thù xâm lược, hết thực dân Pháp, phát xít Nhật rồi đến đế quốc Mỹ; chiến tranh nối tiếp chiến tranh, cùng với những mất mát đau thương, những khúc ca bi tráng; các thế hệ cha anh đã viết lên trên mảnh đất Kon Tum những chiến công oai hùng, góp phần làm tô thắm thêm những trang sử vẻ vang của quê hương, dân tộc.

80 năm đã trôi qua, nhưng hình ảnh những người tù chính trị đã ngã xuống vì độc lập tự do cho đất nước, vì lý tưởng của Đảng đã đi vào lịch sử, tạo nên một hình ảnh Nhà lao Kon Tum kiên cường, bất khuất, một biểu tượng về lòng yêu nước, một tinh thần quả cảm, kiên trung. Các chiến sĩ Cộng sản đã tô thắm thêm truyền thống yêu nước, đấu tranh cách mạng của quê hương Kon Tum anh hùng. Những tấm gương anh dũng hy sinh của các chiến sĩ cách mạng tiền bối sẽ mãi là bản tráng ca bi hùng, đã, đang và sẽ sống mãi trong trái tim người dân Kon Tum và cả dân tộc Việt Nam, trong lịch sử, hiện tại và tương lai./.

Ngọc Bích [tổng hợp]

12/12/2019 06:13

Cuộc đấu tranh lưu huyết ngày 12/12/1931 tại Ngục Kon Tum là một trong những sự kiện lịch sử phản ánh tinh thần đấu tranh kiên cường của những chiến sĩ Cộng sản và tù chính trị trước sự đàn áp dã man của thực dân Pháp. Cùng với cuộc đấu tranh lưu huyết, hình ảnh người chiến sĩ Cộng sản Trương Quang Trọng đã trở thành một biểu tượng về lòng yêu nước, tinh thần bất khuất, kiên trung; tô thắm thêm truyền thống yêu nước, đấu tranh cách mạng của dân tộc.

Đồng chí Trương Quang Trọng sinh năm 1906 tại xã Phú Nhơn, huyện Sơn Tịnh [nay thuộc phường Trương Quang Trọng, thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi]. Chứng kiến cảnh nước mất, nhà tan, Trương Quang Trọng sớm tham gia phong trào đấu tranh của học sinh tại những ngôi trường nơi ông học tập.

Từ giữa năm 1926 cho tới tháng 8/1929, đồng chí Trương Quang Trọng đã đóng góp tích cực cho phong trào cách mạng của tỉnh Quảng Ngãi nói riêng và cả nước nói chung. Ngày 19/8/1929, đồng chí bị thực dân Pháp bắt giữ. Sau một thời gian bị giam ở nhà lao Quảng Ngãi, thực dân Pháp kết án Trương Quang Trọng 9 năm khổ sai, 4 năm quản thúc. Đầu năm 1931, chúng chuyển đồng chí cùng một số tù nhân khác vào lao Quy Nhơn và đến tháng 6/1931, bị đày lên Ngục Kon Tum. Trong đợt này có cả các đồng chí: Đặng Thái Thuyến, Nguyễn Huy Lung, Lê Viết Lượng, Bùi San… là những cán bộ trung, cao cấp của Đảng.

Tại đây, thực dân Pháp trấn áp tù nhân bằng roi vọt, báng súng, gậy gộc và đưa tù nhân lên công trường làm đường 14. Công trường làm đường với đèo, dốc hiểm trở, cây cối âm u nhưng công cụ lao động lại hết sức thô sơ. Ngoài những hình thức đánh đập thông thường hàng ngày, bọn lính còn bày ra những trò chơi man rợ để giết hại anh em tù. Chỉ trong 6 tháng [từ tháng 12/1930 đến tháng 6/1931], 295 người tù chính trị đã chết một cách thê thảm, chỉ còn lại chừng 1/3 sống sót trong cảnh ốm yếu, da bọc xương.

Đồng chí Tòng Thị Phóng - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội tham quan Nhà trưng bày tại Ngục Kon Tum. Ảnh: XB

Trước sự đàn áp, đày đọa tù nhân của địch, các chiến sĩ cách mạng cốt cán đã bàn bạc thống nhất, nhanh chóng hình thành “Ban phụ trách nhà lao” để tổ chức anh em tù chính trị đứng lên đấu tranh và phân công các đồng chí trong Ban lãnh đạo phụ trách các nhiệm vụ. Đồng chí Trương Quang Trọng [số tù 303] cùng với Nguyễn Huy Lung [số tù 299] và Hồ Độ [số tù 302] có nhiệm vụ phụ trách xây dựng nội bộ về tư tưởng và tổ chức.

Ban phụ trách nhà lao hạ quyết tâm: Muốn sống, không có con đường nào khác ngoài con đường đấu tranh mà Đảng đề ra. Muốn bảo đảm cuộc đấu tranh thắng lợi, nhất định chúng ta phải làm cho anh em đoàn kết nhất trí, có quyết tâm cao. Phải đấu tranh kiên quyết, bền bỉ, có kế hoạch chu đáo.

Sáng 12/12/1931, khi bọn cầm quyền tiến hành thực hiện chính sách ly gián tù nhân và chuẩn bị đưa một số tù còn lại lên Đăk Pek lần 2, chúng đã gặp phải sự đấu tranh quyết liệt của tù chính trị ở Lao ngoài, trong đó có nhiều đồng chí trong đội cảm tử, quyết tử và Ban phụ trách nhà lao như Trương Quang Trọng, Đặng Thái Thuyến, Nguyễn Huy Lung, Hồ Độ,... Anh em tù nhân đã đồng tâm đóng chặt cửa, hô khẩu hiệu phản đối đi làm đường, phản đối chế độ thực dân cai trị... kiên quyết không chịu lên công trường Đăk Pek lần thứ hai.

Trước sự phản đối quyết liệt của tù nhân, bọn công sứ, giám binh, nhiều binh lính kéo đến bao vây xung quanh nhà lao. Anh em tù vẫn siết chặt hàng ngũ và tiếp tục hô vang các khẩu hiệu, đồng thời dùng gậy gộc chống lại, không để cho bọn địch vào định bắt từng người đưa đi. Theo lệnh công sứ, viên đội Mulê cầm súng, tiến lại cửa nhà lao gọi: “Thằng tù số 299 đâu?”. Anh em trong nhà lao đồng thanh trả lời: “Không có tù số 299! Đả đảo đi Đăk Pek”. Nhưng đúng lúc ấy, đồng chí Trương Quang Trọng [số tù 303] đang đứng ở hàng đầu đã phanh áo, chỉ vào ngực, nói bằng tiếng Pháp “Le voici” [nó ở đây]. Tên Mulê lập tức bóp cò, đồng chí Trương Quang Trọng hi sinh.

Hành động anh dũng chết thay cho đồng đội của đồng chí Trương Quang Trọng và tội ác giết người không gớm tay của bọn cầm quyền Pháp đã thôi thúc anh em đấu tranh quyết liệt hơn, sẵn sàng đương đầu với súng đạn. Bọn địch điên cuồng nã súng tàn sát đẫm máu anh em tù chính trị làm 8 người chết, 8 người bị thương.

Tại Lao trong, sáng 13/12/1931, số anh em tù còn lại đã tổ chức lễ truy điệu cho các đồng chí, đồng đội đã hi sinh. Trong niềm đau thương vô hạn, nỗi uất hận khôn lường, các tù nhân càng siết chặt đội ngũ, đoàn kết chặt chẽ, đấu tranh đến cùng. Chiều cùng ngày, Bản tuyên ngôn chính trị và yêu sách của tù nhân đối với chính quyền thực dân Pháp cũng được đưa ra. Bản tuyên ngôn đã vạch trần chế độ đối xử tàn bạo với tù chính trị của thực dân Pháp và đưa ra các yêu sách đòi nhà cầm quyền Pháp phải chịu trách nhiệm thực hiện. Trong đó đòi quyền được ăn uống, được thuốc men khi đau ốm cho tù nhân; bãi bỏ chế độ đánh đập, bắn giết, gông cùm và các hình phạt khắc nghiệt; đòi quyền được đọc sách báo và viết thư từ cho người thân…

Hàng ngày có nhiều du khách trong và ngoài tỉnh tham quan Ngục Kon Tum. Ảnh: XB

Cùng với những yêu sách đưa ra, anh em tù chính trị kiên quyết đấu tranh tuyệt thực để phản đối đi làm đường, phản đối hành động giết người tàn bạo của kẻ địch. Sáng 16/12/1931, thực dân Pháp một lần nữa nã súng tàn sát cuộc đấu tranh tuyệt thực làm cho 7 đồng chí hy sinh và 8 đồng chí bị thương, đồng thời lập tức áp giải, phân tán số tù nhân còn lại, dập tắt cuộc đấu tranh. Cả hai đợt đấu tranh trực diện, thực dân Pháp đã giết hại 15 đồng chí và làm bị thương 16 đồng chí.

Tuy vậy, sau cuộc đấu tranh này nhà cầm quyền Pháp buộc phải thả 50 người tù chính trị có án nhẹ và một số tù thường phạm; phải nhượng bộ bằng việc thay đổi chế độ lao dịch của tù, bỏ chế độ đánh đập tù nhân, người tù ốm đau được nghỉ và có thuốc men. Tháng 4/1934, thực dân Pháp phải xóa bỏ ngục Kon Tum và đưa tất cả số tù chính trị còn lại vào nhà đày Buôn Ma Thuột.

Cuộc đấu tranh Lưu huyết với tinh thần quyết liệt, chấp nhận hy sinh của các tù nhân chính trị vì mục tiêu cao cả “Chết để sống”, “Chết một người để cứu muôn người” đã thể hiện được bản lĩnh, khí phách kiên trung của đồng chí Trương Quang Trọng và các chiến sĩ Cộng sản trước lưỡi lê, mũi súng tàn bạo của quân thù. Sự hy sinh anh dũng, bất khuất của các anh em tù chính trị trong Ngục Kon Tum đã gây được tiếng vang lớn đối với dư luận thế giới về quyền tự do công lý và nhân phẩm con người; để dư luận trong nước và thế giới thấy rõ hơn chính sách cai trị lao tù của Pháp ở Đông Dương; lật tẩy được bộ mặt đê hèn với sự giả danh của ngọn cờ “tự do”, “bình đẳng”, “bác ái” của thực dân Pháp.

Hình ảnh đồng chí Trương Quang Trọng và các anh em tù chính trị đã đi vào lịch sử, trở thành biểu tượng về lòng yêu nước, tinh thần bất khuất, kiên trung của những người Cộng sản; tô thắm thêm truyền thống yêu nước, đấu tranh cách mạng của quê hương Kon Tum anh hùng. Tấm gương ấy, tinh thần ấy đã, đang và sẽ sống mãi trong trái tim người dân Kon Tum và cả dân tộc Việt Nam, trong lịch sử, hiện tại và tương lai.

Trần Thị Sáu

Video liên quan

Chủ Đề