chính sách phát triển nguồn nhân lực ở việt nam hiện nay như thế nào?

Tiềm năng nguồn nhân lực ở Việt Nam hiện nay

Thứ Sáu, ngày 5 tháng 3 năm 2021 - 17:15 Đã xem: 4665
  • A+
  • A-

Việt Nam hiện nay đang nằm trong giai đoạn có tỷ lệ dân số vàng đáng ngưỡng mộ. Tại các quốc gia không có được tỷ lệ dân số vàng như chúng ta, điển hình là các nước Bắc Âu, hay dựa vào các nghiên cứu đánh giá, phân tích các chính sách tận dụng cơ hội dân số "vàng" của các nước Đông Ávà Đông Nam Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore thì nguồn nhân lực là một trong những nội dung chính phải quan tâm. Thực tế, để đạt những kỳ tích về phát triển kinh tế - văn hóa xã hội, hầu hết các quốc gia kể trên đã chia sẻ về việc triệt để tận dụng nguồn nhân lực chất lượng cao của quốc gia mình, thậm chí là đầu tư để vận dụng nguồn nhân lực của nước khác để phục vụ cho nước mình, qua đó mỗi cá nhân đã trở thành động lực thúc đẩy cho sự phát triển, và phồn vinh của đất nước họ.

Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: tapchitaichinh.vn

Cơ cấu dân số vàng [tiếng Anh: Golden population structure] được hiểu là số người trong độ tuổi lao động [khoảng từ 18-50] tăng gấp hai lần số người phụ thuộc. Cơ cấu dân số vàng tại các quốc gia không kéo dài vĩnh viễn mà chỉ thường diễn ra từ 30 đến 35 năm hoặc dài hơn một chút. Nhiều quốc gia trên thế giới đã biết tận dụng triệt để cơ hội này để tạo nên những kì tích trong phát triển kinh tế, đưa đất nước phát triển. Ngược lại, cơ cấu dân số vàng cũng đặt ra không ít những khó khăn, thách thức cần giải quyết, như: Tốc độ tăng nhanh của số dân trong độ tuổi lao động sẽ có thể trở thành gánh nặng cho xã hội, nếu quốc gia có tỉ lệ thất nghiệp cao và năng suất lao động thấp. Có một điều dễ nhận thấy đó là, tất cả những cơ hội và thách thức kể trên đều liên quan đến một vấn đề cốt lõi: Nguồn nhân lực của quốc gia. Trong nền kinh tế tri thức, khi giá trị sản phẩm hơn 80% là hàm lượng chất xám, tài sản nguồn nhân lực của một đất nước càng được đặt vào một vị trí quan trọng. Trong bài viết này sẽ đưa ra một số góc nhìn khái quát, trả lời câu hỏi: nguồn nhân lực bao gồm những khía cạnh nào và làm sao để phát huy được cao nhất hiệu quả của nguồn lực này ở Việt Nam hiện nay.

Có rất nhiều cách hiểu về khái niệm nguồn nhân lực. Có ý kiến cho rằng, nguồn nhân lực là tổng hợp cá nhân những con người cụ thể tham gia vào quá trình lao động, là tổng thể các yếu tố về thể chất và tinh thần được huy động vào quá trình lao động [xem xét ở trạng thái động]. Lại có ý kiến khác, cho rằng nguồn nhân lực ở Việt Nam hiện nay là toàn bộ khả năng về sức lực, trí tuệ của mọi cá nhân trong tổ chức, bất kể vai trò của họ là gì. Theo ý kiến này, nói đến nguồn nhân lực là nói đến sức óc, sức bắp thịt, sức thần kinh và nhìn nhận các khả năng này ở trạng thái tĩnh [[1]]. Tổng thể hơn, giáo sư Phạm Minh Hạc đưa ra khái niệm: nguồn nhân lực cần phải hiểu là tổng thể các tiềm năng lao động của một nước hay một địa phương sẵn sàng tham gia một công việc nào đó [[2]].

Vậy việc nào đó mà nguồn nhân lực cần đáp ứng được là những việc gì. Theo đó, có hướng đào tạo và giáo dục nguồn nhân lực có trọng điểm. Trong tình hình hiện nay của nước ta, phải công nhận rằng học thuật, kinh tế, hệ thống luật pháp là ba điểm mà chúng ta cần phải đuổi kịp các nước phát triển. Bản chất, văn minh của một xã hội, cơ sở hạ tầng vững chắc để xây dựng nên một kiến trúc thượng tầng hoàn chỉnh cũng phụ thuộc sâu sắc vào ba mặt ấy. Nguồn nhân lực - tài nguyên về con người ở Việt Nam trước hết phải bám sát ba trụ cột trên. Cũng không thể thiếu là việc tìm ra những thế mạnh riêng có của đất nước, các địa phương để có hướng phát triển đột phá, ví dụ như: Singapore tìm ra thế mạnh ở lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử và bán dẫn, Hàn Quốc có thế mạnh về công nghiệp giải trí và đóng tàu, Nhật Bản với lĩnh vực công nghệ cao từ đó tiếp tục bồi đắp, tương hỗ cho nền học thuật, kinh tế, luật pháp của đất nước, cũng như tiến bước vào các lĩnh vực mới như công nghệ sinh học, hàng không và vũ trụ

Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: TTXVN

Vậy khi đã có được nguồn nhân lực bảo đảm các thế mạnh kể trên rồi làm sao để phát huy được cao nhất hiệu quả của nguồn lực này ở Việt Nam, các địa phương hiện nay. Có một bài học được chính phủ Nhật Bản hiện nay vẫn nhắc đến rất nhiều về đào tạo nguồn nhân lực sau khi chính phủ Minh Trị ra đời. Đó là thách thức của chính phủ khi phải đối mặt với tình hình văn hóa xã hội, nhân dân Nhật Bản vẫn chịu ảnh hưởng của nền phong kiến và chế độ áp bức lâu dài thời thuộc địa tới tận ngày nay. Nhìn vào tổng hợp các hiện tượng xã hội thì chúng ta sẽ hiểu rõ thực trạng của nó [[3]].

Nhắc tới câu chuyện về Nhật Bản để thấy được rằng, cách để một đất nước phát triển dựa trên nguồn nhân lực không phải chỉ dựa vào đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhà nước mà phải dựa vào toàn thể nhân dân trong cả nước. Phải tận dụng được trí tuệ và sức lao động của từng người, từng cá nhân, công dân Việt Nam trong và ngoài nước để chuyển mình, để cống hiến trọn vẹn cho phồn vinh của xã hội. Công cuộc phát triển nguồn nhân lực rất đa dạng, những người tham gia vào công cuộc này sẽ nằm trong mọi lĩnh vực, chuyên môn khác nhau hoặc trên một công việc cụ thể. Có người khác lại có nghĩa vụ truyền đạt cho mọi người biết cách thức để mà chúng ta hướng tới. Con đường hiệu quả nhất để bám sát sự phát triển tột bậc của nhân loại, và lại do chính mỗi người thực hiện. Lúc đó, nhà nước của dân, do dân, vì dân thực sự phát huy sức mạnh vĩ đại của tập thể, mỗi công dân sẽ là động lực phát triển cho chính phủ, cho đất nước; còn ngược lại chính phủ sẽ dựa vào nhân dân để hoàn thiện hơn hệ thống chính sách, pháp luật và thực thi của mình.

Dân số Việt Nam hiện nay đang có 95,54 triệu người [[4]], chiếm 1,25% dân số thế giới với thời kỳ dân số vàng bắt đầu từ 2010 kéo dài tới 2040 [[5]]. Trong bối cảnh đó, "cơ hội dân số vàng" được coi là một trong những vấn đề trọng tâm của Chiến lược Phát triển Kinh tế - Xã hội Việt Nam trong thập kỷ tới cũng như Kế hoạch Phát triển Kinh tế - Xã hội giai đoạn 2021-2030 và đã được đưa vào Chiến lược Dân số và Sức khỏe sinh sản giai đoạn 2011-2020 và những năm tiếp theo, cùng với các qui hoạch, chính sách và chiến lược của các ngành, các địa phương. Mỗi cá nhân cần cấp bách trau dồi kiến thức bản thân, nghiêm túc vạch ra các chiến lược, chính sách và chương trình dài hạn.

Đỗ Hồng Thanh

[1] Võ Xuân Tiến, Một số vấn đề về đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, Tạp chí KH&CN, Đại học Đà Nẵng Số 5[40], 2010.

[2] Phạm Minh Hạc, Nghiên cứu con người và nguồn nhân lực đi vào công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, 2001.

[3] Fukuzawa Yukichi [Phạm Hữu Lợi dịch], Khuyến học hay những bài học về tinh thần độc lập tự cường của người Nhật Bản, NXB. Nhã Nam NXB. Dân trí, 2007.

[4] Số liệu năm 2018, Tổng cục thống kê Việt Nam.

[5] Trần Thị Vân Nương, Tận dụng cơ hội dân số vàng ở Việt Nam: cơ hội, thách thức và các gợi ý chính sách, Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới, Viện Hàn lâm KHXHVN, 2015.

Video liên quan

Chủ Đề