Đánh giá tâm lý học hành vi pdf

Sách: Tâm Lý Học Hành Vi
Tác giả: Khương Nguy

Trong các mối quan hệ giữa người với người, việc nắm bắt tâm lý của đối phương đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng sự thấu cảm và phát triển những mối quan hệ lành mạnh. Tuy nhiên, nắm bắt tâm lý ở khía cạnh này chỉ đang dừng lại ở mức độ nhận thức, ở một mức độ cao hơn là chúng ta có thể nhìn thấy hành vi của một người, từ đó có thể phân tích và giải mã thông điệp từ những hành vi khách quan ấy. Với Tâm lý học hành vi của Khương Duy hứa hẹn sẽ mang đến cho đọc giả những kiến thức bổ ích và thực tế về cách nhận diện hành vi của con người, từ đó khơi mở ra những cơ hội trong việc xây dựng các mối liên kết xã hội lành mạnh.

Đối với tâm lý học hành vi, có hai câu hỏi lớn cần chúng ta giải đáp:

1/ Chủ quan hay khách quan?

2/ Nội quan hay ngoại quan?

Trước khi nói về điều này, có lẽ ít ai biết rằng, tâm lý học mà ngày nay chúng ta hay nhắc đến vốn bị giam cầm trong cái lồng mang tên “thần học”. Nói cách khác, tâm lý học thời kỳ đầu có nét tương tự với thứ gọi là “thể nghiệm tâm linh”, chịu sự chi phối của triết học tôn giáo về khái niệm linh hồn và các hiện tượng siêu nhiên. Hay nói một cách dễ hiểu hơn đó là tâm lý học lấy ý thức làm đối tượng để nghiên cứu.

Tuy nhiên, mãi đến đầu thế kỷ XX, nhà tâm lý học người Mỹ John Broadus Watson mới sáng lập ra trường phái tâm lý học hành vi. Đây là trường phái lấy hành vi của con người làm đối tượng nghiên cứu.

Tâm lý học hành vi đã đưa tâm lý học từ thế giới chủ quan sang thế giới khách quan, nhấn mạnh sức ảnh hưởng lớn của các yếu tố bên ngoài với con người, và khẳng định những kết quả chúng ta gặt hái được trong tương lai đều bắt nguồn từ rất nhiều thói quen của ngày hôm nay.

Nào, chúng ta đi vào phần chính cho 2 câu hỏi như trên.

Mục lục

  • 1/ Chủ quan hay khách quan?
  • 2/ Nội quan hay ngoại quan?
  • CHƯƠNG 2: PHẢN ỨNG SINH LÝ
  • CHƯƠNG 3: HÀNH VI MANG TÍNH THÓI QUEN
  • CHƯƠNG 4: CÂU ĐỐ VỀ CẢM XÚC
  • CHƯƠNG 6: ĐIỀU KỲ DIỆU CỦA NGÔN TỪ
  • CHƯƠNG 7: NHÌN THẤU NHÂN CÁCH
  • Lời kết

1/ Chủ quan hay khách quan?

Có một câu nói thông dụng của người Trung Quốc: Mở mắt thấy hoa nở, nhắm mắt thấy hoa câm. Đại ý là: Khi ta không ngắm hoa, hoa cũng trầm mặc giống ta vậy, còn khi ta ngắm hoa, hoa liền lập tức khoe sắc tỏa hương. Lúc này ta biết hoa nở không phải ở đâu khác mà ở ngay trong tâm mình.

Theo cách nói này thì tồn tại khách quan vốn không quan trọng, mà thứ chúng ta từng giờ từng khác chú ý đến là thế giới chủ quan. Điều này phản ánh chính xác những gì tâm lý học truyền thống quan niệm.

Nhưng đối với tâm lý học hành vi thì điều này lại đi ngược lại. Mục đích chính của trường phái này là quét sạch những quan niệm cũ còn sót lại của tâm lý học truyền thống. Họ sẽ phải tiến hành và làm rõ sự khác biệt của từng khái niệm xuất phát từ góc nhìn chủ quan như: tư duy, ý tưởng, ý niệm, nguyện vọng, tinh thần, tri giác, cảm giác, vv.

Lý do vì sao tâm lý học hành vi phủ nhận việc lấy ý thức con người [yếu tố chủ quan] làm đối tượng nghiên cứu chính là ở sự thay đổi không ngừng của ý thức con người.

Ý thức vừa là thứ mơ hồ bất định lại không ngừng thay đổi, trong khi đó các nhà nghiên cứu chẳng thể biến thành đôi guốc đi trong bụng đối phương, muốn đào sâu thêm để tìm hiểu tâm tư của người đã khó càng thêm khó. Chưa kế đến việc kết quả thực nghiệm cũng không có cách nào để kiểm tra, làm sao bạn biết đúng sai như thế nào?

Ngược lại, khi lấy hành vi của con người để nghiên cứu, các nhà tâm lý học đã ý thức được rằng, mọi hành vi của chúng ta đều gói gọn trong một công thức chung đó là: KÍCH THÍCH – PHẢN ỨNG. Hành vi của chúng ta là một kiểu phản ứng.

Ví dụ: Khi chúng ta đói, thì lập tức tìm đồ ăn, khi lạnh liền lập tức tìm chăn hoặc áo để mặc; khi tay chạm vào một vật nóng, tay liền co rút lại. Tất cả đều là mô hình kích thích – phản ứng.

2/ Nội quan hay ngoại quan?

Khái niệm nội quan chắc hẳn chúng ta cũng đã từng nghe qua, đại ý nói về hành động tự xem xét lại bản thân, ngẫm nghĩ xem chúng ta đã làm sai việc gì, quan sát cảm xúc hằng ngày của chúng ta diễn ra ra sao, vv. Dĩ nhiên, xét theo một phương diện nào đó, việc tự nghiền ngẫm và đúc kết cho bản thân là một việc làm giá trị, tuy nhiên xét về lâu dài, liệu chúng thật sự có hiệu quả?

Chúng ta thường quá tự tin trong cách nhìn nhận về bản thân mình, bạn cho rằng không ai hiểu bản thân bạn bằng chính bạn. Vậy mà trong lúc loay hoay tìm cách giải thoát, bạn lại được người bên cạnh nhắc nhở như một đòn cảnh tỉnh, khiến bạn đột nhiên tự soi rõ bản thân. Đây là lý do vì sao chúng ta thường hay nghe nói: Đối diện với những góc khuất trong tâm hồn, người ngoài cuộc vẫn là sáng suốt nhất. Việc tự nhìn nhận về bản thân là một điều tốt, nhưng chúng ta cũng cần những đánh giá và góp ý từ người khác để điều chỉnh sao cho phù hợp.

Việc dựa trên những dữ liệu từ quá khứ để đánh giá bản thân của hiện tại có thể dẫn đến sai sót vì ký ức là thứ có thể bị thay đổi hoặc bị lãng quên một cách có chọn lọc. Điều này dẫn đến kết quả có thể bị sai sót. Nhưng khi quan sát thì chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy, thông qua hành vi của con người, thứ khách quan nhất chúng ta có thể thấy, chúng ta có thể giải mã và đào sâu phân tích về kích thích và phản ứng đã tác động lên đối tượng một cách dễ dàng.

Một điều quan trọng nữa là: Tâm lý học hành vi và sinh lý học có mối quan hệ mật thiết với nhau, bởi cả hai đều thuộc phạm trù của khoa học tự nhiên. Sinh lý học có nhiệm vụ nắm rõ từng bộ phận trên cơ thể động vật như chín hệ cơ quan lớn trong cơ thể người phân công và hoạt động ra sao, vận hành có trật tự, mạch lạc thế nào, đồng thời đọc giải tâm lý thông qua những tín hiệu phát ra từ cơ thể. Trong khi đó, song song với sinh lý học, tâm lý học hành vi càng chú trọng hơn vào các hành động của động vật và con người, không những cần quan sát phân tích, mà còn phải nắm rõ quy luật trong đó để đưa ra những điều chỉnh và kiểm soát phù hợp.

CHƯƠNG 2: PHẢN ỨNG SINH LÝ

Phần này tập trung chủ yếu vào:

Quá trình vận hành của quy luật kích thích – phản ứng

Không phải cứ xảy ra kích thích là cơ thể chúng ta sẽ phản ứng lại ngay. Người xưa thường nói: Gãi không đúng chỗ ngừa thì chỉ tốn công vô ích. Cũng giống như châm cứu, nếu không điểm huyệt đúng vị trí thì sẽ rất khó có tác dụng.

Các cách kích thích khác nhau sẽ dẫn đến những phản ứng khác nhau

Ở đây, chúng ta bàn về kích thích xét về bản chất tự nhiên và kích thích có điều kiện hoá như thí nghiệm về chú chó của Pavlov. Đại ý là thông thường nếu chú chó nhìn thấy đĩa thức ăn sẽ lập tức tiết nước bọt thèm thuồng, nhưng nhờ vào sự thay thế kích thích, bây giờ nếu thấy ánh đèn và tiếng chuông đều khiến chú chó nhỏ dãi thèm thuồng. Đây là một ví dụ điền hình của sự thay thế kích thích.

Thói quen chỉ là những phản ứng có điều kiện kiểu mới

Chúng ta thường nghĩ rằng, thói quen là một quá trình dễ dàng, không có gì phải bàn cãi tuy nhiên, để hình thành một thói quen là một chuỗi những phản xạ có điều kiện được thực hiện trong một thời gian dài. Hay nói cách khác, thông qua quá trình thử đi thử lại những hành động, dần dần chúng ta loại bỏ những thao tác không cần thiết và chỉ giữ lại những thao tác quan trọng và điều chỉnh sao cho phù hợp để duy trì một thói quen nào đó.

Ngoài việc thay thế kích thích, chúng ta còn có thể thay thế phản ứng của một người, dẫn đến những hành vi tích cực trong tương lai

Đối với một số người, sự thay thế phản ứng cũng một phần phản ánh tuổi thơ của họ trong quá khứ. Hay nói cách khác, thông qua những phản ứng của họ trong cách tiếp nhận thông tin có thể nói lên sự tổn thương mà họ từng trải qua.

Chắc hẳn bạn cũng đã từng nghe: “Một ngày bị rắn cắn, mười năm sợ dây thừng”. Điều này đặc biệt đúng với trẻ nhỏ. Thực chất chúng không sợ bản thân dây thừng đó, mà chúng sợ hãi những vật có bề ngoài gợi liên tưởng tới con rắn, từ đó nhìn giả thành thật, cơn ác mộng trong quá khứ lại một lần nữa hiện về.

Chúng ta cần hiểu rằng, khi một đứa trẻ vừa đến với thế giới này cũng giống như “ nghé con mới sinh không biết sợ hổ”, bởi vậy nếu trong quá trình lớn lên có điểm khác biệt với những đứa trẻ khác, các bậc cha mẹ cần suy nghĩ xem điều gì tác động lên hành vi của trẻ nhỏ, từ đó tìm cách khắc phục và hỗ trợ chúng khi cần.

Việc nhìn nhận vào cách phản ứng của một người với một sự kiện nào đó, chúng ta có thể hình thành sự cảm thông và thông cảm với những gì họ trải qua mà không có sự giả định hay chỉ trích.

CHƯƠNG 3: HÀNH VI MANG TÍNH THÓI QUEN

Nội dung chương này tập trung vào ý nghĩa của thói quen, thói quen hình thành như thế nào và tiêu chí để hình thành và nuôi dưỡng một thói quen tốt.

Ý nghĩa của thói quen:

Thói quen được hình thành chủ yếu dựa trên mong muốn duy nhất đó chính là được sống thoải mái.

Con người hình thành thói quen để có thể thích ứng với các kích thích bên ngoài một cách tốt hơn.

Mục đích của một phản ứng sinh ra nhằm để kết thúc một kích thích nào đó, chính vì vậy vai trò của thói quen chính là những phản ứng có điều kiện được sinh ra để giúp chúng ta thoát khỏi những kích thích và trở về với trạng thái ban đầu, đồng thời khiến cho chúng ta phục hồi nhanh chóng để làm những việc mình mong muốn, từ đó hoàn thành mục tiêu được định sẵn.

Thói quen được hình thành như thế nào?

Đề minh hoạ cho việc thói quen được hình thành như thế nào, Watson đã tiến hành một cuộc thực nghiệm đối với trẻ nhỏ. Đại ý là ông đã đặt bình sữa ở rất gần tay của đứa trẻ. Đứa trẻ nhìn thấy bình sữa thì liền cực quậy, khoa tay múa chân, miệng liên tục chóp chép, mọi hành động đều thể hiện sự mong muốn uống bình sữa. Tuy nhiên, giai đoạn này đứa trẻ vẫn không với tay về bình sữa.

Đến ngày thứ hai, phản ứng của đứa bé ngày càng rõ rệt và mạnh mẽ hơn, đặc biệt là cánh tay. Xác suất bàn tay và cánh tay vào vật thể lớn hơn cả so với những bộ phận khác.

Ngoài ra, để tăng thêm độ khó, ông còn đặt thêm một miếng bánh ở vị trí mà đứa trẻ có thể lấy được, khi đó đứa trẻ lại với tay ra lấy và cho miếng bánh vào miệng.

Cứ như vậy, cuộc thí nghiệm được thực hiện liên tục từ mười đến mười hai lần, cho đến khi đứa trẻ hoàn toàn có thể với tay lấy được bình sữa.

Từ thí nghiệm trên, chúng ta có thể thấy bàn tay, cánh tay và ngón tay đều phối hợp hoàn hảo với nhau thì những hoạt động không liên quan đến bàn tay như bàn chân hay thân người cũng dần dần được lược bỏ hoặc biến mất.

Đưa tay là một hoạt động căn bản nhất, mà thói quen này dần về sau có thể biến đổi phức tạp như ném đồ vật, cầm nắm, xoay đồ vật, hoặc đầy đồ vật về phía trước.

Hình thành và nuôi dưỡng thói quen tốt

Ý này có liên quan đến ý trên, để hình thành một thói quen và nuôi dưỡng chúng, chúng ta cần một quá trình “thử sai” rất nhiều lần. Thông qua quá trình này, chúng ta mới có thể loại bỏ những hành động không cần thiết, từ đó tìm ra con đường ngắn nhất để giải quyết vấn đề, đồng thời biến con đường đó thành phản xạ có điều kiện ổn định dần theo thời gian.

Điều này liên quan đến cách nuôi dạy con của các bậc cha mẹ. Cha mẹ luôn muốn dọn sẵn đường đi cho con cái, có thể thấy đây không phải là giúp đỡ mà chính là hại con. Nếu không muốn trở thành người cha mẹ người mẹ dạy hư con thì hãy cứ để con trẻ dùng hết khả năng của nó để trải nghiệm cuộc sống càng nhiều càng tốt. Chỉ khi trải nghiệm nhiều như vậy, chúng mới có thể tự tìm ra cách để giải quyết vấn đề, từ đó vững vàng hơn để đối mặt với bất cứ tình huống nào trong cuộc sống.

CHƯƠNG 4: CÂU ĐỐ VỀ CẢM XÚC

Cơ sở sinh lý cho cảm xúc:

Cảm xúc không phải là thứ được sinh ra một cách vô cớ, nó cũng cần sự nâng đỡ về mặt sinh lý của cơ thể con người. Một ví dụ cụ thể là trẻ sơ sinh.

Đối với một đứa trẻ mới sinh, có ba loại kích thích khơi gợi được phản ứng từ nó.

Một là sợ hãi, ví dụ khi nghe tiếng sấm hoặc khi cơ thể mất đi điểm tựa, nó sẽ kêu khóc vì giật mình, phản ứng của các cơ quan trong cơ thể đều xuất hiện rõ ràng.

Hai là sự tức giận. Kích thích này xuất phát từ việc bản thân đứa trẻ không được hoạt động tự do, ví dụ như hai tay bị giữ chặt, khi ấy đứa trẻ ấy sẽ trở nên bực bội, khóc lóc, hô hấp gián đoạn, hệ tuần hoàn cũng bị ảnh hưởng theo. Có thể liên hệ được, hành động mặc áo cho con trẻ của cha mẹ thường khiến cho chúng khó chịu và cáu kỉnh.

Cuối cùng là tình yêu. Nếu cha mẹ dỗ dành hay vuốt ve chúng, chúng sẽ ngừng khóc, vui cười thành tiếng, nhịp thở thay đổi và cơ thể thả lòng hơn.

Cảm xúc có tính lan truyền.

Tất cả những cảm xúc như: sợ hãi, lòng can đảm, nỗi sợ đều có tính lan truyền. Khi chúng ta bị đặt trong hoàn cảnh nào đó, dưới tác động của những cảm xúc này thì hành vi của chúng ta sẽ thay đổi theo một chiều hướng nhất định.

Ví dụ:

Trong thí nghiệm của Watson, ông tiến hành một cuộc thực nghiệm của Bob – một cậu bé vốn không hề sợ thỏ. Khi tiếp xúc với những chú thỏ dễ thương, cậu không hề tỏ ra cảm giác khó chịu, thậm chí cậu còn vuốt ve chúng. Nhưng vào một ngày đi chơi trong công viên cùng cô bạn Lucy. Trong lúc chơi đùa, khi người ta đưa thỏ đến, Lucy sợ hãi khóc thét lên, đòi mọi người mang thỏ đi. Kết quả, trong bầu không khí này, cậu bé Bob dường như bị ảnh hưởng. Cậu sẽ suy nghĩ rằng, chắc hẳn con thỏ này cũng có những điểm đáng sợ, nếu không Lucy tại sao lại hoảng sợ đến mức như vậy?

Sau nhiều tuần như thế, khi đưa cậu chơi cùng những người bạn khác, Bob đều từ chối tiếp cận chú thỏ, vẻ mặt luôn trong tình trạng hoài nghi.

Từ những biểu hiện trên, chúng ta có thể thấy rằng:

Nếu đặt trong môi trường tập thể, chắc chắn sẽ xuất hiện sự lan truyền cảm xúc giữa những đứa trẻ có phản ứng sợ hãi và những đứa trẻ không có phản ứng sợ hãi.

Việc này cũng giống như, khi chúng ta bị đám đông ảnh hưởng sẽ rất dễ cảm xúc của chúng ta bị tác động, từ đó thay đổi hành vi tương ứng.

Sự hình thành của cảm xúc phức tạp:

Cảm xúc phức tạp là tác động của những kích thích bên ngoài và chúng được hình thành trong một thời gian dài. Chúng không đến một cách tự nhiên mà chúng cần một quá trình phản ứng và thích ứng với các yếu tố xung quanh bên ngoài.

Ví dụ điển hình là sẽ có người khi nhìn thấy ai đó đã nổi trận linh đình, nhưng cũng có một số người thì lại không có phản ứng gì. Họ bình tĩnh và ôn hoà.

Sự chuyển dịch cảm xúc [Transference]:

Đây là một hiệu ứng rất phổ biến trong tâm lý học, chúng được gọi là hiệu ứng Hào Quang [The Halo Effect]. Tuy nhiên, khi đề cập đến tâm lý học hành vi, hiệu ứng này có một cái tên phù hợp hơn là: Transference.

Hiệu ứng này dùng để chỉ hiện tượng một người nào đó trước khi đưa ra phán đoán về một sự vật, sự việc hoặc một người khác thường sẽ bị ấn tượng ban đầu ảnh hưởng, dẫn đến việc phán đoán bản chất của đối tượng dựa theo cảm tính chủ quan.

Trong quá trình đưa ra nhận định, chúng ta không chỉ nhắm đến duy nhất nhận thức về một đối tượng nào đó, mà quen gộp cả những thuộc tính khác nhau của đối tượng thành một chỉnh thể rồi tưởng tượng và đưa ra đánh giá.

Ví dụ điển hình là: Chỉ cần ngửi thấy mùi hương từ quả táo, não bộ của chúng ta sẽ tự động phác hoạ toàn bộ hình ảnh của quả táo.

Chính điều này, trong một số trường hợp thì hiệu ứng hào quang này cản trở chúng ta trong việc nhìn nhận và đánh giá vấn đề khách quan nhất có thể. Khi ý thức sự tồn tại của hiệu ứng này, chúng ta sẽ không đánh giá sự vật, sự việc hay con người hết cách chủ quan nữa. Tất cả sự đánh giá đều phải dựa trên cơ sở dữ liệu thực tế và chúng ta cần thời gian cố định để thật sự phân tích và đưa ra kết luận.

CHƯƠNG 6: ĐIỀU KỲ DIỆU CỦA NGÔN TỪ

Trong phần này, chúng ta sẽ cùng nhau khám phá “vùng đất ngôn ngữ”, cách ngôn ngữ ảnh hưởng đến cuộc sống của chúng ta ra sao, hiệu ứng Domino liên quan như thế nào đến ngôn ngữ, vv.

Sự vận động mang tính thúc đẩy của ngôn ngữ.

Khi nói ra một từ ngữ nào đó, có lẽ chúng ta không hề ý thức được rằng chính từ ngữ đó đã tạo nên một dãy phản ứng dây chuyền như các tấm domino.

Hiệu ứng domino là khi một tấm domino đổ xuống, nó sẽ khiến các tấm domino phía sau cũng đổ xuống theo.

Trong quá trình hình thành ngôn ngữ, các thói quen sử dụng của con người cũng đã được thiết lập trước đó. Chỉ cần một kích thích tại một thời điểm nào đó cũng có thể dẫn đến hàng loạt những động tác phản ứng sau đó. Ví dụ: Khi chúng ta nhắc đến một từ nào đó, ngay lập tức bạn sẽ nhớ những trải nghiệm gắn liền với từ đó, hay có thể hoàn thành một câu trọn vẹn với từ được nói ra. Quá trình này gọi là “gợi nhớ” nhưng thực chất nó không khác gì hiệu ứng domino trong thực tế.

Hay một ví dụ dễ hiểu khác: Khi còn đi học, đôi lúc chúng ta bắt gặp dạng đề thi điền từ vào chỗ trống. Lúc này, có những học sinh phải truy hồi về ký ức để nhớ lại từ đầu, nhưng trong tình huống này, tất cả những gì chúng ta cần chỉ là một kích thích – một từ nào đó kích thích phản ứng dây chuyền. Một khi tấm domino đầu tiên đổ xuống thì các tấm còn lại phía sau sẽ phản ứng dây chuyền theo.

Ngôn ngữ là thói quen cần duy trì

Thật vậy, nếu những liên kết cùng với những thói quen giao tiếp trước đó sau một thời gian không được liên kết và cùng cố trong một thời gian cố định thì việc nhớ lại một việc gì đó, hoặc đơn giản là nhớ tên của một ai đó cũng sẽ gây khó khăn.

Ví dụ:

Có những người trước đó thân thiết với nhau, trò chuyện rất thân mật, nhưng bẵng đi sau đó một thời gian không còn liên lạc với nhau thì bây giờ khi gặp nhau lại đột nhiên không còn nhớ tên nhau nữa [ mặc dù biết mặt nhau và nhận ra rất nhanh chóng]. Nhưng chỉ cần một trong cả hai nói ra tên mình thì những thói quen ngôn ngữ trước đây lại một lần nữa được thiết lập. Họ lại tay bắt mặt mừng, vui vẻ hớn hở như năm nào.

Nhưng cũng có những trường hợp khi hai người xa cách nhau một thời gian quá dài hoặc mối quan hệ của hai người vốn không mấy thân thiết thì khi gặp lại, bất luận là thói quen hành động hay tổ chức ngôn ngữ đều không còn nữa. Nguyên nhân là vì, những thói quen này trước đó vốn chưa đạt đến một mức độ nhất định, lại trải qua một thời gian dài không được duy trì, kết quả là chúng hoàn toàn bị “quên lãng”.

Việc này cũng áp dụng đến với tiếp nhận kiến thức mới. Khi chúng ta học bất cứ một điều gì mới, nếu không duy trì thì sớm muộn cũng sẽ quên và những thói quen trước đó cũng sẽ biến mất.

Khi kích thích nào đó xuất hiện trở lại sau một thời gian biến mất, những gì chúng ta phản ứng với kích thích ấy đều là những thói quen vốn có từ trước, là sự tái hiện những hành vi của ta vào lần đầu tiên kích thích xuất hiện.

CHƯƠNG 7: NHÌN THẤU NHÂN CÁCH

Trong chương này, chúng ta sẽ đi sâu vào tìm hiểu về định nghĩa nhân cách, nghiên cứu về chúng cũng như tìm hiểu thách thức chúng ta sẽ đối mặt khi tìm hiểu về nhân cách của con người. Cuối cùng, liệu chúng ta có thật sự thay đổi nhân cách hay không?

Nhân cách là gì?

Theo chủ nghĩa tâm lý học hành vi, nhân cách là tập hợp được tạo thành từ hành vi. Nhưng những hành vi này lại được định hình dưới tác động của môi trường bên ngoài. Hay nói đơn giản hơn, đó là dựa trên chính môi trường con người sinh sống.

Nghiên cứu về nhân cách

Điểm trọng tâm mà chúng ta cần nghiên cứu đó là dựa trên những hành vi phức tạp của con người, chúng ta có thể phán đoán xem những trường hợp nào có thể giúp chúng ta phát huy được sở trường của bản thân, cũng như những trường hợp nào không phù hợp với mình để mỗi cá nhân đều có thể phát huy và tận dụng hết khả năng của bản thân.

Nếu xét về phạm trù đạo đức cá nhân thì rất khó đoán và rất mơ hồ. Đây cũng không phải trọng tâm nghiên cứu của những người theo chủ nghĩa hành vi, ngoại trừ các nhà khoa học. Chính vì vậy, khi nghiên cứu về tính cách con người, ta sẽ phải làm rõ hàng loạt những vấn đề như: Người này có thói quen làm việc ra sao? Anh ta đối xử với bạn bè ra sao? Anh ta có phải là người sống có nguyên tắc và đạo lý hay không? Vô vàn câu hỏi đợi chúng ta giải đáp.

Những điểm yếu về nhân cách:

Chúng ta vẫn thường cảm thấy cái tôi thật sự của mình quá xa vời và khó lòng với tới, nhưng thực chất, chúng ta chỉ thiếu duy nhất một thứ là dũng cảm để “gặp mặt” cái tôi ấy mà thôi. Những người dám trực tiếp đối diện với điểm yếu trong nhân cách của bản thân chính là những dũng sĩ can đảm nhất.

Sau đây là một vài điểm yếu trong nhân cách mà chúng ta cần nhìn nhận:

Sự tự ti

Rất nhiều người chỉ vì muốn che đậy khuyết điểm của chính mình mà tìm trăm phương nghìn kế để đắp lên mình càng nhiều thứ đồ xa xỉ càng tốt như trang phục, trang sức, siêu xe, biệt thự, vv. Đại đa số chúng ta không bao giờ chịu đối diện với nỗi tự ti trong mình.

  • Dễ kiêu ngạo trước những lời khen
  • Không cho phép người khác chạm đến vị trí mà mình đang đứng
  • Duy trì những thói quen xấu từ thời bé

Vậy chúng ta có thay đổi nhân cách được không? Câu trả lời là có nhưng chúng ta cần thời gian và sự quyết tâm cao độ.

Có hai việc chúng ta bắt buộc cần phải làm là: quên đi chuyện trước đi [không nhất thiết là chuyện tiêu cực], và học cách làm những điều mới mẻ. Hay nói cách khác, để loại bỏ một thói quen xấu nào đó, bạn cần thay đổi môi trường xung quanh mình song song với việc thiết lập những thói quen mới, kiên trì thực hiện ngày qua ngày.Bạn chỉ thật sự thay đổi nhân cách nếu như bản thân có mong muốn và ý thức về điều đó. Nếu như không muốn đối diện với những điểm yếu trong nhân cách của chính mình và tìm cách thay đổi thì tất cả chỉ vô ích.

Ví dụ:

Đa số trong chúng ta biết rằng, đi ngủ sớm là cần thiết nhưng hiếm khi tất cả thực hiện một cách nghiêm túc và có thể kỷ luật bản thân để yêu cầu bản thân đi ngủ sớm. Khi bạn thật sự quyết tâm và có mong muốn thay đổi, thì bạn mới có khả năng chạm đến thành công.

Lời kết

Trên đây là những gì mình đúc kết từ quyển sách, hy vọng có thể mang lại cho các bạn kiến thức mới cũng như tự nhìn lại bản thân để bắt đầu thấu hiểu và thay đổi chính mình. Đồng thời, nhận biết được cách người khác suy nghĩ và hành động ra sao để có một cách nhìn khách quan nhất có thể.

Review chi tiết bởi: Tuyết Sơn- Bookademy
Hình ảnh: Tuyết Sơn

Download: PDF – Đang cập nhật

Một số sách về tâm lý khác:

  • eBook Mindset Tâm Lý Học Thành Công pdf
  • Tâm Lý Học – Phác Họa Chân Dung Kẻ Phạm Tội Review Pdf
  • Tóm tắt sách Tâm Lý Học Về Tiền – Morgan Housel Pdf
  • Download sách 72 Thuật Tấn Công Tâm Lý Trong Bán Lẻ Ebook PDF
  • Những Cuốn Sách Hay Về Tâm Lý Nên Đọc – Làm Chủ Cuộc Đời
  • Download sách Những Đòn Tâm Lý Trong Thuyết Phục Ebook PDF
  • Tóm tắt sách Tâm Lý Thị Trường Chứng Khoán
  • Download sách Những Đòn Tâm Lý Trong Bán Hàng Ebook PDF

Chủ Đề