Đánh giá việc thực hiện thủ tục hải quan điện tử ở Việt Nam

Việc điện tử hóa các chứng từ trong thực hiện thủ tục hải quan là một trong những nguyên nhân giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, chi phí thực hiện các thủ tục thương mại qua biên giới đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

Giảm thời gian và chi phí giao dịch thương mại qua biên giới

Kết quả khảo sát của Tổ công tác liên ngành [do Bộ Tài chính thành lập năm 2019] về Chỉ số giao dịch thương mại qua biên giới năm 2019- 2020 cho thấy thời gian, chi phí thực hiện các thủ tục thương mại qua biên giới tại Việt Nam đã giảm đáng kể.

Theo số liệu vừa công bố, năm 2020, tổng thời gian trung bình thực hiện thủ tục thương mại qua biên giới đối với hàng xuất khẩu năm 2020 là 38,4 giờ, giảm 57,38 giờ so với năm 2019. Mức chi phí trung bình thực hiện thủ tục thương mại qua biên giới đối với hàng xuất khẩu năm 2020 là 338 USD, giảm 81,72 USD so với con số của năm 2019.

Cơ quan Hải quan đã điện tử hóa nhiều thủ tục

Thời gian và chi phí thực hiện thủ tục của cả hàng hóa xuất khẩu và nhập khẩu đều có những chỉ số tích cực. Theo đó, thời gian trung bình thực hiện các thủ tục tại cửa khẩu đối với hàng xuất khẩu là 28,3 giờ, giảm 22,58 giờ so với năm trước đó. Chi phí trung bình thực hiện các thủ tục tại cửa khẩu đối với hàng xuất khẩu là 266,76 USD, giảm 15,52 USD. Ngoài ra, thời gian và chi phí trung bình chuẩn bị hồ sơ xuất khẩu cũng giảm đáng kể.

Trong khi đó, tổng thời gian trung bình thực hiện thủ tục đối với hàng nhập khẩu năm 2020 là 54,8 giờ, giảm 48,88 giờ so với năm 2019. Tổng chi phí trung bình thực hiện thủ tục thương mại qua biên giới đối với hàng nhập khẩu năm 2020 là 313,17 USD, giảm 256,41 USD so với năm trước.

Thời gian trung bình thực hiện các thủ tục tại cửa khẩu đối với hàng nhập khẩu của năm 2020 là 27,17 giờ, giảm 20,83 giờ. Chi phí trung bình thực hiện các thủ tục tại cửa khẩu đối với hàng nhập khẩu năm 2020 là 214,23 USD, giảm mạnh so với năm 2019.

Điện tử hóa giảm chi phí và gánh nặng cho doanh nghiệp

Theo đánh giá, một trong những nguyên nhân quan trọng giúp doanh nghiệp tiết kiệm được thời gian và chi phí thực hiện các thủ tục thương mại qua biên giới đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu là việc điện tử hóa các chứng từ như: chứng từ kiểm tra chuyên ngành được gửi qua Hệ thống Một cửa quốc gia, áp dụng C/O điện tử… đặc biệt là quy định về nộp chứng từ điện tử trong thực hiện thủ tục hải quan.

Trong số các doanh nghiệp trả lời khảo sát có đến 94% doanh nghiệp nhập khẩu và 98% doanh nghiệp xuất khẩu cho biết việc áp dụng chứng từ điện tử giúp họ giảm thời gian và chi phí thực hiện thủ tục hải quan.

Nhiều doanh nghiệp tham gia khảo sát cho rằng, việc nộp chứng từ điện tử thay thế chứng từ giấy đã giúp tiết kiệm nhiều thời gian và chi phí cho việc chuẩn bị hồ sơ cũng như thực hiện thủ tục thông quan như: chi phí in ấn hồ sơ, thời gian và chi phí đi lại của nhân viên làm thủ tục…

Thời gian thông quan nhanh giúp doanh nghiêp đẩy nhanh tiến độ công việc, tiết kiệm nhiều chi phí hơn. Bên cạnh đó, việc triển khai hệ thống quản lý giám sát hải quan tự động [VASSCM] giúp giảm thời gian thực hiện các thủ tục giao nhận hàng tại cảng cũng là nguyên nhân giảm thời gian và chi phí thực hiện thủ tục thương mại qua biên giới đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, tổng số tờ khai nhập khẩu năm 2020 của Việt Nam đạt xấp xỉ 6,75 triệu, còn số tờ khai xuất khẩu của Việt Nam xấp xỉ 6,98 triệu.

Kết quả khảo sát cho thấy, nếu tính thời gian trung bình thực hiện thủ tục thương mại qua biên giới cho mỗi lô hàng tương ứng với mỗi tờ khai thì năm 2020 các doanh nghiệp xuất nhập khẩu đã tiết kiệm được khoảng 730,4 triệu giờ tương ứng với khoảng 981 triệu USD chi phí gián tiếp và khoảng 2.301 triệu USD chi phí trực tiếp, tổng cộng tiết kiệm được khoảng 3.282 triệu USD cho hoạt động xuất nhập khẩu so với năm 2019. 

Chỉ số Giao dịch thương mại qua biên giới là một cấu phần của bộ chỉ số đánh giá chất lượng Môi trường kinh doanh toàn cầu tại Báo cáo Môi trường kinh doanh [Doing Business] được Ngân hàng Thế giới [WB] thực hiện thường niên từ năm 2001 đến nay đối với 10 lĩnh vực kinh tế của 190 quốc gia.
Chỉ số “Giao dịch Thương mại qua biên giới” đo lường thời gian và chi phí thực hiện toàn bộ quá trình xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa, đánh giá một cách toàn diện về hoạt động của tất cả các cơ quan liên quan đến hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa qua biên giới bao gồm cơ quan hải quan và các đơn vị khác [cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị kinh doanh kho bãi cảng, đơn vị vận tải...].

Duy Vũ

Người khai có thể xin chậm nộp bản giấy khi làm thủ tục ngay trên hệ thống hải quan điện tử và nộp bản chứng từ giấy chuyển đổi sang chứng từ điện tử [bản scan có xác nhận bằng chữ ký số] cho cơ quan hải quan.

Gần 80% doanh nghiệp hài lòng với thông tin trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Hải quan

[ĐCSVN] – Kết quả báo cáo "Mức độ hài lòng của doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính xuất nhập khẩu năm 2020" cho thấy, gần 80% doanh nghiệp hài lòng với thông tin cung cấp trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Hải quan. Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra những hạn chế trong việc tiếp cận thông tin thủ tục hành chính [TTHC] của doanh nghiệp.

Hình ảnh tại Lễ công bố. [Ảnh: M.P]

Ngày 15/7, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam [VCCI] công bố Báo cáo "Mức độ hài lòng của doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính xuất nhập khẩu: Kết quả khảo sát năm 2020".

Phát biểu tại lễ công bố, TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh, báo cáo công bố trong sự kiện ngày hôm nay là kết quả hợp tác tích cực trong một năm qua giữa Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Tổng cục Hải quan - Bộ Tài chính, với sự hỗ trợ của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ [USAID], nhằm nắm bắt kịp thời các khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp trong hoạt động xuất, nhập khẩu, từ đó kiến nghị tới các bộ, ngành sửa đổi các quy định pháp luật, nâng cao hiệu quả thực thi, góp phần tạo thuận lợi thương mại cho cộng đồng doanh nghiệp.

Theo đánh giá của Chủ tịch VCCI, dù chịu tác động tiêu cực của dịch COVID-19 và sự đứt gãy thương mại toàn cầu từ đầu năm 2020 tới nay, song xuất nhập khẩu vẫn là lĩnh vực có thành quả nổi bật của Việt Nam.

Theo Tổng cục Thống kê, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa năm 2020 của Việt Nam đạt 545,3 tỷ USD, tăng 5,3% so với năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm 2021, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 316,73 tỷ USD, tăng 32,2% so với cùng kỳ năm trước.

“Những con số này cho thấy nỗ lực phi thường của các doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh đang gặp rất nhiều khó khăn trong dịch bệnh. Đồng thời, kết quả này cũng phản ánh những cố gắng to lớn của Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính và các bộ, ngành trong công tác cải cách thủ tục hành chính và tạo thuận lợi cho hoạt động xuất, nhập khẩu của doanh nghiệp”, TS Vũ Tiến Lộc nhận định.

Báo cáo được thực hiện dựa trên kết quả phản hồi của 3.657 doanh nghiệp đang hoạt động trong các lĩnh vực kinh doanh xuất nhập khẩu, sản xuất xuất khẩu, gia công, chế xuất, dịch vụ logistics và đại lý hải quan…

Kết quả báo cáo cho biết gần 80% doanh nghiệp hài lòng với thông tin cung cấp trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Hải quan. Các kênh thông tin Cổng thông tin điện tử của các Cục Hải quan tỉnh/thành phố và Cổng thông tin thương mại quốc gia cũng đạt được tỷ lệ hài lòng của doanh nghiệp trên 70%.

Liên quan đến các thủ tục hành chính hải quan, 87,2% doanh nghiệp cho rằng sự hỗ trợ của cơ quan Hải quan có tính hiệu quả, trong khi khoảng 85,3% đánh giá cơ quan Hải quan đã hỗ trợ kịp thời.

Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra những hạn chế trong việc tiếp cận thông tin TTHC của doanh nghiệp. Khoảng 11% doanh nghiệp cho rằng thông tin TTHC còn chưa dễ hiểu, và khá đáng chú ý là các doanh nghiệp FDI, hoạt động lâu năm, có giá trị hàng hóa xuất nhập khẩu cao lại bày tỏ quan ngại về vấn đề này nhiều hơn các nhóm doanh nghiệp khác.

Khoảng 38% doanh nghiệp còn gặp khó khăn, vướng mắc trong quá trình tìm hiểu thông tin TTHC xuất nhập khẩu.

Bên cạnh đó báo cáo cũng cho biết mức độ thuận lợi của doanh nghiệp khi tuân thủ các TTHC hải quan tương đối khác biệt.

Đáng chú ý, 3 thủ tục “kiểm tra hồ sơ [nhóm thủ tục thông quan]", "hoàn thuế/không thu thuế [nhóm thủ tục quản lý thuế]" và "kiểm tra thực tế hàng hóa [nhóm thủ tục thông quan]" lần lượt là ba nhóm thủ tục doanh nghiệp thường gặp khó khăn nhất. Cùng với đó, các khó khăn phổ biến khác khi doanh nghiệp làm thủ tục kiểm tra hồ sơ và kiểm tra thực tế hàng hóa là “phải in và nộp tờ khai, giấy tờ khác thuộc hồ sơ hải quan”, “sự phối hợp chưa đồng bộ giữa cơ quan Hải quan và các cơ quan liên quan,” và “thời gian xử lý hồ sơ lâu hơn quy định.”

Cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục kỳ vọng cơ quan hải quan và các bộ, ngành tiếp tục đơn giản hóa các thủ tục hành chính và chuyển hẳn sang việc giải quyết thủ tục theo phương thức trực tuyến. Các doanh nghiệp cũng đề nghị cần tăng tính công khai, minh bạch trong thực hiện thủ tục hành chính, cải thiện hệ thống cơ sở vật chất, nâng cao năng lực giải quyết công việc và tăng cường kỷ cương, kỷ luật của cán bộ, công chức nhà nước trong quá trình giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp. Cơ quan Hải quan và các bộ, ngành cần cải thiện hiệu quả công tác phối hợp trong giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp, mục tiêu cuối cùng là giảm thiểu chi phí tuân thủ bất hợp lý và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong cả chuỗi thủ tục xuất nhập khẩu.

Ông Hoàng Việt Cường, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan cho biết ngành sẽ tập trung cải cách một số nội dung lớn. Theo đó, tiếp tục cải cách thể chế và quy trình thủ tục đảm bảo hành lang pháp lý đồng bộ cho việc triển khai các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới [như CPTTP, EVFTA...], xây dựng mô hình hải quan thông minh; triển khai nhiệm vụ đầu mối chủ trì thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN và kiểm tra chuyên ngành.

Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN, tập trung nỗ lực xây dựng dự thảo Nghị định quy định kiểm tra nhà nước về chất lượng, kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu, theo đó cơ quan Hải quan là đầu mối thực hiện kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu tại cửa khẩu.

Đồng thời, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành theo hướng: Tổng cục Hải quan xây dựng Kiến trúc tổng thể hệ thống công nghệ thông tin ngành Hải quan hướng tới Hải quan số trên cơ sở ứng dụng những thành tựu mới về công nghệ 4.0, tập trung ở mức cao, đáp ứng yêu cầu thực hiện thủ tục hải quan tự động, phù hợp với chuẩn mực quốc tế.

Cùng với đó, tiếp tục triển khai và hoàn thiện hệ thống nộp thuế 24/7, hệ thống giám sát hàng hóa tự động tại kho, bãi, cảng nhằm phục vụ tốt hơn, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong hoạt động xuất nhập khẩu.

Ngoài ra, chú trọng nghiên cứu, tổng kết, hoàn thiện và nhân rộng các mô hình cải cách, phát triển hiện đại hóa thành công.../.

M.P

Video liên quan

Chủ Đề