Làm thế nào để thu hút người lao động

[HNM] - Thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hàng triệu người lao động tại các vùng kinh tế trọng điểm trên địa bàn cả nước hồi hương, khiến tình trạng thiếu hụt lao động xảy ra ở một số tỉnh, thành phố. Để khắc phục tình trạng này, các cơ quan chức năng đã và đang triển khai nhiều giải pháp khả thi nhằm thu hút lao động ngoại tỉnh trở lại làm việc.

Lãnh đạo Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội kiểm tra công vụ, nắm bắt tình hình làm việc đầu năm tại Công ty TNHH Điện tử Meiko Việt Nam [Khu công nghiệp Thạch Thất - Quốc Oai], ngày 7-2. Ảnh: Thiện Tâm

Thị trường lao động hồi phục tích cực

Sự hồi phục tích cực của thị trường lao động được nhận diện qua nhiều yếu tố, trước hết là số người lao động ngoại tỉnh trở lại làm việc tại một số vùng kinh tế trọng điểm, như các tỉnh, thành phố: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Bắc Ninh, Bình Dương..., sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 và yên tâm gắn bó với công việc.

Anh Nguyễn Văn Loan, công nhân Công ty TNHH Panasonic Việt Nam [Khu công nghiệp Thăng Long, huyện Đông Anh] chia sẻ: “Trong giai đoạn khó khăn nhất, tôi cùng nhiều đồng nghiệp được chủ nhà giảm 50% tiền thuê trọ; được các cơ quan, đơn vị chức năng động viên, hỗ trợ. Đặc biệt, dịp Tết Nguyên đán vừa qua, tôi nhận được nhiều phần quà, đi xe miễn phí về quê... Sự quan tâm thiết thực đó giúp tôi yên tâm sinh sống và làm việc tại Thủ đô”. Cùng làm việc ở Khu công nghiệp Thăng Long, anh Nguyễn Văn Khánh, công nhân Công ty TNHH Linh kiện điện tử SEI và gia đình cũng phấn khởi trở lại Hà Nội ngay từ ngày làm việc đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết...

Tín hiệu hồi phục của thị trường lao động thể hiện rõ hơn khi nhiều đơn vị, doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng thêm nhân sự trong những ngày đầu năm. Chẳng hạn, quý I-2022, thành phố Hồ Chí Minh có nhu cầu tuyển dụng 78.500-86.900 lao động. Tại Hà Nội, hàng trăm đơn vị, doanh nghiệp đăng tuyển lao động qua nhiều kênh thông tin. Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Danko [Danko Group] Trần Thị Thu Thủy cho biết, trong ngày 18 và 19-2 tới, đơn vị tổ chức ngày hội tuyển dụng tại Hà Nội và tỉnh Thái Nguyên nhằm tìm kiếm hơn 1.000 nhân sự, cho nhiều vị trí việc làm. Tương tự, Công ty cổ phần Đầu tư và Sản xuất sáng tạo [quận Đống Đa] cần tuyển gần 100 lao động...

Từ thực tế hỗ trợ kết nối cung - cầu về lao động, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội [Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội] Vũ Quang Thành cho rằng, nguồn cung lao động tại chỗ trên địa bàn thành phố tương đối ổn định, nên cơ hội việc làm mới chủ yếu dành cho lao động ngoại tỉnh.

Theo khảo sát của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trong năm 2022, doanh nghiệp tại tỉnh, thành phố vùng kinh tế trọng điểm có nhu cầu tuyển dụng khoảng 700.000 lao động, chủ yếu là lao động từ nơi khác đến. Nếu chủ động nắm bắt cơ hội, lao động ngoại tỉnh sẽ có việc làm tốt, còn doanh nghiệp sớm có được nhân sự phù hợp.

Quan tâm đời sống, bảo đảm việc làm

Để tạo điều kiện cho lao động ngoại tỉnh yên tâm làm việc tại những thị trường trọng điểm, các cơ quan chức năng, địa phương cần tiếp tục quan tâm đời sống, bảo đảm việc làm cho họ.

Ở cấp vĩ mô, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30-1-2022 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có nhiều chính sách “tiếp sức” cho người lao động. Nổi bật là chính sách hỗ trợ 3 tháng tiền thuê nhà cho người lao động có quan hệ lao động, đang ở thuê, ở trọ, làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu vực kinh tế trọng điểm. Cá nhân, hộ gia đình có nhu cầu mua, thuê nhà ở xã hội được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi lên tới 15.000 tỷ đồng... Để các chính sách sớm đi vào đời sống, các bộ, ngành liên quan đang khẩn trương xây dựng kế hoạch triển khai Nghị quyết số 11/NQ-CP. Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh cho biết, Bộ đang xây dựng dự thảo quyết định về hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động có quan hệ lao động, đang ở thuê, ở trọ, làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu vực kinh tế trọng điểm, dự kiến hoàn thành trong tháng 2-2022 để trình Thủ tướng Chính phủ.

Cùng với việc thực hiện chính sách của trung ương, các tỉnh, thành phố chủ động triển khai nhiều giải pháp thu hút lao động ngoại tỉnh làm việc. Theo Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Bạch Liên Hương, UBND thành phố đã ban hành Kế hoạch số 34/KH-UBND ngày 26-1-2022 về “Hỗ trợ, phát triển thị trường lao động, giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2022”. Hà Nội sẽ có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh thu hút lực lượng lao động quay trở lại làm việc, giải quyết việc làm cho người lao động từ các địa phương khác trở về...

Chủ tịch Công đoàn Các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội Đinh Quốc Toản nhận định, các giải pháp nêu trên được triển khai sẽ giúp người lao động nói chung, lao động ngoại tỉnh nói riêng nâng cao đời sống, bảo đảm việc làm, yên tâm gắn bó với công việc.

Hy vọng, thông qua nhiều chính sách được triển khai, tình trạng lao động thất nghiệp, thiếu việc làm do ảnh hưởng của dịch Covid-19 sẽ từng bước được khắc phục.

Nguồn lao động chênh lệch cao giữa các địa phương

Dịch Covid-19 đã và đang khiến thị trường lao động nước ta phải đối mặt với tình trạng khủng hoảng nghiêm trọng khi tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm tăng lên ở mức rất cao, thu nhập của người lao động sụt giảm mạnh. Mặt khác, nhiều ngành sản xuất, trung tâm công nghiệp lớn [nhất là các tỉnh, thành thuộc khu vực phía Nam] lại lâm vào tình trạng thiếu hụt lao động trầm trọng, ảnh hưởng đến hoạt động phục hồi sản xuất, kinh doanh sau đại dịch.

Theo Tổng cục Thống kê, số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động năm 2021 là hơn 1,4 triệu người, tăng 203,7 nghìn người so với năm trước. Giãn cách xã hội kéo dài đã làm trầm trọng hơn các điểm yếu của thị trường lao động và ảnh hưởng mạnh đến ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ. Số lao động trong các ngành này đều giảm mạnh chưa từng có trong nhiều năm gần đây.

Là một trong những tỉnh, thành thu hút lực lượng lao động đông nhất cả nước, Bình Dương từng có hơn 1 triệu lao động có hợp đồng và 400.000-500.000 lao động tự do khác. Tuy nhiên, dịch Covid-19 bùng phát mạnh đã làm ảnh hưởng nặng nề đến lực lượng lao động tại tỉnh. Theo thống kê, có khoảng 100.000 người lao động đã rời Bình Dương về quê tránh dịch. Hiện tại, tuy số lượng doanh nghiệp đã quay trở lại hoạt động đạt khoảng 95% nhưng tình hình lao động vẫn đang thiếu hụt, nhu cầu tuyển dụng trong quý I/2022 khoảng 40.000 người.

Người lao động mong muốn có việc làm ổn định và đời sống được cải thiện

Trong khi đó, tại tỉnh Nghệ An, số lượng người lao động trở về quê quá lớn đã tạo ra nhiều áp lực đối với địa phương. Ông Vi Ngọc Quỳnh - Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh Xã hội tỉnh Nghệ An cho biết, đã có trên 150.000 người quay trở về Nghệ An trong thời gian vừa qua. Trong đó, gần 90.000 người trong độ tuổi lao động. Việc này đã khiến địa phương gặp nhiều khó khăn trong việc tổ chức đón, cách ly, đưa người lao động trở về với gia đình và cả công tác quản lý, đảm bảo an ninh trật tự. “Một áp lực đặc biệt nữa là bố trí việc làm cho người lao động trở về quê hương, khi chỉ gần 40% số người lao động quay về có qua đào tạo lao động” - Ông Vi Ngọc Quỳnh chia sẻ.

Dẫn kết quả một khảo sát mới đây của đơn vị mình, ông Lê Quốc Việt - Đại diện Website Vieclamnhamay.vn cho biết, hiện, nhiều người lao động chưa quay lại thành phố làm việc, nguyên nhân đầu tiên là lo ngại về dịch bệnh chiếm 52%; thứ hai là người lao động hiện đang so sánh lợi ích đánh đổi khi quay trở lại thành phố làm việc so với ở quê nhà chiếm 49%; còn 25% người lao động đã thay đổi về quan điểm sống, đại dịch đã khiến người lao động mong muốn làm gần nhà hơn, thay vì mưu sinh xa nhà…

Nhiều giải pháp giữ chân người lao động

Theo TS. Phạm Thị Thu Lan - Phó viện trưởng Viện Công nhân Công đoàn, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, việc người lao động rời thành phố về quê là một quyết định bất đắc dĩ. Bên cạnh tâm lý lo sợ lây nhiễm của dịch bệnh, còn nguyên nhân là người lao động không có tích luỹ trong quá trình làm việc, kể cả những người làm lâu năm. Vì vậy, người lao động không yên tâm trụ lại thành phố.

Cũng theo TS. Phạm Thị Thu Lan, hai năm qua, Chính phủ không tăng lương tối thiểu vùng trong khi đó chi phí sinh hoạt tăng, cộng thêm các chi phí phát sinh vì dịch bệnh đã trở thành gánh nặng cho người lao động. Theo khảo sát của Viện Công nhân Công đoàn, có trên 50% người lao động phải cắt giảm chi tiêu, thậm chí là gộp bữa ăn trong ngày. Đặc biệt, có nhiều trường hợp người lao động phải ăn mì gói để duy trì cuộc sống.

Chính vì vậy, dưới góc độ đại diện cho người lao động, TS. Phạm Thị Thu Lan mong rằng, trong thời gian tới Chính phủ cần cân nhắc tới việc tăng mức lương tối thiểu. Còn về phía doanh nghiệp, cần có tư duy phát triển bền vững, chú trọng tới việc nâng cao đời sống của người lao động. Cần tạo môi trường làm việc an toàn vệ sinh lao động và phòng chống dịch hiệu quả. “Để thu hút và giữ chân người lao động ở lại làm việc với mình, các doanh nghiệp cũng cần thực hiện đúng các quy định của pháp luật về chế độ lương, thưởng; chú trọng, điều chỉnh các chính sách, các chế độ đãi ngộ hấp dẫn hơn, để người lao động yên tâm làm việc” - TS. Phạm Thị Thu Lan chia sẻ.

Đảm bảo chế độ phúc lợi, an sinh xã hội và an toàn sức khỏe cho người lao động là giải pháp đúng đắn và kịp thời nhất để thu hút và giữ chân người lao động

Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần rà soát lại trình độ năng lực lao động và có kế hoạch đào tạo lại, đào tạo nâng cao một số nguồn nhân lực cho phù hợp với nhu cầu chuyển dịch sản xuất sau đại dịch. Điều này không chỉ tạo sự gắn bó, tin tưởng của người lao động đối với doanh nghiệp mà còn thể hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, nhất là khi Việt Nam tham gia vào các Hiệp định thương mại tự do.

Trong câu chuyện dài hạn hơn, TS. Phạm Thị Thu Lan cũng cho rằng, không nhất thiết phải tìm mọi cách đưa người lao động quay trở lại doanh nghiệp, nhất là ở các ngành thâm dụng lao động, kỹ năng giản đơn, công việc lặp đi lặp lại. Vì trong tương lai không phải là các ngành phát triển việc làm mà sẽ tự động hoá. “Do đó, chúng ta cần nghĩ tới việc chuyển đổi ngành nghề cho người lao động, chuyển đổi số, đồng thời tạo việc làm tại địa phương cho người lao động, nhất là tạo việc làm trong lĩnh vực nông nghiệp” - TS. Phạm Thị Thu Lan nói.

Ông Trần Như Tùng - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công cho rằng, đại dịch là một bài học đắt giá cho doanh nghiệp về việc sử dụng và chuẩn bị nguồn lao động, cũng như ứng phó với những thay đổi trong tâm lý người lao động. Chia sẻ câu chuyện của doanh nghiệp mình, ông Tùng cho biết, dệt May Thành Công không có bất cứ người lao động nào bỏ việc về quê trong đợt dịch Covid-19 lần thứ tư, mà thậm chí tại doanh nghiệp đã có những gia đình 3 đơi gắn bó với Thành Công, nhờ vào việc doanh nghiệp lắng nghe người lao động và chủ động ứng phó với các diễn biến của đại dịch, đưa việc bảo vệ sức khoẻ, đời sống của người lao động lên hàng đầu.

Đối với các địa phương, ông Vi Ngọc Quỳnh cho biết tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ người lao động. Nếu họ có nguyện vọng ở lại quê hương thì tư vấn, giới thiệu việc làm phù hợp, còn nếu muốn quay trở lại các thành phố, tỉnh đứng ra làm đầu mối, phối hợp với các địa phương tạo điều kiện cho người lao động trở lại làm việc. Hiện đã có 45.000 lao động Nghệ An trở lại các tỉnh thành làm việc.

Ông Phạm Văn Tuyên, Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh Xã hội tỉnh Bình Dương cũng thông tin, đơn vị đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành kế hoạch đón người lao động quay trở lại. Ngoài ra, lãnh đạo tỉnh đã thành lập nhiều đoàn công tác tới các địa phương để bàn bạc cách thức đưa đón người lao động quay trở lại làm việc. Về phía tỉnh sẽ hỗ trợ tiêm vaccine, hỗ trợ doanh nghiệp các biện pháp phòng chống dịch phù hợp, hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện tốt chính sách pháp luật về phúc lợi, tham gia đầy đủ bảo hiểm xã hội cho người lao động. Đồng thời, đẩy mạnh thông tin về thị trường lao động, tạo sự kết nối giữa người lao động và doanh nghiệp đồng thời thực hiện nhiều biện pháp khác để hỗ trợ người lao động yên tâm làm việc.

Video liên quan

Chủ Đề