Nhân trị là gì

Chuyện Lãnh Đạo : Nhân Trị, Pháp Trị hay Kỹ Trị ? - [leocuong.com] Published on May 4, 2016

Đối với tôi, trên đời này không gì khó bằng nghề "lãnh đạo". Sỡ dĩ tôi gọi là nghề, bởi vì nếu chỉ xem lãnh đạo là một tố chất, một kỹ năng thì có lẽ chưa đánh giá đúng tầm quan trọng của nó. Bạn có thể đổ thừa cho năng khiếu, cho kinh nghiệm, cho các yếu tố khách quan này nọ để biện minh cho sự yếu kém của mình. Nhưng khi tôi xác định chuyên nghiệp hoá "lãnh đạo" như một nghề, tôi cần luôn luôn học hỏi, đào sâu nghiên cứu và thực hành cho đến khi trở thành một người thợ lành nghề với chuyên môn cao.

Học nghề thì cần có giáo trình. Bộ giáo trình đầu tiên và cơ bản nhất mà tôi đã đọc từ thuở thiếu thời là Tam Quốc Chí - cuộc phân tranh kinh điển với thế chân vạc của ba nhà Thục - Nguỵ- Ngô, dưới sự dẫn dắt của ba lãnh đạo Kỳ tài bằng các trường phái khác hẳn nhau : Lưu Bị, Tào Tháo, Tôn Quyền. Đây là bộ sách hiếm hoi mà mỗi lần tôi đọc ở một giai đoạn khác nhau của cuộc đời, sau khi trải qua những biến cố, những thăng trầm, tôi lại gạn lọc thêm 1 chút gì khác để làm hành trang trên bước đường kế tiếp.

Bàn về lãnh đạo, chúng ta có thể đàm đạo cả ngày không hết chuyện. Hiếm có đề tài nào lại chiếm nhiều giấy mực, nhiều cuộc tranh luận bất phân thắng bại, hay có nhiều luồng tư tưởng trái ngược nhau như vậy. Cũng bởi vì, không có một trường phái lãnh đạo nào là đúng tuyệt đối, chỉ có phong cách phù hợp nhất với cá tính mỗi người. Điều đó cũng giống như việc chọn ủng hộ Lưu Bị, Tào Tháo hay Tôn Quyền vậy, bởi nhân vật đó gần gũi với tâm hồn của chính mình.

Để chia sẻ ngắn gọn về góc nhìn của tôi về nghề lãnh đạo trong khuôn khổ bài viết này, tôi mạn phép đưa ra những đường lối sau :

Nhân Trị : lấy nhân nghĩa - đạo lý làm gốc.

Đây là đường lối cơ bản và nổi bật nhất trong nghệ thuật lãnh đạo, cũng như chiếm được nhiều tình cảm nhất. Điều này được thể hiện xuyên suốt và nhất quán qua hình tượng Lưu Bị dưới ngòi bút La Quán Trung, một vị lãnh đạo nhân đức. Chính bằng sự nhân nghĩa - lấy dân làm gốc và trung tín với huynh đệ, bề tôi, Lưu Bị đã quy tụ dưới trướng những bậc hào kiệt vào sinh ra tử, cũng như chiếm được lòng tin yêu của muôn dân.

Những điển tích " Kết nghĩa vườn đào", " Tam lư thảo cố", hay "Triệu Tử Long cứu ấu chúa" thường được nhắc đến như điển hình cho tính cách nhân nghĩa, trọng dụng và tin cậy nhân tài của Lưu Bị. Quả thực, trong Tam Quốc, Lưu Bị vượt hẳn lên là người biết nhìn nhận nhân tài và sử dụng đúng nơi đúng chỗ, giúp họ phát huy hết khả năng của mình, và giữ họ bên mình với tiêu chí " Đã dùng thì tin, không tin thì không dùng." Ngay cả nhà đại trí như Khổng Minh, cũng thua ông một bậc.

Ví dụ dưới trướng Lưu Bị có 5 anh em nhà Mã Lương đều là những hiền tài hiếm có, trong đó Mã Lương lại là người kiệt xuất nhất. Lưu Bị rất tín nhiệm anh em nhà Mã Lương. Bản thân Mã Lương cũng từng đảm nhiệm vai trò phò tá thân cận cho Lưu Bị. Em trai Mã Lương là Mã Tốc cũng là người nổi tiếng có tài thao lược, nhưng Lưu Bị sớm nhìn thấy tính cách ba hoa khoác lác của anh ta, nên đã dặn Gia Cát Lượng rằng  Mã Tốc lời lẽ sáo rỗng ba hoa, vượt quá cả tài năng thực tế của anh ta, không thích hợp giao đại sự. Khanh cần phải kiểm tra thực tế tài năng anh ta nhiều.

Sau khi Lưu Bị chết, Gia Cát Lượng đã để Mã Tốc trấn thủ Nhai Đình cuối cùng để thất thủ. Gia Cát Lương trảm Mã Tốc nhưng ruột đau như cắt. Ông vô cùng hối hận đã không nghe lời cảnh báo của tiên đế Lưu Bị để hôm nay phải chịu thất bại này.

Về sau, hậu thế có những ý kiến trái chiều về thuật lãnh đạo của Lưu Bị, cho là ông nhu nhược hoặc giả tạo. Cũng có nhiều phán xét về những tình huống quá "cảm tính" của Lưu Bị mà cuối cùng dẫn đến nhà Thục không hoàn thành đại nghiệp, ví như việc ông nôn nóng trả thù cho Quan Vũ, dẫn đến thất bại thay đổi cục diện Tam Quốc. Tuy nhiên, đối với tôi, một người suốt đời đề cao lòng trung nghĩa, thì khi chết đi để trọn vẹn trước sau, âu cũng là một sự mãn nguyện rồi.

Trên quan điểm của tôi, tình cảm là mối dây liên kết đầu tiên để tập hợp nhân tài, quy tụ những anh em đồng chí hướng, mục tiêu và cũng là thứ để giữ chân họ cống hiến lâu dài. Nhưng tình cảm hoá ra chưa đủ, bởi có "tình" thì phải còn có "lý", bằng không cũng chính "tình cảm" lại là yếu tố dẫn đến sự cảm tính trong quyết định, bất công trong quản trị và trì trệ trong điều hành.

Pháp Trị : trong khía cạnh điều hành tổ chức hay doanh nghiệp, pháp trị theo định nghĩa của tôi là dùng pháp luật, pháp quyền bao gồm các quy tắc, quy định, luật lệ được thống nhất, ban hành để quản trị nhân sự. Đường lối này ưu tiên đặt kỷ luật và nguyên tắc lên hàng đầu.

Trước đây, trong thời gian tôi làm việc tại tập đoàn Vin Group, cùng với hơn 16000 nhân viên toàn quốc, bản thân tôi đôi khi cũng "khó ở" trên vai trò một nhân viên, vì rất nhiều quy định khắt khe của tập đoàn. Cho dù bạn là một nhân viên mới, hay là Phó Tổng, ở VinGroup cứ làm việc sau 18h thì bị phạt 10 triệu, lập biên bản, làm sai công việc hay tiến độ cam kết thì chịu sự sa thải. Nhưng lâu dần thành quen, chính sự kỷ luật giúp cho toàn thể nhân viên ngày một chuyên nghiệp hoá, nâng cao năng suất lao động và giúp tập đoàn ngày càng phát triển bền vững. Khi tôi điều hành công ty nhỏ của mình, tôi cũng xác định "tình" và "lý" phải song hành, trong một số trường hợp dù thân thiết đến mấy, nhưng nguyên tắc vẫn phải là nguyên tắc, "quân pháp bất vị thân" thì doanh nghiệp mới có khả năng tăng trưởng được.

Nói về pháp trị, không thể không nhắc đến Tào Tháo như hình mẫu tiêu biểu. Tào Tháo được xây dựng hình ảnh như một gian hùng đa nghi, giảo hoạt, sẵn sàng trảm tướng nếu vi phạm quân luật hay nghi ngờ tạo phản. Điển hình như việc chém Sái Mạo và Trương Doãn do nóng giận dẫn đến thua trận Xích Bích, đến khi nhận ra mình bị vướng vào kế phản gián của đối thủ thì đã quá muộn màng. Nhưng cũng vì sự nghiêm minh, thưởng phạt rõ ràng, có thể nói đội quân của Tào Tháo hùng mạnh và cũng quy tụ nhiều nhân tài bậc nhất Tam Quốc.

Công tâm mà nói, ngòi bút của La Quán Trung có phần ủng Lưu phản Tào, chứ chiếu theo chính sử thì Tào Tháo cũng thuộc vào hàng " anh hùng kiệt xuất" như nhận định trong tác phẩm của Trần Thọ. Thậm trí, trong nghệ thuật lãnh đạo và quản trị, ông còn hơn hẳn Lưu Bị và Tôn Quyền một bậc. Dẫn chứng về sự nghiêm minh nhưng rất hợp tình hợp lý của Tào Tháo, có thể kể ra một điển tích như sau :

Trong một lần chinh phạt, để chiêu an lòng dân, Tào Tháo hạ lệnh bất cứ ai dẫm đạp hoa màu đều bị xử phạt chém đầu. Nhưng vô tình chính con ngựa của Tào Tháo trong lúc hốt hoảng lại dẫm nát một góc ruộng. Khi biết mình mắc lỗi, Tào Tháo rút gươm kề cổ mình trong tư thế chuẩn bị tự sát, quan quân xúm lại can ngăn, ông bèn cắt chỏm tóc trên đầu và nói "ta tạm tha tội cho mình, nhưng dùng tóc để thay đầu".Đây được xem như một kỹ xảo chính trị tuyệt vời của Tào Tháo, khiến quân dân phục tùng và kiêng nể.

Bởi thế, nếu loại trừ bản tính đa nghi và bớt đi sự cứng nhắc trong lãnh đạo, bớt lạm dụng bạo quyền, Tào Tháo hoàn toàn có thể là hình mẫu lý tưởng của một nhà lãnh đạo xuất sắc.

Kỹ trị : có thể hiểu kỹ trị là việc vận dụng khoa học kỹ thuật vào quản trị, tuy nhiên nhìn rộng hơn chính là việc dùng những nhân sự trí thức, có khả năng kiến thiết và tư duy logic vào việc điều hành, xây dựng nên những quy trình, tiến trình khuôn mẫu để vận dụng vào doanh nghiệp. Bàn về lãnh đạo thiên hướng kỹ trị trong thời Tam Quốc, có thể thấy nổi bật ở triều đại Đông Ngô, dưới sự dẫn dắt của Tôn Quyền. Trong Tam Quốc Chí, vai trò cá nhân Tôn Quyền không nổi bật như Lưu Bị hay Tào Tháo, nhưng Đông Ngô lại là tập thể vững mạnh, với kinh tế trù phú và quân đội hùng mạnh. Dưới trướng Tôn Quyền là các quân sư và tướng lĩnh "văn võ song toàn", vừa giỏi chiến lược vừa giỏi dụng binh như Chu Du, Lục Tốn, Lữ Mông ... và các đường lối nội chính, ngoại giao rất bài bản, khoa học. Mặc dù Tôn Quyền xưng đế chậm nhất, nhưng triều đại của Đông Ngô lại vận hành có nền tảng chắc chắn nhất, trước là an dân, phát triển kinh tế rồi mới đến xây dựng lực lượng quân sự theo đúng trình tự : " tề gia, trị quốc, bình thiên hạ". Cho nên ở Đông Ngô, ta không thấy nổi bật ở phương diện cá nhân nhưng lại nổi trội ở phương diện tập thể.

Ngày nay, doanh nghiệp phát triển không thể chỉ dựa vào hai yếu tố nhân trị và pháp trị, mà còn phải áp dụng kỹ trị vào việc lãnh đạo điều hành. Trước tiên là ban hành các quy trình, biểu mẫu, mô tả ... nhằm tối ưu hoá mỗi phòng ban, bộ máy nhân sự sao cho hiệu quả, tinh gọn và phát huy tốt nhất khả năng mỗi nhân viên. Việc này phải dựa trên nghiên cứu, số liệu và logic hoá. Sau đó vận dụng các quy trình này để chuyển đổi sang công nghệ, bằng các phần mềm ERP hay CRM nhằm chuyên môn hoá từng cá nhân, bộ phận và dễ dàng đo lường, đánh giá thông qua các báo cáo, số liệu. Điều này hạn chế được sự cảm tính hay cứng nhắc trong điều hành và làm căn cứ để mở rộng và tăng trưởng doanh nghiệp về sau.

Trong quá trình điều hành doanh nghiệp của mình, tôi ưu tiên việc xây dựng các quy trình đầu tiên và sau đó tiến hành từng bước theo các lộ trình thích hợp, cũng như đặt tiêu chí vận hành doanh nghiệp dựa trên nền tảng công nghệ hoá bằng các công cụ kỹ thuật cần thiết. Điều này vừa phù hợp với xu hướng chung vừa tận dụng được trí tuệ nhân tạo làm trợ thủ đắc lực cho việc điều hành của mình.

Tóm lại, theo quan điểm cá nhân, một lãnh đạo giỏi cần hội đủ yếu tố quản trị thông qua các đường lối nhân trị, pháp trị và kỹ trị để vận hành doanh nghiệp hay tổ chức của mình. Dù thiên hướng cá nhân của bạn theo đường lối nào, thì vẫn phải rèn luyện và chuyên môn hoá việc " lãnh đạo" để phối hợp nhuần nhuyễn cả ba phương pháp trên bằng sự học hỏi, đào sâu nghiên cứu. Có như vậy, lãnh đạo sẽ không còn tự phát, không còn cảm tính mà nó thực sự sẽ là một "nghề chơi lắm công phu" dành cho những ai có nguyện vọng nâng cấp mình trên con đường sự nghiệp.

Vậy thì, làm sao để vận dụng một các hiệu quả các yếu tố nhân trị, pháp trị, và kỹ trị trong điều hành mà không bị cảm xúc phủ mờ ý chí, không bị những lời hoa mỹ khiến bạn mộng tưởng và quá chú trọng hình thức mà không đi vào thực tiễn ? Điều này cần ở người lãnh đạo sự "minh định" [ minh mẫn để xác định ] và tôi sẽ truyền tải ở bài viết sau. Ngay cả bàn về sự "minh định" đã là chủ đề dài tập và nhiều chuyện để nói rồi.

P/s : Bài viết trên chỉ là nhận định cá nhân, nếu có thiếu sót hay cần bổ sung, cũng mong các bạn và các anh chị đàm đạo & chỉ giáo thêm :]

Leo Cường
[ 4/5/2016 ]

Chủ Đề