Roc trong tài chính là gì

TS. NGUYỄN HỒNG ANH [Khoa Kế toán - Trường Đại học Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp]

TÓM TẮT:

Trong những năm gần đây, việc sử dụng các công cụ để phân tích tài chính ngày càng được các nhà quản trị doanh nghiệp cũng như các nhà đầu tư quan tâm, đặc biệt là phân tích các chỉ số về khả năng sinh lợi trong doanh nghiệp. Đối với các doanh nghiệp, việc phân tích các chỉ số về khả năng sinh lợi sẽ giúp doanh nghiệp hiểu rõ hơn về những thế mạnh cũng như những tồn tại trong doanh nghiệp để đưa ra những quyết định kịp thời giúp gia tăng giá trị tài sản của doanh nghiệp. Đối với các nhà đầu tư, việc phân tích các chỉ số về khả năng sinh lời sẽ giúp các nhà đầu tư có được những quyết định đầu tư đúng đắn.

Bài viết này sẽ đề cập đến các nội dụng chính: [1] Các chỉ số về khả năng sinh lợi của doanh nghiệp; [2] Vận dụng các phương pháp phân tích để phân tích các chỉ tiêu về khả năng sinh lợi trong doanh nghiệp.

Từ khóa: Khả năng sinh lợi, doanh nghiệp.

1. Các chỉ số về khả năng sinh lợi của doanh nghiệp

Khi phân tích tình hình tài chính của doanh nghiệp [DN], việc phân tích các chỉ số về khả năng sinh lợi [KNSL] là một việc rất quan trọng. Thông qua việc phân tích các chỉ số về KNSL có thể đánh giá được hiệu quả hoạt động của DN, phục vụ cho việc ra quyết định của nhà quản lý cũng như các nhà đầu tư. Các chỉ số quan trọng để đánh giá KNSL của DN bao gồm: KNSL của vốn chủ sở hữu, KNSL của vốn đầu tư, KNSL của tổng tài sản và KNSL của doanh thu.

- Khả năng sinh lợi của vốn chủ sở hữu:

Để đánh giá KNSL của vốn chủ sở hữu [VCSH], DN tiến hành tính toán chỉ tiêu sức sinh lợi của VCSH [Return on equity - ROE]. Sức sinh lợi của VCSH là chỉ tiêu phản ánh một đơn vị VCSH đem lại mấy đơn vị lợi nhuận sau thuế và được xác định theo công thức:

Trị số của ROE càng cao, chứng tỏ DN sử dụng có hiệu quả VCSH và do vậy càng hấp dẫn các nhà đầu tư. Hơn nữa, trị số này lớn còn cho thấy năng lực của bộ phận quản lý trong việc cân đối một cách hài hòa, hợp lý giữa VCSH với nợ phải trả để vừa đảm bảo an ninh tài chính, vừa khai thác được lợi thế cạnh tranh của DN trong quá trình huy động và sử dụng vốn, mở rộng quy mô kinh doanh.

- Khả năng sinh lợi của vốn đầu tư:

Để đánh giá KNSL của vốn đầu tư, DN tiến hành tính toán chỉ tiêu sức sinh lợi của vốn đầu tư. Sức sinh lợi của vốn đầu tư [Return on investment capital - ROC] là chỉ tiêu phản ánh một đơn vị vốn đầu tư của chủ sở hữu đem lại mấy đơn vị lợi nhuận sau thuế. Đây là chỉ tiêu được các nhà đầu tư quan tâm hàng đầu vì họ muốn biết số lợi nhuận mà họ thực sự thu được là bao nhiêu khi đầu tư góp vốn vào công ty. Trị số của chỉ tiêu này càng lớn, hiệu quả kinh doanh của DN càng cao, càng hấp dẫn các nhà đầu tư. Chỉ tiêu sức sinh lợi của vốn đầu tư được xác định theo công thức:

- Khả năng sinh lợi của tổng tài sản:

Để đánh giá KNSL của tổng tài sản, DN tiến hành tính toán chỉ tiêu sức sinh lợi của tài sản. Sức sinh lợi của tài sản [Return on Total Assets - ROA] là chỉ tiêu cho biết một đơn vị tài sản bình quân đưa vào kinh doanh đem lại mấy đơn vị lợi nhuận sau thuế. Trị số này càng lớn chứng tỏ hiệu quả kinh tế của việc sử dụng tài sản càng cao và ngược lại. Chỉ tiêu này được tính theo công thức:

- Khả năng sinh lợi của doanh thu:

Để đánh giá KNSL của doanh thu, DN tiến hành tính toán chỉ tiêu “Sức sinh lợi của doanh thu” [Return on sales - ROS] hoặc còn gọi là “Sức sinh lợi của doanh thu thuần”. Chỉ tiêu này cho biết một đơn vị doanh thu thuần đem lại mấy đơn vị lợi nhuận sau thuế. Chỉ tiêu này càng cao, hiệu quả kinh doanh của DN càng cao và ngược lại. Chỉ tiêu này được tính theo công thức:

2. Vận dụng các phương pháp phân tích để phân tích các chỉ tiêu về khả năng sinh lợi trong doanh nghiệp

Các phương pháp sử dụng trong phân tích bao gồm: Phương pháp so sánh, phương pháp chi tiết chỉ tiêu phân tích, phương pháp đối chiếu liên hệ, phương pháp loại trừ, phương pháp Dupont,vv... Trong phạm vi bài viết này sẽ đề cập đến việc ứng dụng ba phương pháp chủ yếu trong việc phân tích các chỉ tiêu về KNSL trong DN đó là phương pháp so sánh, phương pháp loại trừ và phương pháp Dupont.

* Phương pháp so sánh:

So sánh là phương pháp được sử dụng phổ biến trong phân tích để đánh giá kết quả, xác định vị trí và xu hướng biến động của chỉ tiêu phân tích. Để phục vụ cho mục đích cụ thể của phân tích, phương pháp so sánh thường được so sánh với trị số của cùng chỉ tiêu theo thời gian hoặc so sánh với trị số bình quân ngành, bình quân khu vực hay đối thủ cạnh tranh.[2]

Có thể vận dụng phương pháp so sánh để phân tích chỉ tiêu về KNSL của tài sản [ROA] như sau:

- So sánh với trị số của cùng chỉ tiêu theo thời gian: So sánh với trị số của cùng chỉ tiêu phản ánh KNSL của tài sản theo thời gian bao gồm so sánh với kỳ trước liền kề kỳ phân tích, so sánh xu hướng và nhịp điệu tăng trưởng. Việc so sánh kỳ liền kề ngay kỳ phân tích sẽ cho biết mức độ biến động về KNSL của tài sản, từ đó đánh giá được những nỗ lực phấn đấu của DN nhằm nâng cao KNSL của tài sản. So sánh xu hướng và nhịp điệu tăng trưởng cho phép người sử dụng thông tin nắm được sự thay đổi theo thời gian của từng chỉ tiêu, từ đó rút ra nhận xét, đánh giá tin cậy về khả năng sinh lợi của tài sản.

- So sánh với trị số bình quân ngành, bình quân khu vực hay so với đối thủ cạnh tranh: Việc so sánh này giúp người sử dụng thông tin biết được KNSL của tài sản của DN đang nằm ở mức nào so với ngành, với khu vực hay so với đối thủ cạnh tranh. Điều này sẽ giúp các DN nhìn lại mình để có các quyết sách phù hợp nhằm duy trì và cải thiện KNSL của tài sản. Mặc dù so sánh với KNSL bình quân ngành, bình quân khu vực hay so với đối thủ cạnh tranh cho phép người sử dụng thông tin đo lường được mức độ cạnh tranh của DN, nhưng do có những sự khác biệt nhất định của những DN đặc thù nên việc so sánh có thể dẫn đến những sai lệch trong nhận định. Chẳng hạn, khi phân tích KNSL của tài sản, việc đánh giá KNSL được thực hiện bằng cách tính ra và so sánh trị số của chỉ tiêu ROA giữa kỳ phân tích so với kỳ gốc hay so với bình quân ngành hoặc so với đối thủ cạnh tranh. Trị số của chỉ tiêu này càng tăng, thể hiện KNSL của tài sản càng cao, từ đó nâng cao hiệu quả kinh doanh của DN. Tuy nhiên, tại những DN đòi hỏi vốn đầu tư ban đầu hay lượng tài sản lớn như các DN công nghiệp nặng hoặc khai khoáng nhìn chung chỉ tiêu này sẽ có trị số thấp hơn so vói những ngành khác [vì phần mẫu số là tài sản lúc đó có trị số rất lớn]. Chỉ tiêu này rất hữu ích trong việc xem xét KNSL của tài sản theo thời gian của DN hoặc so sánh KNSL của DN với bình quân ngành để thấy được sự thụt lùi hay tiến bộ của tổng tài sản.

* Phương pháp loại trừ:

Để xác định xu hướng và mức độ ảnh hưởng của từ nhân tố đến sự biến động giữa kỳ phân tích so với kỳ gốc của chỉ tiêu phản ánh đối tượng phân tích, các nhà phân tích sử dụng nhiều phương pháp khác nhau, trong đó phương pháp loại trừ được sử dụng phổ biến. Theo phương pháp này, để nghiên cứu ảnh hưởng của một nhân tố nào đó, nhà phân tích phải loại trừ ảnh hưởng của các nhân tố còn lại. Đặc trưng nổi bật của phương pháp loại trừ là luôn đặt đối tượng nghiên cứu vào các trường hợp giả định khác nhau để xác định ảnh hưởng của các nhân tố đến sự biến động của chỉ tiêu nghiên cứu.[2]

Có thể vận dụng phương pháp loại trừ để phân tích chỉ tiêu KNSL của tài sản như sau: Có hai nhân tổ ảnh hưởng đến KNSL của tài sản là lợi nhuận sau thuế và tài sản bình quân. Xét về quan hệ, lợi nhuận sau thuế là nhân tố phản ánh đầu ra còn tài sản bình quân là nhân tố phản ánh đầu vào vì vậy ảnh hưởng của nhân tố đầu vào ra sẽ được xác định trước và nhân tố đầu vào sẽ được xác định sau. Cụ thể, mức ảnh hưởng của từng nhân tố đến sự biến động của ROA được xác định như sau:

- Ảnh hưởng của tài sản bình quân đến sự biến động của KNSL của tài sản:

- Ảnh hưởng của lợi nhuận sau thuế đến sự biến động của KNSL của tài sản:

* Phương pháp Dupont:

Phương pháp Dupont là phương pháp phân tích dựa trên mối quan hệ tương hỗ giữa các chỉ tiêu tài chính để biến đổi một chỉ tiêu tổng hợp thành một hàm số của một loạt các biến số.

Có thể vận dụng phương pháp Dupont để phân tích KNSL của tài sản và KNSL của vốn chủ sở hữu như sau:

- Phân tích khả năng sinh lợi của tài sản [ROA]:

ROA cho biết sau một kỳ hoạt động của DN, đầu tư một đồng tài sản thì thu được bao nhiêu đồng lợi nhuận sau thuế. Chỉ tiêu này càng cao chứng tỏ hiệu quả sử dụng tài sản càng tốt, DN có khả năng thu hút và hấp dẫn các nhà đầu tư. Chỉ tiêu ROA có thể biến đổi như sau:

Nhân [x] tử số và mẫu số với cùng chỉ tiêu "Doanh thu thuần", ta được:

Trong đó: [a] là chỉ tiêu “Sức sinh lợi của doanh thu thuần”, [b] là chỉ tiêu "Số vòng quay của tài sản".

Vì thế công thức xác định ROA có thể viết dưới dạng: ROA = Sức sinh lợi của doanh thu thuần x Số vòng quay của tài sản.

Như vậy, qua khai triển chỉ tiêu ROA có thể thấy chỉ tiêu này được cấu thành bởi hai yếu tố chính:

Thứ nhất, là sức sinh lợi của doanh thu thuần: Chỉ tiêu này là chỉ tiêu quan trọng với các nhà quản tri dưới góc độ quản lý bới nó phản ánh chiến lược kinh doanh và nó cũng cho biết hiệu quả kinh doanh của DN trong viêc kiểm soát chi phí hoạt động với mục tiêu tối thiểu hóa chi phí và tối đa hóa lợi nhuận. Muốn tăng sức sinh lợi của doanh thu thuần, DN cần có những biện pháp giảm chi phí, tăng doanh thu và giảm các khoản giảm trừ doanh thu.

Thứ hai, là số vòng quay tài sản: Chỉ tiêu này cho biết năng lực sử dụng vốn của DN, với số vòng quay của tài sản thấp chứng tỏ DN hoạt động không hiệu quả hay doanh thu thu được từ việc sử dụng tài sản thấp. Số vòng quay của tài sản càng cao chứng tỏ sức sản xuất của các tài sản càng nhanh, đây là nhân tố làm tăng sức sinh lợi của tài sản.

Qua phân tích cho thấy, để tăng ROA cần quan tâm đến ảnh hưởng của hai nhân tố là sức sinh lợi của doanh thu thuần và số vòng quay tài sản. Dưới góc độ là nhà quản trị, cần phải có những chiến lược kinh doanh, biện pháp quản lý để sức sinh lợi của doanh thu cao và số vòng quay tài sản cao như vậy mơi thu hút và hấp dẫn các nhà đầu tư.

- Phân tích khả năng sinh lợi của vốn chủ sở hữu [ROE]:

ROE được coi là chỉ tiêu phổ biến nhất dùng để đánh giá tình hình hoạt động của các nhà quản trị và các nhà đầu tư. ROE xem xét tỷ suất lợi nhuận sau thuế thu được khi đầu tư VCSH. Chỉ tiêu này càng cao, chứng tỏ với việc đầu tư VCSH càng nhiều thì lợi nhuận sau thuế thu được là nhiều. Để có thể đưa ra biện pháp gia tăng ROE, chúng ta có thể xem xét dưới góc độ phân tích của mô hình Dupont.

Chỉ tiêu ROE có thể biến đổi như sau:

Nhân [x] tử số và mẫu số với cùng chỉ tiêu "Doanh thu thuần" và "Tổng tài sản bình quân" ta được:

Trong đó: [a] là chỉ tiêu “Sức sinh lợi của doanh thu thuần”, [b] là chỉ tiêu "Số vòng quay của tài sản", [c] Đòn bẩy tài chính bình quân.

Vì thế, công thức xác định ROE có thể viết dưới dạng:

Như vậy, qua khai triển chỉ tiêu ROE, có thể thấy chỉ tiêu này được cấu thành bởi ba yếu tố chính:

Thứ nhất, là sức sinh lợi của doanh thu thuần: Đây là yếu tố phản ánh trình độ quản lý doanh thu và chi phí của DN.

Thứ hai, là số vòng quay tài sản: Đây là yếu tố phản ánh trình độ khai thác và sử dụng tài sản của DN.

Thứ ba, là đòn bầy tài chính: Đây là yếu tố phản ánh trình độ quản trị tổ chức nguồn vốn cho hoạt động của DN.

Để tăng ROE, tức là tăng hiệu quả kinh doanh, DN có ba sự lựa chọn cơ bản là tăng một trong ba yếu tố trên. Một là, DN có thể gia tăng khả năng cạnh tranh, nhằm nâng cao doanh thu và đồng thời tiết giảm chi phí, nhằm gia tăng lợi nhuận ròng biên. Hai là, DN có thể nâng cao hiệu quả kinh doanh bằng cách sử dụng tốt hơn các tài sản sẵn có của mình, nhằm nâng cao vòng quay tài sản hay nói một cách dễ hiểu hơn là doanh nghiệp cần tạo ra nhiều doanh thu hơn từ những tài sản sẵn có. Ba là, DN có thể nâng cao hiệu quả kinh doanh bằng cách nâng cao đòn bẩy tài chính hay nói cách khác là vay nợ thêm vốn để đầu tư. Nếu mức lợi nhuận/tổng tài sản của DN cao hơn mức lãi suất cho vay thì việc vay tiền để đầu tư của DN là hiệu quả.

Sử dụng linh hoạt các phương pháp phân tích trong việc phân tích các chỉ số phản ánh KNSL có ý nghĩa lớn đối với các nhà đầu tư và các nhà quản trị DN, thể hiện ở chỗ có thể đánh giá đầy đủ và khách quan các nhân tố tác động đến KNSL của DN. Tuy nhiên, các nhà đầu tư và các nhà quản trị DN ngoài việc sử dụng các phương pháp trên cần kết hợp linh hoạt với những phương pháp phân tích khác nữa để có thể đưa ra các quyết định quản trị và quyết định đầu tư đúng đắn ■

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Nguyễn Tấn Bình [2010], “Phân tích quản trị tài chính”, Nhà xuất bản Thống kê.

2. Nguyễn Văn Công [2013], “Giáo trình Phân tích kinh doanh”, Nhà xuất bản Đại học Kinh tế quốc dân.

3. Nguyễn Ngọc Quang [2011], “Phân tích báo cáo tài chính”, Nhà xuất bản Tài chính.

METHODS OF PROFITABILITY ANALYSIS IN ENTERPRISES

● PhD. NGUYEN HONG ANH

Faculty of Accounting - University of Economic and Technical Industries

ABSTRACT:

In recent years, the use of tools for financial analysis is increasingly being considered by business executives as well as investors, particularly in analyzing indicators of enterprise profitability. For businesses, the analysis of profitability indicators will help businesses better understand the strengths and shortcomings in the business to make timely decisions to increase the value of financial. Products of the enterprise. For investors, the analysis of the index of profitability will help investors make the right investment decisions. This article will cover the following main contents: [1] indicators of enterprise profitability; [2] application of methods to analyze indicators of profitability in business .

Keywords: Method, Analysis, Profitability.

Video liên quan

Chủ Đề