Thực trạng thực hiện chính sách tôn giáo ở Việt Nam

Tình hình tín ngưỡng, tôn giáo tại Yên Bái

Hiện nay trên địa bàn tỉnh Yên Bái có 03 tôn giáo được công nhận tư cách pháp nhân đang hoạt động gồm Công giáo, Phật giáo, Tin lành với khoảng 77.800 quần chúng tín đồ. Về Công giáo có 130 giáo họ nằm trong 25 giáo xứ, 89 nhà thờ, 31 linh mục với khoảng 60.000 tín đồ. Về Phật giáo có 27 chùa được xếp hạng và công nhận di tích, 09 chùa đang đề nghị xếp hạng, còn phế tích, dấu tích, 22 sư trụ trì với khoảng 15.500 tín đồ. Về Tin lành có 02 hội thánh, 24 điểm nhóm, 02 mục sư với khoảng 2.300 tín đồ.

Thời gian qua, nhìn chung các tổ chức, tín đồ tôn giáo trên địa bàn tỉnh Yên Bái chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đời sống vật chất, tinh thần của tín đồ tôn giáo được nâng cao, nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo của chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo và đông đảo quần chúng nhân dân được đáp ứng đầy đủ. Hoạt động tôn giáo được cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm, tạo điều kiện, diễn ra ổn định, an toàn, trang trọng, theo đúng nghi thức tôn giáo, đảm bảo quy định của pháp luật, chưa có vụ việc lợi dụng tôn giáo gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự trên địa bàn. Khối đoàn kết đồng bào các tôn giáo được củng cố trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc. 

Chức sắc, chức việc các tôn giáo có những đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc, chung tay xây dựng nông thôn mới, xóa đói, giảm nghèo, tham gia các phong trào: “Xây dựng họ đạo tiên tiến, gia đình giáo dân tiêu biểu”; “Khu dân cư không tệ nạn xã hội”; “Xây dựng chùa cảnh tinh tiến, chùa cảnh gương mẫu” và đặc biệt là tham gia cuộc vận động “Treo cờ Tổ quốc tại các cơ sở tôn giáo và nhà riêng của các tín đồ vào các ngày lễ lớn của dân tộc và địa phương” do UBND tỉnh Yên Bái phát động.

Đồng thời xây dựng đường hướng hành đạo gắn bó với dân tộc, cuộc sống “tốt đời, đẹp đạo”, tuyên truyền, vận động quần chúng tín đồ tham gia các phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc. Trên địa bàn tỉnh đã có nhiều tín đồ tôn giáo là tấm gương điển hình tiên tiến, xây dựng sáng tạo các mô hình kinh tế chất lượng cao đóng góp vào sự nghiệp phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội ở địa phương.

Các đồng chí Lãnh đạo Bộ Công an, lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo Công an tỉnh Yên Bái tặng quà cho các chức sắc, chức việc tại Hội nghị phát động thi đua và giao lưu giữa các tôn giáo tỉnh năm 2017

Thời gian gần đây, chức sắc, chức việc các tôn giáo tích cực phối hợp với chính quyền cơ sở vận động quần chúng tín đồ chấp hành nghiêm công tác phòng chống dịch bệnh covid-19, tạm dừng tổ chức các hoạt động văn hóa, lễ hội tập trung đông người tại các cơ sở thờ tự tôn giáo; đồng thời vận động quần chúng tín đồ tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026.

Hậu quả từ tín ngưỡng, tôn giáo trái pháp luật

Tuy nhiên, tại một số nơi trên địa bàn tỉnh vẫn còn xuất hiện một số cá nhân lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo hoạt động vi phạm pháp luật, thực hiện hành vi tuyên truyền, tán phát tài liệu, lôi kéo người khác tham gia sinh hoạt các hội, nhóm tín ngưỡng tôn giáo trái pháp luật, một số trường hợp hành nghề mê tín, dị đoan, lợi dụng lừa đảo chiếm đoạt tài sản… để lại những hậu quả khôn lường, gây bất an trong dư luận quần chúng nhân dân. 

Thượng tá: Nguyễn Trọng Chức – Trưởng phòng An ninh – Đối nội triển khai công tác đảm bảo tỉnh hình An ninh tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn tỉnh

Điển hình như: Hoạt động khám, chữa bệnh của bà Đỗ Thị Huệ sinh năm 1951 tại xã Trực Mỹ, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định. Tháng 8/2006, bà Huệ tự nhận mình theo “Đạo Ngọc Phật Hồ Chí Minh”, tự xưng là “Bác sỹ nhà trời” chuyên khám, chữa bằng khả năng ngoại cảm và có thể chữa được nhiều loại bệnh như: Máu trắng, ung thư, các bệnh liên quan đến gan, tim...

Khi khám, chữa bệnh bà Huệ dùng 3 que hương đang cháy soi vào chỗ đau để bắt bệnh, yêu cầu bệnh nhân thực hiện uống thuốc theo phương pháp “tưởng tượng, há mồm”, uống thuốc sau mỗi bữa ăn, đồng thời phát cho mỗi người một ít tàn hương, bánh, lương khô hoặc trái cây đã làm phép gọi là “lộc trời”…

Mỗi lần khám, chữa bệnh thu từ 50.000 đến 100.000 đồng, ngoài ra bệnh nhân có thể tùy tâm đặt tiền vào ban thờ. Đối với những ca uống thuốc không khỏi, không có hiệu quả bà Huệ yêu cầu bệnh nhân điều trị bằng phương pháp mổ, ví dụ như mổ viêm xoang khoảng 4 triệu đồng/ca, mổ thay tim, thay gan, thay não từ 5-10 triệu đồng/ca. Hình thức mổ đều trên tưởng tượng, mô phỏng, thường gọi là mổ bằng đường âm. Một số người ở xa chỉ cần đến chữa bệnh một lần, những lần sau sẽ hướng dẫn chữa bệnh qua điện thoại.

Đáng chú ý, ngoài việc thăm khám, chữa bệnh bà Huệ còn phát cho bệnh nhân các cuốn sách nói về Ngọc phật Hồ Chí Minh như: Kinh theo đạo Bác; Lời cha răn thế kỷ 21; Kinh theo đạo Bác từ đây dương hồn; Hồn thơ Bác Hồ 1999; Kinh sám hối phật mẫu… và hướng dẫn lập bàn thờ cầu nguyện. 

Chữa trị theo phương pháp của bà Đỗ Thị Huệ đã khiến người bệnh thiệt hại về tiền của, thời gian, công sức, bệnh vẫn không thuyên giảm mà còn có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng. Điển hình như trường hợp của Bà N.T. xã Bình Thuận, Văn Chấn bị u nang buồng chứng và u vòm họng; chị H.T.C xã Hưng Thịnh, Trấn Yên bị tâm thần; ông V.V.D xã Hưng Khánh, Trấn Yên bị suy tim độ 3; bà N.T.K xã Tân Thịnh, Văn Chấn bị sỏi mật đã được “mổ bằng đường âm” … các bệnh nhân không có chuyển biến, sau đó đều phải chuyển đến trung tâm y tế các cấp để được tiếp tục điều trị.

Hoặc vụ việc tinh vi hơn là hoạt động tuyên truyền, lôi kéo người khác tham gia sinh hoạt “Hội thánh của Đức Chúa Trời mẹ” của đối tượng Đào Xuân Giáp, với thủ đoạn lân la tiếp cận làm quen tìm hiểu gia cảnh, xin số điện thoại những người gia đình có điều kiện. Sau đó, các đối tượng tuyên truyền về giáo lý “Hội thánh của Đức Chúa Trời mẹ” làm cho người bị lôi kéo luôn rơi vào trạng thái mê hoặc, dần dần tin theo lời chúng nói. Để trở thành tín đồ của tổ chức, người tham gia phải được “chấp sự” làm lễ “baptem” và khi nghe giảng đạo phải đóng 50.000 đồng cho “trưởng nhóm”; những người sống và sinh hoạt tại “Hội thánh của Đức Chúa Trời mẹ” sẽ được bố trí đi làm các công việc: Nam đi chạy “xe ôm”, nữ đi bán hàng dạo,… cuối ngày đóng tiền cho “trưởng nhóm”; đối với những tín đồ có công việc ổn định ở các cơ quan, doanh nghiệp, công ty thì thu tiền với tỷ lệ 1/10 thu nhập/tháng. 

Thời gian qua, hoạt động của các hội, nhóm tín ngưỡng, tôn giáo trái pháp luật đã tác động ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống tinh thần, vật chất của một bộ phận người dân, các giá trị văn hóa, tín ngưỡng, nét đẹp truyền thống của dân tộc và tình hình an ninh chính trị ở một số địa bàn trong tỉnh.

Một số người khi tham gia tổ chức “Hội thánh của Đức Chúa Trời mẹ” đã dỡ bỏ bàn thờ tổ tiên, từ bỏ phong tục tập quán của địa phương. Cá biệt còn đe dọa, ép buộc người thân tin theo, ở một số điểm dân cư đã và đang có sự phân hoá giữa những người theo và người không theo, nảy sinh khoảng cách, gây chia rẽ đoàn kết nội bộ. Tôn giáo trái pháp luật đã gây xáo trộn đời sống sinh hoạt, lao động sản xuất của quần chúng nhân dân.

Bằng những luận điệu tuyên truyền mê tín, dị đoan, hoang đường, một bộ phận quần chúng nhân dân theo “Ngọc phật Hồ Chí Minh” và tổ chức “Hội thánh của Đức chúa trời mẹ” thường xuyên tập trung cầu nguyện, bỏ lao động sản xuất, nhiều gia đình trong tình trạng khó khăn, thiếu đói; khi ốm đau, bệnh tật chỉ tin vào cầu nguyện, uống nước thánh… dẫn đến bệnh tật ngày càng nặng, có trường hợp dẫn đến tử vong. 

Đội An ninh, Công an Thành phố Yên Bái thu giữ, kiểm đếm tài liệu của hội nhóm tín ngưỡng, tôn giáo trái pháp luật

Qua 02 vụ việc điển hình trên cho thấy: Các đối tượng đã lợi dụng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo thực hiện việc truyền đạo trái phép bằng nhiều thủ đoạn khác nhau, trong đó có việc lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân, bằng các luận điệu như: Ngày tận thế sắp đến, chia sẻ tình yêu thương, không cần làm gì cũng sẽ được sung sướng… nhằm tác động lôi kéo.

Tinh vi hơn, nhiều đối tượng cầm đầu còn lợi dụng tâm lý lập nghiệp, mong muốn làm giàu của thanh niên, sinh viên để mời họ tham gia vào các lớp học, hội thảo kỹ năng mềm, qua đó, mượn danh để tuyên truyền về tổ chức, lôi kéo người tham gia. Đối tượng bị tác động chủ yếu là người lao động nghèo, sinh viên, học sinh, người có điều kiện hoàn cảnh gia đình khó khăn…

Với tình hình phức tạp của hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trái pháp luật, các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh đã vào cuộc giải quyết trả lại sự bình yên cho nhân dân bằng các giải pháp linh hoạt sẽ được chúng tôi đề cập đến trong bài 2, mời độc giả đón đọc.

Hoàng Yên - Việt Anh - Lê Hà

---

Loạt 2 bài: Công tác tín ngưỡng, tôn giáo ở Yên Bái, thực trạng và những vấn đề cần giải quyết:

>>> Thực trạng công tác tín ngưỡng, tôn giáo ở Yên Bái [Bài 1]

>>> Những vấn đề cần giải quyết chấn chỉnh công tác tín ngưỡng, tôn giáo [Bài 2]

Cùng với quá trình đổi mới đất nước [từ năm 1986], công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo đã đem lại nhiều kết quả, hiệu quả cao; qua đó đời sống tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam đã có nhiều chuyển biến tích cực: sự trở lại của niềm tin tôn giáo, sự gia tăng số lượng chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo; nhiều hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo diễn ra với quy mô lớn đã thu hút đông đảo tín đồ và người dân tham dự; các tổ chức tôn giáo được công nhận xây dựng và thực hiện đường hướng hành đạo phù hợp với văn hóa truyền thống, gắn bó, đồng hành cùng dân tộc… Các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo đã và đang đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo của đông đảo quần chúng nhân dân và có những đóng góp tích cực đối với đời sống kinh tế, xã hội của đất nước. 

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng thăm, chúc mừng Hòa thượng Dương Nhơn, Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam, tại tỉnh Sóc Trăng. Ảnh minh họa

Những kết quả nổi bật trong công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo 

Quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo là một dạng quản lý xã hội đặc biệt của Nhà nước, mang tính quyền lực nhà nước, sử dụng pháp luật và chính sách tín ngưỡng, tôn giáo để điều chỉnh hành vi của cá nhân, tổ chức trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo do các cơ quan quản lý nhà nước thực hiện, nhằm phục vụ Nhân dân, đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, duy trì sự ổn định và phát triển bền vững của xã hội và đất nước.

Quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo là một bộ phận của quản lý nhà nước, là một nhiệm vụ quan trọng trong công tác tôn giáo của hệ thống chính trị. Điều 60 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 [có hiệu lực từ ngày 01/01/2018] quy định nội dung quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo bao gồm: xây dựng chính sách, ban hành văn bản quy phạm pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo; quy định tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo; tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo; phổ biến, giáo dục pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo; nghiên cứu trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức làm công tác tín ngưỡng, tôn giáo; thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo; quan hệ quốc tế trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo.

Thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tôn giáo, Bộ Nội vụ [trực tiếp là Ban Tôn giáo Chính phủ] và hệ thống cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo các cấp đã tham mưu cho Đảng, Nhà nước, cấp ủy và chính quyền các cấp chỉ đạo, đẩy mạnh các mặt công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo, góp phần thực hiện có hiệu quả quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo; đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người dân; đảm bảo các hoạt động tôn giáo diễn ra trong khuôn khổ pháp luật; từng bước phát huy được những mặt tích cực, hạn chế những mặt tiêu cực của hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo... thể hiện qua một số kết quả nổi bật sau:

Thứ nhất, tham mưu với Đảng, Nhà nước từng bước xây dựng, hoàn thiện, đổi mới chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo phù hợp với thực tiễn.

Chủ động phối hợp với các bộ, ngành liên quan tích cực tham mưu với Đảng, Nhà nước ban hành nhiều chủ trương, chính sách lớn về tín ngưỡng, tôn giáo như: Nghị quyết số 24/NQ-TW ngày 16/10/1990 của Bộ Chính trị về tăng cường công tác tôn giáo trong tình hình mới; Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 12/3/2003 của Hội nghị Trung ương lần thứ bảy, khóa IX về công tác tôn giáo; Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 10/01/2018 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW. Trong đó, Nghị quyết số 25-NQ/TW là văn bản đầu tiên của Đảng ta về công tác tôn giáo được phổ biến, quán triệt rộng rãi đến từng cán bộ, đảng viên và mọi tầng lớp nhân dân, là dấu mốc quan trọng và nền tảng chính sách đối với tín ngưỡng, tôn giáo.

Việc thể chế hóa, cụ thể hóa quan điểm, đường lối của Đảng về tín ngưỡng, tôn giáo, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách về tín ngưỡng, tôn giáo đã và đang được hoàn thiện để phù hợp với thực tiễn. 

Thứ hai, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo, đưa pháp luật tín ngưỡng, tôn giáo vào cuộc sống và thực hiện quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo bằng pháp luật.

Quan tâm chú trọng đổi mới về nội dung, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật với nhiều hình thức, như: biên soạn, phát hành tài liệu phổ biến, giáo dục pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo; tổ chức hội nghị phổ biến pháp luật cho cán bộ làm công tác tôn giáo trong hệ thống chính trị và chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ; phối hợp xây dựng phim, phóng sự chuyên đề phát sóng trên Đài truyền hình quốc gia để thông tin tới bạn bè thế giới và kiều bào Việt Nam ở nước ngoài hiểu về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ta luôn nhất quán tôn trọng và đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người dân; góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của đồng bào có đạo, củng cố niềm tin trong chức sắc, tín đồ tôn giáo đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.

Thứ ba, tổ chức triển khai có hiệu quả chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo.

Ban Tôn giáo Chính phủ và cơ quan quản lý nhà nước về tôn giáo các cấp đã chủ động hướng dẫn, đưa các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo đi vào nề nếp, ổn định, tuân thủ pháp luật; hướng dẫn các tổ chức tôn giáo tổ chức hội nghị, đại hội theo đúng Hiến chương, điều lệ các tổ chức tôn giáo và quy định của pháp luật; tập trung giải quyết các kiến nghị, nhu cầu chính đáng của tổ chức, cá nhân tôn giáo; khuyến khích tôn giáo tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện nhân đạo, giúp đỡ đồng bào gặp khó khăn tại vùng sâu, vùng xa; tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, vì cộng đồng, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Với chính sách tự do tín ngưỡng, tôn giáo đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta, đông đảo chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo đã phát huy truyền thống yêu nước, gắn bó, đồng hành cùng dân tộc; đoàn kết, tích cực tham gia phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng và củng cố quốc phòng, bảo đảm an ninh, trật tự... góp phần làm nên những thành tựu to lớn trong công cuộc đổi mới.

Công tác phối hợp đấu tranh chống lợi dụng hoạt động tôn giáo, gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc được tăng cường. Ban Tôn giáo Chính phủ và cơ quan quản lý nhà nước về tôn giáo chủ động phối hợp với các bộ, ban, ngành và địa phương liên quan thống nhất các phương án đồng bộ, vận động quần chúng đấu tranh chống các hoạt động lợi dụng tôn giáo để gây rối làm mất ổn định chính trị, an ninh trật tự; nắm tình hình an ninh trong tôn giáo, nhất là trong đồng bào dân tộc thiểu số, đấu tranh với các nhóm, cá nhân cực đoan trong tôn giáo lợi dụng tôn giáo để hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước; các vấn đề về “tà đạo”, “đạo lạ”... 

Thứ tư, công tác đối ngoại tôn giáo và đấu tranh nhân quyền được chú trọng, triển khai thực hiện đúng nguyên tắc góp phần khẳng định chính sách tôn trọng và đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam.

Cơ quan quản lý nhà nước về tôn giáo đã tích cực phối hợp thúc đẩy ngoại giao nhân dân; chủ động hướng dẫn các tổ chức tôn giáo tham gia các diễn đàn tôn giáo thế giới và khu vực phù hợp với đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước, nâng cao vị thế của các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam. Hoạt động quốc tế của các tôn giáo Việt Nam đa dạng, phong phú, số lượng đoàn trong nước và nước ngoài đi, đến để nghiên cứu, tìm hiểu về tình hình tôn giáo ngày càng tăng. 

Quan hệ giữa Việt Nam và Tòa thánh Vatican đã có tiến triển mới, các cuộc đàm phán giữa hai bên đã thu nhiều kết quả tích cực, thống nhất chủ trương nâng cấp từ Đặc phái viên không thường trú lên Đặc phái viên thường trú tại Việt Nam. Công tác đối thoại với các đại sứ quán, các tổ chức quốc tế và các cơ quan truyền thông nước ngoài được Ban Tôn giáo Chính phủ tăng cường nhằm cung cấp thông tin về tình hình tôn giáo và chính sách tôn giáo của Việt Nam, tranh thủ các đối tác là bạn bè ủng hộ Việt Nam, đấu tranh chống lại những luận điệu bài xích, xuyên tạc của các tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí về các vấn đề dân chủ, nhân quyền và tự do tôn giáo của Việt Nam, góp phần đấu tranh thành công để Việt Nam không bị đưa vào “danh sách các nước cần theo dõi đặc biệt” [SWL] hoặc “danh sách các nước cần quan tâm đặc biệt” [CPC] về tự do tôn giáo. 

Thứ năm, công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo được đẩy mạnh, góp phần ổn định tình hình tôn giáo.

Hàng năm, Ban Tôn giáo Chính phủ đã thành lập nhiều đoàn thanh tra chuyên ngành và kiểm tra thực hiện pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo; tiếp nhiều lượt công dân đến khiếu nại, kiến nghị; tiếp nhận và xử lý hàng nghìn đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh. Đồng thời, hướng dẫn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai kế hoạch kiểm tra tình hình thi hành pháp luật và thực hiện pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo. Nhiều kiến nghị, phản ánh liên quan đến tôn giáo được xem xét, giải quyết kịp thời, thỏa đáng, đúng pháp luật, đã giảm được tình trạng khiếu kiện đông người, kéo dài, vượt cấp, tạo lòng tin của người dân đối với cơ quan nhà nước, góp phần đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội.

Thứ sáu, công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu khoa học được duy trì thường xuyên, làm cơ sở đề xuất, tham mưu xây dựng chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo.

Tổ chức thực hiện nhiều đề án, dự án lớn được Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, như Đề án “Chính sách tổng thể về tín ngưỡng, tôn giáo ở nước ta”; Đề án “Tiếp tục hỗ trợ cho các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, tạo điều kiện để kiều bào được tham gia các sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng trong nước”; Đề án “Tín ngưỡng và quản lý nhà nước đối với hoạt động tín ngưỡng”; Đề án “Nghiên cứu, đánh giá tổng thể về đạo Cao Đài và đề xuất chủ trương, giải pháp trong công tác quản lý nhà nước”; Dự án “Đạo Tin lành và ảnh hưởng của đạo Tin lành đối với xã hội Việt Nam - những vấn đề đặt ra trong công tác đối với đạo Tin lành giai đoạn 2016 - 2020”… Các đề án, dự án đã phục vụ kịp thời, có hiệu quả công tác quản lý nhà nước về tôn giáo.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác quản lý nhà nước về tôn giáo trong những năm qua còn gặp một số khó khăn như: trong quy định của các luật chuyên ngành điều chỉnh hoạt động liên quan tới tín ngưỡng, tôn giáo còn thiếu và chưa đồng bộ; công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và công tác vận động quần chúng liên quan đến hiện tượng tín ngưỡng, tôn giáo mới; ngăn chặn hoạt động có dấu hiệu cực đoan, có lúc, có nơi hiệu quả chưa cao, chưa nhất quán, chưa đủ tài liệu tuyên truyền mang tính thuyết phục để làm cơ sở đấu tranh; công tác thanh tra, kiểm tra tập trung giải quyết trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo có thời điểm chưa kịp thời và quyết liệt; một số vi phạm pháp luật về đất đai, công trình tôn giáo đã có chỉ đạo của Chính phủ chậm được giải quyết gây bức xúc trong chức sắc tôn giáo; còn biểu hiện buông lỏng quản lý đối với một số hoạt động của các tôn giáo; hoạt động lệch chuẩn văn hóa có yếu tố mê tín dị đoan, trục lợi vẫn diễn ra tại một số cơ sở tôn giáo; hiện tượng “tà đạo”, mê tín dị đoan có xu hướng gia tăng hoạt động xâm lấn ở nhiều tỉnh, thành phố…

Từ thực tế công tác tôn giáo và công tác quản lý nhà nước về tôn giáo thời gian qua, trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay có thể thấy rằng tôn giáo có xu hướng phát triển và có sự liên kết, ảnh hưởng rộng lớn trên phạm vi nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Vì vậy, quản lý hoạt động tôn giáo đã, đang và sẽ trở thành nội dung quan trọng trong quản lý nhà nước ở nhiều quốc gia, nhằm đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của chức sắc, chức việc, tín đồ và các tổ chức tôn giáo, đồng thời góp phần đấu tranh ngăn chặn những hoạt động lợi dụng tôn giáo để xâm hại tới an ninh, trật tự ở mỗi quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Một số định hướng, giải pháp tiếp tục nâng cao công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo

Để nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công tác tôn giáo theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, cần tập trung làm tốt một số nhiệm vụ cơ bản sau:

Một là, tiếp tục phát huy vai trò tham mưu với Đảng, Nhà nước trong công tác xây dựng và hoàn thiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo.

Cần chủ động rà soát, tham mưu giúp Chính phủ bổ sung, hoàn thiện pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo theo hướng thể chế hóa đầy đủ quan điểm của Đảng về tín ngưỡng, tôn giáo; đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất giữa pháp luật trong nước và các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia để tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo. Trước mắt, cần sớm tham mưu giúp Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 162/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và hướng dẫn thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo; Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo… 

Tham gia góp ý sửa đổi, bổ sung một số quy định trong các luật chuyên ngành liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo [theo chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội] nhằm đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất trong thực hiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo; đồng thời tạo cơ sở pháp lý để thúc đẩy các tổ chức tôn giáo có thế mạnh, tiềm năng tham gia, tổ chức các hoạt động xã hội, đóng góp nguồn lực cho xây dựng và phát triển đất nước.Tham gia tích cực, hiệu quả thực hiện Đề án hoàn thiện pháp luật ngành Nội vụ đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; tiếp tục tham mưu hoàn thiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo.

Hai là, tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền quan điểm, chủ trương của Đảng đã được thể hiện trong Nghị quyết số 25-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa IX về công tác tôn giáo; Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 10/01/2018 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW về công tác tôn giáo trong tình hình mới. Triển khai Chương trình hành động của Bộ Nội vụ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo.Thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và Nghị định số 162/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo; các luật chuyên ngành liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ, công chức, chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ các tôn giáo và người dân trong giai đoạn mới.

Ba là, đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo.

Hướng dẫn, tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo hoạt động theo quy định của pháp luật và hiến chương, điều lệ được Nhà nước công nhận; chủ động giải quyết các nhu cầu hoạt động tôn giáo chính đáng của các tín đồ; kịp thời nắm bắt tình hình, tâm tư, nguyện vọng của các tôn giáo, quần chúng tôn giáo và có phương hướng giải quyết kịp thời các vụ việc phát sinh; chủ động phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh với những hành vi lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết tôn giáo. 

Xem xét cấp đăng ký hoạt động tôn giáo, công nhận tổ chức tôn giáo cho các tổ chức đủ điều kiện. Hướng dẫn các tổ chức tôn giáo tổ chức tốt các hội nghị thường niên, đại hội nhiệm kỳ; bầu, chọn nhân sự lãnh đạo giáo hội có đạo hạnh, có trình độ, khả năng lãnh đạo, tinh thần đối thoại, hợp tác và ý thức chấp hành pháp luật; thẩm định hồ sơ xin cấp giấy phép xây dựng, sửa chữa, cải tạo, nâng cấp các cơ sở tôn giáo. Nghiên cứu, đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động sinh hoạt tôn giáo của người nước ngoài ở Việt Nam. Quan tâm phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân, trong đó có quần chúng tôn giáo. Vận động, đoàn kết, tập hợp các tổ chức tôn giáo, chức sắc, chức việc, tín đồ sống “tốt đời, đẹp đạo”, đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và huy động các nguồn lực của tôn giáo cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

Bốn là, tăng cường công tác đối ngoại tôn giáo, thúc đẩy hoạt động hợp tác với các nước trong khu vực và trên thế giới về vấn đề tôn giáo.

Tham gia các diễn đàn về tôn giáo quốc tế và khu vực; chủ động thông tin, tuyên truyền về tình hình, chính sách tôn giáo, thành tựu đạt được trong lĩnh vực tôn giáo để cộng đồng quốc tế hiểu và ủng hộ Việt Nam trong các hoạt động đối ngoại; đấu tranh, phản bác những luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch đối với tình hình tôn giáo và công tác tôn giáo của Nhà nước Việt Nam; chuẩn bị tốt nội dung, lập luận tham gia các vòng đối thoại nhân quyền song phương và đa phương. 

Chú trọng tăng cường và mở rộng hợp tác quốc tế trên lĩnh vực tôn giáo với các nước ASEAN: nâng cao hiệu quả các hoạt động hợp tác với Ủy ban Trung ương Mặt trận Lào xây dựng đất nước, Bộ Lễ nghi và Tôn giáo Vương quốc Campuchia; mở rộng, thúc đẩy mối quan hệ trên lĩnh vực tôn giáo của một số nước châu Á, châu Âu, châu Mỹ Latinh và một số nước Hồi giáo. Giúp đỡ, hướng dẫn các tổ chức tôn giáo thực hiện các hoạt động quan hệ quốc tế theo đúng quy định của pháp luật, phù hợp với chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta. Vận động chức sắc, tín đồ tôn giáo Việt Nam ở nước ngoài hướng về xây dựng đất nước.

Năm là, chủ động, tích cực trong công tác tiếp xúc, vận động, tranh thủ chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ các tổ chức tôn giáo.

Chủ động vận động, đoàn kết đồng bào các tôn giáo thông qua việc đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật ở địa phương. Thường xuyên gặp gỡ các chức sắc, chức việc, nhà tu hành, người có uy tín trong các tổ chức tôn giáo, tạo sự đồng thuận trong thực hiện chủ trương, chính sách và giáo dục tín đồ chấp hành pháp luật. Xây dựng lực lượng nòng cốt trong tôn giáo tạo nguồn lực cần thiết khi xử lý các vấn đề phức tạp trong tôn giáo. Phát triển đảng viên là người có đạo và phân công nhiệm vụ cho đảng viên có đạo trong việc nắm tình hình và thực hiện tốt công tác dân vận với quần chúng, tín đồ.

Sáu là, tiếp tục đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, tập trung giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo.

Chủ động phối hợp với các bộ, ngành Trung ương và địa phương tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo và xử lý, giải quyết kịp thời theo thẩm quyền các vụ việc liên quan; tập trung tháo gỡ những vướng mắc, “điểm nóng” ngay từ cơ sở, không để phát sinh khiếu kiện đông người, vượt cấp. Thực hiện cải cách hành chính, dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, cơ chế “một cửa” về tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của các tổ chức, cá nhân tôn giáo. Tổ chức thực hiện có hiệu quả việc tiếp nhận và xử lý, giải quyết dứt điểm, kịp thời các trường hợp kiến nghị, phản ánh của người dân về tình hình vi phạm pháp luật liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo.

Nâng cao chất lượng công tác kiểm tra thi hành pháp luật và thực hiện pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo kết hợp công tác kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật tại các tỉnh, thành phố. Tăng cường công tác thanh tra chuyên ngành, kiểm tra thực hiện pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo, đặc biệt đối với các vụ việc phức tạp, kịp thời tham mưu, xử lý những vi phạm của tổ chức, cá nhân tôn giáo. 

Bảy là, củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo các cấp; đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức làm công tác tín ngưỡng, tôn giáo.

Tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo các cấp theo hướng phù hợp đảm bảo ổn định, đồng bộ, có hệ thống ngành dọc từ Trung ương tới địa phương; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo các cấp; tạo nguồn cán bộ gắn với việc nâng cao năng lực, chất lượng trong thực hiện nhiệm vụ. Tiếp tục triển khai thực hiện Đề án “Tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ về tín ngưỡng cho cán bộ, công chức làm công tác tín ngưỡng, tôn giáo giai đoạn 2021-2025”.

Tám là, nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành trong công tác tín ngưỡng, tôn giáo.

Tăng cường công tác phối hợp giữa các tổ chức trong hệ thống chính trị, giữa các cơ quan Đảng với chính quyền các cấp, bảo đảm việc tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo được kịp thời và hiệu quả; kịp thời giải quyết những nhu cầu chính đáng của các cơ sở tín ngưỡng, của các tôn giáo đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật; chủ động cung cấp, trao đổi thông tin giữa các cơ quan để thống nhất tổ chức triển khai thực hiện chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về công tác tín ngưỡng, tôn giáo; định kỳ sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả thực hiện, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo./.

TS Vũ Chiến Thắng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ

tcnn.vn

Video liên quan

Chủ Đề