Thuốc hạ sốt cho người suy thận

Dùng thuốc chữa bệnh là việc “cực chẳng đã” phải đưa vào cơ thể người một lượng hoạt chất ngoại lai mà nhiều khi “mặt trái” của chúng rất nguy hại cho các cơ quan nội tạng, đặc biệt là gan và thận. Chính vì vậy, nếu dùng thuốc thiếu hiểu biết, lạm dụng thuốc thường xuyên sẽ dẫn đến những nguy cơ chết người do các cơ quan này bị nhiễm độc và mắc nhữngcăn bệnh trầm trọng.

1.Suy thận cấp do thuốc

Suy thận cấp do thuốc là hội chứng xuất hiện khi chức năng của thận bị suy sụp do dùng thuốc kéo dài, làm giảm hoặc mất hoàn toàn mức lọc cầu thận. Bệnh nhân có biểu hiện tiểu ít, vô niệu, rối loạn nước, điện giải… và sẽ chết do nguyên nhân kali máu tăng, phù phổi cấp, hội chứng urê máu cao… Suy thận cấp có nhiều nguyên nhân do bệnh tại thận hoặc do các yếu tố ngoại lai.

Các nguyên nhân do ngộ độc thuốc kháng sinh, thuốc chống ung thư, thuốc giảm viêm, giảm đau, nghiện heroin, lạm dụng thuốc chống động kinh, uống mật cá trắm cũng gây suy thận cấp rất khó điều trị. Các loại thuốc có thể gây độc trực tiếp trên thận bằng cách gây viêm hoặc phá hủy các cấu trúc giải phẫu của thận hoặc gây độc gián tiếp bằng cách làm thay đổi lưu lượng máu đến thận hoặc tạo ra các chất độc nội sinh đối với thận. Hiện nay, mặc dù đã có nhiều phương tiện hồi sức tích cực [như lọc máu ngoài thận], nhưng tỷ lệ tử vong do suy thận cấp vẫn còn rất cao. Tuy vậy, nếu được điều trị kịp thời và chính xác, nhiều trường hợp vẫn có thể phục hồi hoàn toàn hoặc gần hoàn toàn chức năng thận, bệnh nhân có thể trở lại cuộc sống bình thường

2.Các thuốc nguy cơ cao gây độc cho thận

Nhiễm độc thận do thuốc xảy ra rất phổ biến trên lâm sàng, đây là nguyên nhân của gần 20% các trường hợp suy thận cấp phải nhập viện theo nghiên cứu của ngành y tế. Rất nhiều loại thuốc khác nhau được biết có thể gây độc cho thận, thường gặp nhất là các loại kháng sinh, thuốc đông dược, thuốc cản quang, thuốc ức chế men chuyển và đặc biệt là các nhóm thuốc có tác dụng chống viêm giảm đau. Rất nhiều loại thuốc thông thường, bán không cần đơn, dùng để điều trị các triệu chứng viêm, đau đều có thể gây độc cho thận.

Một số loại thuốc như thuốc gây ngủ, thuốc hạ sốt cũng gây ra những nguy hiểm chết người do suy thận nếu sử dụng quá liều… Một nghiên cứu của Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai [Hà Nội] cho thấy, tình trạng ngộ độc thuốc paracetamol đứng hàng thứ hai [sau ngộ độc thuốc ngủ và thuốc an thần] trong số các trường hợp ngộ độc thuốc phải điều trị.

+ Thuốc hạ sốt paracetamol [còn có tên khác là acetaminophen] có trong rất nhiều tên thuốc khác nhau thường được người dân tự ý mua khi cảm sốt, đau đầu. Vì thiếu hiểu biết nên nhiều người đã vô tình dùng cùng lúc hai, ba loại thuốc đều có hoạt chất paracetamol hoặc tự ý tăng liều khi thấy chưa hạ sốt sẽ dẫn đến quá liều và ngộ độc thuốc. Ngoài paracetamol, các thuốc chống viêm giảm đau khác cũng gây hại cho thận chiếm tỉ lệ khá cao trong các trường hợp tai biến do dùng thuốc. Các loại thuốc hạ sốt giảm đau như aspirin và ibuprofen đơn chất hoặc phối hợp với caffein, codein thường dùng cho người mắc các chứng đau mạn tính như đau đầu, đau khớp, đau lưng. Người trên 50 tuổi, sau một thời gian dài lạm dụng các loại thuốc này thường bị các bệnh về thận, thậm chí suy thận rất nguy hiểm.

+ Các thuốc chống viêm giảm đau không steroid [một số tài liệu viết tắt là nhóm thuốc NSAID] như indomethacin, meloxicam, diclofenac… đều có tác dụng phụ trên thận như gây suy thận cấp, hội chứng thận hư, tăng huyết áp, tăng kali máu, viêm thận kẽ hoặc bệnh thận mạn tính. Nhóm ức chế chọn lọc men cyclooxygenase-2 [COX-2] như celecoxib, rofecoxib, nimesulid…cũng có nguy cơ cao đối với thận. Nhiễm độc thận do các thuốc này có thể xảy ra cấp tính ngay sau khi dùng thuốc hoặc mạn tính sau một quá trình dùng thuốc kéo dài hoặc lạm dụng thuốc.

+ Nhóm kháng sinh gây độc thận có khá nhiều loại. Một số kháng sinh rất độc với thận hiện nay ít dùng neomycin thường chỉ dùng dưới dạng phối hợp trong các dung dịch hay thuốc mỡ [nhỏ mắt, dùng ngoài]. Streptomycin cũng có độc tính với thận nhưng chỉ dùng trong phác đồ điều trị lao ngắn ngày với liều, thời gian xác định. Thuốc kháng sinh hiện nay hay dùng là gentamycin có tới 70% bài tiết qua thận dưới dạng nguyên chất. Nó tích lũy lại ở thận có thể gây ra ngộ độc thận. Nguy cơ ngộ độc thận thường xảy ra hơn ở người huyết áp thấp hoặc người có bệnh về gan hoặc ở nữ giới. Nhóm kháng sinh cephalosporin thế hệ 1 như cephalexin, cefalothin, cephazolin, cephadroxil… gây độc cho thận khi bài tiết qua đường thận dưới dạng không đổi. Cephalexin là kháng sinh dạng uống, dễ dùng nên thường bị lạm dụng nhiều và do đó cũng có nguy cơ cao gây độc cho thận.

Các sulfamid kết tủa trong ống thận gây tắc thận nhất là khi dùng liều cao và uống ít nước. Vì vậy, khi dùng thuốc như biseptol, cotrimoxazol nên uống nhiều nước để giúp hòa tan nhanh thuốc và thải trừ dễ dàng hơn, tránh kết tủa. Hầu hết các dạng thuốc uống, thuốc tiêm sau khi vào cơ thể nếu có thải trừ qua thận dưới dạng biến đổi hay không biến đổi, ở liều bình thường và người có chức năng thận bình thường cũng đã có nguy cơ gây nhiễm độc cho thận. Nguy cơ này càng tăng cao ở những người mà khả năng thanh thải của thận giảm. Do đó khi dùng thuốc cần phải làm các xét nghiệm đo độ thanh thải creatinin để chọn và điều chỉnh liều thích hợp.

Khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào cũng tiềm ẩn nguy cơ xảy ra các tác dụng không mong muốn. Đối với người bị bệnh thận, nguy cơ này cao hơn rất nhiều nên bản thân họ cần lưu ý một số vấn đề cần thiết để tránh gây hại cho thận và các cơ quan khác trong cơ thể.

Người bệnh thận dùng thuốc có nguy cơ gì?

Gan và thận là hai cơ quan thải trừ thuốc, có những thuốc thải trừ chủ yếu qua gan, có những thuốc lại thải trừ chủ yếu qua thận. Khi bị bệnh thận, chức năng thận bị suy giảm, vì vậy sử dụng thuốc ở người bị bệnh thận có ba nguy cơ: Thứ nhất, thuốc gây độc cho thận làm suy giảm chức năng thận nặng hơn. Thứ hai, thuốc được thải trừ chậm sẽ bị tích lũy trong cơ thể, gây tăng tác dụng không mong muốn của thuốc và dễ nhiễm độc thuốc. Thứ ba, rối loạn nội môi do suy thận gây ra làm cho dễ bị nhiễm độc thuốc ngay cả ở liều đã được tính toán coi như phù hợp.

Các thuốc gây thiếu máu thận kéo dài dễ gây suy thận.

Các thuốc gây độc trực tiếp

Các thuốc gây độc trực tiếp cho thận có thể gây suy thận cấp hoặc làm bệnh thận nặng lên:

Kháng sinh: Thuốc kháng sinh có khả năng tiêu diệt vi khuẩn hay kìm hãm sự phát triển của vi khuẩn một cách đặc hiệu nên được sử dụng trong các trường hợp nhiễm khuẩn. Đã có nhiều cảnh báo về việc sử dụng kháng sinh sai mục đích hay lạm dụng gây tình trạng kháng thuốc và các tác dụng phụ khác cho cơ thể, trong đó có thận. Nhiều nhóm kháng sinh gây độc trực tiếp cho thận bao gồm nhóm amynoglycosid, nhóm quinolon, nhóm vancomycin, nhóm cyclin, nhóm cephalosporin thế hệ 1, cephalosporin thế hệ 2 ít gây độc cho thận hơn. Các kháng sinh chống nấm như amphotericin B, ketoconazol, itraconazol, fluconazol... mà cả bác sĩ và người dùng cần chú ý để cân nhắc khi sử dụng.

Các thuốc cản quang: Để chụp Xquang có độ thẩm thấu cao [độ thẩm thấu 600-2100mOsm/kg], người bệnh cần dùng đến các loại thuốc cản quang bao gồm diatrizoate, iodomide, iotalamate, ioxitalamate, metrizoate nhưng cần lưu ý sử dụng chúng cho người mắc bệnh về thận.

Các hóa chất điều trị ung thư: Đối với người bệnh ung thư, hóa trị là một trong những biện pháp cần thiết và hiệu quả để ngăn ngừa khối u phát triển, di căn. Tuy nhiên, có một số hóa chất điều trị bệnh ung thư như cisplatin, methotrexat có thể gây tích tụ thuốc, hậu quả là gây nhiễm độc và lâu dài gây hại thận nên nếu sử dụng cần theo dõi chức năng thận thường xuyên để điều chỉnh kịp thời.

Các thuốc y học dân tộc: Đặc biệt là các loại thuốc “gia truyền” mà không được cơ quan chức năng của  Bộ Y tế cấp phép lưu hành. Nhiều trường hợp uống thuốc y học dân tộc bị suy thận cấp hoặc làm bệnh thận tiến triển nặng lên.

Bên cạnh việc gây ra suy thận hay làm bệnh thận nặng lên, một số thuốc còn gây ra các tình trạng bệnh thận khác như nhóm thuốc hạ sốt phenacetin, thuốc điều trị bệnh tâm thần litium carbonat nếu dùng kéo dài gây viêm thận kẽ; thuốc dpenicilamin dùng để giải độc, captopril chữa tăng huyết áp, trimethadione chữa động kinh và các muối bismuth điều trị bệnh lý dạ dày có thể gây ra hội chứng thận hư; kháng sinh sulfamid, cotrimoxazol liều cao nhưng lại uống ít nước gây tắc ống thận...

Các thuốc không gây độc trực tiếp lên thận nhưng gây thiếu máu thận làm giảm mức lọc cầu thận gây suy thận chức năng, nhưng nếu dùng kéo dài sẽ gây suy thận thực thể bao gồm các thuốc hạ huyết áp, khi dùng quá liều gây tụt huyết áp nghiêm trọng làm thiếu máu thận và làm suy giảm mức lọc cầu thận, đặc biệt là nhóm thuốc ức chế men chuyển và thuốc đối kháng thụ thể angiotensin II. Các thuốc chống viêm không steroid loại tác dụng không chọn lọc lên COX2 như: indomethacin, diclofenac, ibuprofen, tenoxicam... Các thuốc này ức chế tổng hợp prostaglandin là yếu tố gây giãn mạch dẫn đến thiếu máu thận.

Ngoài tác dụng độc với thận, ở người có bệnh thận tùy theo mức độ suy giảm chức năng thận làm giảm đào thải thuốc, do đó thuốc bị tích lũy trong cơ thể gây ra các tác dụng không mong muốn trên các cơ quan khác hoặc rối loạn nội môi do suy thận gây ra có thể làm dễ bị nhiễm độc thuốc. Ví dụ, giảm kali máu làm dễ nhiễm độc digoxin. Bệnh nhân có hẹp động mạch thận, khi dùng nhóm thuốc ức chế men chuyển có thể gây suy thận cấp. Bệnh nhân suy thận nặng, có thiểu niệu hoặc vô niệu, nếu dùng thuốc ức chế men chuyển có thể gây tăng kali máu làm rối loạn nhịp tim...

Kháng sinh là một trong nhóm thuốc dễ gây hại thận.

Người bệnh thận dùng thuốc cần chú ý gì?

Điều chỉnh liều thuốc: Đối với những thuốc được thải trừ chủ yếu qua gan, rất ít hoặc không thải trừ qua thận và những thuốc mà tác dụng phụ không liên quan đến liều dùng thì không cần điều chỉnh liều ở người bị bệnh thận. Những thuốc thải trừ chủ yếu qua thận và những thuốc mà tác dụng phụ liên quan đến liều, có khoảng an toàn hẹp thì phải điều chỉnh liều tùy theo mức lọc cầu thận. Các bệnh nhân bị bệnh thận thường kèm theo các rối loạn bệnh lý khác như rối loạn chức năng gan, suy tim...  Vì vậy, mức điều chỉnh liều theo mức lọc cầu thận có trong hướng dẫn sử dụng kèm theo mỗi loại thuốc chỉ được coi là khuyến cáo ban đầu, trong quá trình sử dụng thuốc cần theo dõi chặt chẽ để điều chỉnh cho sát với từng bệnh nhân. Ngoài căn cứ vào mức lọc cầu thận cần phải cân nhắc đến tuổi người bệnh, cân nặng của người bệnh, các bệnh kết hợp, các thuốc phối hợp khác để điều chỉnh liều và cách sử dụng cho phù hợp.

Dùng thuốc đúng chỉ định, đúng người: Lưu ý người già, người có thai, trẻ nhỏ, người suy kiệt có cân nặng thấp, tình trạng mất nước, các thuốc phối hợp... để chỉ định liều, cách uống cho phù hợp. Hạn chế dùng nhiều thứ thuốc và chú ý các tương tác thuốc. Nếu dùng thuốc dài ngày cần được theo dõi chức năng thận, chức năng gan. Người đã bị bệnh thận, khi dùng thuốc phải rất thận trọng: Cần kiểm tra chức năng của thận trước khi sử dụng thuốc để biết rõ và chính xác tình trạng bệnh của thận, mức lọc cầu thận. Tuân thủ các điều kiện dùng thuốc theo hướng dẫn và chỉ định của bác sĩ để tránh ảnh hưởng xấu đến thận. Không tự động mua, uống thuốc mà không có chỉ định của bác sĩ để tránh mắc phải những nguy hại trên do sử dụng thuốc không đúng.


Video liên quan

Chủ Đề