Tín đồ mua sắm là gì

Kể từ khi đi làm, đồng lương được gọi là có chút ăn, chút để, Vi sinh ra tật nghiện mua sắm. Đôi khi cô mua sắm do nhu cầu, song đa phần là do ý muốn không thể cưỡng lại hoặc vì lý do nào đó, tự thưởng cho bản thân hoặc đơn thuần là xả stress. Nhiều lúc, tôi không lý giải nổi thói quen của mình, khi vui, tôi cũng muốn mua một cái gì đó và khi buồn cũng vậy. Khi túi tiền trống rỗng, tôi lại chuyển sang trạng thái tiếc nuối, Vi than thở.

Nhiều người có thói quen mua sắm không tiếc tiền. Ảnh: xinhxinh.

Mấy ngày Tết về quê thăm mẹ chồng, Vi cứ bứt rứt khó chịu. Chứng nào tật ấy, cô lại xách ví ra chợ quê. Thấy hàng hóa dồi dào và cái gì cũng rẻ hơn nhiều ở thành phố, thế là cô lại mua cho cả đống hoa quả, bánh trái, bánh kẹo, nước giải khát... chất đầy giỏ xe và đèo thêm một cái thùng lớn. Do mua nhiều và không chọn lựa kỹ nên về nhà bị mẹ chồng chép miệng thở dài, chê lên chê xuống, Vi sinh ra hối hận. Và nói tóm lại, sau một trận mua sắm, kiểu gì tôi cũng bị stress, khi thì sạch ví, khi bị ai đó chê vì không phải lúc nào cái tôi mua cũng đẹp và có thể sử dụng được Biết thế nhưng 'cai nghiện' mua sắm lại khó quá, Vi tâm sự.

Thanh Bình - nhân viên một công ty truyền thông ở Hà Nội cũng cũng coi việc mua sắm như một công cụ để xả stress. Nghĩa là khi gặp rắc rối trong công việc, cô lại tìm đến các trung tâm mua sắm và ngay cả khi cãi nhau với bạn trai hay đơn giản là tức bực với bạn gái, cô cũng phải đi shopping cho khuây khỏa.

Cuối tuần trước, Bình rời cơ quan trong tâm trạng không mấy thoải mái do vừa lời ra tiếng vào với bạn trai. Chán nản, cô nghĩ ngay đến việc phải mua một cái gì đó. Và Bình tìm đến shop thời trang quen thuộc. Sau một hồi tìm kiếm và ướm thử hết quần lẫn áo, cô quyết định tậu cho mình chiếc váy màu hồng giá trên 1 triệu đồng. Về nhà, ướm thử váy, cô mới thấy lộ vẻ bất cập, người như đẫy đà thêm. Lúc bấy giờ tôi mới nhận ra mua sắm trong lúc bực tức hoặc tâm trạng bất ổn là sai lầm. Tôi chưa bao giờ chọn được bộ đồ nào ưng ý trong lúc stress cả. Và trong lịch sử, chưa khi nào tôi bỏ ra 1 triệu đồng để mua một cái váy, áo, cô hối hận.

Chị Tố Như 30 tuổi ở Hà Nội cũng được bạn bè mệnh danh là tín đồ mua sắm khi không biết phải xoay sở thế nào với cái tủ quần áo 4 cánh đầy ứ của mình. Trong khi đó, chị vẫn có thói quen shopping vào những ngày cuối tuần. Chính vì vậy, có những bộ mua về chỉ mặc một lần, thậm chí chỉ mới dừng ở chỗ ướm thử. Có bộ quần áo mùa đông mua về chưa kịp mặc thì trời đã chuyển sang hè nên bị vùi sâu xuống đáy tủ hoặc bị xếp vào nhóm lúc mua thì thích, mang về thì thôi.

Mức thu nhập gần 20 triệu đồng một tháng được coi là thủ phạm khiến chị không mấy day dứt khi tiếp tục công việc mua sắm mỗi tuần. Chưa kể, ông xã chị lại là chủ một doanh nghiệp lớn, tiền đối với chị coi như chuyện "không thành vấn đề". Như đang lên kế hoạch tậu thêm chiếc tủ thứ 2 để ních cho vừa những món đồ chị mới mua.

Chị Quỳnh Hương, giám đốc một doanh nghiệp tư nhân, lại có thú vui sưu tập nước hoa và túi xách. Trong bộ sưu tập của chị đã có tới 10 chiếc Louis Vuitton với các kiểu cách khác nhau, trị giá cả trăm triệu đồng. Thế nhưng, cứ khi hãng thời trang này ra một mẫu mới, chị lại phát cuồng lên. Và kiểu gì, chị cũng phải bằng cách này hay cách khác để tìm mua cho bằng được.

Với nhiều người, việc nhìn ngắm những món hàng cũng đủ làm họ thấy vui và xả stress. Không hiếm những khách hàng quanh quẩn hàng giờ dạo chợ, siêu thị rồi về tay không vì với họ việc lạc vào không gian mua sắm cũng đủ khiến họ thỏa mãn. Tuy nhiên, không ít người lại mua sắm như một công cụ xả "xú páp". Lúc lạc vào xứ sở mua sắm, họ luôn có tâm trạng: Cuộc sống này thật ngắn ngủi và vô vị, tại sao ta lại không chăm sóc bản thân mình và sống cho riêng mình.

Một lý do khác khiến chị Thủy ở Hồ Tây, Hà Nội giải thích dí dỏm là khi mua sắm, người ta quên hết sầu muộn. Khi ướm thử hàng là đôi giày hay quần áo ta chỉ tập trung vào món đồ mà không nghĩ đến điều gì khác. "Nhưng nếu vung tay quá trán, mua sắm quá nhiều thì khi ví sạch tiền, cũng là lúc các tín đồ mua sắm lại đối mặt với 'xì trét' mới - không biết trang trải các khoản chi tiêu như thế nào cho những ngày tiếp theo", chị nói.

Tuy nhiên, có trăm nghìn lý do để người tiêu dùng vung tiền cho những món hàng không chủ định, và hệ lụy không tránh khỏi là sự lãng phí.

Hồng Anh

Chủ Đề