Trách nhiệm hợp đồng là gì

Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng mua bán hàng hóa

Hợp đồng thương mại là hình thức pháp lý của hành vi thương mại, là sự thỏa thuận giữa các chủ thể kinh doanh với nhau nhằm xác lập, thay đổi, chấm dứt quyền và nghĩa vụ của các bên trong việc thực hiện hoạt động thương mại. Khi xác lập hợp đồng, thông thường các bên sẽ tự giác thực hiện đầy đủ các điều khoản mà họ đã tự nguyện cam kết. Tuy nhiên trong một số trường hợp, vì những lý do chủ quan hoặc khách quan mà bên có nghĩa vụ không thực hiện đúng nghĩa vụ đã cam kết, gây thiệt hại cho bên có quyền trong quan hệ hợp đồng. Để khắc phục hậu quả bất lợi do hành vi vi phạm hợp đồng của bên có nghĩa vụ mang lại, luật hợp đồng các quốc gia đều có những biện pháp chế tài giúp bên bị thiệt hại khắc phục những hậu quả mà hành vi vi phạm hợp đồng của bên có nghĩa vụ gây ra. Trong đó, bồi thường thiệt hại là biện pháp pháp lý quan trọng có vai trò bù đắp cho bên bị thiệt hại những tổn thất mà họ phải gánh chịu. Để hiểu rõ hơn về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng mua bán hàng hóa, Quý bạn đọc có thể tham khảo bài viết dưới đây của Phamlaw.

CĂN CỨ PHÁP LÝ

Bộ luật dân sự năm 2015

Luật thương mại 2005

NỘI DUNG TƯ VẤN

1. Vi phạm hợp đồng mua bán hàng hóa là gì?

Khi 1 hợp đồng mua bán hàng hóa được xác lập có hiệu lực pháp luật, các bên có nghĩa vụ phải thực hiện các nội dung đã thỏa thuận. Việc vi phạm các nghĩa vụ theo hợp đồng mua bán [không thực hiện, thực hiện không đúng, thực hiện không đầy đủ] sẽ dẫn đến bên vi phạm phải chịu những chế tài do pháp luật quy định.

Bồi thường thiệt hại là hình thức chế tài được áp dụng nhằm khôi phục, bù đắp những lợi ích vật chất bị mất của bên bị vi phạm hợp đồng mua bán. Với mục đích này, bồi thường thiệt hại chỉ được áp dụng khi có thiệt hại xảy ra

2. Vai trò của trách nhiệm do vi phạm hợp đồng mua bán hàng hóa

Thứ nhất, Chế định trách nhiệm hợp đồng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên trong quan hệ hợp đồng mua bán hàng hoá. Khi tham gia quan hệ hợp đồng mua bán, các bên đều nhằm đạt được những lợi ích nhất định. Hành vi vi phạm hợp đồng luôn tiềm ẩn nguy cơ xâm hại lợi ích của bên bị vi phạm. Để bảo vệ lợi ích của bên bị vi phạm, chế định trách nhiệm hợp đồng cho phép bên bị vi phạm tự mình hoặc yêu cầu cơ quan có thẩm quyền áp dụng các hình thức trách nhiệm [chế tài] đối với bên vi phạm.

Thứ hai, chế định trách nhiệm hợp đồng cũng bảo vệ quyền lợi cho bên vi phạm. Với việc quy định rõ ràng các căn cứ, thủ tục áp dụng trách nhiệm, các trường hợp miễn trách nhiệm… chế định trách nhiệm hợp đồng mua bán bảo đảm cho bên vi phạm chỉ phải chịu trách nhiệm về những thiệt hại do pháp luật quy định, bảo vệ bên vi phạm trước những hiện tượng tiêu cực trong xử lý vi phạm hợp đồng.

Thứ ba, Chế định trách nhiệm hợp đồng ngăn ngừa và hạn chế vi phạm hợp đồng mua bán hàng hoá, nâng cao ý thức trách nhiệm của các chủ thể hợp đồng trong việc thực hiện hợp đồng. Chế định trách nhiệm hợp đồng chủ trương áp dụng các biện pháp chế tài đối với mọi hành vi vi phạm hợp đồng. Quy định về trách nhiệm hợp đồng có tác động mạnh mẽ vào ý thức của các bên, nâng cao tinh thần trách nhiệm của các bên trong việc thực hiện nghĩa vụ hợp đồng, ngăn ngừa và hạn chế vi phạm hợp đồng xảy ra.

3. Căn cứ áp dụng trách nhiệm do vi phạm hợp đồng mua bán hàng hoá

Thứ nhất, Có hành vi vi phạm hợp đồng: Hành vi vi phạm hợp đồng là căn cứ pháp lý để áp dụng đối với tất cả các hình thức chế tài do vi phạm hợp đồng. Hành vi vi phạm hợp đồng mua bán hàng hoá là xử sự của các chủ thể hợp đồng không phù hợp với các nghĩa vụ theo hợp đồng. Biểu hiện cụ thể là việc không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ các nghĩa vụ theo hợp đồng.

Thứ hai, Có thiệt hại vật chất thực tế xảy ra: Đây là căn cứ bắt buộc phải có khi áp dụng chế tài bồi thường thiệt hại. Thiệt hại thực tế là những thiệt hại cụ thể tính được thành tiền mà bên bị vi phạm hợp đồng phải gánh chịu. Thiệt hại thực tế bao gồm thiệt hại trực tiếp và thiệt hại gián tiếp. Thiệt hại trực tiếp là những thiệt hại đã xảy ra trên thực tế, có thể tính toán 1 cách dễ dàng và chính xác. Thiệt hại gián tiếp là những thiệt hại phải dựa trên sự suy đoán khoa học [trên cơ sở những chứng cứ, tài liệu] mới có thể xác định được.

Thứ ba, Có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm hợp đồng và thiệt hại thực tế: Mối quan hệ này được xác định khi hành vi vi phạm và thiệt hại thực tế có mối liên hệ nội tại, tất yếu; hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây ra thiệt hại. Bên có hành vi vi phạm hợp đồng chỉ phải bồi thường thiệt hại khi thiệt hại xảy ra là kết quả tất yếu của hành vi vi phạm hợp đồng.

Thứ tư, Có lỗi của bên vi phạm: Lỗi của bên vi phạm hợp đồng là căn cứ bắt buộc phải có để áp dụng đối với tất cả các hình thức chế tài do vi phạm hợp đồng. Trách nhiệm hợp đồng được áp dụng theo nguyên tắc lỗi suy đoán, theo đó mọi hành vi không thực hiện, thực hiện không đúng hợp đồng đều bị suy đoán là có lỗi [trừ trường hợp bên vi phạm chứng minh được là mình không có lỗi]. Khi áp dụng chế tài đối với bên vi phạm, bên bị vi phạm cũng như cơ quan tài phán, không có nghĩa vụ chứng minh lỗi của bên vi phạm.

4. Các hình thức trách nhiệm do vi phạm hợp đồng mua bán hàng hóa

Các hình thức trách nhiệm do vi phạm hợp đồng mua bán hàng hóa được quy định tại điều 292 LTM 2005 bao gồm các chế tài sau:

  • Buộc thực hiện đúng hợp đồng.
  • Phạt vi phạm.
  • Buộc bồi thường thiệt hại.
  • Tạm ngừng thực hiện hợp đồng.
  • Đình chỉ thực hiện hợp đồng.
  • Huỷ bỏ hợp đồng.
  • Các biện pháp khác do các bên thoả thuận không trái với nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và tập quán thương mại quốc tế.

5. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng mua bán hàng hóa

Bồi thường thiệt hại là biện pháp khắc phục được ghi nhận tại điều 13, điều 360 và điều 419 Bộ luật dân sự 2015 và điều 302 Luật thương mại năm 2005.

Theo điều 360 BLDS năm 2105 và điều 297 LTM 2005, căn cứ để có thể áp dụng biện pháp bồi thường thiệt hại bao gồm 4 căn cứ cần và đủ là:

+ Có hành vi vi phạm hợp đồng;

+ Có thiệt hại xảy ra;

+ Có quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm hợp đồng và thiệt hại xảy ra;

+ Có yếu tố lỗi.

Về nguyên tắc, bên vi phạm hợp đồng phải bồi thường toàn bộ những thiệt hại vật chất cho bên bị vi phạm bao gồm: Giá trị tổn thất thực tế, trực tiếp mà bên bị vi phạm phải chịu do bên vi phạm gây ra; khoản lợi trực tiếp mà bên bị vi phạm đáng lẽ được hưởng nếu không có hành vi vi phạm. Ngoài ra bên bị vi phạm cũng có thể được bồi thường những tổn thất về tinh thần. Để được bồi thường thiệt hại, bên bị vi phạm phải chứng minh được thiệt hại xảy ra, mức độ thiệt hại do hành vi vi phạm nghĩa vụ hợp đồng gây ra và khoản lợi trực tiếp mà bên bị vi phạm đáng lẽ được hưởng nếu hợp đồng được thực hiện đúng. Bên cạnh đó, bên bị vi phạm có nghĩa vụ phải áp dụng các biện pháp hợp lý để hạn chế tổn thất kể cả tổn thất đối với khoản lợi trực tiếp đáng lẽ được hưởng do hành vi vi phạm hợp đồng gây ra. Nếu bên bị vi phạm hợp đồng không áp dụng các biện pháp hạn chế tổn thất thì bên bị vi phạm hợp đồng sẽ không được bồi thường thiệt hại cho những tổn thất đáng lẽ có thể hạn chế được. Thời điểm phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng: Trách nhiệm này sẽ phát sinh từ thời điểm bên có nghĩa vụ có hành vi vi phạm hợp đồng.

Trên đây là những thông tin về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng mua bán hàng hóa. Nếu bạn còn vướng mắc hoặc muốn được hỗ trợ tư vấn, vui lòng kết nối đến tổng đài tư vấn của Phamlaw qua các đầu số hotline 097 393 8866 hoặc 091 611 0508.

Chủ Đề