Vì sao dựng nước phải đi đôi với giữ nước

TNV - Trở về Đền Hùng, chọn Đền Hùng - Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khơi gợi cho mỗi người đất Việt về ý thức dân tộc, ý thức cội nguồn về một dân tộc đã có bề dày lịch sử mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước; nhắc nhớ các thế hệ con cháu người Việt Nam nhiệm vụ tiếp tục dựng nước và giữ nước là con đường tất yếu để đất nước trường tồn và phát triển.

Ngày 25/9/1954, tại Đền Giếng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn bộ đội ta: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, hiệp định Giơnevơ về Đông Dương được ký, Thực dân Pháp rút khỏi miền Bắc Việt Nam, quân đội và Chính phủ ta chuẩn bị vào tiếp quản Thủ đô Hà Nội. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị cho Đại đoàn 308 là đơn vị sẽ vào tiếp quản Thủ đô và cử đại biểu đến nghe Người  nói chuyện và giao nhiệm vụ tại Đền Hùng. Tại đây, Người đã căn dặn: "Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước".

Lời dạy của Bác chính là sự tổng kết quy luật tất yếu của lịch sử. Chính bởi thế nó như một lời hiệu triệu, thúc giục cháu con từ khắp mọi miền tổ quốc quyết tâm giữ gìn non sông đất nước của cha ông để lại. Đến nay và mãi mãi mai sau lời dạy của Bác vẫn còn nguyên giá trị lịch sử. Lời nói ấy luôn làm sôi động trong lòng mỗi người chúng ta khi phải vượt qua khó khăn trong đấu tranh cách mạng, bởi nó chứa chất bên trong một chân lý đơn giản nhưng vĩnh cửu: Dựng nước phải luôn đi đôi với giữ nước, có dựng được nước mạnh thì mới giữ được nước bền.

Đền Giếng ngày nay. Ảnh: Tuyết Nhung

 Nhưng để hiểu được tư tưởng dựng nước và giữ nước qua lời căn dặn bất hủ của Bác cũng như hành trình về Đền Hùng của Người một cách đầy đủ là cả một chặng đường nghiên cứu, tìm tòi đầy tâm huyết và cố gắng của các nhà nghiên cứu trong suốt gần 40 năm sau.

Chúng ta biết rằng sau năm 1954, do điều kiện lúc đó còn nhiều khó khăn về phương tiện thông tin, nên việc ghi chép, quay phim, chụp ảnh còn hạn chế. Trong tình hình lúc đó lại phải đảm bảo bí mật an toàn cho Bác nên việc Bác về Đền Hùng các cán bộ địa phương đều không được biết và tham dự. Các cán bộ của Đại đoàn 308 khi được chỉ thị về Đền Hùng cũng không biết để gặp ai và làm gì ? sau đó mỗi người lại đi ngay để thực hiện nhiệm vụ của mình. Cả nước phải tập chung cho việc kháng chiến và kiến quốc.

Du khách thập phương nườm nượp kéo về lễ hội Đền Hùng. Ảnh: Internet

Sau hòa bình lập lại, đất nước tập chung cho việc khôi phục phát triển kinh tế, sau đó chúng ta lại phải lao vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước khó khăn, gian khổ và phức tạp hơn, cho nên việc nghiên cứu sưu tầm và tổng kết ý nghĩa sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm viếng Đền Hùng năm 1954 chưa được đề cập tới. Lời căn dặn của Bác được trích dẫn và nói đến trong nhiều tài liệu, song chưa có sự thống nhất.

Bài viết sớm nhất mang tính tường thuật lại sự việc này được đăng trong tờ báo “Lập công” của Đại đoàn, số ra ngày 25 tháng 9 năm 1954, đã viết:

 “… Ngày xưa, các vua Hùng dựng nước, nay Bác cháu ta là những người giành lại đất nước, trải qua bao nhiêu thời đại đấu tranh, ông cha ta mới giữ được Thủ đô. Tám chín năm nay, do quân dân ta kiên quyết kháng chiến nên mới có thắng lợi trở về Hà Nội. Vì thế, các chú được Trung ương và Chính phủ giao cho nhiệm vụ tiếp quản Thủ đô là được nhận một vinh dự rất lớn..." 

Ảnh: Internet

Nhân ngày Giỗ Tổ Hùng Vương năm 1969, những lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đền Hùng đã được Thủ tướng Phạm Văn Đồng viết bài trên báo Nhân dân số 5494, ra ngày 29 - 04 -1969. Bài viết có tiêu đề: "Nhân ngày giỗ Tổ Vua Hùng mồng 10 tháng 3 Âm lịch”. Trong đó, Đồng chí Phạm Văn Đồng đã trích dẫn lời căn dặn của Bác tại Đền Hùng thành một típ đề lớn viết:

LỜI HỒ CHỦ TỊCH

"Các vua Hùng đã có công dựng nước

Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước".

Năm 1984, nhân kỷ niệm 30 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm Đền Hùng, UBND tỉnh Vĩnh Phú đã phối hợp với Ủy ban khoa học xã hội và Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo khoa học lần thứ nhất với chủ đề: “Chủ tịch Hồ Chí Minh với vấn đề dựng nước và giữ nước”, được tổ chức tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng.

Kết quả cuộc hội hội thảo khoa học năm 1984, đã phân tích ý nghĩa và giá trị câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã khẳng định những thành tựu của khoa học lịch sử về việc nghiên cứu chứng minh thời đại Hùng Vương dựng nước là có thật, với nền văn minh sông hồng mà trung tâm là vùng đất Phú Thọ. Các vua Hùng là người có công lập ra nhà nước đầu tiên trong lịch sử – nhà nước Văn Lang.

Tiếp tục công việc nghiên cứu để đưa ra những thông tin chính xác nhất về sự kiện Bác Hồ thăm Đền Hùng năm 1954, các cơ quan chuyên môn, các nhà nghiên cứu đã dành nhiều tâm huyết tìm tòi, gặp gỡ nhân chứng và sưu tầm các tài liệu. Để chuẩn bị cho cuộc hội thảo khoa học lần hai thành công, hai cuộc tọa đàm khoa học đã diễn ra:

- Lần 1: vào ngày 02/4/1992, Cuộc tọa đàm này đã làm sáng tỏ những vấn đề: Về đường đi của bộ đội; Về thời gian Bác đến và ở Đền Hùng. Đã sưu tầm thêm được một số hình ảnh về Bác ngồi nói chuyện dưới gốc cây Vạn Tuế trước cửa chùa Thiên Quang với đ/c Thanh Quảng và đ/c Song Hào.

- Lần 2: vào ngày 02/5/1992, Tọa đàm gặp mặt với các nhân chứng tại Đền Hùng, gồm 04 đồng chí: Đại tá Ngô Thế Lương, nguyên là cán bộ tiểu đoàn đi từ Đại Từ về; Đại tá Tống Xuân Đài, nguyên là người tổ chức bảo vệ cho Bác về Đền Hùng, qua phà Bình Ca, phà Đoan Hùng và phân định chỗ cho bộ đội ngồi nghe Bác nói chuyện; Đ/c Khánh Tiếp [phóng viên báo quân đội nhân dân] được chỉ thị đến nghe Bác nói chuyện để viết bài; và Đại tá Nguyễn Văn Cẩn, ở đơn vị trao trả tù binh.

Những nghiên cứu của 2 lần tọa đàm khoa học này đã được công bố chính thức trong cuộc hội thảo khoa học lần thứ hai diễn ra ngày 19 tháng 5 năm 1992, tại Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh, do Sở Văn hóa Thông tin và Thể thao, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Vĩnh Phú và Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức, với chủ đề : “Về sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Đền Hùng tháng 9 năm 1954”.

Quân đội ta với vũ khí hiện đại sẵn sang chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.  Ảnh: Internet

Kết quả cuộc hội thảo lần thứ hai này đã kế thừa những nghiên cứu trước đó, cùng với việc trực tiếp gặp gỡ, lấy ý kiến của hơn 40 nhân chứng lịch sử; đối chứng xem xét gần 20 bức ảnh tư liệu quý về sự kiện lần đầu tiên được công bố, những nhà nghiên cứu đã làm sáng tỏ nhiều thông tin liên quan đến sự kiện trọng đại này. Tại cuộc hội thảo này đã khẳng định một số những nội dung mới so với những hiểu biết trước đây:

 Một là, khẳng định hành trình của Bác là đi từ Đại Từ - Thái Nguyên về Đền Hùng và từ Đền Hùng trở về Thái Nguyên trong 2 ngày [18/9 đến 19/9/1954].

Hai là, sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm viếng Đền Hùng và nói chuyện với bộ đội là chủ ý và mục đích của Bác, điều đó đã có sự chuẩn bị kỹ càng từ trước.   có sự bố trí và phối hợp chặt chẽ giữa Văn phòng Quân uỷ Trung ương, Bộ Tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân, Bộ tư lệnh Đại đoàn quân Tiên Phong - Sư đoàn 308 và các cơ quan Phủ Chủ tịch.

Ba là, lần đầu tiên xác định những đền, chùa Bác đã thăm viếng ở Đền Hùng và nhà Oản ở Đền Giếng là nơi Bác ngủ lại đêm ngày 18/9/1954.

Bốn là, khi đi thăm các đền, Bác đã ngồi nghỉ dưới gốc cây Vạn tuế trước cửa Chùa Thiên Quang để nghe đ/c Song Hào báo cáo cụ thể về tình hình đưa bộ đội vào tiếp quản Thủ đô. Cùng dự có đ/c Thanh Quảng – Phó Văn phòng quân ủy Trung ương.

Năm là, xác định chính xác vị trí nơi Bác ngồi nói chuyện với Đoàn quân Tiên phong là ở đền Giếng. Và nhất quán chính thức từ đây sẽ trích dẫn câu nói của Bác theo tinh thần bài viết của Thủ tướng Phạm Văn Đồng đăng trên báo nhân dân ngày 29/4/1969 là : “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Vì câu nói này đã phản ánh đúng tư tưởng, nội dung về dựng nước và giữ nước của Bác, đồng thời khi câu nói này được công bố trên báo Nhân dân đúng vào dịp giỗ Tổ Hùng Vương năm 1969, lúc đó Bác còn sống và Người đã không có ý kiến gì.

Trải qua gần 40 năm, sau hai cuộc Hội thảo và hai cuộc tọa đàm khoa học với biết bao công sức và tâm huyết của các nhà nghiên cứu, các nhà quản lý. Giờ đây, chúng ta có thể hình dung một cách đầy đủ về sự kiện lịch sử Bác Hồ về thăm viếng Đền Hùng năm 1954 với lời căn dặn bất hủ của Người mùa thu năm ấy:

Ngày 18 - 9 - 1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi ô tô Zep mang biển số KT.032 [KT là ký hiệu của Ban kiểm tra 12, Bí danh của Văn phòng Phủ Thủ tướng lúc đó] cùng đi với Bác có Đ/c Nguyễn Văn Nền [Lái xe của Văn phòng Thủ tướng], đ/c Đinh Văn Cẩn người phục vụ, đ/c Dũng bảo vệ và nhà nhiếp ảnh Đinh Đăng Định cùng một số đ/c khác.

Xe đi từ Điện Biên Phủ đến Đại Từ -  Thái Nguyên - Đoan Hùng, Chủ tịch Hồ Chí Minh vào thăm đơn vị bộ đội tình nguyện Việt Nam mới ở Lào về đóng ở đồi Chân Mộng [huyện Phù Ninh], sau đó tới thăm Thị xã Phú Thọ. Trên đường đi Người đã dừng xe nói chuyện với 2 thương binh rồi vào thăm Tỉnh uỷ Phú Thọ lúc đó mới chuyển căn cứ về đóng ở Thanh Hà [Thị xã Phú Thọ]. Đón Chủ Tịch Hồ Chí Minh thăm Tỉnh uỷ Phú Thọ có các đồng chí: Phạm Dụ [lúc này là Chánh văn phòng Tỉnh uỷ], Đ/c Trần Lưu Vị [Bí thư Ban cán sự, kiêm Chủ tịch Uỷ ban hành chính thị xã Phú Thọ] và một số đ/c khác. Đồng chí Trần Lưu Vị kể lại: Chủ tịch Hồ Chí Minh mặc một bộ quần áo bà ba màu gụ, đầu đội chiếc mũ cát rộng vành, chòm râu che trong một chiếc khăn bông buông từ trên đầu xuống 2 bên má. Người hỏi về tình hình chung của tỉnh Phú Thọ và việc Hoàng thân Xu-Va-Nu-Vông [Lào] vừa đi qua, dặn phải giúp đỡ Hoàng thân, giúp đỡ đồng bào hồi cư nhanh chóng ổn định đời sống.

Chiều tối ngày 18/9/1954 Chủ tịch Hồ Chí Minh tới Đền Hùng, Người nghỉ đêm tại nhà Oản  thuộc đền Giếng.

Sáng sớm ngày 19/9/1954, Bác đi thăm các đền trên núi Hùng, khi đến chùa Thiên Quang, Bác dừng lại ngồi cạnh gốc cây Vạn tuế trước cửa chùa để nghe đồng chí Song Hào - Chính uỷ Đại đoàn quân tiên phong báo cáo với Bác về tình hình của Đại đoàn, kế hoạch đưa bộ đội về tiếp quản Thủ đô. Sau đó Người lên Đền Thượng, xem quả chuông treo ở cây đại phía bên trái đền và chụp nhiều ảnh kỷ niệm ở trước cửa đền Thượng.

Sau khi thăm xong các đền, Chủ Tịch Hồ Chí Minh đi xuống đền Giếng chờ bộ đội. Khoảng 9h có cán bộ của 3 Trung đoàn bộ binh, gồm: Trung đoàn 102 [Trung đoàn Thủ đô]; Trung đoàn 36 và Trung đoàn 88 [Tu Vũ] và một số tiểu đoàn trực thuộc Đại đoàn Quân tiên Phong - Sư đoàn 308 đi từ các hướng đổ về đền Hùng gồm: từ núi Thằn lằn [Vĩnh Phúc] lên; từ Gia Thanh[ Phù Ninh] xuống; từ Trại Cờ Hiệp Hoà [Bắc Giang] sang; từ Đại Từ  [Thái Nguyên] về;  từ Phùng [ngoại vi Tây Bắc - Hà Nội] lên.

 Cùng đi còn có các cán bộ văn công Đại đoàn và các tiểu đoàn trực thuộc Đại đoàn cũng có mặt. Tất cả khoảng gần 100 người đều là những cán bộ chủ chốt, chỉ huy từ cấp đại đội đến cán bộ đại đoàn của Đại đoàn quân Tiên Phong.

 Lý do mà Đại đoàn quân Tiên Phong vinh dự được gặp Bác Hồ và được giao nhiệm vụ tiếp quản Thủ đô lúc đó là:

Thứ nhất: đó là Đại đoàn chủ lực được được thành lập đầu tiên, được Đại tướng Võ Nguyên Giáp giao nhiệm vụ đi tiên phong trên con đường vận động chiến đấu, từng mang danh hiệu "Quân Tiên Phong"

Thứ hai: trong đội hình của Đại đoàn, có Trung đoàn Thủ đô - con đẻ cuộc chiến đấu "Quyết tử cho Tổ Quốc quyết sinh" của  Hà Nội, mùa Đông 1946 lúc ra đi, ước hẹn một ngày về.

Thứ ba: Tư lệnh Đại đoàn Vương Thừa Vũ, nguyên là Chỉ huy trưởng Mặt trận Hà Nội năm 1946, nay trở về trên cương vị Chủ tịch Uỷ ban Quân chính thành phố với quân hàm Thiếu Tướng

Cuộc gặp gỡ lịch sử giữa Bác Hồ và Đại đoàn Quân Tiên Phong diễn ra lúc 10h sáng ngày 19/9/1954 trong thời gian khoảng 45 phút đến 1h. Trong buổi nói chuyện, Bác ngồi trên bờ cửa, đồng chí Thanh Quảng, đồng chí Song Hào ngồi trên bậc lát gạch, các đồng chí cán bộ khác ngồi dưới sân đền.

Bài nói chuyện với các chiến sỹ đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh chuẩn bị những nội dung chính từ trước, nhưng khi nói chuyện với bộ đội, Người nói thân tình chứ không cần giấy ra đọc. Nội dung cuộc nói chuyện của Bác chủ yếu là nhắc nhở bộ đội về nhiệm vụ tiếp quản Thủ đô. Phải thường xuyên học tập, rèn luyện đạo đức, giữ nghiêm kỷ luật, thực hiện tốt chính sách dân vận, giữ vững lập trường giai cấp; việc tiếp quản Thủ đô phải thận trọng, chu đáo, giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ tài sản của nhân dân, cảnh giác với kẻ thù...

 Trong thời điểm năm 1954 ấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định nhiệm vụ lịch sử và nhiệm vụ cách mạng của dân tộc dân tộc là : Dựng nước và giữ nước, lúc đó việc nghiên cứu khoa học về thời đại Hùng Vương chưa có điều kiện để tiến hành, qui luật dựng nước và giữ nước trong lịch sử chưa được tổng kết. Lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định thời đại Hùng Vương là thời kỳ lịch sử có thật của dân tộc, các Vua Hùng là người đã khai sinh ra đất nước Việt Nam.

Từ sự khẳng định của Người mà suốt các thập kỷ sau đó cho đến hôm nay, đã có biết bao những công trình nghiên cứu về thời đại Hùng Vương. Bằng những chứng cứ xác thực nhất của lịch sử, đó là những giá trị văn hoá vật thể mà 2 nghìn năm trước Công nguyên, người Việt cổ đã để lại những dấu tích của mình ở khắp mọi nơi trong lòng đất nước ta. Nhờ đó mà các bộ môn chuyên ngành lịch sử Việt Nam đã chứng minh thời đại Hùng Vương là thời kỳ lịch sử có thật và là buổi bình minh của lịch sử nước nhà.

 Trong lời nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh "Các Vua Hùng đã có công dựng nước", Người đã viện dẫn đến những con người có thật trong buổi đầu của lịch sử dân tộc, đồng thời cũng là một biểu tượng cao quí mà các thế hệ con cháu người Việt Nam đời này qua đời khác tôn thờ. Nói về các Vua Hùng ngay tại nơi thiêng liêng mà bao đời nay luôn hiện hữu trong tâm thức cũng như trong đời sống thường nhật của người Việt.

Trở về Đền Hùng, chọn Đền Hùng - Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khơi gợi cho mỗi người đất Việt về ý thức dân tộc, ý thức cội nguồn về một dân tộc đã có bề dày lịch sử mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước; nhắc nhớ các thế hệ con cháu người Việt Nam nhiệm vụ tiếp tục dựng nước và giữ nước là con đường tất yếu để đất nước trường tồn và phát triển. "Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước". Lời Người nói thật giản dị mà thân thương gần gũi, biểu lộ ý chí đoàn kết thống nhất và nguyện vọng bảo vệ Tổ quốc để xây dựng đất nước. Miền Bắc sau năm 1954, vừa thực hiện nhiệm vụ xây dựng CNXH, vừa trở thành hậu phương lớn để chi viện cho miền Nam ruột thịt tiếp tục hoàn thành công cuộc chống Mỹ giành độc lập, thống nhất đất nước.

Ngày nay quy luật dựng nước đi đôi với giữ nước thể hiện trong hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Dưới ánh sáng đường lối đổi mới, nhân dân ta đang ra sức xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Đó chính là thực hiện tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

             Phạm Quỳnh – Hoàng Oanh 

Video liên quan

Chủ Đề