Bệnh viện đại học y dược nằm ở đâu

Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM được xem là một trong những nơi khám chữa bệnh uy tín và chất lượng trên cả nước, nơi tập trung nhiều đội ngũ y bác sĩ đầu ngành vừa làm công việc nghiên cứu – giảng dạy vừa ứng dụng vào thực tiễn. Hiện có 3 cơ sở khám chữa bệnh:

  • Cơ sở 1: Đa khoa – 215 Hồng Bàng, Phường 11, Quận 5, TPHCM
  • Cơ sở 2: Đa khoa – 201 Nguyễn Chí Thanh, Quận 5, TPHCM
  • Cơ sở 3: Y học Cổ truyền – 21B Hoàng Văn Thụ, Quận Phú Nhuận, TPHCM

Tuy nhiên, theo nguoibenh.com, nếu xác định khám chữa bệnh tại đây, Bệnh viện Đại học Y dược cơ sở 1 là nơi các anh/chị cần quan tâm hơn cả vì đây là cơ sở chính, tập trung nhiều đội ngũ y bác sĩ giỏi và được trang bị các máy móc hiện đại [cơ sở 2 đã quá cũ kỹ, không còn được đầu tư trang thiết bị – vật chất].

Trong bài viết này, chúng tôi sẽ hướng dẫn cho anh/chị tất cả những điều cần biết khi đến khám bệnh tại bệnh viện Đại học Y dược TPHCM cơ sở 1 [215 Hồng Bàng, Phường 11, Quận 5, TPHCM].

Bệnh viện đại học y dược TPHCM cơ sở 1

I. Di chuyển

Từ bến xe Miền Đông đến bệnh viện Đại học Y dược: khoảng cách từ 11 đến 13 km. Đường đi ít kẹt xe và ngắn nhất là: bến xe Miền Đông – Đinh Bộ Lĩnh – Điện Biên Phủ – Võ Thị Sáu – Ba Tháng Hai – Nguyễn Kim – Hồng Bàng. Nếu chọn phương tiện là xe ôm thì anh/chị nên trả giá khoảng 80 đến 100 nghìn, đi trong 25 đến 30 phút là đến nơi. Nếu phương tiện là Taxi thì chi phí khoảng 200 nghìn, thời gian mất khoảng 30 phút. Đối với xe Buýt thì anh/chị chọn tuyến xe Buýt số 14, mỗi 12 phút là có 1 chuyến, thời gian đi đến bệnh viện bằng xe Buýt khoảng 1 tiếng 10 phút. Trong trường hợp anh/chị muốn đi từ bệnh viện quay lại bến xe Miền Đông thì đi theo tuyến xe Buýt số54 và số 8.

Từ bến xe Miền Tây đến bệnh viện Đại học Y dược: khoảng cách tầm từ 6 đến 7 km. Nếu chọn phương tiện là xe ôm thì anh/chị nên trả giá khoảng 30 đến 50 nghìn, đi trong 15 phút là đến nơi. Nếu phương tiện là Taxi thì chi phí khoảng 100 nghìn, thời gian mất khoảng 20 phút. Đối với xe Buýt thì anh/chị chọn tuyến xe Buýt số 10, mỗi 10 phút là có 1 chuyến, thời gian đi đến bệnh viện bằng xe Buýt khoảng 40 phút. Để đi ngược lại từ bệnh viện đến bến xe Miền Tây, anh/chị chọn tuyến xe Buýt số 14 tại phía trước cổng bệnh viện. Với anh/chị nào đi đến bến xe Miền Tây bằng xe khách Mai Linh, thì nhà xe có xe trung chuyển miễn phí đến bệnh viện luôn.

Từ những nơi khác đến bệnh viện Đại học Y dược và ngược lại: chúng tôi chỉ gợi ý đối với phương tiện di chuyển là xe Buýt, vui lòng xem hình ảnh bên dưới để biết các tuyến xe Buýt có đi qua bệnh viện [ngay trước cổng bệnh viện có trạm xe Buýt].

Sơ đồ lộ trình tuyến xe Buýt số 6 đi qua bệnh viện đại học y dược cơ sở 1

Các tuyến xe buýt đi ngang qua bệnh viện đại học y dược tphcm cơ sở 1

II. Thời gian khám bệnh tại bệnh viện Đại học Y dược

  • Thứ 2 đến thứ 6: từ 5h sáng đến 4h30 chiều
  • Thứ 7: 5h sáng đến 11h30
  • Chủ nhật: nghỉ

Lưu ý: Khoảng thời gian từ 5h đến 6h30 sáng, bệnh viện chỉ tiếp nhận đăng ký khám bệnh khu A, gặp bác sĩ tư vấn cận lâm sàng khu B, thu ngân tại khu B, làm các xét nghiệm tại khu B. Tất cả các dịch vụ còn lại anh/chị phải đợi đến 6h30 sáng mới bắt đầu.

III. Các bước thực hiện khám bệnh ban đầu

Trước tiên chúng tôi giải thích cho anh/chị khái niệm “Cận lâm sàng” là gì? Vì anh/chị sẽ gặp khái niệm này rất nhiều khi đi khám bệnh.

Cận lâm sàng: là việc áp dụng các phương tiện, kỹ thuật vào việc chuẩn đoán và điều trị cho người bệnh, hiểu đơn giản “Cận lâm sàng” là đi làm các xét nghiệm [máu, nước tiểu, đàm…], chuẩn đoán hình ảnh [X quang, CT, MRI, siêu âm…], nội soi, điện tim, điện não…tấc cả những dịch vụ gì mà có sự hỗ trợ của phương tiện, kỹ thuật.

Hằng ngày có khoảng từ 2.000 đến 4.000 người đến khám tại đây vì vậy nếu anh/chị nào muốn khám nhanh trong buồi sáng [trong trường hợp làm nhiều cận lâm sàng như khám tổng quát chẳng hạn] thì 4h sáng cần có mặt để xếp hàng lấy số thứ tự. Nếu anh/chị đến bệnh viện khoảng 6-7h sáng thì thường phải đợi qua đến buổi chiều mới xong.

Nếu anh/chị cần gửi xe vào lúc 4h sáng thì đi ra phía sau bệnh viện để gửi vào các nhà xe chung cư [bên hông trái của bệnh viện là đường Đặng Thái Thân, đi thẳng vào sẽ gặp đường Mạc Thiên Tích, phía sau này có nhiều chung cư]. Các nhà xe xung quanh bệnh viện Đại học Y dược thì 4h30 mới bắt đầu cho gửi.

Cơ sở 1 có 3 khu khám bệnh: khu A, B, C. Tuy nhiện, hiện nay khu C đã đóng vì vậy chỉ con 2 khu là khu A và khu B. Trên đường Hồng Bàng có 2 cổng là cổng số 1 [luôn đóng và chỉ mở khi có sự kiện lớn] và cổng số 2 [được xem là cổng chính], anh/chị hãy đi thẳng vào cổng số 2 này.

Sơ đồ khu khám bệnh của bệnh viện đại học y dược TPHCM [click vào ảnh để phóng to và zoom vào vị trí muốn xem]

Nhìn vào sơ đồ trên, anh/chị thấy 2 vị trí của ngôi sao màu xanh đại diện cho 2 bàn hướng dẫn ghi thông tin khám bệnh của bệnh viện.

  • Ngôi sao màu xanh ở khu B [từ cổng chính đi thẳng vào 15m, anh/chị thấy cái bàn hướng dẫn bên tay trái, có các anh bảo vệ ngồi trực].
  • Ngôi sao màu xanh ở khu A [từ cổng chính đi thẳng vào 7m rồi quẹo phải 5m, thấy bàn hướng dẫn có anh bảo vệ ngồi trực]

Bàn hướng dẫn ghi thông tin khám bệnh tại khu B và khu A có anh bảo vệ ngồi trực

Sau khi vào cổng, hãy đến 1 trong 2 nơi này [thấy nơi nào ít người hơn thì đến], anh/chị lấy phiếu màu vàng trên bàn và đền thông tin cá nhân của mình vào [trên bàn có sẵn bút].

Phiếu màu vàng ghi thông tin khám bệnh

Anh/chị điền đẩy đủ thông tin cá nhân của mình vào phiếu trên. Nếu xác định dùng Bảo hiểm y tế thì đánh dấu vào ô “Có mang theo BHYT”, trong trường hợp có giấy chuyển viện từ bệnh viện khác đến thì đánh dấu vào ô “Có mang theo giấy chuyển viện”.

Một việc rất quan trọng tiếp theo là anh/chị cần xác định mình khám “cận lâm sàng” hay “khám chuyên khoa“?

  • Khám “cận lâm sàng“: anh/chị đến đây để thực hiện một số cận lâm sàng mà mình đã xác định trước [vd: muốn xét nghiệm công thức máu, xét nghiệm men gan, xét nghiệm tiểu đường, chụp Xquang vị trí nào đó…] hay được giấy chỉ định thực hiện cận lâm sàng tại đây từ một bác sĩ hoặc bệnh viện nào đó. Hay chỉ đơn giản là anh/chị thấy có các triệu chứng bệnh trong người và muốn đi làm các cận lâm sàng để xác định bệnh…Nếu rơi vào một trong các trường hợp đó, anh/chị nên chọn khám “cận lâm sàng“. Lưu ý, trên phiếu ghi thông tin bệnh nhân, dòng “Đăng ký khám chuyên khoa” trong trường hợp này là để trống, nếu lỡ ghi gì đó rồi thì gạch đi.
  • Khám “chuyên khoa“: anh/chị có các triệu chứng bệnh và muốn gặp bác sĩ chuyên môn tương ứng khám và chuẩn đoán cho mình. Trong một số trường hợp, anh/chị có thể yêu cầu khám nhiều chuyên khoa nếu cần thiết. Ví dụ: khám Thần kinh, khám Dạ dày, Tai-mũi-họng, Ung bướu, Xương khớp… Theo đó, anh/chị sẽ điền vào phiếu ghi thông tin bệnh nhân dòng “Đăng ký khám chuyên khoa” là liệt kê chuyên khoa mình muốn khám. Có thể từ ngữ anh/chị ghi không chính xác tên chuyên khoa, nhưng nhân viên tiếp nhận bệnh tại bệnh viện Đại học Y dược sẽ điều chỉnh lại cho chính xác sau khi trao đổi với anh/chị.

Sau khi xác định được mình muốn khám “cận lâm sàng” hay “chuyên khoa” rồi, thì anh/chị sẽ thực hiện tiếp bước sau:

Hình vị trí tư vấn khám cận lâm sàng khu B và vị trí đăng ký khám chuyên khoa khu A [click vào ảnh để phóng to và zoom vào vị trí muốn xem]

  • Nếu khám “cận lâm sàng“: lấy số thứ tự gặp bác sĩ tư vấn chỉ định cận lâm sàng tại bàn hướng dẫn đó luôn [phải xếp hàng lấy số thứ tự nếu tại bàn hướng dẫn có đông người. Đôi khi bàn hướng dẫn khu A không phát số thứ tự chỉ định cận lâm sàng thì anh/chị chuyển sang bàn hướng dẫn ở khu B]. Sau khi có số thứ tự, anh/chị đi đến vị trí tư vấn chỉ định khám cận lâm sàng như trên bản đồ để chờ gặp bác sĩ [trong trường hợp ít người khám thì các anh bảo vệ tại bàn hướng dẫn chỉ anh/chị vào thẳng phòng đó để gặp bác sĩ luôn mà không cần lấy số thứ tự]. Ngồi chờ đến số thứ tự của mình [nhìn vào bảng điện tử hiển thị số thứ tự phía trước phòng, nhớ chú ý là ở bệnh viện Đại học Y dược không sử dụng loa thông báo số thứ tự], vào đưa số thứ tự và phiếu ghi thông tin bệnh nhân để được tư vấn khám cận lâm sàng. Ở phòng này, có 2 bàn tư vấn, mỗi bàn gồm 1 bác sĩ và 1 nhân viên. Bác sĩ sẽ hỏi anh/chị đang bị triệu chứng gì, muốn khám gì…từ đó tư vấn cho anh/chị các cận lâm sàng cần khám. Anh/chị có thể đồng ý hoặc yêu cầu bỏ đi một số cận lâm sàng nào đó. Cuối cùng, bác sĩ sẽ liệt kê các cận lâm sàng mà anh/chị cần khám trong phiếu “chỉ định cận lâm sàng” [có kèm theo giá tiền của mỗi cận lâm sàng và tổng chi phí]. Anh/chị cầm phiếu chỉ định cận lâm sàng này đến nộp vào rổ theo quy định của quầy thu ngân trong phòng đó luôn [nếu quầy thu ngân này đông người thì ra bên ngoài tìm quầy thu ngân khác…xem bản đồ để rõ vị trí của các quầy thu ngân] và chờ gọi tên lên đóng tiền [số tiền như trong phiếu chỉ định cận lâm sàng]. Sau khi đóng tiền xong, thu ngân sẽ trả lại anh/chị phiếu chỉ định cận lâm sàng này cùng với các biên lai thu tiền [màu đỏ] để anh/chị tiến hành thực hiện các cận lâm sàng sau đó.
  • Nếu khám “chuyên khoa“: không cần lấy số thứ tự gì cả mà đi đến vị trí đăng ký khám chuyên khoa như trên bản đồ [khu A – từ quầy 01 đến 14]. Xem quầy nào ít người nhất để xếp hàng và chờ đến lượt của mình [chú ý: những quầy đầu là giành cho người ưu tiên như phụ nữ có thai, người lớn tuổi…]. Đưa cho nhân viên tại quầy này phiếu ghi thông tin khám bệnh, họ sẽ trao đổi thêm với anh/chị để chỉ định đúng chuyên khoa cần khám [có thề một hoặc nhiều chuyên khoa]. Tại đây, anh/chị phải nộp 100 ngàn đồng cho mỗi chuyên khoa mà anh/chị cần khám [2 chuyên khoa thì 200 ngàn…]. Sau khi đóng tiền, với mỗi chuyên khoa, anh/chị sẽ nhận được một biên lai thu tiền trên đó có số thứ tự khám chuyên khoa, phòng khám số mấy. Cầm biên lai có số thứ tự này đi đến các phòng khám chuyên khoa tương ứng để chờ đến lượt mình [xem trên bảng điện tử hiển thị số thứ tự trước mỗi phòng khám] và vào gặp bác sĩ chuyên khoa. Tại đây, bác sĩ sẽ khám cho anh/chị dựa vào các triệu chứng và các kết quả cận lâm sàng mà anh/chị thực hiện trước đó [nếu có]. Vì vậy, nên chú ý khi đi khám phải mang theo hết các kết quả cận lâm sàng mà mình đã thực hiện trước đó. Từ đó, bác sĩ có thể chuẩn đoán bệnh và kê toa luôn nếu đủ cơ sở hoặc thường sẽ yêu cầu anh/chị thực hiện một số cận lâm sàng nào đó cần thiết cho anh/chị. Nếu chỉ chuẩn đoán và kê toa luôn thì anh/chị đơn giản là tìm trên bản đồ vị trí của nhà thuốc để mua và xem như kết thúc việc khám bệnh ở đây [với trường hợp có BHYT, vui lòng xem chỉ dẫn cuối bài viết]. Còn nếu bác sĩ chỉ định cho anh/chị thực hiện cận lâm sàng [thông qua phiếu “chỉ định cận lâm sàng”] thì anh/chị cầm phiếu chỉ định cận lâm sàng này đem đến các quầy thu ngân [xem vị trí trên bản đồ – tầng nào, khu nào cũng có] và nộp vào để được gọi tên lên đóng tiền. Sau đó, nhận lại phiếu chỉ định cận lâm sàng cùng với các biên lai thu tiền [màu đỏ] để tiến hành thực hiện các cận lâm sàng sau đó.

Mẫu phiếu chỉ định cận lâm sàng [dùng cho cả khám “cận lâm sàng” và khám “chuyên khoa”]

Biên lai thu tiền khám chuyên khoa – ở hình trên là chuyên khoa Tổng quát [chú ý trên phiếu có ghi Phòng khám nào, số thứ tự, thời gian dự kiến được khám]

Biên lai thu tiền thực hiện các cận lâm sàng [từ 01 phiếu chỉ định cận lâm sàng, Thu ngân sau khi thu tiền xong sẽ in ra biên lai cho từng cận lâm sàng khác nhau và đưa lại cho anh/chị]

Chú ý: Nếu anh/chị muốn khám chuyên khoa với 01 bác sĩ cụ thể nào đó mà anh/chị mong muốn, vui lòng xem “lịch khám bệnh của y bác sĩ tại bệnh viện Đại học Y dược TpHCM” để đi đúng thời gian mà bác sĩ đó có lịch khám. Đồng thời, khi đăng ký khám chuyên khoa [khu A – từ quầy 01 đến 14], anh/chị phải đọc tên y bác sĩ muốn khám và yêu cầu cho khám bác sĩ này, nhân viên bệnh viện sẽ chỉ định chính xác phòng khám mà y bác sĩ đó đang trực.

Trong trường hợp anh/chị muốn khám tổng quát thì sau khi đọc xong bài này, anh/chị nên tham khảo thêm bài viết Những điều cần biết khi khám tổng quát tại bệnh viện Đại học Y dược TPHCM để biết về cách khám thế nào là nhanh nhất, các gói khám tổng quát tại bệnh viện Đại học Y dược TPHCM.

IV. Vị trí thực hiện cận lâm sàng và phòng khám chuyên khoa tại bệnh viện Đại học Y dược

Vị trí thực hiện cận lâm sàng

  1. Xét nghiệm máu nước tiểu: Lầu 01 khu A hoặc Tầng trệt khu B
  2. Siêu âm tim: Lầu 01 khu A
  3. Đo điện tim: Lầu 01 khu A
  4. Đo điện cơ, điện não: Lầu 01 khu A
  5. Nội soi dạ dày: Lầu 1 khu A
  6. Siêu âm tổng quát: Quầy tiếp nhận Siêu âm Tầng trệt khu A hoặc Lầu 1 khu A
  7. Chụp X – Quang: Quầy tiếp nhận X – Quang Tầng trệt khu B hoặc Tầng trệt khu A
  8. CT Scan:  Quầy tiếp nhận CT Scan Tầng trệt khu A
  9. MRI: Quầy tiếp nhận MRI Tầng trệt khu A
  10. Nội soi đại, trực tràng: Tầng trệt khu B
  11. Đo chức năng hô hấp: Trong phòng khám Hô hấp tầng trệt khu B
  12. Test lẩy da: Trong phòng khám Dị ứng – Miễn dịch tầng trệt khu B
  13. Test hơi thở: Phòng khám Phổi [phòng 30], Lầu 01 khu A

Để dễ dàng hơn cho việc tìm kiếm vị trí, chúng tôi cung cấp bản đồ vị trí như bên dưới:

Bản đồ vị trí thực hiện cận lâm sàng và các chuyên khoa [click vào ảnh để phóng to và zoom vào vị trí muốn xem]

Vị trí phòng khám chuyên khoa

  • Tiêu hóa: phòng khám 04, 05 và từ phòng 11 đến 16 Lầu 01 khu A
  • Tạo hình thẩm mỹ, chăm sóc da: phòng khám 16 đền 2o Lầu 01 khu A
  • Tai mũi họng: phòng khám 06 đến 10 Lầu 01 khu A
  • Nam khoa: phòng 01 Lầu 01 khu A
  • Tiết niệu: phòng 02 và 03 [buổi sáng] Lầu 01 khu A
  • Đau mãn tính: phòng 02 [buổi chiều] Lầu 01 khu A
  • Chỉnh hình Xương khớp: phòng 41 đến 43 Lầu 01 khu A
  • Nội Thận: Phòng 27 Lầu 01 khu A
  • Lồng ngực mạch máu: phòng 28 và 29 Lầu 01 khu A
  • Phổi: phòng 30 Lầu 01 khu A
  • Da liễu: phòng 31 Lầu 01 khu A
  • Y học gia đình: phòng 37 và 38 Lầu 01 khu A
  • Nội tiết: phòng 39 và 40 Lầu 01 khu A
  • Thần kinh: phòng 21 đến 26 Lầu 01 khu A
  • Tổng quát: phòng 32 đến 36 Lầu 01 khu A
  • Lão khoa [khám cho người già]: Tẩng trệt khu B
  • Hô hấp: Tầng trệt khu B
  • Tâm lý: Tầng trệt khu B
  • Tim mạch: phòng 46 đến 49 Tầng trệt khu B
  • Ngoại Tim mạch: phòng 50 Tầng trệt khu B
  • Vú: phòng 74 và 75 Lầu 01 khu B
  • Viêm gan: phòng 66 đến 69 Lầu 01 khu B
  • Mắt: phòng 72 và 73 Lầu 01 khu B
  • Và 1 số chuyên khoa khác [vui lòng xem trên bản đồ vị trí ở trên]

Anh/chị có thể xem bản đồ vị trí ở trên để thấy cụ thể các phòng khám mà mình cần tìm nằm ở đâu.

Một lần nữa, anh/chị nên đọc lại thời gian khám bệnh của bệnh viện Đại học Y dược ở trên nếu anh/chị đến sớm. Phải đến 6h30 thì các dịch vụ cận lâm sàng và các phòng khám chuyên khoa ở khu A mới bắt đầu [đăng ký khám chuyên khoa thì từ 5h], vì vậy khoảng thời gian từ 5h đến 6h30 chúng ta nên dùng các dịch vụ bên khu B [nếu có]. Anh/chị có thể tuy chọn vị trí thực hiện cận lâm sàng nếu chúng có nhiều nơi thực hiện [vd: xét nghiêm có 2 nơi, siêu âm có 2 nơi…], tuy nhiên, theo kinh nghiệm, trừ khi bị yêu cầu thực hiện tại khu khác, anh/chị nên chọn khu A [nếu sau 6h30] vì là khu mới và có nhiều trang thiết bị hiện đại.

V. Quy trình thực hiện cận lâm sàng

Anh/chị đem phiếu chỉ định cận lâm sàng và các biên lai màu đỏ mà Thu ngân đã đưa cho anh/chị sau khi nộp tiền thực hiện cận lâm sàng đến các phòng thực hiện cận lâm sàng tương ứng để nộp vào [mỗi phòng thực hiện cận lâm sàng đều có 01 bàn tiếp nhận có nhân viên ngồi trực]. Trong trường hợp đông người thì anh/chị cũng phải xếp hàng để nộp biên lai cho nhân viên tiếp nhận. Sau khi nhận biên lai và phiếu chỉ định cận lâm sàng từ anh/chị, nhân viên trực sẽ kiểm tra và gửi trả lại cho anh/chị kèm theo số thứ tự thực hiện cận lâm sàng đó [có thể họ bấm 1 phiếu nhỏ hoặc đóng dấu có số thứ tự vào biên lai]. Nhớ là anh/chị kiểm tra lại xem có đúng là tên của mình không nhé, nhiều trường hợp bị đưa nhầm của người khác.

Trên biên lai thu tiền của Siêu âm Tim có số thứ tự là 42 và thực hiện tại phòng Siêu âm 1 [trong phòng Siêu âm có nhiều phòng nhỏ…]

Trên biên lai thu tiền của Xét nghiệm có số thứ tự là 353, tại phòng Xét nghiệm khu A

Ngồi chờ tại các phòng thực hiện cậm lâm sàng cho đến lượt mình [xem số thứ tự hiển thị trên bảng điện trước mỗi phòng thực hiện cận lâm sàng], anh/chị cầm biên lai cùng số thứ tự này vào đúng phòng mình được chỉ định và đưa cho y bác sĩ trong phòng đó, sau đó tiến hành thực hiện cận lâm sàng.

Một kinh nghiêm quý báu là nếu phải làm nhiều cận lâm sàng, thì anh/chị nên lần lượt nộp hết tất cả các biên lai vào các phòng thực hiện tương ứng và nhận lại hết các số thứ tự thực hiện cho mỗi cận lâm sàng [không nên nộp 01 nơi rồi làm xong sau đó mới đi qua nơi khác]. Sau đó, xem xét cận lâm sàng nào gần đến lượt mình thực hiện nhất thì ưu tiên ngồi chờ ở phòng cận lâm sàng đó và thực hiện trước , và cứ thế tiếp tục lần lượt cho đến khi hết. Có thể trong quá trình thực hiện cận lâm sàng này thì cận lâm sàng khác đã đến lượt mình. Không sao cả, sau đó anh/chị cứ vào gặp y bác sĩ phòng cận lâm sàng đó và xuất trình biên lai và số thứ tự bị qua lượt đó, họ sẽ bố trí cho anh/chị ngay sau vài người.

Sau khi thực hiện xong cận lâm sàng, y bác sĩ tại phòng đó sẽ trả lại biên lai đồng thời ghi vào đó thời gian dự kiến lấy kết quả để anh/chị biết. Mặc định nơi lấy kết quả là tại bàn tiếp nhận của phòng thực hiện cận lâm sàng đó [nơi anh/chị nhận số thứ tự thực hiện], một số ít trường hợp lấy tại nơi khác thì sẽ được ghi trên biên lai.

Hẹn 9h trả kết quả Siêu âm [tại bàn tiếp nhận trong phòng Siêu âm]

Hẹn 11h10 lấy kết quả Xét nghiệm tại Phòng khám Tổng quát

Đúng khoảng thời gian này, anh/chị đến các phòng tương ứng nghe đọc tên và xuất trình biên lai để nhận lại kết quả thực hiện cận lâm sàng đã thực hiện.

Lưu ý là đối với Xét nghiệm máu, nước tiểu, phân, đàm thì khi Thu ngân đưa biên lai thu tiền cho anh/chị đã có sẵn trên đó số thứ tự và nơi khám [như hình trên], anh/chị ko cần nhận số thứ tự từ bàn tiếp nhận nữa, mà chỉ cần ngồi chờ đến lượt mình và vào phòng xét nghiệm, nộp giấy chỉ định và biên lai thu tiền cho nhân viên kiểm tra và sau đó nhận lại từ họ. Vào khu vực các bàn lấy mẫu để lấy máu nếu xét nghiệm máu. Riêng đối với xét nghiệm nước tiểu, phân, đàm thì anh/chị nhận được lọ chứa và cầm vào nhà vệ sinh để lấy mẫu và nộp lại tại bàn lấy mẫu. Đối với biên lai có ghi “Hẹn trả kết quả tại phòng khám” thì anh/chị sẽ nhận kết quả tại phòng khám [đối với khám chuyên khoa]. Một số trường hợp ghi “Hẹn giờ trả kết quả” thì nhận kết quả tại phòng xét nghiệm này.

Thời gian chờ kết quả đối với các cận lâm sàng trung bình từ 30 phút đến 1h đồng hồ, riêng đối với Xét nghiệm thì lâu hơn [máu, nước tiểu, phân, đàm] khoảng 3h đồng hồ nên anh/chị cố gắng sắp xếp làm Xét nghiệm trước.

Trong các cận lâm sàng, thời gian thực hiện Siêu âm là lâu nhất [đông người chờ nhất] vì cận lâm sàng này thường ai cũng thực hiện. Thời gian nhận được số thứ tự cho đến khi đến lượt mình vào Siêu âm tương đối lâu nên anh/chị có thể xem xét làm các cận lâm sàng khác trong lúc này.

Muốn biết chi phí của từng cận lâm sàng, anh/chị có thể tham khảo bài viết “bảng giá dịch vụ cận lâm sàng của bệnh viện Đại học Y dược TpHCM“

VI. Các bước cuối cùng hoàn tất việc khám bệnh

  • Nếu trước đó anh/chị đăng ký khám “chuyên khoa” [và được bác sĩ chuyên khoa chỉ định làm một số cận lâm sàng] thì anh/chị mang hết các kết quả thực hiện cận lâm sàng đó vào lại đúng phòng khám chuyên khoa và nộp lại cho bàn tiếp nhận bệnh [trước các phòng khám chuyên khoa có bàn tiếp nhận bệnh và có nhân viên ngồi trực] và chờ được sắp xếp để vào gặp lại bác sĩ. Dựa vào các kết quả cận lâm sàng này, bác sĩ chuyên khoa sẽ chuẩn đoán và kết luận bệnh cho anh/chị [một số trường hợp đặc biệt, bác sĩ có thể cho anh/chị làm thêm các cận lâm sàng khác nếu cần thiết]. Sau đó, bác sĩ sẽ ra toa thuốc [nếu có] và căn dặn các điều cần thiết cho anh/chị cùng với lịch tái khám [nếu có]. Nếu anh/chị không dùng BHYT, đến nhà thuốc tại Tầng trệt khu A để mua thuốc theo toa và kết thúc việc khám bệnh tại đây.
  • Nếu trước đó anh/chị yêu cầu khám “cận lâm sàng“, thì anh/chị mang hết các kết quả thực hiện cận lâm sàng đó vào gặp lại bác sĩ tư vấn cận lâm sàng. Tại đây bác sĩ sẽ coi kết quả và giải thích cho anh/chị tình trạng bệnh của anh/chị [trên các kết quả cận lâm sàng cũng có thể hiện phần nào]. Nếu không có bệnh hoặc bệnh nhẹ thì bác sĩ sẽ cho về và căn dặn một số điều cần thiết, ngược lại bác sĩ tại đây sẽ chỉ định anh/chị khám các chuyên khoa tương ứng với bệnh của anh/chị [bác sĩ tại đây không được kê toa thuốc]. Khi đó, anh/chị phải qua quầy đăng ký khám chuyên khoa theo như chỉ định, nộp tiền khám và thực hiện giống như quy trình của bài viết này [cho khám chuyên khoa]. Với các cận lâm sàng vừa thực hiện, bác sĩ chuyên khoa sẽ dựa vào đó để chuẩn đoán và kê toa thuốc cho anh/chị.

Trong trường hợp anh/chị muốn khám tổng quát thì sau khi đọc xong bài này, anh/chị nên tham khảo thêm bài viết Những điều cần biết khi khám tổng quát tại bệnh viện Đại học Y dược TPHCM để biết về cách khám thế nào là nhanh nhất, các gói khám tổng quát tại bệnh viện Đại học Y dược TPHCM.

VII. Trường hợp có sử dụng Bảo Hiểm Y Tế tại bệnh viện Đại học Y dược

Các bước thực hiện cũng giống như trường hợp không sử dụng BHYT, thực hiện như những gì trong bài viết hướng dẫn, chỉ cần chú ý thêm các vấn đề bên dưới:

  • Nếu chỉ đăng ký khám cận lâm sàng [không khám chuyên khoa], đồng nghĩa với việc anh/chị không có toa thuốc thì anh/chị không thể sử dụng BHYT.
  • Sau khi có toa thuốc từ bác sĩ chuyên khoa, phải xác nhận và thanh toán BHYT tại quầy BHYT [ngay khu đăng ký khám chuyên khoa Tầng trệt khu A, quầy 15 đến quầy 20]. Hồ sơ thanh toán BHYT bao gồm [nộp bản photo – gần ngay đó có sẵn quầy photo]: thẻ BHYT [đúng tuyến], giấy tờ tùy thân có ảnh đóng dấu giáp lai như CMND hay bằng lái xe, toa thuốc, các biên lai thực hiện cận lâm sàng [nếu có].
  • Lãnh thuốc tại nhà thuốc BHYT Tầng trệt khu B.

VIII. Tái khám

Theo lịch tái khám của bác sĩ chuyên khoa trước đó, anh/chị đến khu đăng ký khám chuyên khoa xuất trình sổ khám bệnh [có đơn thuốc] trước đó và yêu cầu tái khám. Nhân viên tiếp nhận bệnh tại bệnh viện Đại học Y dược vẫn sẽ thu tiền phí khám là 100 ngàn đồng cho 01 chuyên khoa và sắp xếp cho anh/chị tái khám đúng bác sĩ mà anh/chị đã khám trước đó [trương trường hợp đặc biệt, không có bác sĩ đó thì anh/chị sẽ được cho khám bác sĩ khác]. Anh/chị sẽ nhận được số thứ tự và tiếp tục làm theo quy trình ở trên trong bài viết.

Trong một số trường hợp, bác sĩ chuyên khoa có chỉ định các cận lâm sàng khi tái khám [trong lần khám bệnh trước] thì anh/chị mang giấy chỉ định cận lâm sàng này đi đóng tiền tại Thu ngân [không cần qua khâu gặp bác sĩ tư vấn cận lâm sàng] và thực hiện xong các hết các cận lâm sàng sau đó mới đăng ký khám chuyên khoa và vào gặp bác sĩ tái khám.

Cần lưu ý khi tái khám phải mang theo hết các kết quả cận lâm sàng liên quan trước đó.

IX. Một số lưu ý quan trọng khi khám chữa bệnh tại bệnh viện Đại học Y dược TPHCM

  • Nếu đã đóng tiền thực hiện cận lâm sàng rồi, nhưng vì một lý do gì đó, anh/chị ko muốn thực hiện thì có thể hoàn tiền lại được: đến quầy số 05, khu Thu Ngân, Tầng trệt khu B [ngay bàn hướng dẫn ghi thông tin bệnh nhân] và làm theo hướng dẫn của nhân viên tại quầy.
  • Nếu muốn lấy hóa đơn đỏ [thanh toán cho công ty, lấy lại tiền từ một số bảo hiểm dịch vụ…] thì đến quầy 06,07,08 khu Thu Ngân, Tầng trệt khu B đưa các biên lai.
  • Nếu thực hiện nhiều cận lâm sàng, thì cần phải chịu khó di chuyển qua lại giữa các phòng để “canh” phòng nào gần đến lượt mình mà thực hiện.

Hôm đó tôi dẫn bà ngoại của mình ở quê vào khám bệnh tại bệnh viện Đại học Y dược. Do là lần đầu đi đến đây nên mọi thứ cứ rối lên, hỏi cho rõ thì các nhân viên bệnh viện cũng không có thời gian trả lời vì còn phục vụ người khác [xui gặp người khó tính thì bị mắng]. Một phần do bệnh của ngoại phức tạp nên bác sĩ cho khám nhiều cận lâm sàng, phần thì bệnh viện hôm đó rất đông người nên đi từ 4h sáng, mà phải đến 3h chiều mới xong. Trong lúc đợi bác sĩ ra toa thuốc cho ngoại, nhìn cảnh nhiều người mệt mỏi như mình, tôi chợt nghĩ rằng tại sao không tạo ra một website để hướng dẫn chi tiết việc này, giúp người bệnh bớt thời gian – công sức khi đi khám bệnh ở các bệnh viên. Từ đó nguoibenh.com ra đời với hi vọng góp một phần gì đó giúp ích cho mọi người, nhất là những người không may mắc phải một triệu chứng hay một căn bệnh nào đó.

HÃY CÙNG CHUNG TAY CHIA SẺ BÀI VIẾT NÀY ĐẾN MỌI NGƯỜI

Video liên quan

Chủ Đề