Chim về núi nhạn nghĩa là gì

“Chiều chiều lại nhớ chiều chiều

Trông về núi Nhạn mà yêu Tuy Hòa”

Núi Nhạn từ xưa đã là niềm tự hào của người dân xứ Nẫu, họ gửi gắm niềm yêu thương đó vào từng câu văn, bài thơ, ca dao, lời hát. Nên bất kể đi đâu, khi nhắc đến núi Nhạn cũng như nhắc đến mảnh đất Phú Yên Tuy Hòa. Theo chân Viet Nam Jour ghé thăm núi Nhạn Phú Yên, cái tên làm thổn thức biết bao con dân đất Phú.

Núi Nhạn Phú Yên – vẻ đẹp thay cho nỗi lòng người con xa xứ

Đôi nét về Núi Nhạn Phú Yên

Núi Nhạn Phú Yên nằm bên bờ Bắc sông Đà Rằng, thuộc địa phận phường 1, Tp.Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên. Núi Nhạn còn có tên gọi khác là núi Bảo Tháp hay Tháp Dinh. Núi cao 60 mét so với mặt nước biển, có đường chu vi quanh núi khoảng trên 1 km.

Những câu chuyện cổ về cái tên Núi Nhạn Phú Yên

Tên núi Nhạn hình thành do núi có hình thế như con chim nhạn xoè đôi cánh, với phần đầu là chỗ giao nhau giữa QL1A và sông Chùa, cổ thon nhỏ lại rồi phình to ra như đôi cánh chim ở phần đường Tản Đà. Luồng thông tin khác cho rằng, ngày xưa núi này như một cù lao nhỏ nằm trong vịnh Tuy Hoà, là nơi để loài chim nhạn làm tổ, trú ẩn. Sau này, vịnh dần dần được bồi lấp tạo nên đồng bằng rộng lớn nối liền cù lao Nhạn với đất liền.

Tháp Nhạn nổi tiếng tại Núi Nhạn

Theo truyền thuyết, thuở xa xưa đất Tuy Hoà là một vùng đầm lầy trũng thấp, là nơi cư trú của nhiều loài thuỷ sinh và mãnh thú hung dữ. Đời sống của người dân luôn bị đe doạ. Và để tạo nên một cảnh sống mới, an toàn hơn về mọi mặt, một ngày kia người khổng lồ do Trời sai xuống gánh núi lấp đầy vùng trũng và lấn ra phía biển Đông. Thiên sứ khổng lồ kia miệt mài gánh đất và núi, làm rơi vãi từng cụm nhỏ ở núi Miếu [Hoà Quang] và gành Đá [Hoà Thắng]… và chẳng bao lâu thì lấp đầy cả cánh đồng Tuy Hoà bây giờ.

Có ai mê vẻ đẹp cổ kính này không ?

Và vì Vị thiên sứ kia gắng làm cho xong để sớm trở về trời nên đã gánh núi nặng gấp hai ba lần, đến nỗi khi gần tới biển, chiếc đòn gánh gãy đôi làm rơi xuống hai cụm núi là núi Nhạn và Chóp Chài. Đòn gánh gãy đồng nghĩa với công việc “xẻ núi lấp sông” không thể tiếp tục được nữa và thiên sứ khổng lồ nọ đành ngậm ngùi quay về Trời, chưa tạo được những cụm núi chắn sóng ngoài mạn biển xa. Câu chuyện huyền thoại này được truyền tụng từ khá lâu và có nhiều chi tiết khác nhau, nhưng nội dung chính là hai hòn núi Chóp Chài và núi Nhạn là do người khổng lồ làm gãy đòn gánh mà rơi xuống.

Núi Nhạn Phú Yên có gì hấp dẫn

Vẻ đẹp núi rừng kỳ vĩ

Trên núi Nhạn có rất nhiều cây cối rậm rạp, đặc biệt là mai rừng nở vàng vào mùa xuân và mùa hạ, ở phía Đông-Nam gần sông Chùa có một trảng sim nhỏ, đến mùa hoa sim nở tím cả một vùng. Trên núi có nhiều loài chim như nhạn, cò và đặc biệt là rất nhiều khỉ. Mãi đến năm 1961, khỉ vẫn sống từng đàn trên núi này cho đến khi chiến tranh ác liệt nổ ra, quân đội Sài Gòn cho đóng đồn và đặt súng đại bác trên núi ngày đêm bắn phá các vùng căn cứ, yểm trợ cho các cuộc hành quân nên khỉ đã bỏ về rừng núi đại ngàn, chim chóc cũng di trú nơi khác, cây cối bị đốn chặt phát quang để phục vụ cho tầm quan sát quân sự.

Núi Nhạn – Sông Đà Rằng đôi bạn thân ở bên nhau biết bao lâu nay, cũng là biểu tượng đặc sắc của mảnh đất Phú Yên

Đài ngắm nhìn Phú Yên tuyệt đẹp

Đứng ở độ cao 64 m trên đỉnh núi Nhạn Phú Yên, du khách có thể bao quát một vùng non nước Phú Yên với toàn cảnh thành phố Tuy Hoà, làng hoa Bình Ngọc, núi Đá Bia, biển Đông và hai chiếc Cầu đường sắt và đường bộ dài 1.100 m bắt song song qua sông Đà Rằng. Còn gì mãn nhãn hơn được hòa mình vào khung cảnh núi rừng kỹ vĩ, không khí trong lành, thõa mắt ngắm nhìn vẻ đẹp giao hòa của Phú Yên tại đỉnh núi Nhạn, trải nghiệm quý giá bạn nhất định không nên bỏ qua khí ghé thăm tháp Nhạn Phú Yên đâu nha.

Ngắm cảnh sắc toàn bộ “xứ Nẫu” tại đài quan sát Núi Nhạn

Tháp Nhạn Phú Yên

Ngoài phong cảnh, khí hậu tuyệt vời, lên núi Nhạn Phú Yên, bạn sẽ được thăm ngôi tháp Nhạn cổ kính nằm trong quần thể di tích tháp Chăm ở Trung bộ. Tháp Nhạn nằm trên đỉnh núi Nhạn, được người Chăm xây dựng vào khoảng thế kỷ 12. Nhìn tổng thể, tháp Nhạn tiêu biểu cho nghệ thuật kiến trúc của người Chăm ở vùng đất Phú Yên xưa. Với sự kết hợp hài hòa giữa vật liệu xây dựng, cùng với những đường nét kiến trúc và nghệ thuật điêu khắc Chăm pa xưa, đã tạo cho tháp một dáng vẻ thanh thoát và tuyệt mỹ. Cho dù oằn mình trải qua bao nhiêu năm tháng đi chăng nữa, tháp Nhạn vẫn đứng uy nghi sừng sững như một nhân chứng sống cho lịch sử, lúc trầm mặc dưới mưa bay, khi thì rực rỡ trong ánh chiều tà, hay lại lung linh khi màn đêm buông xuống.

Ghé thăm Tháp Nhạn nghe những câu chuyện cổ Cham Pa

Đài tưởng niệm núi Nhạn Phú Yên

Bên cạnh tháp Nhạn còn có một công trình kiến trúc độc đáo nữa, đó là đài tưởng niệm. Đài tưởng niệm nằm bên con đường lên đỉnh núi, được khánh thành vào ngày 1.4.2007. Đây là một công trình văn hóa được chính quyền nhân dân Phú Yên đầu tư xây dựng công phu. Công trình gồm bảo tàng trưng bày ở bên dưới, phần trên có những mái thanh dọc màu trắng nhìn từ xa vừa như con sóng tung bọt, vừa như những cánh buồm no gió vươn ra khơi xa và cũng giống như những cánh chim nhạn tung bay.

Vẻ đẹp lịch sử hào hùng tại Đài tưởng niệm Núi Nhạn

Ngày nay, cụm thắng cảnh núi Nhạn – sông Đà Rằng trở thành biểu tượng của Phú Yên và tháp Nhạn đã được Bộ VH-TT-DL công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia. Du khách đến tham quan, đứng trên đỉnh núi có thể dễ dàng nhìn thấy toàn cảnh TP.Tuy Hòa với biển xanh, đồng lúa bạt ngàn, sông Đà Rằng soi bóng và xa xa là núi Chóp Chài hùng vĩ cao ngút, hay ngọn Đá Bia. Nếu bạn là người yêu thích tham dự những lễ hội văn hóa truyền thống ở nơi đây, tháng 1 – 2 là thời điểm vô cũng hợp lí với những hoạt động văn hóa nổi bật như:

  • Đua thuyền đầm Hồ Loan [7/1],
  • đua thuyền sông Đà Rằng [07/01],
  • Hội đua ngựa [08/01]

Sẽ khiến bạn càng thấy yêu hơn ngọn núi Nhạn Phú Yên này.

Tất cả những điều đó khiến núi Nhạn trở thành niềm yêu thương trong lòng người dân xứ Nẫu, nó tượng trưng cho sự thiên liêng của mỗi người con Phú Yên khi nhớ về đất mẹ. Ấy vậy mà các tín đồ du lịch của Viet Nam Jour nếu có dịp đến đây đừng quên ghé thăm núi Nhạn, để hiểu được tình yêu của người dân nơi đây, cảnh đẹp là để thõa mắt còn những tâm tư, tập tục người dân lại là những câu chuyện hay khó quên trong chuyến du lịch đến vùng đất mới. Chúc các bạn có một chuyến khám phá Phú Yên trọn vẹn.

Đoc thêm: 6 Bí kíp chinh phục Tháp Nhạn Phú Yên – nét đẹp lịch sử hòa quyện trong câu chuyện cổ Champa

Vanvn- Nhạc phẩm Anh còn nợ em [thơ Phạm Thành Tài, nhạc Anh Bằng] là một bài hát được rất nhiều người ưa thích. Trong bài hát có mấy câu… “Anh còn nợ em/ Chim về núi Nhạn/ Trời mờ, mưa đêm”… Nhiều người đặt dấu hỏi: Núi Nhạn trong nhạc phẩm này có phải là núi Nhạn tại TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên, hay là núi Nhạn ở một địa phương nào khác?

Mới đây, chúng tôi đã được một người bạn quê Phú Yên đang sống ở xa chia sẻ những thông tin rất đáng tin cậy vì người nhà của anh là bạn thân thiết của nhà thơ Phạm Thành Tài. Núi Nhạn Tuy Hòa chính là nguồn cảm xúc cho bao tao nhân mặc khách, từ đó, nhiều tác phẩm thi ca nhạc họa ra đời, trong đó có bài thơ Anh còn nợ em của Phạm Thành Tài để nhạc sĩ Anh Bằng cảm hứng phổ nên nhạc phẩm Anh còn nợ em nổi tiếng, được nhiều người ưa thích…

NHÀ THƠ XỨ TRẦM HƯƠNG

Nhiều nguồn tư liệu đều cho biết: Khi nhạc sĩ Anh Bằng đọc tập thơ nhỏ của Phạm Thành Tài, có mấy bài thơ ngắn, ông rất thích và phổ thành 3 bài: Anh còn nợ em, Anh còn yêu em và Từ thuở yêu em. Sau khi các bài hát phổ biến, nhất là bài Anh còn nợ em được nhiều người ưa thích, nhạc sĩ Anh Bằng có nhờ người tìm kiếm tác giả bài thơ nhưng khi tìm được thì nhà thơ Phạm Thành Tài đã qua đời. Nhạc sĩ Anh Bằng mới chép tay 3 bài nhạc và tặng cho người vợ của nhà thơ làm kỷ niệm.

Nhà thơ Phạm Thành Tài quê ở TX Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa. Ông từng là giảng sư tại Viện Ðại học Ðà Lạt trước năm 1975. Từ năm 1991, ông định cư tại Hoa Kỳ. Ông tốt nghiệp bác sĩ Ðông y tại Hoa Kỳ năm 1995 và mất năm 1997.

Ông bắt đầu làm thơ, viết văn từ 1955. Ngoài các tác phẩm về y học, về văn học, ông đã để lại 3 tác phẩm, gồm: Tình em còn đó [thơ], Hương gây mùi nhớ [thơ], Hoa đào năm ngoái [tập truyện].

Nguyên văn bài thơ Anh còn nợ em như sau:

Nhà thơ Phạm Thành Tài [Nguồn: NS TCP].

Anh còn nợ em

Công viên ghế đá

Lá đổ chiều êm…

Anh còn nợ em

Dòng xưa bến cũ

Con sông êm đềm…

Anh còn nợ em

Chim về núi Nhạn

Trời mờ, mưa đêm…

Anh còn nợ em

Nụ hôn vội vã

Nắng chói qua rèm

Và còn nợ em

Cuộc tình đã lỡ

Con tim anh mềm…

Anh còn nợ em!

Bản chép tay Anh còn nợ em của nhạc sĩ Anh Bằng. [Nguồn: NS TCP]

BÀI THƠ TỪ MỘT MỐI TÌNH DANG DỞ

Theo lời kể của người bạn học và là đồng hương với nhà thơ Phạm Thành Tài, thời học sinh, nhà thơ có quen một nữ sinh Trường trung học Nguyễn Huệ, TP Tuy Hòa. Nhưng chuyện tình của họ không có hồi kết vì sự ngăn cấm từ phía gia đình nhà gái. Cũng theo lời của người bạn nhà thơ, cô nữ sinh ấy rất xinh đẹp, từng được nhà trường lựa chọn đóng Trưng Trắc trong ngày lễ kỷ niệm Hai Bà Trưng.

Chuyện tình không thành, trước khi rời Tuy Hòa lần cuối cùng, nhà thơ có lên tháp Nhạn tọa lạc trên núi Nhạn, khắc tên hai người trên một cây si trong nỗi khổ đau đến tận cùng. Mấy tháng sau đó, cô nữ sinh duyên dáng của Trường trung học Nguyễn Huệ lên xe hoa về làm dâu nơi xứ lạ. Sau đó, nhà thơ Phạm Thành Tài từ Sài Gòn có về lại Tuy Hòa, lên Tháp Nhạn, tìm lại những kỷ niệm ngày xưa, nén lại những vui buồn của mối tình dang dở trong bài thơ để đời Anh còn nợ em…

ÐÔI NÉT VỀ NÚI NHẠN

Núi Nhạn sông Ðà [đoạn sông Ba chảy qua Tuy Hòa trước khi đổ ra biển gọi là sông Ðà Rằng, tiếng Chăm có nghĩa là con sông lau sậy] là một trong những biểu tượng của Phú Yên, song gần gũi hơn cả là với người dân Tuy Hòa, vì cả núi và sông đều trong lòng thành phố. Gọi núi Nhạn vì trên núi có tháp Nhạn, tiếng Ê-Ðê và Jarai gọi là Yang Kơ Hmeng, là một công trình kiến trúc Champa còn khá nguyên vẹn, thắng cảnh tiêu biểu của Tuy Hòa, được người Chăm sinh sống ở lưu vực châu thổ sông Ba xây dựng vào khoảng thế kỉ XII.

Những ngày hè, những dịp lễ Tết, bao thế hệ học sinh, thanh thiếu niên Tuy Hòa thường rủ nhau lên núi Nhạn để phóng hết tầm mắt nhìn qua làng rau, làng hoa Ngọc Lãng bên kia sông sương khói bồng bềnh. Dưới sông Chùa – một nhánh nhỏ của sông Ðà Rằng – vài chiếc thuyền buồm xuôi ngược. Vào đông, gió từ biển thổi vào đủ lạnh để những đôi vai mềm tựa vào nhau, từng đàn chim én ríu rít vào trú ngụ trong ngôi tháp cổ. Nhiều người thích nhất những ngày đông lạnh như thế để được mặc áo ấm, được thả bộ lên núi Nhạn, để nhìn toàn cảnh Tuy Hòa, được làm thơ và ngắm từng đàn chim én báo hiệu mùa xuân đến…

Núi Nhạn, tháp Nhạn – một hình ảnh, một biểu tượng không thể thiếu trong đời sống mỗi người dân Tuy Hòa, Phú Yên. Bài thơ Anh còn nợ em của nhà thơ Phạm Thành Tài và bài hát cùng tên được phổ từ bài thơ này của nhạc sĩ Anh Bằng đã tạo thêm những xúc cảm mạnh mẽ cho nhiều người khi nhớ về Phú Yên, về Tuy Hòa, một vùng đất tươi đẹp và con người hiền hòa bên tháp Nhạn ngàn năm soi bóng…

LÊ KỲ – DUYÊN TRẦN

Báo Phú Yên

Video liên quan

Chủ Đề