Khi đường dẫn nước tiểu bị sỏi có thể ảnh hưởng thế nào tới sức khỏe

Sỏi tiết niệu là bệnh lý phổ biến ở Việt Nam, theo nhiều nghiên cứu với các số liệu khác nhau, nhìn chung, sỏi tiết niệu chiếm khoảng 7-8% dân số. Trong đó sỏi niệu quản chiếm 28-40% tổng số sỏi đường tiết niệu.

Sỏi niệu quản là loại sỏi thường gây ra những đau đớn khó chịu cho người bệnh, có nhiều biến chứng, gây tắc nghẽn đường bài xuất và gây giảm chức năng thận. Bài viết này, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu về 10 vấn đề quan trọng liên quan đến sỏi niệu quản. Qua đó có thêm những kiến thức, hiểu biết để nhận biết, điều trị cũng như dự phòng tái phát sỏi.

1. Sỏi niệu quản là gì? Có những loại sỏi niệu quản nào?

Sỏi niệu quản là gì?

Niệu quản là ống rỗng dẫn nước tiểu từ  bể thận xuống bàng quang, dài khoảng 25-28 cm. Nó nằm ở sau phúc mạc, dọc hai bên cột sống thắt lưng và ép sát vào thành bụng sau. Niệu quản bắt đầu từ khúc nối bể thận niệu quản đi dọc theo cơ thắt lưng chậu. Nó bắt chéo các động mạch chậu chạy vào chậu hông chếch ra trước và đổ vào bàng quang.

Hình ảnh sỏi niệu quản

Sỏi niệu quản là sỏi ở các vị trí từ khúc nối bể thận tới chỗ đổ vào bàng quang.

Có những loại sỏi niệu quản nào?

Có nhiều cách phân loại, phân loại theo vị trí giải phẫu, theo lâm sàng; theo kích thước sỏi; theo thành phần sỏi… Mỗi cách phân loại có ý nghĩa, mục đích riêng. Trên lâm sàng, bác sĩ hay quan tâm đến vị trí và kích thước sỏi. Từ đó đưa ra chiến lược điều trị tốt nhất cho người bệnh.

Xem thêm: Các loại sỏi thận thường gặp

Phân loại theo vị trí giải phẫu, được chia thành sỏi 1/3 dưới, sỏi 1/3 giữa và sỏi 1/3 trên, tương ứng như trên hình ảnh mô tả bên dưới.

Phân chia sỏi niệu quản theo vị trí giải phẫu

Trên lâm sàng, bác sĩ thường chia ra thành sỏi đoạn cao – tính từ ngang mào chậu, gai chậu trước trên lên và sỏi đoạn thấp – phía dưới mào chậu, gai chậu trước trên.

2. Nguyên nhân gây sỏi niệu quản

Theo thống kê có ~80% sỏi niệu quản là do sỏi thận rơi xuống và 20% là tại niệu quản. Nguyên nhân cũng giống với nguyên nhân gây sỏi thận, trong đó phải kể đến:

  1. Hậu quả của một số bệnh lý gây tăng tạo sỏi như: Gút; bệnh tuyến giáp – tuyến cận giáp; lao; rối loạn chuyển hóa canxi; bệnh lý về xương, tăng hủy xương…
  2. Chế độ ăn uống, sinh hoạt: Thói quen uống ít nước, hay nhịn tiểu; lười vận động; ăn uống bổ sung quá dư thừa Vitamin C…
  3. Do dị dạng, bất thường giải phẫu tại niệu quản làm tăng nguy cơ ứ đọng nước tiểu, tạo sỏi. Các bất thường giải phẫu hay gặp như: hẹp niệu quản; niệu quản đôi; niệu quản phình to; niệu quản đi sau và bắt chéo tĩnh mạch chủ dưới, polyp niệu quản…
  4. Một số trường hợp sỏi hình thành tại niệu quản sau những can thiệp trên đường niệu quản.
  5. Một số yếu tố chưa rõ ràng khác mang tính cơ địa, yếu tố vùng miền, gia đình…

3. Các đối tượng dễ mắc sỏi niệu quản

Sỏi niệu quản nói riêng, sỏi tiết niệu nói chung là bệnh lý phổ biến ở Việt Nam, cứ khoảng 10-12 người thì lại có 01 người bị sỏi đường tiết niệu và cứ khoảng 10 người bị sỏi đường tiết niệu thì có đến 5 người bị sỏi tái phát trong vòng 5 năm. Những đối tượng nào dễ mắc bệnh sỏi, hãy cùng nghiên cứu qua các phân tích bên dưới nhé.

  1. Nam giới có tỷ lệ mắc sỏi cao hơn nữ giới
  2. Những trường hợp làm việc trong môi trường nóng bức thường xuyên. Cơ thể thường thoát nhiều mồ hôi, nước tiểu thường cô đặc hơn so với người thường… Đây chính là một yếu tố thuận lợi thúc đẩy việc lắng đọng tạo sỏi.
  3. Những đối tượng hay ngồi nhiều, ít uống nước hay nhịn tiểu thường xuyên… Ví dụ như nhân viên văn phòng, lái xe… là các đối tượng dễ mắc bệnh.
  4. Những đối tượng sinh sống ở các vùng núi đá vôi, nước uống có nhiều tinh thể, canxi…
  5. Những đối tượng mắc các bệnh rối loạn chuyển hóa như: Gút, bệnh lý tuyến giáp – tuyến cận giáp…
  6. Những đối tượng hạn chế vận động như: các trường hợp bị yếu liệt; các trường hợp bị chấn thương, giảm, mất vận động
  7. Những đối tượng có bất thường trên đường tiết niệu: Hẹp niệu quản, niệu quản đôi; niệu quản bắt chéo sau tĩnh mạch chủ dưới…
  8. Những trường hợp có bất thường về đường tiểu, gây tiểu khó: U phì đại tuyến tiền liệt; hẹp niệu đạo; xơ cứng cổ bàng quang…

4. Triệu chứng của sỏi niệu quản

Triệu chứng của sỏi niệu quản khá đa dạng, tuy nhiên, phần lớn bệnh nhân có triệu chứng rất điển hình đó là cơn đau quặn thận.

Triệu chứng của sỏi niệu quản

Có khoảng 80% là do sỏi thận rơi xuống, khi sỏi thận rơi xuống niệu quản gây tắc nghẽn một phần quá trình bài niệu, làm căng đột ngột phía trên sỏi gây ra cơn đau quặn thận. Bệnh nhân có thể có một số triệu chứng kèm theo như:

  • Đái máu: có thể nhìn thấy bằng mắt thường hoặc bằng xét nghiệm.       
  • Đái rắt, đái buốt thường gặp sỏi ở niệu quản sát bàng quang.
  • Dấu hiệu chạm thận, bập bềnh thận, nếu thân to.

Ngoài ra, người bị bệnh còn có thể có sốt, tiểu đục khi có nhiễm khuẩn đường tiết niệu. Nếu sỏi hai bên hoặc sỏi thận một bên và sỏi ở niệu quản một bên thì nhanh chóng ảnh hưởng toàn thân, gây urê máu cao, thiểu niệu hoặc vô niệu.
Khoảng 20% sỏi niệu quản hình thành tại niệu quản – thường sẽ không có triệu chứng cơn đau quặn thận, số này chỉ được phát hiện tình cơ khi đi khám siêu âm kiểm tra sức khỏe; hoặc đi khám bệnh lý khác phát hiện ra.

5. Các biện pháp chẩn đoán sỏi niệu quản

Sỏi niệu quản được chẩn đoán dựa vào lâm sàng và cận lâm sàng. Về lâm sàng, bệnh nhân có các triệu chứng như đã phân tích ở trên, phần lớn các trường hợp bệnh nhân sẽ có cơn đau quặn thận. Ngoài ra, một số dấu hiệu khác giúp cho bác sĩ đưa ra chẩn đoán sơ bộ, để từ đó có thêm những thăm dò cận lâm sàng phù hợp, giúp chẩn đoán xác định. Những cận lâm sàng thường dùng để chẩn đoán bệnh bao gồm:

Siêu âm ổ bụng – siêu âm hệ tiết niệu


Siêu âm thường là cận lâm sàng đầu tay để giúp chẩn đoán bệnh. Sỏi được xác định bằng hình ảnh tăng âm kèm bóng cản trên đường đi tương ứng của niệu quản.

X-quang hệ tiết niệu

Cùng với siêu âm ổ bụng – siêu âm hệ tiết niệu thì chụp x-quang hệ tiết niệu là cận lâm sàng quan trọng. X-quang dễ thực hiện giúp bác sĩ có được những thông tin quan trọng về vị trí, kích thước, số lượng, hình thái viên sỏi.

Xét nghiệm máu

Công thức máu, sinh hóa máu nhằm đánh giá tình trạng nhiễm khuẩn, chức năng thận…

Xét nghiệm nước tiểu

Đánh giá tình trạng nhiễm khuẩn đường tiết niệu, một số thông số nước tiểu khác

Cắt lớp vi tính hệ tiết niệu

Áp dụng trong những trường hợp sỏi nhỏ, sỏi không cản quang, hoặc những trường hợp suy thận creatinin máu tăng cao không chụp được UIV thì chỉ định chụp cắt lớp vi tính không có thuốc cản quang.

6. Biến chứng của sỏi niệu quản

Sỏi niệu quản là loại sỏi gây tắc nghẽn và làm giảm chức năng thận một cách nhanh nhất. Nếu không được xử trí đúng cách thì sẽ gây ra những biến chứng lớn cho cơ thể, thậm chí có thể gây tử vong. Tùy vào tình trạng sỏi, chức năng thận của từng bệnh nhân mà sự ảnh hưởng sẽ khác nhau. Dưới đây là một số biến chứng có thể gặp do sỏi gây nên.

  1. Suy thận cấp: Có thể gây ra tình trạng suy thận cấp trong một số trường hợp như: Sỏi 2 bên; sỏi / thận duy nhất; sỏi niệu quản / thận bên còn lại giảm chức năng…
  2. Ứ mủ thận
  3. Ứ nước thận
  4. Suy thận từ từ, lâu dần có thể dẫn tới thận mất chức năng.
  5. Nhiễm khuẩn tiết niệu, viêm thận bể thận

Xem thêm: Những biến chứng chính của sỏi niệu quản

7. Các biện pháp điều trị sỏi niệu quản

Sỏi niệu quản tùy thuộc vào vị trí, kích thước, mức độ ảnh hưởng của viên sỏi đến cơ thể người bệnh mà sẽ có biện pháp điều trị tốt nhất. Hiện nay có nhiều phương pháp điều trị như:

  1. Điều trị nội khoa tích cực tống sỏi: Được chỉ định với những trường hợp sỏi nhỏ, chưa gây biến chứng. Thường được chỉ định với những sỏi 5-6mm trở xuống; sử dụng các thuốc tăng bài niệu, tăng tống xuất sỏi…
  2. Nội soi tán sỏi ngược dòng bằng ống cứng. Thường chỉ định với những sỏi 1/3 dưới, 1/3 giữa…
  3. Nội soi tán sỏi bằng ống mềm: Chỉ định với những trường hợp sỏi đoạn cao; sỏi khúc nối niệu quản bể thận; sỏi 1/3 trên kèm sỏi thận… kích thước sỏi không quá lớn.
  4. Tán sỏi ngoài cơ thể: Thường chỉ định với sỏi đoạn cao, sỏi không quá cứng; sỏi không vướng khung xương che chắn…
  5. Tán sỏi qua da. Chỉ định với những trường hợp sỏi đoạn cao; sỏi niệu quản kèm sỏi thận phức tạp…
  6. Mổ nội soi lấy sỏi
  7. Mổ mở lấy sỏi: Hiện nay ít chỉ định

8. Phòng ngừa bệnh sỏi niệu quản

Phòng ngừa sỏi niệu quản cũng giống như việc phòng ngừa sỏi thận, đây là vấn đề mà bệnh nhân rất quan tâm. Để phòng ngừa, hạn chế tái phát thì đòi hỏi sự tuân thủ tốt từ người bệnh; sự phối hợp tốt giữa bệnh nhân; gia đình bệnh nhân và nhân viên y tế. Tùy vào từng trường hợp cụ thể, tùy vào tình trạng sỏi; dạng sỏi… mà chế độ phòng ngừa có thể khác nhau và có những lưu ý đặc biệt riêng.

Chế độ ăn uống giúp phòng ngừa sỏi thận – sỏi niệu quản

Những giải pháp chung giúp phòng ngừa sỏi hiệu quả đó là:

Biện pháp không dùng thuốc

  1. Tăng lượng nước uống. Nếu điều kiện sức khỏe người bệnh không cần hạn chế uống nước; bệnh nhân nên cố gắng uống nhiều nước, mỗi ngày khoảng 2~3 lít nước
  2. Chế độ ăn uống không nên quá hạn chế Canxi. Nên ăn các sản phẩm từ đậu nành và các sản phẩm sữa và làm từ sữa như pho mát; sữa chua, đậu phụ. Lượng canxi người lớn nên từ 800 ~ 1200mg / ngày.
  3. Hạn chế ăn nhiều muối: muối có thể làm tăng bài tiết canxi trong nước tiểu. Vì vậy mỗi ngày ăn uống chú ý không quá 5g muối.
  4. Nên ăn nhiều rau, ngũ cốc thô và thức ăn chứa xenluloza [cellulose]. Ngay cả các loại rau chứa hàm lượng axit oxalic cao như cải bó xôi; tỏi tây và các loại rau khác
  5. Vận động thích hợp: có tác dụng bài sỏi nhỏ. Tuy nhiên không được vận động quá sức làm mất nước dẫn đến nồng độ nước tiểu đặc; kiểm soát cân nặng: béo phì dễ tạo thành sỏi, người béo bì nên giảm cân
  6. Khám sức khỏe định kỳ: siêu âm hệ tiết niệu đình kỳ hàng năm

Biện pháp dùng thuốc

  1. Sử dụng một số loại thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa, một số loại thuốc hỗ trợ tống xuất sỏi nhỏ, cặn thận như: Kim tiền thảo, tống thạch hoàn, rowatinex, u-stone…
  2. Một số trường hợp có thể sử dụng các thuốc kiềm hoá nước tiểu, giúp giảm tình trạng acid niệu, giảm hình thành sỏi nhiễm khuẩn…

Xem thêm: Chế độ ăn uống, sinh hoạt cho bệnh nhân sỏi thận

9. Những tình huống sỏi niệu quản đặc biệt

Sỏi niệu quản thực tế trên lâm sàng có rất nhiều tình huống, nhiều triệu chứng với các mức độ khác nhau, đòi hỏi bác sĩ phải có kinh nghiệm khám cẩn thận, quyết định biện pháp điều trị tốt nhất cho người bệnh.

Dưới đây là một số tình huống đặc biệt mà bệnh nhân cũng như các nhân viên y tế cần chú ý đặc biệt hơn.

Sỏi niệu quản ở phụ nữ có thai.

Đây là một tình huống lâm sàng khiến bác sĩ cần phải cân nhắc rất nhiều giữa mức độ ảnh hưởng của sỏi, tình trạng thai nhi, khả năng sử dụng thuốc… Kháng sinh nhóm quinolon được coi là kháng sinh đường niệu – tuy nhiên nhóm kháng sinh này lại không được khuyến cáo sử dụng cho trẻ nhỏ, phụ nữ có thai… Sỏi ở phụ nữ có thai cũng là tình huống khá đau đầu khi phải quyết định can thiệp ngoại khoa hay điều trị nội khoa, lựa chọn phương pháp điều trị hiệu quả và ít ảnh hưởng tới thai nhi

Sỏi niệu quản 2 bên; sỏi niệu quản trên thận đơn độc; sỏi niệu quản trên thận chính…

Đây được coi là những tình huống cấp cứu niệu khoa, cần phải theo dõi đặc biệt và xử trí sớm, kịp thời.

Sỏi ở bệnh nhân ghép thận

Đây là tình huống cần phải xử trí rất tinh tế; xử trí cấp cứu.

Sỏi ở bệnh nhân bàng quang tân tạo

Việc lựa chọn can thiệp cần tính tới các tình huống không thể can thiệp được ngược dòng; cần can thiệp xuôi dòng; hoặc chuyển phương pháp khác…

Ở bệnh nhân có niệu quản ra da, bệnh nhân có chuyên lưu nước tiểu theo các phương pháp khác nhau… Việc xử lý sỏi cũng có nhiều chiến lược khác nhau.

10. Lời khuyên quan trọng dành cho bệnh nhân bị sỏi niệu quản

Trong quá trình thực hành lâm sàng, tôi gặp rất nhiều những tình huống có thái độ xử trí chưa đúng, dẫn tới những ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe của người bệnh. Sự sai lầm đó xảy ra ở cả bệnh nhân và ở cả nhân viên y tế. Chúng tôi mong rằng những lời khuyên này sẽ giúp ích thêm cho các bệnh nhân.

Cơn đau do sỏi niệu quản không phải cái nguy hiểm mà sự tắc nghẽn mới là điều nguy hiểm.

Nhiều bệnh nhân sau khi hết đau – nghĩ rằng mình đã hết sỏi, không đi khám lại, không kiểm tra lại. Tình trạng tắc nghẽn vẫn còn và gây giảm chức năng thận từ từ. Nên nhớ rằng, cơn đau do sỏi gây ra là do sự tắc nghẽn “đột ngột”, gây căng bao thận gây đau. Còn những trường hợp sỏi hình thành tại niệu quản, sỏi không triệu chứng… bệnh nhân không đau nhưng tình trạng tắc nghẽn bên thận có sỏi vẫn có, vẫn làm giảm chức năng thận.

Không phải sỏi càng to càng nguy hiểm

Không ít người bệnh và cả gia đình người bệnh có suy nghĩ rằng sỏi càng to thì càng nguy hiểm. Thực tế không phải vậy. Cái nguy hiểm là do bị tắc nghẽn, làm giảm chức năng thận dần dần rồi mất chức năng thận. Vì vậy sự ảnh hưởng của viên sỏi đến sự bài niệu của thận mới là điều cần quan tâm. Có những trường hợp sỏi lớn, nhưng nước tiểu vẫn lách qua, thận ít bị tắc nghẽn… Có trường hợp sỏi nhỏ trên nền hẹp niệu quản, thận bị tắc nghẽn nhiều dẫn tới giảm chức năng nhanh chóng.

“Tôi thấy người này, người kia dùng thuốc ra được sỏi nên tôi cũng muốn dùng thuốc…”

Thực tế tình trạng sỏi của mỗi người là khác nhau. Các bác sĩ cần khám và đánh giá kỹ tình trạng viên sỏi, sự ảnh hưởng của viên sỏi đến quả thận… từ đó mới đưa ra quyết định điều trị tốt nhất.

Website Soitietnieu.com được xây dựng và quản lý bởi Bs Mai Văn Lực. Chúng tôi hỗ trợ khám và điều trị các bệnh lý Ngoại khoa tiết niệu tại các bệnh viện uy tín do các bác sĩ giỏi, giáo sư đầu ngành trực tiếp khám và điều trị. 

Liên hệ:  

0984 260 391 -  
 0886 999 115

Video liên quan

Chủ Đề