Overbilling là gì

Khi nhìn vào Báo cáo tài chính, chúng ta thường để ý nhất là những con số. Những con số có thể biểu thị cho sự thịnh vượng hay nghèo đói nhưng nó cũng có thể cho chúng ta thấy tín hiệu về những vấn đề bất thường trong công ty. Trong bài này, chúng ta sẽ khám phá một số dấu hiệu khả nghi của một công ty dựa trên việc phân tích Báo cáo tài chính.

Ảnh minh họa.

Làm thế nào để đọc một Báo cáo tài chính?

Trước khi chúng ta có thể khoanh vùng khả nghi trên Báo cáo tài chính, chúng ta cần biết đọc Báo cáo tài chính. Rất nhiều người đơn giản chỉ mở ra và tìm kiếm đánh giá trên các chỉ tiêu doanh thu, lợi nhuận hay dòng tiền – điều này là chưa đủ.

Tuy nhiên Báo cáo tài chính còn có những phần khác mà chúng ta nên biết. Về cơ bản, bao gồm 4 thành phần sau:

1. Báo cáo Kiểm toán: Đây là báo cáo được lập bởi kiểm toán viên đưa ra ý kiến của họ về Báo cáo tài chính dựa trên những gì kiểm toán viên thu thập được.

Rất nhiều người khi đọc Báo cáo tài chính thường bỏ qua phần Ý kiến của kiểm toán, trong khi… đây là phần quan trọng đầu tiên mà chúng ta cần chú ý đến!!! Tại sao? Các số liệu trên BCTC sẽ không có ý nghĩa nếu kiểm toán không chắc chắn về tính trung thực của nó.

Hãy xem ý kiến của Kiểm toán viên [KTV] đối với báo cáo của doanh nghiệp ở đây là gì?

Có 4 mức độ hay ý kiến của KTV về tính trung thực của 1 bộ báo cáo. Đó là:

  • Chấp nhận toàn phần
  • Ngoại trừ
  • Không chấp nhận
  • Từ chối.

2. Báo cáo tài chính: Bản thân Báo cáo tài chính đã là một tập hợp các báo cáo nhỏ hơn cung cấp một bức tranh toàn cảnh về dòng tiền trong công ty và vị thế tài chính của công ty đó trong một khoảng thời gian nhất định. Các báo cáo nhỏ hơn có trong Báo cáo tài chính là bảng cân đối kế toán, báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh và báo cáo lưu chuyển tiền tệ.

3. Thuyết minh Báo cáo tài chính: Tài liệu quan trọng để hỗ trợ chúng ta đọc Báo cáo tài chính. Thuyết minh Báo cáo tài chính sẽ giải thích rõ các giao dịch quan trọng ở công ty hoặc chi tiết hơn về các tài khoản kế toán.

4. Ý kiến và phân tích từ ban quản trị: Tương tự như một bản tóm tắt, đây là một lưu ý từ ban quản trị gồm các thông tin hoặc chủ đề mà ban quản trị muốn thông báo tới các cổ đông hoặc người đọc báo cáo. Những lưu ý này của ban quản trị thường là kết luận từ một phần của báo cáo, và xếp ở phần riêng này, vì nó có thể không nhất thiết phải dễ hiểu đối với người đọc. Ở phần này sẽ cung cấp những thông tin vô cùng giá trị để giúp chúng ta xác định lợi nhuận, thanh khoản và dòng tiềng trong công ty; mọi dấu hiệu đều quan trọng để chúng ta thấy được sức khỏe công ty.

Ảnh minh họa.

 Bắt đầu hành trình tìm kiếm Dấu hiệu

Bây giờ chúng ta đã có ý tưởng để đọc Báo cáo tài chính, dưới đây là 6 dấu hiệu mà có thể là những “điểm đen” trên Báo cáo tài chính của công ty.

1. Hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu đang tăng lên: Điều này cho thấy công ty đang sử dụng nợ nhiều hơn cả những gì công ty có.

2. Doanh thu liên tục giảm qua các năm: Nếu công ty có ba hoặc nhiều năm doanh thu sụt giảm, chứng tỏ công ty đã không kinh doanh tốt. Trong khi các biện pháp cắt giảm chi phí, như bỏ các khoản chi tiêu lãng phí và cắt giảm nhân viên, có thể bù đắp cho việc suy giảm doanh thu, nhưng công ty cần phải có sự thay đổi trong kinh doanh trong vòng 3 năm nếu không việc cắt giảm sẽ không mang lại giá trị dài hạn.

3. Khoản mục “Chi phí khác” trên bảng cân đối kế toán lớn bất thường: Các công ty thường có khoản mục “chi phí khác” hay biến động hoặc quá nhỏ để định lượng, đây là điều bình thường trên báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh và bảng cân đối kế toán. Tuy nhiên, nếu khoản mục “chi phí khác” có giá trị cao bất thường, chúng ta nên tìm xem điều gì tạo nên khoản mục “chi phí khác” cao đến như vậy. Và chúng ta có thể dự đoán khoản mục này còn xuất hiện trong tương lai hay không.

4. Dòng tiền thiếu ổn định: Dòng tiền là tín hiệu tốt cho biết tình hình sức khỏe của công ty, dòng tiền giống như một dòng chạy, lên và xuống. Các khoản mục trên báo cáo lưu chuyển tiền tệ cho thấy các giao dịch đang được xử lý nhưng chúng không cho ta biết về các giao dịch xảy ra trong tương lai. Ngược lại, tình trạng thiếu tiền có thể là dấu hiệu việc chưa ghi nhận đúng thực tế [Under-billing/Over-billing] về tình hình kinh doanh của công ty

5. Sự tăng lên của các khoản phải thu và hàng tồn kho có liên quan tới doanh thu: Tiền ở các khoản phải thu hoặc trong hàng tồn kho là các khoản tiền không tạo ra lợi nhuận. Trong khi điều quan trọng là phải có đủ hàng tồn kho để đáp ứng các đơn đặt hàng, tuy nhiên một công ty lại không muốn các khoản phải thu chiếm phần nhiều trong doanh thu hoặc trữ nhiều hàng tồn kho không bán được vì nó gây ra tình trạng ứ động vốn lưu động và làm giảm tính thanh khoản của công ty.

6. Giảm biên lợi nhuận gộp: Đây là thước đo về tính sinh lời của công ty được tính bằng cách lấy lợi nhuận thu được trên doanh thu trong một khoảng thời gian nhất định. Tỷ suất lợi nhuận biên giảm là điểm nên lưu ý.

Biên lợi nhuận thể hiện chi phí sản xuất trực tiếp ra hàng hóa hoặc dịch vụ và biên lợi nhuận cần phải đủ để trang trải chi phí hoạt động như chi phí nợ. Áp dụng chỉ số này cho từng sản phẩm là tiền đề để thiết lập chính sách giá. Ngoài ra cũng nên sử dụng nó trong việc đàm phán các chi phí mua nguyên vật liệu với các nhà cung cấp.

Một doanh nghiệp có một lợi thế cạnh tranh lớn và có 1 bộ máy hiệu quả thì sẽ duy trì biên lợi nhuận ở mức cao trong nhiều năm liền. Lợi thế cạnh tranh sẽ giúp doanh nghiệp có thể duy trì mức giá cao so với giá vốn vì khi có lợi thế cạnh tranh, việc doanh nghiệp tăng giá sẽ không làm ảnh hưởng quá nhiều đến nhu cầu mua của khách hàng.

  • Nếu Biên lợi nhuận gộp lớn hơn 30%, doanh nghiệp có lợi thế cạnh tranh bền vững dài hạn
  • Nếu Biên lợi nhuận gộp nhỏ hơn 30%, sự cạnh tranh đến từ đối thủ khác có thể bào mòn biên lợi nhuận của doanh nghiệp
  • Nếu Biên lợi nhuận gộp nhỏ hơn 10%, khả năng cao doanh nghiệp không có lợi thế cạnh tranh nào

Với góc nhìn của một nhà phân tích thì “đọc hiểu” các con số để mổ xẻ được ý nghĩa đằng sau nó là điều kiện cần để trở thành một nhà phân tích thành công. Nhưng đừng xem xét các con số này một cách riêng lẻ mà hãy đặt chung với việc phân tích ngành , phân tích mô hình kinh doanh để tự xây dựng cách phân tích sâu hơn.

Tài liệu tham khảo:

1. Phân Tích Báo Cáo Tài Chính - Fernando Alvarez, Martin Fridson, NXB Kinh tế TPHCM, 2011.

2. Phân tích Báo cáo tài chính, PGS.TS Nguyễn Ngọc Quang, NXB Tài chính, 2016.

3. Báo Cáo Tài Chính - Hướng Dẫn Từng Bước Hiểu Và Lập Báo Cáo Tài Chính, Thomas R.ITTELSON, NXB Hồng Đức, 2018.

4. Báo Cáo Tài Chính - Phân tích dự báo và định giá, TS. Phạm Thị Thủy, NXB Đại học KTQD, 2018.

5. Giáo trình Phân tích Báo cáo tài chính, GS.TS Nguyễn Văn Công, NXB Đại học KTQD, 2019.

Ths. Nguyễn Thị Thanh Xuân – Giảng viên Khoa Kế toán

Chủ Đề