Phòng phát triển đô thị Sở Xây dựng Hà Nội

[Xây dựng] - Trong năm qua, dù chịu nhiều ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19, Sở Xây dựng TP Hà Nội đã triển khai nhiều nhiệm vụ trọng tâm và đạt những kết quả tích cực. Phóng viên Báo Xây dựng đã có cuộc trao đổi với Giám đốc Sở Xây dựng Võ Nguyên Phong về những kết quả đã thực hiện trong năm qua.

Ông Võ Nguyên Phong

Xin ông cho biết, năm qua ngành Xây dựng Hà Nội đã đạt được những kết quả nổi bật nào?

- Trong bối cảnh đất nước và Thủ đô gặp những khó khăn, thách thức của đại dịch Covid-19, ngành Xây dựng Hà Nội đã tập trung triển khai thực hiện các giải pháp phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội được giao tại Nghị quyết số 15/NQ-HĐND ngày 07/12/2020 của HĐND Thành phố về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; Thực hiện tốt các chương trình công tác, chương trình hành động, các chỉ thị của Thành ủy và UBND Thành phố và Bộ Xây dựng; Đẩy mạnh việc sắp xếp bộ máy theo hướng tinh, gọn, hiệu quả; Siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, tăng cường hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo điều hành; Thực hiện thành công chủ đề năm 2021 “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”; Đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm quản lý nhà nước của Sở về kinh tế, kỹ thuật ngành Xây dựng, từ nhà ở và công sở hạ tầng kỹ thuật đô thị cho đến trật tự xây dựng.

Một số kết quả nổi bật trong lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật đô thị phải kể đến như: Tổng nguồn nước sạch tập trung cung cấp cho khu vực đô thị đạt khoảng 1.570.000 m3/ngđ, cơ bản đáp ứng nhu cầu sử dụng nước cho 100% Nhân dân khu vực đô thị và mở rộng cấp nước cho khu vực nông thôn. Hệ thống thoát nước được duy trì tốt. Sở kiểm tra thường xuyên công tác duy tu, duy trì các công trình thoát nước phòng chống úng ngập.

Đáng chú ý, công tác vệ sinh môi trường được duy trì, đảm bảo rác thải sinh hoạt được thu gom, đường phố sạch sẽ, nhất là trong các dịp lễ, Tết. Đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt phát điện tại Nam Sơn, huyện Sóc Sơn và Xuân Sơn, thị xã Sơn Tây và huyện Ba Vì. Đôn đốc tiến độ thi công, tháo gỡ khó khăn Dự án điện rác 4.000 tấn Sóc Sơn; Tiếp tục đôn đốc tiến độ để khởi công Nhà máy điện rác Seraphin. Kêu gọi đầu tư xây dựng các nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại: Châu Can, huyện Phú Xuyên; Phù Đổng, huyện Gia Lâm; Đồng Ké, huyện Chương Mỹ. Đôn đốc nhà đầu tư hoàn thành dự án đầu tư hệ thống nhà vệ sinh công cộng, thùng rác công nghệ trên địa bàn.

Công tác trồng cây xanh tiếp tục được tăng cường, đến nay, đã trồng được 294 nghìn cây xanh các loại, trong đó có 104.844 cây đô thị. Tiếp tục rà soát trồng mới, cải tạo, chỉnh trang, trồng bổ sung thay thế cây xanh tạo không gian xanh, cảnh quan xanh tại một số tuyến đường có dải phân cách lớn và vỉa hè rộng.

Phát triển nhà ở, quản lý nhà và thị trường BĐS được tiếp tục đẩy mạnh. Đã hoàn thành 6 dự án nhà ở thương mại, 2 dự án nhà ở xã hội, 5 dự án tái định cư.

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Sở là tăng cường quản lý, vận hành nhà chung cư, thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành về công tác quản lý sử dụng nhà chung cư trên địa bàn. Từ đó, giải quyết kịp thời dứt điểm các tranh chấp, khiếu nại trong công tác quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư.

Công tác quản lý trật tự xây dựng đô thị được đảm bảo, Sở Xây dựng đôn đốc hướng dẫn quận, huyện, thị xã. Từ đó, kiểm tra 14.772 công trình [đạt 100% công trình], và phát hiện, thiết lập hồ sơ xử lý đối với 330 trường hợp có vi phạm [tỷ lệ 2,24%], xử lý dứt điểm 222/330 trường hợp vi phạm [tỷ lệ 67,34%].

Đối với chiến lược cải tạo, xây dựng nhà chung cư cũ trên địa bàn Thủ đô được thực hiện như thế nào thưa ông?

- Quá trình triển khai rà soát, đánh giá toàn bộ các chung cư cũ theo các mức tình trạng kỹ thuật để lựa chọn kiểm định đối với chung cư cũ có dấu hiệu nguy hiểm cấp độ D. Kết quả rà soát cho thấy, có 42 chung cư mức 1; 1.449 chung cư mức 2; 88 chung cư mức 3; 25 nhà còn lại đã được cải tạo, sửa chữa đảm bảo an toàn cho người sử dụng.

Sở Xây dựng đã tổ chức kiểm định 401 chung cư. Trong đó: Cấp B có 148 chung cư; cấp C có 245 chung cư; cấp D có 08 chung cư [trong đó 2 nhà cấp D đã hoàn thành cải tạo, xây dựng lại và đưa vào sử dụng là C1 Thành Công và B6 Giảng Võ]. Đến nay, 19 dự án đã hoàn thành đưa vào sử dụng, 14 dự án đang triển khai, các chung cư cũ còn lại chậm triển khai hoặc chưa có nhà đầu tư đề xuất.

Đến nay, trên cơ sở các quy định của Nghị định 69/2021/NĐ-CP, qua nhiều cuộc họp góp ý của các Sở, ngành thành phố và đặc biệt của Bộ Xây dựng; Sở Xây dựng đã hoàn chỉnh Đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn TP Hà Nội. Đề án được Ban Chấp hành đảng bộ Thành phố, Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy thông qua chủ trương và được HĐND Thành phố thông qua tại Nghị quyết số 25/NQ-HĐND ngày 23/9/2021. Thành ủy Hà Nội đã thành lập Ban chỉ đạo cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn Thành phố. Nội dung của Đề án đã xác định 5 quan điểm, mục tiêu với 8 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nhằm đẩy nhanh tiến độ trong công tác cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn TP Hà Nội.

Hà Nội từng bước hiện đại hóa hạ tầng đô thị.

Những năm qua, Thủ đô Hà Nội đã không ngừng phát triển, cải thiện cơ sở hạ tầng, mở rộng quy mô cả về diện tích và dân số. Vậy công tác quy hoạch, phát triển thị trường BĐS được Sở Xây dựng quản lý như thế nào, thưa ông?

- Sở Xây dựng đã hướng dẫn các nhà đầu tư dự án xây dựng nhà ở về các thủ tục như: Thủ tục chuyển nhượng dự án; Thủ tục thông báo bán nhà ở hình thành trong tương lai; Việc bỏ quy định bán nhà phải thông qua sàn giao dịch; Mở rộng phạm vi hoạt động kinh doanh BĐS cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài, cá nhân nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam, DN FDI được mua nhà ở nhằm thu hút nguồn lực đầu tư nước ngoài, phù hợp tiến trình hội nhập quốc tế, góp phần thúc đẩy thị trường BĐS phát triển; Việc đầu tư xây dựng các dự án BĐS, nhà ở phải bảo đảm phù hợp quy hoạch và phải theo kế hoạch được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, nhằm khắc phục tình trạng đầu tư tự phát theo phong trào, không sát nhu cầu thực tế dẫn đến mất cân đối, lệch pha cung - cầu hàng hóa BĐS...

Bên cạnh đó, để góp phần minh bạch thị trường, cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác về các dự án nhà ở thương mại, dự án nhà ở xã hội… Sở Xây dựng thường xuyên, liên tục cập nhật danh sách các dự án nhà ở thương mại đủ điều kiện đưa vào kinh doanh, dự án đảm bảo về an ninh, quốc phòng cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài được mua tại Thủ đô cũng như danh sách khách hàng ký hợp đồng mua nhà ở xã hội… trên website của Sở để người dân được biết.

Thông qua việc triển khai thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, kịp thời Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh BĐS và các quy định pháp luật khác có liên quan đến thị trường BĐS như Luật Xây dựng, Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Sở Xây dựng đã góp phần làm minh bạch thị trường BĐS, thúc đẩy thị trường phát triển, xứng tầm với tầm vóc Thủ đô của cả nước.

Ông có thể chia sẻ một số phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm của Sở Xây dựng năm 2022?

- Năm 2022, Sở Xây dựng tập trung hoàn thành xây dựng Chương trình phát triển nhà ở thành phố giai đoạn 2021 - 2030 và định hướng đến năm 2040. Triển khai thực hiện Kế hoạch phát triển nhà ở của thành phố giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030.

Tăng cường kiểm tra, giám sát xây dựng theo quy hoạch, theo giấy phép xây dựng tại các công trình, nhà ở; tăng cường xử lý các vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn Thành phố đặc biệt trên đất nông nghiệp, lâm nghiệp, đất công, đất bãi bồi ven sông, đất rừng phòng hộ. Đánh giá việc chuyển đổi mô hình đội quản lý trật tự xây dựng, đề xuất cơ chế quản lý, phối hợp, tổng hợp thông tin trong lĩnh vực này.

Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành khai thác sử dụng nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt phát điện Nam Sơn, huyện Sóc Sơn, đảm bảo tiến độ xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt phát điện Xuân Sơn, thị xã Sơn Tây và huyện Ba Vì. Tập trung nghiên cứu các giải pháp tháo gỡ, đẩy nhanh tiến độ cho các dự án nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt phía nam Hà Nội [núi Thoong - Chương Mỹ; Châu Can - Phú Xuyên]…

Trân trọng cảm ơn ông!

Link gốc:

Căn cứ theo Chương trình số 03/2021-CTr/TU về “Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị TP Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025”, Thành ủy Hà Nội giao nhiệm vụ cho Sở Xây dựng phối hợp với các Sở, ngành, UBND quận, huyện, thị xã đầu tư xây dựng 2 - 3 khu đô thị mới theo định hướng thông minh.

Theo đó, đến thời điểm hiện tại, một số khu đô thị thông minh được UBND TP Hà Nội cấp giấy chứng nhận chủ trương đầu tư, tỷ lệ diện tích đã được giải phóng mặt bằng ở mức khá cao.

Hà Nội đẩy nhanh tiến độ xây dựng các đô thị thông minh.

Cụ thể, dự án Khu đô thị mới Tây Mỗ - Đại Mỗ - Vinhomes Park [quận Nam Từ Liêm] đã cơ bản hoàn thành giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng kỹ thuật và các công trình kiến trúc [đạt khoảng 70% khối lượng];

Dự án Khu đô thị tại các xã Xuân Canh, Đông Hội, Mai Lâm [huyện Đông Anh] đang giải phóng mặt bằng [đạt khoảng 80%], chưa triển khai đầu tư xây dựng, nhà đầu tư đang thực hiện thủ tục về giao đất.

Đáng chú ý nhất là dự án Thành phố thông minh [huyện Ðông Anh], do liên danh nhiều nhà đầu tư thực hiện, với mức đầu tư khoảng 4,2 tỷ USD, cũng được các cấp, ngành của TP tập trung giải quyết những thủ tục đầu tư xây dựng liên quan, phấn đấu đến tháng 6/2022 khởi công một phần của dự án.

Hiện nay, UBND TP Hà Nội tiếp tục giao các Sở, ngành, cơ quan liên quan và UBND quận, huyện, thị xã tiếp tục đẩy mạnh tiến độ giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án đô thị thông minh; đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu hợp nhất về quản lý quy hoạch, kiến trúc, xây dựng, phát triển đô thị trên địa bàn, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển đô thị thông minh.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Chỉ thị số 02/2022/CT-TTg về phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, giao Bộ Xây dựng phối hợp với Bộ Thông tin Truyền thông đánh giá sơ kết tình hình triển khai đô thị thông tinh tại Việt Nam, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 6/2022. Mới đây, Bộ Xây dựng cũng ban hành văn bản 1683/BXD-PTDT gửi UBND các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư về việc báo cáo tình hình triển Đề án “Đô thị thông minh”.

Trên cơ sở đó, Bộ Xây dựng đề nghị các địa phương chỉ đạo cơ quan liên quan báo cáo tình hình phát triển đô thị thông minh tại địa bàn trước và sau khi ban hành Quyết định số 950/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025, định hướng đến năm 2030” gửi về Bộ Xây dựng trước ngày 30/5/2022 để báo cáo Thủ tướng Chính phủ đúng hạn.

Video liên quan

Chủ Đề